Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðế Thích Sở Vấn - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN  

PHẦN HAI  

Thiên Chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ câu trả lời Thế Tôn, liền hỏi câu hỏi tiếp: Bạch Thế Tôn, tật đố, xan tham, do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố, xan tham có mặt?

Cái gì không có mặt, thì tật đố xan tham không có mặt?

Này Thiên Chủ, tật đố và xan tham do ưa ghét làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sanh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì tật đố, xan tham có mặt. Ưa ghét không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt.

Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì?

Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ưa ghét có mặt?

Cái gì không có mặt thì ưa ghét không có mặt?

Này Thiên Chủ, ưa ghét do dục làm nhân duyên, do dục làm tập khởi, dục khiến chúng sanh khởi, dục khiến chúng hiện hữu. Dục có mặt thì ưa ghét có mặt. Dục không có mặt thì ưa ghét không có mặt.

Bạch Thế Tôn, nhưng dục do nhân duyên gì, do tập khởi gì?

Cái gì khiến dục sanh khởi, cái gì khiến dục hiện hữu?

Cái gì có mặt thì dục có mặt?

Cái gì không có mặt thì dục không có mặt?

Này Thiên Chủ, dục do tầm làm nhân duyên, do tầm làm tập khởi. Tầm khiến dục sanh khởi, tầm khiến dục hiện hữu. Tầm có mặt thì dục có mặt. Tầm không có mặt thì dục không có mặt.

Bạch Thế Tôn, tầm lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi?

Cái gì khiến tầm sanh khởi, cái gì khiến tầm hiện hữu?

Cái gì có mặt thì tầm có mặt?

Cái gì không có mặt thì tầm không có mặt?

Này Thiên Chủ, tầm lấy cái loại vọng tưởng hý luận làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm sanh khởi, các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm hiện hữu.

Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì tầm có mặt. Do các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì tầm không có mặt.

Bạch Thế Tôn, vị Tỳ Kheo phải chứng đạt như thế nào?

Phải thành tựu con đường nào thích hợp và hướng dẫn diệt trừ các loại vọng tưởng hý luận?

Này Thiên Chủ, ta nói hý luận có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói ưu cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói xả cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại hỷ nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời hỷ ấy cần phải tránh xa.

Ở đây loại hỷ nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời hỷ ấy nên thân cận. Ở đây, có hỷ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ. Có hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên Chủ, ta nói hỷ có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, ta nói ưu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời ưu ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời ưu ấy nên thân cận. Ở đây, có ưu câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên Chủ, ta nói ưu là hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, ta nói xả cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại xả nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời xả ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại xả nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời xả ấy nên thân cận. Ở đây, có xả câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng xả có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, vị Tỳ Kheo phải chứng đạt như vậy, phải thành tựu con đường như vậy, mới thích hợp và hướng dẫn đến sự diệt trừ các vọng tưởng hý luận. Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên Chủ Sakka.

Sung sướng, Thiên Chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:

Như vậy là phải, bạch Thế Tôn!

Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ!

Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con được diệt tận, do dự của con được tiêu tan.

Thiên Chủ Sakka, sau khi hoan hỷ tín thọ câu trả lời của Thế Tôn liền hỏi câu hỏi tiếp: Bạch Thế Tôn, vị Tỳ Kheo phải thành tựu như thế nào, phải thành tựu biệt giải thoát luật nghi như thế nào?

Này Thiên Chủ, ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng tầm cầu có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại thân hành nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với thân hành này, bất thiện pháp tăng tướng, thiện pháp suy giảm, thì thân hành ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại thân hành nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với thân hành này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thì thân hành ấy cần phải thân cận.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại cần thân cận, một loại cần tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy?

Ở đây, loại khẩu hành nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với khẩu hành này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thì khẩu hành ấy phải tránh xa.

Ở đây, loại khẩu hành nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với khẩu hành này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thì khẩu hành ấy cần phải thân cận.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng tầm cầu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy.

Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy?

Ở đây loại tầm cầu nào có thể biết được: Khi tôi thân cận với tầm cầu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thì loại tầm cầu ấy cần phải tránh xa.

Ở đây, loại tầm cầu nào có thể biết được: Khi tôi thân cận loại tầm cầu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thì loại tầm cầu ấy nên thân cận.

Này Thiên Chủ, ta nói rằng tầm cầu có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.

Này Thiên Chủ, vị Tỳ Kheo phải thành tựu như vậy, phải thành tựu biệt giải thoát luật nghi như vậy!

Ðó là hình thức Thế Tôn trả lời câu hỏi Thiên Chủ Sakka.

Sung sướng, Thiên Chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói: Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ con được diệt tận, do dự con được tiêu tan.

Thiên Chủ Sakka, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn liền hỏi câu hỏi tiếp: Bạch Thế Tôn, vị Tỳ Kheo phải thành tựu như thế nào, phải thành tựu hộ trì các căn như thế nào?

Này Thiên Chủ, sắc do mắt phân biệt. Ta nói rằng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.

Này Thiên Chủ, tiếng do tai phân biệt hương do mũi phân biệt vị do lưỡi phân biệt xúc do thân phân biệt Này Thiên Chủ, pháp do ý phân biệt, ta nói rằng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.

Ðược nghe như vậy, Thiên Chủ Sakka bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, vấn đề Thế Tôn nói một cách tóm tắt được con hiểu một cách rộng rãi.

Bạch Thế Tôn, loại sắc do mắt phân biệt, khi con thân cận mà bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời loại sắc do mắt phân biệt ấy nên tránh xa.

Bạch Thế Tôn, loại sắc nào do mắt phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời loại sắc do mắt phân biệt ấy nên thân cận.

Bạch Thế Tôn, loại tiếng nào do tai phân biệt loại hương nào do mũi phân biệt loại vị nào do lưỡi phân biệt loại xúc nào do thân phân biệt loại pháp nào do ý phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời loại pháp ấy nên tránh xa.

Bạch Thế Tôn, loại pháp nào do ý phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời loại pháp ấy nên thân cận.

Bạch Thế Tôn, vấn đề Thế Tôn nói một cách tóm tắt, được con hiểu một cách rộng rãi. Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con tiêu tan, do dự của con diệt tận.

Như vậy sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka lại hỏi câu hỏi tiếp: Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một tư tưởng, đồng một giới hạnh, đồng một mong cầu, đồng một chí hướng?

Này Thiên Chủ, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng!

Bạch Thế Tôn, vì sao cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng?

Này Thiên Chủ, Thế Giới này gồm có nhiều loại giới, nhiều giới sai biệt. 

Trong Thế Giới gồm có nhiều loại giới và nhiều giới sai biệt này, các loại hữu tình tự nhiên thiên chấp một loại giới nào, và khi đã thiên chấp, trở thành kiên trì, cố thủ, với định kiến:  Ðây là sự thật, ngoài ra toàn là si mê.

Do vậy, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một cứu cánh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng.

Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích?

Này Thiên Chủ, tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích.

Bạch Thế Tôn, vì sao tất cả Sa Môn, Bà La Môn, không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích?

Này Thiên Chủ, chỉ những vị Sa Môn Bà La Môn nào đã giải thoát tham ái, những vị ấy mới đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích.

Do vậy, tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích. Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên Chủ Sakka.

Sung sướng, Thiên Chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói: Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ con được diệt tận, do dự con được tiêu tan.

Thiên Chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn liền hỏi câu tiếp: Bạch Thế Tôn, tham ái là bệnh tật, tham ái là mụn nhọt, tham ái là mũi tên, tham ái dắt dẫn con người tái sanh đời này, đời khác, khiến con người khi cao, khi thấp.

Bạch Thế Tôn, trong khi các Sa Môn, Bà La Môn khác ngoài giáo phái của Ngài không cho con dịp để hỏi những câu hỏi, thời Thế Tôn lại trả lời những câu hỏi ấy cho con, giảng giải rất lâu cho con, khiến mũi tên nghi ngờ, do dự của con được Thế Tôn rút nhổ đi.

Này Thiên Chủ, ngươi có biết những câu hỏi ấy cũng được ngươi hỏi các vị Sa Môn, Bà La Môn khác không?

Bạch Thế Tôn, con được biết những câu hỏi ấy cũng được con hỏi các vị Sa Môn, Bà La Môn khác.

Này Thiên Chủ, những vị ấy trả lời với ngươi như thế nào, nếu không gì trở ngại hãy nói cho biết.

Bạch Thế Tôn, không gì trở ngại cho con, khi Thế Tôn ngồi nghe hay những vị như Thế Tôn. Này Thiên Chủ, vậy ngươi hãy nói đi.

Bạch Thế Tôn, những vị Sa Môn, Bà La Môn mà con nghĩ là những vị sống trong rừng an tịnh, xa vắng, con đi đến những vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy.

Các vị này không trả lời cho con, không trả lời lại hỏi ngược con: Tôn Giả tên gì?

Ðược hỏi vậy con trả lời: Chư Hiền giả, tên là Thiên Chủ Sakka.

Rồi những vị ấy lại hỏi thêm con câu nữa: Do công việc gì Tôn Giả Thiên Chủ lại đến chỗ này?

Con liền giảng cho những vị ấy chánh Pháp như con đã được nghe và đã được học.

Chỉ được từng ấy, các vị hoan hỷ và nói: Chúng tôi đã được thấy Thiên Chủ Sakka.

Những điều gì chúng tôi hỏi, vị ấy đều trả lời cho chúng tôi. Không những vậy, các vị này trở thành đệ tử của con, chớ không phải con là đệ tử của các vị ấy.

Bạch Thế Tôn, nhưng con là đệ tử của Thế Tôn, đã chứng Dự Lưu, không còn bị rơi vào đọa xứ, chắc chắn sẽ được giác ngộ.

Này Thiên Chủ, ngươi có biết trước kia ngươi không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được sự hỷ lạc như vậy?

Bạch Thế Tôn, trước kia con không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được an lạc như vậy.

Này Thiên Chủ, như thế nào, ngươi biết được trước kia không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được sự hỷ lạc như vậy?

Bạch Thế Tôn, thuở xưa, một trận chiến tranh xẩy ra giữa Chư Thiên và các vị Asurà.

Bạch Thế Tôn, trong trận chiến tranh này, Chư Thiên thắng trận, các loài Asurà bại trận.

Bạch Thế Tôn sau khi thắng trận, con là người thắng trận, con suy nghĩ: Nay Cam Lồ của Chư Thiên và Cam Lồ của Asurà, cả hai loại Cam Lồ, Chư Thiên sẽ được nếm.

Bạch Thế Tôn, thoải mái ấy, hỷ lạc ấy do gậy trượng đem lại, do đao kiếm đem lại, không đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn, thoải mái này, hỷ lạc này nhờ nghe chánh Pháp Thế Tôn đem lại, không do gậy trượng, không do đao kiếm, sẽ đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn.

Này Thiên Chủ, khi ngươi cam thọ sự thoải mái và hỷ lạc như vậy, ngươi cảm thấy những lợi ích gì?

Bạch Thế Tôn, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy, con cảm thấy có sáu lợi ích như sau:

Nay con đứng tại đây,

Với thân một vị Thiên.

Con thấy được tái sanh,

Bạch Ngài, hãy biết vậy.

Bạch Thế Tôn đó là điều lợi thứ nhất con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái hỷ lạc như vậy.

Sau khi chết con bỏ,

Thân Chư Thiên, phi nhân,

Không muội lược, con đi,

Ðến bào thai con thích.

Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ hai, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.

Câu hỏi được đáp rõ,

Hoan hỷ trong chánh giáo.

Con sống với chánh trí,

Giác tỉnh và chánh niệm.

Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi thứ ba, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.

Con sống với chánh trí,

Sẽ được quả bồ đề,

Sống làm vị Chánh Giác,

Ðời này đời cuối cùng.

Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ tư, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.

Chết từ thân con người,

Con từ bỏ thân người,

Con sẽ thành Chư Thiên,

Trong Thiên Giới Vô Thượng.

Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ năm, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái, và hỷ lạc như vậy.

Thù thắng hơn Chư Thiên,

Akanittha danh xưng,

Sống đời sống cuối cùng,

Như vậy nơi an trú.

Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ sáu, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.

Tâm tư không thỏa mãn,

Nghi ngờ và do dự,

Con sống cầu Như Lai,

Thời gian khá lâu dài!

Con nghĩ các Sa Môn,

Sống một mình cô độc,

Là bậc chánh Ðẳng Giác,

Nghĩ vậy con tìm gặp.

Làm thế nào thành công?

Làm thế nào thất bại?

Ðược hỏi câu hỏi vậy?

Không thể chỉ đường hướng.

Biết con là Sakka,

Bậc Thiên Chủ, đã đến!

Họ liền gạn hỏi con,

Ðến đây có việc gì?

Con liền giảng chánh pháp,

Con cho họ được nghe.

Hoan hỷ, họ bèn nói:

Vàsava làm họ thấy!

Khi con được thấy Phật,

Nghi ngờ đều tiêu tan.

Nay con sống vô úy,

Hầu hạ bậc chánh Giác.

Mũi tên độc tham ái,

Ðấng chánh giác nhổ lên,

Con đảnh lễ Ðại Hùng,

Bậc thân tộc Mặt Trời.

Tôn Giả như Phạm Thiên,

Nay con đảnh lễ Ngài,

Nay con kính lễ Ngài!

Ngài là bậc chánh Giác,

Bậc Đạo Sư Vô Thượng,

Trong đời kể Chư Thiên,

Không ai so sánh Ngài!

Rồi Thiên Chủ Sakka nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà: Này khanh Pancasikha, ngươi đã giúp ta nhiều việc. Trước nhờ ngươi làm Thế Tôn bằng lòng, sau khi ngươi làm cho bằng lòng, ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, chánh Ðẳng Giác.

Ta sẽ đóng vai trò thân phụ cho ngươi, ngươi sẽ là Vua loài Càn Thát Bà.

Ta sẽ cho ngươi Bhaddà Suriya Vaccasà, người mà ngươi ao ước.

Rồi Thiên Chủ Sakka, lấy tay sờ đất, đọc lên ba lần bài kệ cảm hứng như sau:

Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,

Bậc La Hán, chánh Giác!

Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,

Bậc La Hán, chánh Giác!

Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,

Bậc La Hán, chánh Giác!

Khi lời tuyên thuyết này được tụng đọc, pháp nhãn thanh tịnh vô cấu, khởi lên cho Thiên Chủ Sakka: Phàm pháp gì tập sanh, pháp ấy sẽ bị hoại diệt. Ngoài ra, tám vạn Chư Thiên cũng chứng quả tương tự.

Ðó là những câu hỏi, Thiên Chủ Sakka được mời hỏi và được Thế Tôn trả lời. Do vậy, cuộc đối thoại này cũng được gọi là những câu hỏi của Sakka Đế Thích sở vấn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường