Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG GIÀ TRA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẦN BA  

Nhất Thiết Dũng! Có người nào, có thể đếm số hạt vừng đó không?

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Không thể đếm được, thưa Thế Tôn!

Như Lai Liên Hoa Tạng bảo Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Nếu số hạt vừng đó, Chư Phật Như Lai đem nói về công đức của người nghe Kinh thì không bao giờ hết, huống nữa là biên chép, đọc tụng.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Biên chép được phước gì?

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Ví như cát bụi, cây cỏ, nhánh lá trong tam thiên đại thiên Thế Giới, đem ra để đếm phước đức của Chuyển Luân Vương, như vậy số phước đức của Chuyển Luân Vương đó, có thể đếm được không?

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng thưa: Không thể đếm được, thưa Thế Tôn!

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Người nghe pháp này, phước đức còn nhiều hơn cả phước đức của tất cả Chuyển Luân Vương. Chỉ chép một chữ, trong pháp môn này thôi thì công đức còn hơn phước đức của tất cả Chuyển Luân Vương.

Như vậy, này thiện nam! pháp môn này, thâu giữ tất cả chánh pháp của đại thừa, không thể đem phước đức của Luân Vương ra để ví dụ.

Như vậy, này Nhất Thiết Dũng! Công đức của pháp môn này không thể thí dụ. Pháp môn này có khả năng chỉ bày Pháp Tạng diệt trừ các phiền não, đuốc sáng pháp lớn, hàng phục các ma ác, chiếu sáng mọi nhà của Bồ Tát và nói tất cả pháp.

Khi ấy, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người hành phạm hạnh thật là hiếm có!

Vì sao?

Vì hành phạm hạnh theo Như Lai là rất khó.

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Đúng vậy! Này thiện nam! Phạm hạnh khó được. Nếu hành phạm hạnh thì ngày hay đêm thường thấy Như Lai. Nếu thấy Như Lai thì thấy nước Phật. Nếu thấy nước Phật thì là thấy pháp tạng. Thiện Nam đó, khi sắp lâm chung, tâm không sợ hãi, không thọ thai sinh, không bị ưu não, không bị sông ái nhận chìm.

Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Như Lai ra đời là rất khó được gặp.

Nhất Thiết Dũng thưa: Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đúng vậy, thưa Thiện Thệ! Như Lai ra đời, rất khó được gặp.

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Pháp này khó gặp cũng lại như vậy. Nếu có người nghe pháp môn này, lọt vào tai. Thì tám mươi kiếp tự biết được túc mạng, sáu mươi ngàn kiếp làm Chuyển Luân Vương, tám ngàn kiếp làm Thiên Đế Thích. Hai mươi lăm ngàn kiếp, làm Trời Tịnh Cư. Ba mươi tám ngàn kiếp làm Đại Phạm Thiên.

Chín mươi chín ngàn kiếp, không đọa vào đường ác. Một trăm ngàn kiếp, không đọa vào ngạ quỷ, hai mươi tám ngàn kiếp không đọa súc sanh. Mười ba ức trăm ngàn kiếp, không đọa vào A Tu La, Đao Kiếm không thể làm thương tổn. Hai mươi lăm ngàn kiếp không sinh ngu si. Bảy ngàn kiếp, đầy đủ trí tuệ. Chín ngàn kiếp,sinh vào nơi đoan chánh đầy đủ sắc đẹp như thân Như Lai.

Mười lăm ngàn kiếp, không làm thân nữ. Mười sáu ngàn kiếp, thân không bệnh tật ưu não. Ba mươi lăm ngàn kiếp, thường được thiên nhãn. Mười chín ngàn kiếp, không sinh vào loài rồng. Sáu ngàn kiếp, tâm không sân hận.

Bảy ngàn kiếp không sinh vào nhà nghèo cùng. Tám mươi ngàn kiếp thường làm chủ hai thiên hạ, thọ hưởng vui sướng đến cùng. Mười hai ngàn kiếp không bị đui mù. Mười ba ngàn kiếp không bị tai điếc.

Mười một ngàn kiếp tu hạnh nhẫn nhục. Khi lâm chung thức hành liền diệt, không khởi lên tưởng điên đảo, không sinh sân hận, thấy hằng hà sa Chư Phật Như Lai ở phương Đông.

Diện kiến hai mươi ức Phật ở phương Nam. Diện kiến hai mươi lăm hằng hà sa Chư Phật ở phương Tây. Diện kiến tám mươi hằng hà sa Chư Phật Như Lai ở phương Bắc. Diện kiến chín mươi ức hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn ở phương trên. Diện kiến trăm ức hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn ở phương dưới.

Này thiện nam! Chư Phật Thế Tôn ấy, an ủi người này: thiện nam! Ông chớ sợ hãi, vì ông đã nghe và lãnh thọ pháp môn Tăng Già Tra rồi.

Thiện Nam! Ông có thấy hằng hà sa trăm ngàn ức Phật Thế Tôn như thế không?

Dạ vâng! Con đã thấy.

Thế Tôn bảo: Các Đức Như Lai này, muốn đến thấy ông.

Thiện Nam này thưa: Con tạo việc thiện gì, mà Chư Phật muốn thấy con?

Chư Phật bảo: Này thiện nam! Trong chúng hội, ông đã từng nghe pháp môn Tăng Già Tra, cho nên Chư Phật muốn đến thấy ông.

Thiện Nam này bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con ít có nghe đến phước như vậy, huống gì là thọ trì Kinh này một cách đầy đủ.

Đức Phật kia bảo: Này thiện nam! Ông chớ nói như thế. Nghe bốn câu kệ là đã được tất cả các công đức. Ta nay sẽ nói về việc đó.

Thiện Nam! Ví như phước đức của mười ba hằng hà sa Chư Phật Như Lai, đem so với phước đức của người nghe pháp môn này, cũng không bằng. Nếu có người cúng dường mười ba hằng hà sa Chư Phật Như Lai, đem so với người chỉ nghe từ một cho đến bốn câu trong pháp môn này thì phước này hơn kia rất nhiều, huống nữa là nghe đầy đủ.

Phật lại bảo Nhất Thiết Dũng: Này Nhất Thiết Dũng! Ví như hạt vừng có đầy cả tam thiên đại thiên Thế Giới, đem số hạt vừng đó để tính về Chuyển Luân Vương. Nếu có người cúng dường cho các vị Chuyển Luân Vương như vậy, không bằng cúng dường một vị Tu Đà Hoàn.

Nếu cúng dường tất cả Tu Đà Hoàn trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng cúng dường một vị Tư Đà Hàm. Nếu cúng dường tất cả Tư Đà Hàm trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng cúng dường một vị A Na Hàm.

Nếu cúng dường tất cả A Na Hàm trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng cúng dường một vị A La Hán. Nếu cúng dường tất cả A La Hán trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng cúng dường một vị Bích Chi Phật.

Nếu cúng dường tất cả Bích Chi Phật trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng cúng dường một vị Bồ Tát. Nếu cúng dường tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát trong tam thiên đại thiên Thế Giới, phước đó không bằng khởi tâm thanh tịnh đối trước một Đức Như Lai.

Nếu đối trước tam thiên đại thiên Thế Giới Như Lai, sinh tâm thanh tịnh, phước đó không bằng công đức của người phàm phu nghe pháp môn này. Huống nữa là biên chép, đọc tụng, thọ trì.

Nhất Thiết Dũng! Huống lại có người, nhớ nghĩ Kinh này, với tâm thanh tịnh.

Nhất Thiết Dũng! Ý ông nghĩ sao?

Như có người, không có khả năng, mà muốn vượt qua biển cả, có được không?

Nhất Thiết Dũng thưa: Không thể, thưa Thế Tôn!

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Ý ông nghĩ sao?

Như có người phàm phu dùng tay múc nước mà có thể làm khô biển cả được không?

Nhất Thiết Dũng thưa: Không được, thưa Thế Tôn!

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Người ưa pháp nhỏ, cũng lại như vậy, không thể lãnh thọ pháp môn này.

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu chưa từng thấy mười tám ức hằng hà sa Chư Phật Như Lai thì không thể biên chép pháp môn này. Nếu chưa từng thấy chín mươi ức hằng hà sa các Như Lai thì không thể nghe pháp môn này.

Nếu người đã từng thấy trăm ngàn ức Như Lai thì được nghe pháp môn này, mà không sinh hủy báng. Nếu có người, từng thấy trăm ngàn ức hằng hà sa Như Lai khi nghe pháp môn này, có thể sinh lòng tin thanh tịnh, khởi lên tưởng như thật, không sinh phỉ báng.

Nhất Thiết Dũng! Nếu có người hoặc nghe, hoặc chép, từ một cho đến bốn câu trong pháp môn này thì người ấy qua chín mươi lăm ức ngàn Thế Giới, Quốc Độ của người này cũng như Quốc Độ của Phật A Di Đà, thọ mạng của các chúng sinh ấy, đến tám vạn bốn ngàn kiếp.

Nhất Thiết Dũng! Nếu các chúng sinh tạo tội ngũ nghịch, được các Bồ Tát đã từng nghe bốn câu kệ trong pháp môn này chỉ dạy, nghe rồi, tùy hỷ lãnh thọ từ một cho đến bốn câu thì có thể tiêu trừ các tội nghiệp.

Đức Thế Tôn lại bảo Nhất Thiết Dũng: Xưa có người phá tháp hoại Tăng, làm kinh động đến Bồ Đề Tát đỏa Tam Muội, hoại diệt pháp Phật, giết hại cha mẹ.

Sau khi hành động như vậy rồi, sinh tâm hối hận: Ta mất hết niềm vui cả đời này và đời sau phải chịu khổ một kiếp trong đường ác. Chịu mọi ưu sầu, thọ bao nổi thống khổ.

Nhất Thiết Dũng! Hạng người như vậy, tất cả người đời đều cho là giặc ác, người này đã đánh mất hết pháp thế gian và xuất thế gian. Chúng sinh này, trong vô lượng kiếp cũng như cây bị đốt cháy, không thể sống lại.

Ví như xây dựng nhà thì không thể dùng những loại cây bị cháy này, mà trang nghiêm.

Người này cũng vậy, đời này và đời sau, hễ sinh ra nơi nào cũng đều bị mọi người khinh chê chửi đánh, hủy nhục, không cho ăn uống. Người này luôn chịu đói khát, bị đánh đập, khổ não.

Đến khi đó, mới tự nghĩ: Ta tạo tội nghịch, phá tháp hoại tăng, vậy nay ta đi về đâu?

Ai có thể cứu ta?

Chỉ còn cách là vào núi tự diệt thân này, không còn ai cứu ta nữa rồi!

Người ấy nói kệ:

Ta tạo nghiệp bất thiện

Giống như cây bị cháy

Đời này không dùng được

Đời sau cũng như vậy

Không trang nghiêm trong nhà

Mà bên ngoài cũng vậy.

Nhân ác tạo nghiệp ác

Do đó đọa đường ác

Đời sau chịu đau khổ

Không biết ở nơi đâu.

Chư Thiên nghe có tiếng

Sầu thảm não của ta

Không có ai cứu giúp

Nhất định đọa địa ngục.

Tự tạo nghiệp bất thiện

Thì chuốc lấy đau khổ

Ta không nơi nương tựa

Ắt phải chịu khổ đau.

Giết cha mẹ, hoại pháp

Gây ra nghiệp ngũ nghịch

Vậy nay lên núi cao

Gieo mình cho tan nát.

Khi ấy Chư Thiên bảo

Chớ đi! Người ngu kia

Đừng tạo nghiệp bất thiện

Ngươi gây nhiều ác nữa!

Tạo rồi nay hối hận

Tự giết hại chính mình

Ắt chịu khổ địa ngục

Tức thời rơi xuống đất.

Như tên sầu bắn đi!

Không dùng tinh tấn này

Để được thành Phật Đạo

Đã không được Bồ Tát.

Không được quả Thanh Văn

Thì khởi tinh tấn khác

Ngươi đến chỗ Tiên Thánh

Diện kiến đại Thánh chủ.

Đảnh lễ bậc Tiên ấy

Xin cứu khổ chúng sinh

Khéo cho con lợi ích

Sợ hãi không an ổn.

Nghe rồi, Tiên Nhân bảo

Ngươi ngồi đây tạm nghe

Sợ hãi khổ không an

Ăn năn việc đã làm.

Tiên Nhân bảo: Ta cho ngươi ăn, ngươi cứ ăn đi. Lo sầu, khổ não, đói khát, sợ hãi. Không phải là chỗ nương tựa của thế gian. Ta cho ngươi ăn, ngươi cứ ăn. Rồi sau đó ta nói pháp cho ngươi, khiến tội nghiệp được tiêu trừ. Được Tiên Nhân cho ăn, người kia ăn rồi rửa tay, nhiễu quanh rồi, đến quỳ trước Tiên Nhân.

Tiên Nhân bảo: Ngươi hãy kể lại nghiệp ác mà ngươi đã làm.

Người ấy liền kể: Con đã giết cha mẹ, phá tháp, hoại tăng, nhiễu loạn tam muội của Bồ Tát, phá hoại pháp Phật.

Đợi cho người kia kể xong, Tiên Nhân bảo: Ngươi làm việc bất thiện, gây ra nghiệp ác này, tự làm và dạy người khác làm các nghiệp bất thiện. Vậy, nay ngươi nên sám hối.

Nghe Phật nói thế, người ấy tâm sợ hãi khóc lóc thưa: Ai cứu giúp con?

Con tạo nghiệp ác nhất định chịu khổ báo.

Nói xong quỳ dài thưa: Con tự tạo nghiệp, bảo người làm, xin chớ để cho con chịu khổ báo bất thiện, chớ để con phải chịu khổ, cúi xin Đại Tiên Nhân cứu giúp, con nguyện suốt đời làm tôi tớ cho Tiên Nhân, những việc bất thiện của con, xin được tiêu diệt.

Khi ấy, Tiên Nhân an ủi người ấy: Ngươi chớ có sợ hãi, ta sẽ cứu giúp ngươi, để ngươi được nhẹ tội. Vậy nay ngươi hãy lắng nghe pháp.

Ngươi đã từng nghe pháp môn Tăng Già Tra chưa?

Con chưa từng nghe, thưa Tiên Nhân!

Tiên Nhân nói: Người bị lửa thiêu. Ai là người có thể vì người ấy mà nói pháp, chỉ có bậc đại bi mới có thể nói.

Khi ấy, Tiên Nhân bảo người kia: Thuở xưa, vô số A tăng kỳ kiếp, lúc đó có Vua tên là Tịnh Nguyệt, trị thế đúng pháp.

Này thiện nam! Lúc đó Vua Tịnh Nguyệt sinh được một Thái Tử, Vua cho mời các thầy xem tướng Bà La Môn đến hỏi: Đứa bé này có những tướng gì?

Thầy tướng liền tâu: Tâu Đại Vương! Thái Tử có tướng không tốt, sinh Thái Tử này ắt sẽ có chuyện bất tường.

Vua nói: Ngươi cứ nói ra đi.

Thầy tướng tâu: Tâu Đại Vương! Thái Tử đến năm bảy tuổi, sẽ hại cha mẹ.

Nghe Thầy tướng nói thế, Nhà Vua nói: Chẳng thà giết ta, chứ không giết con ta, thân người khó được, tu vô lượng kiếp mới được thần người, vậy không nên đem thân này mà giết người và vật.

Lúc này, Thái Tử chỉ mới một tháng mà như đứa bé một tuổi, Vua biết Thái Tử sẽ giết mình.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần