Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG GIÀ TRA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẦN BỐN  

Khi ấy, Vua Tịnh Nguyệt truyền ngôi lại cho Thái Tử và căn dặn như vậy: Ngươi cai trị đất nước, tất cả tài vật tự ý dùng, nhưng phải trị đời đúng pháp chớ làm phi pháp. Trao ngôi vị rồi, Vua Tịnh Nguyệt vẫn ở trong nước ấy.

Sau khi nhận ngôi vị, Thái Tử không tuân theo lời dạy của Vua cha, khiến cho vô lượng đại thần phải đến chỗ Vua Tịnh Nguyệt tâu: Tâu Đại Vương! Cớ gì Thái Tử không tuân hành giáo lệnh của Vua.

Vua đáp: Trong vô lượng kiếp ta làm Vua, nhưng tâm không bao giờ nhàm chán, nay ta đã chán rồi, nên bỏ nó mà tu hành.

Thái Tử trị vì chưa được bao lâu, liền giết cha mẹ, tạo tội ngũ nghịch.

Này thiện nam! Ta cũng nhớ thời xa xưa. Sau khi Thái Tử giết Vua rồi sầu não khóc lóc, tự trách mình, ăn năn hối lỗi. Lúc đó, ta đem tâm đại bi nói pháp cho Thái Tử, nghe pháp rồi tội ngũ nghịch của Thái Tử liền diệt trừ.

Hỏi rằng: Lúc đó Ngài nói pháp gì?

Lúc đó ta diễn nói pháp môn Tăng Già Tra. Nếu người nghe pháp này thì sẽ chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, diệt trừ mọi tội lỗi, chấm dứt phiền não. Vậy nay, ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho ngươi nghe, nghe rồi, mau được giải thoát. Nếu nghe trọn bốn câu thì diệt dạch tất cả việc ác, chứng Tu Đà Hoàn. Sau đó bố thí, để lìa xa các khổ não và làm cho các chúng sinh chịu khổ được giải thoát. Còn các chúng sinh sợ hãi làm cho xa lìa sợ hãi.

Khi ấy, người này chắp tay đảnh lễ và tán thán: Hay thay, hay thay! Đây mới thật là chân Thiện tri thức, khéo có thể diệt trừ các nghiệp bất thiện và khéo nói ra pháp môn Tăng Già Tra. Lành thay, người nghe!

Lúc đó, trong hư không có một vạn hai ngàn Thiên Nữ, cũng đến chỗ Đại Tiên, chắp tay đảnh lễ, thưa: Đại Tiên nhớ nghĩ việc ấy cách đây bao lâu?

Lại có bốn Long Vương, mười tám ức Dạ Xoa Vương cũng đến đảnh lễ cung kính, thưa Đại Tiên ông nhớ nghĩ việc ấy cách đây bao lâu?

Đại Tiên đáp: Ta nhớ nghĩ việc ấy cách đây trăm ngàn ức A tăng kỳ kiếp.

Đại Tiên dùng thiện căn nào, để nhớ việc như vậy?

Đại Tiên đáp: Vì ta đã từng nghe và lãnh thọ pháp môn Tăng Già Tra. Trong chúng ấy, nếu người nào nghe pháp môn này mà phát lòng tin thanh tịnh thì đều được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nếu người nào tạo tội lỗi ngũ nghịch, mà nghe pháp môn này, dù chỉ trong chốc lát thì tội lỗi trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, đều được diệt sạch, đóng các nẻo ác, mở đường sinh Thiên.

Nghe bốn câu kệ trong pháp môn này, cũng lại như vậy, huống là biên chép, đọc tụng, cúng dường hương hoa, cờ, phướn, lọng báu, cung kính, tôn trọng, chắp tay lễ bái, dù chỉ một lời khen hay thì công đức đó không thể nghĩ bàn.

Khi ấy, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chắp tay được các công đức?

Ai đọc Kinh này chắp tay kính lễ?

Phật bảo: Này thiện nam! Nếu người tạo tội ngũ nghịch, hoặc dạy người làm, hoặc tùy hỷ với việc làm ấy, mà hễ nghe bốn câu kệ trong pháp môn này, chắp tay với lòng tin thanh tịnh thì có thể diệt trừ được tội ngũ nghịch. Huống lại có người biên chép, đọc tụng, cúng dường đầy đủ pháp môn này thì công đức đó nhiều hơn kia vô lượng.

Này thiện nam! Ví như ao A Na Bà Đạt Đa, ánh sáng của mặt trời không chiếu đến, từ trong ao đó, lại chảy ra năm con sông lớn.

Nhất Thiết Dũng! Ý ông nghĩ sao?

Ai có thể đo lường được nước của năm con sông lớn này không?

Nhất Thiết Dũng thưa: Không được, thưa Thế Tôn!

Phật bảo: Này thiện nam! Người nghe pháp này cũng lại như vậy, dù có đếm trăm ngàn vạn kiếp, cũng không thể cùng tận.

Này Nhất Thiết Dũng! Ý ông nghĩ sao?

Trong chốc lát nghe được pháp môn này có khó không?

Rất khó, thưa Thế Tôn!

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Người tin pháp môn này lại còn khó hơn vậy. Như ao A Na Bà Đạt Đa có năm con sông lớn. Lượng nước của năm con sông lớn này, không thể lường hết.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm con sông lớn là những con sông nào?

Phật đáp: Năm con sông lớn đó là: Sông Hằng, sông Tư Đà, sông Bát Xoa, sông Da Mâu Na, sông Nguyệt Phần. Năm con sông này, đều chảy ra biển. Mỗi một sông đều có năm trăm con sông nhỏ làm quyến thuộc.

Nhất Thiết Dũng! Lại có năm con sông lớn, ở trên hư không. Mỗi một sông, đều có một ngàn sông nhỏ làm quyến thuộc.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm con sông nào, có ngàn con sông làm quyến thuộc?

Phật bảo: Sông thứ nhất là Tu Đà La, có ngàn con sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông thứ hai là Thiên Khư, có ngàn con sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông thứ ba là Bà Ha Đế, có ngàn con sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông thứ tư là Chất Đa Tư Na có ngàn con sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông thứ năm là pháp cái có ngàn con sông nhỏ làm quyến thuộc.

Này Nhất Thiết Dũng! Năm con sông lớn này, có ngàn sông nhỏ làm quyến thuộc, nó làm lợi ích cho Diêm Phù này, nó luôn làm cho mưa đúng thời tiết và làm hoa quả phát triển, mưa nước thanh tịnh xuống cõi Diêm Phù Đề làm giống mạ tăng trưởng.

Nhất Thiết Dũng! Như Trời Hộ Thế, làm an lạc cho Diêm Đề Ba. Kinh này cũng như vậy, lợi ích an lạc cho cõi Diêm Phù Đề Ba, tất cả chúng sinh đều như Cõi Trời Tam Thập Tam.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trời Tam Thập Tam là gì?

Phật đáp: Thích Ca Đề bà ở Trời Tam Thập Tam này.

Trời Tam Thập Tam này, nói như vậy: Nếu có chúng sinh nào nói lời thiện thì công đức của người ấy, không thể đếm hết. Nếu chúng sinh nào, nói lời ác thì chúng sinh ấy, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không thể kể xiết, chịu mọi khổ não.

Những chúng sinh ấy, không ai cứu giúp, phải tự chịu khổ cực trong ba đường ác. Người nói lời ác là tri thức ác, người nói lời thiện là tri thức thiện. Nếu thấy thiện tri thức thì thấy Như Lai. Nếu thấy Như Lai thì diệt được tất cả pháp bất thiện.

Này Nhất Thiết Dũng! Như Trời Hộ thế làm lợi ích cho Diêm Phù Đề, Kinh này cũng như vậy, làm mọi Phật Sự. Nếu người không nghe pháp môn này thì không thể đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không thể chuyển pháp luân, không thể đánh trống pháp. Không thể ngồi pháp Tòa Sư Tử, không thể vào cảnh giới Niết Bàn. Không thể thành tựu vô biên quang minh.

Như vậy, như vậy! Nhất Thiết Dũng! Không nghe pháp môn này thì không thể ngồi dưới cội Bồ Đề.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có điều nghi, muốn hỏi Đức Thế Tôn.

Phật bảo Nhất Thiết Dũng: Ông cứ tùy ý hỏi, ta sẽ giải thích cho.

Bạch Thế Tôn! Vị Tiên Nhân lúc đó, độ người phạm tội ngũ nghịch kia khiến trụ vào quả vị Bất thoái là ai?

Phật đáp: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, những điều Như Lai nói ra là rất vi tế, rất khó biết. Pháp môn Tăng Già Tra này, là biểu thị Tiên Nhân. Pháp môn này, có thể thị hiện thân Phật, như mọi chỗ trong Sông Hằng đều có cát. Pháp môn này cũng vậy, tự thị hiện nói pháp cho mọi người. Chỉ có Phật Như Lai mới lượng bằng với Chư Phật, pháp này cũng bình đẳng với Phật như vậy, nơi nào có pháp thì nơi ấy có Chư Phật.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam! Ta nhớ xưa kia, chín mươi chín A tăng kỳ kiếp, có Phật, hiệu là Như Lai Bảo Thượng, kế đến có mười hai ức Phật đều là hiệu Bảo Thượng.

Lúc đó, ta tên là Tịnh Nguyệt, chuyên làm việc bố thí cúng dường y phục, đồ nằm, thức ăn, nước uống, thuốc thang, hương hoa, đèn đuốc và tất cả âm nhạc cho mười hai ức Như Lai. Tuy cúng dường như thế, nhưng các Như Lai ấy không thọ ký cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa, có mười tám ức Như Lai ra đời, làm hưng thịnh thế gian, đều cùng một danh hiệu là Bảo Minh. Lúc đó, ta tên là Long Chánh, làm việc bố thí lớn, đem tất cả hương hoa, chuỗi ngọc cúng dường Đức Phật ấy, nhưng các Như Lai ấy cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa có hai mươi ức Phật ra đời đều là hiệu Như Lai Thi Khí, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó, ta hành bố thí lớn, đem các thứ âm nhạc cúng dường các Đức Phật ấy, nhưng các Như Lai đó, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa có hai mươi ức Chư Phật ra đời, đều là hiệu Ca Diếp. Lúc đó ta hành bố thí lớn, đem các thứ hương hoa, chuỗi ngọc, cờ phướn, lọng báu, y phục và tất cả âm nhạc cúng dường Đức Phật ấy, nhưng các Như Lai đó cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa có mười sáu ức Chư Phật ra đời, đều là hiệu Tịnh Quang. Lúc đó, ta làm con của một đại Trưởng Giả, hành bố thí lớn, xả hết mọi vật, ta đem hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống, thuốc thang, để cúng dường mười sáu ức Chư Phật ấy. Nhưng các Như Lai đó, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa có chín mươi lăm ức Phật Như Lai ra đời đều là hiệu Thích Ca Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó ta làm Vua một nước lớn, cai trị thế gian đúng pháp, ta đem các thứ hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống, thuốc thang và tất cả âm nhạc để cúng dường chín mươi lăm ức Đức Thích Ca Như Lai, nhưng các Ngài cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa, có chín ức Phật ra đời, đều cùng một hiệu Như Lai Ca La Ca Cưu Thôn Đà, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó, ta làm con của một Bà La Môn, giàu có vô lượng, bố thí hết tất cả. Ta đem các thứ hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống và tất cả âm nhạc để cúng dường Chư Phật, nhưng các Như Lai ấy, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa, có mười tám ức Như Lai ra đời, đều cùng một hiệu Như Lai Ca Na Già Mâu Ni, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó ta hành bố thí lớn, đem các thứ hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống, thuốc thang và tất cả âm nhạc, để cúng dường các Đức Như Lai ấy, nhưng các Như Lai ấy, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa, có mười ba ức Phật Như Lai ra đời, đều cùng một hiệu Như Lai Quang Minh, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Ta đem các thứ hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống và tất cả âm nhạc để cúng dường, với tâm tôn trọng, nhưng các Như Lai ấy, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa, có hai mươi lăm ức Chư Phật ra đời, đều cùng một hiệu Như Lai Phất sa, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó, ta Xuất Gia tu hạnh Sa Môn, như pháp cúng dường, các thứ hương hoa, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống và tất cả âm nhạc tôn trọng tán thán, nhưng các Như Lai ấy, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta nhớ thuở xưa có mười hai ức Phật Như Lai ra đời, đều cùng một hiệu Như Lai Tỳ Bà Thi, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Ta đem các thứ hương hoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, đồ nằm, đồ ăn, thức uống, thuốc thang và tất cả âm nhạc để cúng dường các Như Lai ấy, nhưng các Như Lai đó, cũng không thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cho ta. Cuối cùng, Như Lai Tỳ Bà Thi nói pháp môn này cho các chúng sinh trong Châu Diêm Phù đề này.

Ngay khi đó, trong hư không mưa xuống bảy báu, làm cho chúng sinh trong Diêm Phù Đề hết nghèo cùng nhưng ta cũng không được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mà chỉ nghe tiếng trên không trung nói rằng: Không bao lâu nữa ông sẽ được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng thưa: Thưa Thế Tôn! Trải qua bao lâu, Thế Tôn mới được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Phật đáp: Này Thiện Nam, hãy lắng nghe! Trải qua chín mươi hai ức A tăng kỳ kiếp, có Phật ra đời hiệu Như Lai Nhiên Đăng, Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Lúc đó, ta làm con của Ma Na Bà tên là Di Già Di Già nhà Ngụy gọi là Vân. Ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta tu hành thanh tịnh, ta hái bảy cành hoa sen xanh cúng dường Như Lai Nhiên Đăng, rồi đem thiện căn này, hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đến lúc đó, Như Lai Nhiên Đăng thọ ký cho ta.

Này Ma na bà! Đời vị lai quá A tăng kỳ kiếp ông sẽ thành Phật Hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Này Nhất Thiết Dũng! Khi nghe được tiếng thọ ký này, ta liền bay lên hư không, cao bằng mười hai cây Đa La và được pháp nhẫn vô sinh ngay trong hư không. Vô lượng A tăng kỳ kiếp, tu hạnh thanh tịnh, tương ưng với sáu pháp Ba la mật, tất cả thiện căn đều hiện rõ trước mặt như xem trái Am ma la trong lòng bàn tay.

Này Nhất Thiết Dũng! Lúc đó, ta làm cho vô lượng ngàn ức chúng sinh trụ vào pháp thiện. Huống chi nay ta đã thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, làm lợi ích cho chúng sinh. Ta quán chúng sinh, lấy gì độ rồi, tùy theo đó mà có phương tiện nói pháp cho chúng sinh.

Nếu vì Chư Thiên, liền hiện thân Trời mà nói pháp. Nếu ở long cung thì hiện thân rồng mà nói pháp. Nếu ở trong loài Dạ Xoa thì hiện thân Dạ Xoa mà nói pháp. Nếu ở trong loài ngạ quỷ thì hiện thân ngạ quỷ mà nói pháp. Nếu vì loài người thì hiện thân người mà nói pháp.

Người đáng dùng thân Phật để thọ hóa thì liền hiện thân Phật mà nói pháp. Người đáng dùng thân Bồ Tát để thọ hóa thì liền hiện thân Bồ Tát mà nói pháp. Ta quán chúng sinh lấy gì độ như vậy. Như vậy là vì để có sự thích ứng với chúng sinh mà nói pháp.

Này Nhất Thiết Dũng! Ta diễn thuyết các pháp cho chúng sinh với nhiều phương tiện.

Vì sao?

Vì chúng sinh có đầy đủ thiện căn mới được nghe pháp này, các thiện căn đó, đều được tăng trưởng. Với người tham lam, keo kiệt, phát lòng bố thí, người không phước đức thì tu hành phước đức tự lợi, lợi tha, tu hạnh quán niệm vô thường. Chúng sinh ấy nghe pháp, cho nên thiện căn được tạo ra và cũng nhờ nghe pháp, nên thiện căn đời quá khứ càng sáng lên, lợi ích mãi mãi, làm an lạc cho tất cả hàng Trời, Người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần