Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG GIÀ TRA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật đang ở tại núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo Tăng hai vạn hai ngàn vị, tên của các vị ấy là: Tuệ mạng A Nhã Kiều Trần Như, tuệ mạng Ma Ha Mô Già Lược, tuệ mạng Xá Lợi Tử.

Tuệ mạng Ma Ha Ca Diếp, tuệ mạng La Hầu La, tuệ mạng Bà Câu La, tuệ mạng Bả Đà Tử Na, tuệ mạng Hiền Đức, tuệ mạng Hoan Hỷ Đức, tuệ mạng Võng Chỉ, tuệ mạng Tu Phù Đế, tuệ mạng Nan Đà Tư Na, như vậy cho đến hai vạn hai ngàn vị.

Cùng với các Đại Bồ Tát sáu vạn hai ngàn vị, tên của các Bồ Tát là: Bồ Tát Di Đế Lệ, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng, Bồ Tát Đồng Chân Đức, Bồ Tát Phát Tâm Đồng Chân, Bồ Tát Đồng Chân Hiền, Bồ Tát Vô Giảm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Kim Cang Tư Na, như vậy, cho đến sáu vạn hai ngàn vị.

Lại có một vạn hai ngàn Thiên Tử.

Tên của các Thiên Tử ấy là: Thiên Tử Trù A Na, Thiên Tử Bạt Đà, Thiên Tử Tu Bạt Đà, Thiên Tử Hy Pháp, Thiên Tử Chiên Đàn Tạng. Như vậy, cho đến một vạn hai ngàn Thiên Tử.

Lại có tám ngàn Thiên Nữ, tên của các Thiên Nữ là: Thiên Nữ Di Lân Đà, Thiên Nữ Đoan Chánh, Thiên Nữ Phát Đại Ý, Thiên Nữ Tuế Đức, Thiên Nữ Hộ Thế, Thiên Nữ Hữu Lực, Thiên Nữ Tùy Thiện Ý. Như vậy, cho đến tám ngàn Thiên Nữ.

Lại có tám ngàn Long Vương.

Tên của các Long Vương là: Long Vương A Ba La La, Long Vương Y La Bát, Long Vương Đề Di La, Long Vương Quân Bà Sa La, Long Vương Quân Bà Thi Lợi, Long Vương Tu Nan Đà, Long Vương Tu Xa Khư, Long Vương Già Bà Thi Lợi Sa. Như vậy, cho đến tám ngàn Long Vương. Tất cả đều đến núi Linh Thứu, nơi Thế Tôn đang ở, rồi đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi ngồi sang một bên.

Khi ấy, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y chừa vai phải, chắp tay hướng lên Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn diễn nói chánh pháp, làm lợi ích cho chúng sinh.

Thưa Thế Tôn! Vô lượng ức Thiên chúng, vô lượng ức thể nữ, vô lượng ức Bồ Tát Ma Ha Tát, vô lượng ức Thanh Văn, đều đã tập hợp, muốn nghe chánh pháp.

Thưa Thế Tôn! Tất cả đại chúng ở đây, đều muốn nghe pháp, cúi xin Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, tuyên nói diệu pháp. Để cho ai nấy được an ổn lâu dài, đoạn trừ các nghiệp chướng.

Đức Thế Tôn khen Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Hay thay! Nhất Thiết Dũng! Nay ông vì đại chúng mà ân cần thưa hỏi Như Lai về việc này, vậy nay ông hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói.

Dạ vâng! Thưa Thế Tôn! Con rất muốn nghe Phật dạy bảo.

Này Nhất Thiết Dũng! Có pháp môn tên Tăng Già Tra, nếu người ở Châu Diêm Phù này, nghe được pháp môn này thì có thể trừ diệt được tội ngũ nghịch, còn đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì được Bất thoái chuyển.

Này Nhất Thiết Dũng! Ý ông nghĩ sao?

Phước đức của người nghe được pháp môn này lớn hơn phước đức của một Đức Phật chăng?

Nhất Thiết Dũng thưa: Tại sao thưa Thế Tôn?

Phật bảo: Này Nhất Thiết Dũng! Nếu nghe pháp môn này thì phước đức đó, ngang bằng với phước đức của hằng hà sa Chư Phật Như Lai.

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu người nghe được pháp môn như vậy thì đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không bị thoái chuyển. Được diện kiến tất cả Phật và chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, ma ác không thể não hại và thành tựu tất cả pháp thiện.

Nhất Thiết Dũng! Còn một điều hy hữu hơn nữa, là người nghe pháp môn này, có khả năng biết được sự sinh diệt.

Lúc đó, tất cả đại chúng đều từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Phước đức của một Đức Phật có số lượng bao nhiêu?

Phật đáp: Này Thiện Nam, hãy lắng nghe! Công đức của một Đức Phật như nước của biển cả. Như vi trần đại địa của Châu Diêm Phù này. Nếu như hằng hà sa… chúng sinh đều chứng mười địa Bồ Tát. Như vậy, phước đức của tất cả mười địa Bồ Tát đó, cũng không bằng phước đức của một Đức Phật.

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu người nghe pháp môn này thì phước đức đó, còn nhiều hơn vậy, dù có tính đếm hay ví dụ, cũng không hết được.

Tất cả đại chúng nghe Phật nói thế, đều phấn khởi hoan hỷ. Do vậy mà càng tăng thêm phước đức.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những hàng chúng sinh nào, khát ngưỡng chánh pháp?

Phật đáp: Này Nhất Thiết Dũng!

Có hai hạng chúng sinh khát ngưỡng chánh pháp:

1. Tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

2. Đã nghe pháp, rồi đem truyền đạt lại cho đại chúng, tâm không mong cầu.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghe những pháp nào, mới thân gần với bồ đề?

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu ai khát ngưỡng, muốn nghe chánh pháp thì người ấy được thân gần với bồ đề. Luôn đặt niềm tin muốn nghe và lãnh thọ pháp đại thừa là thân cận với bồ đề.

Khi ấy, hàng Trời, Người rồng, thể nữ từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con hiện đang khát ngưỡng chánh pháp, cúi xin Đức Thế Tôn làm cho chúng con được mãn nguyện.

Đức Thế Tôn liền mỉm cười thì vô lượng ánh sáng từ miệng phóng ra, chiếu khắp cả mười phương, lên đến Phạm Thế, rồi thâu lại, nhập vào đảnh.

Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng lại từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, Như Lai hiện tướng hy hữu này?

Phật đáp: Này Nhất Thiết Dũng! Tất cả chúng sinh trong chúng hội này, sẽ chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và thành tựu mọi cảnh giới của Như Lai. Do vậy, mà ta mỉm cười.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, mà chúng sinh trong hội này chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Phật khen: Hay thay, hay thay! Ông có thể hỏi Như Lai về nghĩa này.

Này Nhất Thiết Dũng! Đó là do nguyện thù thắng vậy.

Nhất Thiết Dũng! Về thuở quá khứ vô số A tăng kỳ kiếp có Phật Thế Tôn hiệu Bảo Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nhất Thiết Dũng! Lúc đó, ta là con của Ma nạp, các chúng sinh trong hội này, trụ vào trí tuệ Phật. Lại có một kiếp xa xưa khác nữa, ta ở trong loài nai. Lúc đó, ta phát nguyện sao cho các con nai này trụ vào trí tuệ Phật.

Nghe lời phát nguyện của ta, các con nai đều cất tiếng: Mong được như vậy.

Nhất Thiết Dũng! Chúng sinh trong hội này, nhờ nơi thiện căn ấy, nên được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nghe được pháp môn này thì thọ mạng được bao nhiêu kiếp?

Phật đáp: Thọ mạng của người ấy, mãn tám mươi kiếp.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Kiếp lấy gì mà đo lường?

Phật đáp: Này thiện nam! Ví như thành lớn, ngang rộng mười hai dotuần, cao ba do tuần, chứa đầy hạt vừng, có người sống lâu hơn trăm tuổi, đến bóc một hạt mà đi. Cứ làm như vậy, hạt vừng trong thành dần dần hết sạch, nhưng kiếp vẫn không hết.

Này Nhất Thiết Dũng! Lại như núi lớn, ngang rộng hai mươi lăm do tuần, cao mười hai do tuần. Có người sống lâu đến trăm tuổi, dùng lụa nhẹ, phất qua một lần. Cứ phất như vậy, đến khi núi đó dần dần mòn sạch, nhưng kiếp vẫn không hết. Đó là số lượng của kiếp.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ phát một thệ nguyện, mà được khối phước đức như vậy, thọ mạng đến tám mươi kiếp, huống nữa là ở trong Pháp Phật rộng tu các hạnh.

Này Thiện Nam! Nếu có người nghe pháp môn này thì thọ mạng đã là mãn tám mươi kiếp, huống nữa là người đọc tụng biên chép.

Nhất Thiết Dũng! Nếu có người đem lòng tin thanh tịnh đọc tụng pháp môn này thì phước đó nhiều hơn trước. Chín mươi lăm kiếp, biết được túc mạng của chính mình.

Sáu vạn kiếp, làm Chuyển Luân Thánh Vương ngay hiện tại được mọi người kính trọng, tất cả đao gậy không thể hại người đó được, độc không thể làm thương tổn, yêu độc không thể trúng… khi sắp lâm chung được thấy chín mươi lăm ức Chư Phật đến an ủi: Ngươi chớ có sợ hãi, lúc tại thế, người đã được nghe pháp môn Tăng Già Tra.

Nói xong, chín mươi lăm ức Phật, đến dắt người này đến Thế Giới kia.

Nhất Thiết Dũng! Huống nữa là người được nghe đầy đủ pháp môn này.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con lắng nghe và lãnh thọ pháp môn này thì sẽ được phước đức gì?

Phật đáp: Phước đức của người nghe Kinh này, cũng như phước đức của hằng hà sa các Đức Như Lai.

Bồ Tát Nhất Thiết Dũng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nghe pháp môn này, tâm không biết mệt mỏi nhàm chán.

Phật khen Nhất Thiết Dũng: Hay thay, hay thay! Ông nghe pháp môn này mà không chán. Ta nghe cũng không chán, vậy mà hạng phàm phu lại sinh tâm tưởng nhàm chán.

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe pháp môn này, mà sinh lòng kính tin thì trong ngàn kiếp không đọa vào đường ác, năm mươi kiếp không đọa vào súc sanh, một vạn hai ngàn kiếp, không đọa vào ngu si, một vạn tám ngàn kiếp, không sinh nơi biên địa, hại vạn kiếp được sinh vào chỗ đoan chánh, hai vạn năm ngàn kiếp thường được xuất gia, năm vạn kiếp làm chánh pháp Vương, sáu vạn năm ngàn kiếp tu hạnh niệm vô thường.

Nhất Thiết Dũng! Thiện nam, thiện nữ này, không tạo một chút bất thiện nào, nên ma ác không có cơ hội tiện lợi. Điều quan trọng hơn hết là thiện nam, thiện nữ này, không nhập vào thai mẹ.

Người nghe pháp này, trong chín mươi lăm kiếp, không đọa vào đường ác, tám mươi lăm kiếp thường được văn trì. Mười vạn kiếp lìa sát sinh, chín vạn chín ngàn kiếp, lìa vọng ngữ, một vạn ba ngàn kiếp lìa hai lưỡi.

Nhất Thiết Dũng! Pháp này rất khó gặp, khó được nghe.

Khi ấy, Nhất Thiết Dũng, từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người hủy báng pháp môn này thì tội ấy nhiều hay ít?

Phật đáp: Này Nhất Thiết Dũng! Tội đó rất nhiều.

Nhất Thiết Dũng lại thưa: Thưa Thế Tôn! Mắc bao nhiêu tội?

Phật bảo: Ông chớ hỏi việc này.

Thiện Nam! Nếu có người, khởi lên tâm ác, đối với mười hai hằng hà sa Chư Phật Như Lai thì tội lỗi đó, không bằng tội lỗi của người hủy báng pháp môn này.

Này Nhất Thiết Dũng! Nếu có người khởi tâm não hại Đại Thừa thì người ấy sẽ bị thiêu đốt.

Bạch Thế Tôn! Chúng sinh như vậy, làm sao có thể cứu?

Phật bảo: Nhất Thiết Dũng! Ví như người bị chém đứt đầu, người nhà đi mời thầy thuốc đến chữa trị, thầy thuốc đem thạch mật, sữa, dầu và các loại thuốc khác bôi lên chỗ bị chém đó.

Ý ông nghĩ sao?

Được chữa trị như thế, chúng sinh này có thể sống lại được không?

Nhất Thiết Dũng thưa: Không thể sống lại được, thưa Thế Tôn!

Này Nhất Thiết Dũng! Lại như có người bị chém, nhưng chưa đứt, nếu được lương y chữa trị thì nhất định sẽ lành. Khi lành rồi người ấy nhận thức được rằng, việc này rất khổ, nay ta đã biết, từ đây không tạo nghiệp ác nữa.

Nhất Thiết Dũng! Nếu Thiện Nam nghĩ đến bố thí, cũng lại như vậy, lìa hết mọi điều ác, chứa nhóm các pháp thiện, từ đó pháp thiện sẽ được đầy đủ.

Ví như thây chết, cha mẹ buồn rầu khóc lóc, không thể cứu hộ.

Người phàm phu, cũng lại như vậy, không thể tự lợi, không thể lợi tha, không nương tựa cha mẹ.

Như vậy, này Nhất Thiết Dũng!

Có hai hạng chúng sinh, không có nơi nương tựa:

1. Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện.

2. Chúng sinh hủy báng chánh pháp.

Hai hạng chúng sinh này, khi chết không có nơi nương tựa.

Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người hủy báng pháp sẽ sinh vào đường nào?

Phật đáp: Người hủy báng chánh pháp sẽ đọa vào Địa Ngục lớn, chịu khổ một kiếp ở địa ngục Khiếu hoán, chịu khổ một kiếp ở địa ngục Thiêu nhiên.

Chịu khổ một kiếp, ở địa ngục Hắc thằng. Chịu khổ một kiếp, ở địa ngục A tỳ, chịu khổ một kiếp ở địa ngục Mao thụ, chịu khổ một kiếp ở địa ngục Hầu hầu. Chúng sinh hủy báng chánh pháp, phải chịu đủ mọi khổ não, trong tám kiếp, ở tám địa ngục này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần