Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Năm
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG GIÀ TRA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẦN NĂM
Này Nhất Thiết Dũng! pháp môn này dù chỉ nghe qua một lần thôi thì công đức cũng đã vô lượng.
Nhất Thiết Dũng! Khi ấy chúng sinh nói với nhau: Lại có pháp thiện nào khác, có thể tu hành chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không?
Có chúng sinh thiện thì đáp: Có pháp tu hạnh bố thí, miệng nói lời thiện, những pháp đó nếu tu hành thì sẽ được quả báo tốt, cho đến đạo vô thượng.
Còn người ngu si thì trả lời như vậy: Không có pháp, không có bố thí, không có quả thiện, ác, không có quả báo của lời nói thiện. Nói như thế, là người ngu si mắc đại tội báo, lần lượt sẽ đọa vào đường ác.
Trải qua tám đại kiếp, phải chịu đại khổ ở địa ngục. Mười sáu kiếp, đọa trong loài Tu La. Chín ngàn kiếp, đọa trong loài quỷ thần. Mười hai kiếp, đọa làm ngạ quỷ chịu đủ mọi thứ khổ. Một vạn bốn ngàn kiếp, chịu câm ngọng. Một vạn sáu ngàn kiếp, chịu sẩy thai. Một vạn hai ngàn kiếp, sinh ra mù mắt.
Cha Mẹ của các chúng sinh ấy than: Ta mang thai chín tháng, cực khổ biết dường nào, nay sinh con ra lại vô dụng, chịu đủ mọi khổ đói khát lạnh nóng, mà không được sự báo ơn của con!
Nhất Thiết Dũng! Đúng như vậy, như vậy! Chúng sinh hủy báng chánh pháp sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc Sanh. Sắp lâm chung thì như bị tên ưu não bắn vào, đau đớn xiết bao, trút hơi thở cuối cùng như vậy mà ra đi.
Nhất Thiết Dũng! Người thiện nói như vậy: Có pháp, có bố thí, có nghiệp quả báo thiện ác. Do nhân duyên ấy, nên trong hai mươi lăm kiếp, người này được sinh vào Uất đan việt, hai mươi lăm kiếp, được sinh vào Cõi Trời Tam Thập Tam, hưởng mọi thú vui. Khi thọ mạng ở Cõi Trời hết thì sinh vào Uất Đan Việt, nhưng không vào thai mẹ, mắt thấy trăm ngàn Thế Giới đều an lạc, thấy tất cả Quốc Độ của Chư Phật, không rời bản xứ mà thành Tam Bồ Đề.
Nhất Thiết Dũng! pháp môn này, có thần lực lớn. Nếu ai phát lòng tin thanh tịnh thì sẽ không sinh vào những nơi biên địa và được đầy đủ giới tu hành thanh tịnh.
Nhất Thiết Dũng! Lại có chúng sinh nói như vậy: Đức Thế Tôn ngày đêm hóa độ chúng sinh, mà chúng sinh giới cũng không hết chăng?
Vô lượng chúng sinh nguyện thành bồ đề, vô lượng chúng sinh được sinh Thiên, vô lượng chúng sinh nhập Niết Bàn.
Vậy thì do nhân duyên gì mà không hết?
Lúc đó, các ngoại đạo Bà La Môn nói như vậy: Chúng ta hãy hỏi Sa Môn Cù Đàm về điều này.
Tức thời chín mươi bốn ức các ngoại đạo Bà La Môn đến thành Vương Xá.
Khi ấy, toàn thân Thế Tôn sáng rỡ và chỉ mỉm cười.
Cùng lúc đó, Bồ Tát Di Đế Lệ Di Đế Lệ nhà Ngụy gọi là từ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, hướng lên Phật, chắp tay, bạch: Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì, mà Như Lai mỉm cười?
Nếu không có lý do thì Như Lai không hiện tướng hy hữu này. Cúi xin Thế Tôn nói việc ấy.
Phật bảo Bồ Tát Di đế lệ: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe! Hôm nay, tại Vương Xá, nhất định có đại chúng tập hội.
Bồ Tát Di đế lệ thưa: Thưa Thế Tôn! Cớ gì mà tập hội?
Là Trời, Rồng, Dạ Xoa hay Nhân Phi Nhân?
Phật đáp: Này thiện nam! Các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa… này đều đến hội họp. Lại có tám vạn bốn ngàn các Bà La Môn.
Chín ngàn ức Ni Kiền Tử muốn đến đàm luận. Ta hàng phục các Bà La Môn và nói pháp, khiến cho họ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chín ngàn ức Ni Kiền Đà đều được Tu Lô Đa Ba Đế đời nhà Ngụy gọi là nghịch lưu một vạn tám ngàn ức Long Vương đến hội họp, nghe ta thuyết phá, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sáu vạn ức Thiên Tử Tịnh Cư cũng đến hội họp.
Lại có ba vạn ức ma ác và các quyến thuộc của chúng, cũng đến hội họp. Có một vạn hai ngàn A Tu La Vương đều đến hội họp. Năm trăm Đại Vương và các quyến thuộc đều đến hội họp. Nghe ta thuyết pháp, nghe rồi tất cả đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi ấy, Bồ Tát Di Đế Lệ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi ẩn mất không hiện.
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, hướng lên Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Tên của năm trăm vị Quốc Vương kia là gì?
Phật bảo: Thiện Nam, hãy lắng nghe! Một là Hoan Hỷ Vương, hai là Thiện Hoan Hỷ Vương, ba là Ưu Ba Nan Đà Vương, bốn là Thắng Dũng Vương, năm là Phạm Tướng Quân Vương, sáu là Phạm Hưởng Vương, bảy là Thiện Kiến Vương, tám là Thiện Hoan Hỷ Vương, chín là Hoan Hỷ Tướng Quân Vương, mười là Hoan Hỷ Chánh Vương, mười một là Tần Sà La Vương, mười hai là Ba Tư Na Vương, mười ba là Tăng Trưởng Vương.
Như vậy, cho đến năm trăm Đại Vương. Mỗi một Đại Vương, có đến ngàn ức quyến thuộc, tất cả đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chỉ trừ Tăng Trưởng Vương.
Phương Đông có ba vạn ức Bồ Tát đến hội họp. Phương Nam có năm vạn ức Bồ Tát đến hội họp. Phương Tây có sáu vạn ức Bồ Tát đến hội họp. Phương Bắc có tám vạn ức Bồ Tát đến hội họp. Phương dưới có chín vạn ức Bồ Tát đến hội họp. Phương trên có trăm ngàn ức Bồ Tát đến hội họp. Các Bồ Tát ấy đều thuộc hàng mười địa, tất cả đều đến chỗ Như Lai, tại thành Vương Xá, các Bồ Tát này đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không còn thoái chuyển.
Phật bảo Bồ Tát Nhất Thiết Dũng: Này thiện nam!
Ông đến mười phương Thế Giới Chư Phật, bảo với các Bồ Tát: Hôm nay, Như Lai sẽ nói đại pháp tại thành Vương Xá, Bồ Tát các ông ở mười phương, chắp tay cung kính thì chỉ trong khoảng chốc lát, sẽ đến chúng hội này nghe pháp.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi bỗng nhiên biến mất.
Lúc đó, Bồ Tát Nhất Thiết Dũng đến mười phương Thế Giới Quốc Độ, bảo với các Bồ Tát Ma Ha Tát: Hôm nay, Đức Thế Tôn diễn nói đại pháp, tại thành Vương Xá.
Vậy các Nhân Giả phải nên khen ngợi: Lành thay! Như thế là các Nhân Giả được lợi ích an lạc vĩnh viễn.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng đến mười phương Quốc Độ, đều cung kính, cúng dường Chư Phật. Khi thông báo cho các Bồ Tát Ma Ha Tát rồi. Bồ Tát Nhất Thiết Dũng liền trở về bản quốc. Sự đi về ấy nhanh như tráng sĩ co duỗi cánh tay, về đến thành Vương Xá, đứng trước Như Lai.
Lúc đó, tất cả Bà La Môn, các ngoại đạo đều đã hội họp. Trời, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Nhân Phi Nhân… đều có mặt, năm trăm Đại Vương và các quyến thuộc, cũng đến đông đủ.
Ba vạn ức ma ác và các quyến thuộc cũng hiện diện. Khi ấy, tại thành Vương Xá đại địa chấn động, mười phương Thế Giới Chư Phật mưa xuống những hương bột Chiên Đàn và hoa Vi Diệu, mưa kết thành đài hoa lớn, ở trên Như Lai. Lực sĩ Kim Cang cầm chày Kim cang đứng trước Như Lai. Bốn phương có bốn Phong Vương, thổi các thứ nhơ uế và đất cát từ trong thành Vương Xá bay ra ngoài xa.
Mười phương Thế Giới Chư Phật mưa hương thơm, mười phương Thế Giới mưa đầy những Hoa Ưu Bát La, Hoa Câu Vật Đầu, Hoa Phân Đà Lợi. Các hoa ấy, hóa thành lọng hoa ở giữa hư không. Trong hư không, có tám vạn bốn ngàn ức Tòa Sư Tử làm bằng bảy báu, trên tất cả các tòa đều, có Như Lai tuyên nói diệu pháp. Khi đó tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách.
Bồ Tát Nhất Thiết Dũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, mà thành Vương Xá hiện điều hy hữu này?
Phật đáp: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe! Ví như có người tự cao, nhưng nhà cửa lại nghèo cùng, ngày nọ đến cửa Vua, đến rồi, người tự cao xông thẳng vào, không hỏi ai. Thấy thế, lính gác liền bắt trói lại.
Vua nghe có người xồng xộc thẳng vào cửa, Vua liền nghĩ như vậy: Người này xông thẳng vào, chắc muốn hại ta.
Nghĩ thế Vua liền nổi giận, ra lệnh quần thần: Các ông hãy đem người này ra chém đi. Khi ấy, cha mẹ, anh em, chị em và những người quyến thuộc đều thương xót, buồn rầu, khóc lóc.
Như Lai nói pháp cũng lại như vậy. Người tự cao kia là dụ cho các phàm phu, được thấy thân Phật, tai nghe thuyết pháp. Nhưng tự sinh kiêu mạn, nói đủ mọi điều, trú trong ngã chấp, nên không hề ghi nhận cũng không nói pháp.
Nếu có người khác nói pháp, dù chỉ một kệ, một ví dụ, cũng không chịu nghe, lại còn nói như vậy: Pháp này tôi đã biết trước.
Vì sao?
Vì chấp lấy ngã mạn, hoặc cậy đa văn mà tự buông lung.
Như thế là cùng ở chung với kẻ ngu si, không nghe chánh pháp, tự cho mình là đa văn, buông lung, không nói đúng như pháp, tự mình cần bút sáng tác, rồi đem diễn giảng, dối gạt mọi người, lại còn nói: Ai có của cải, hãy cúng cho tôi. Tôi đây là ruộng phước.
Người ngu si kia dối gạt chính mình, lừa đảo thiên hạ, hành động như thế. Thì ăn của tín thí, không bao giờ tiêu.
Khi sắp chết, lại sinh sợ hãi, mọi người đến bảo: Người có đủ trình độ lắm mà! Sao không tự cứu?
Người ngu đáp: Nay thì trình độ ấy không thể tự cứu nữa rồi!
Người ngu nói rồi, lo buồn, khổ não.
Mọi người nói: Chỉ vì một người, mà cả cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc vô cớ phải bị giết!
Chúng sinh gần tri thức ác như vậy, sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Như vậy, như vậy! Này các Bà La Môn! Các Ni Kiền Tử! Ta nay bảo các ông! Các ông chớ có buông lung! Ví như chim con chưa đủ lông cánh thì không thể bay lượn cao trên không trung được. Các ông cũng vậy. Không có thần lực thì không thể bay đến cảnh giới Niết Bàn được.
Vì sao?
Vì hành pháp của các ông chưa phải là rốt ráo, cho nên chỉ quy về phá hoại, các ông khi sắp lâm chung sẽ sinh tâm hối hận: Chúng ta nhận thân mạng hư dối này, tu hành không được thú vui của Trời, không thọ hưởng niềm vui của người, không được Niết Bàn.
Như vậy thân của ta đây lại là lỗi lầm, ta sẽ sinh vào đường nào?
Và thọ nhận thân gì?
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Bà La Môn, Ni Kiền Tử và các ngoại đạo: Trong Diêm Phù Đề, đầy cả trân báu, các ông chớ đánh mất hy vọng. Ở trong kho báu pháp Phật, chớ làm hàng dị học. Những gì các ông còn hồ nghi thì nên hỏi Như Lai, Như Lai sẽ phân biệt giải thích cho.
Lúc đó, tất cả Bà La Môn, Ni Kiền Tử… đều từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay lễ Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Ngày đêm Như Lai đã độ có rất nhiều chúng sinh vượt qua sinh tử. Nhưng chúng sinh giới, vẫn không tăng không giảm.
Thưa Thế Tôn! Do nhân gì, mà chúng sinh sinh diệt như vậy?
Khi ấy, Bồ Tát Dược Thượng phát đại thệ trang nghiêm, vì muốn đốt đuốc pháp, nên hỏi Phật việc lớn: Bạch Thế Tôn! Đời vị lai, không có chúng sinh trẻ, không có chúng sinh già có tạo ra sinh diệt chăng?
Phật bảo Dược Thượng: Chúng sinh có già có trẻ, như vậy là sinh diệt.
Này thiện nam! Như người gội tóc, rồi mặc áo mới.
Từ nhà đi ra, mọi người sẽ nói: Khéo gội tóc, mặc áo mới.
Lại có người gội tóc rồi, mà mặc áo cũ. Người này cho rằng chủ yếu là khéo gội tóc chứ y phục không phải là đẹp. Người già ở cõi Diêm Phù Đề cho là chẳng đẹp. Còn người trẻ, cho là tuy đẹp nhưng hiện có sinh diệt.
Khi ấy, tất cả Bà La Môn, các ngoại đạo Ni Kiền Tử, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là già?
Sao gọi là trẻ?
Phật bảo các ngoại đạo: Nói rằng già là do đã qua lại nhiều lần, chịu khổ không chán, trong loài ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.
Tất cả các Bà La Môn, Trời, Rồng, Đại Vương cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con không thể chịu khổ não sinh tử. Còn các Ni Kiền Tử nói là không có chúng sinh trẻ.
Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xem ra chúng sinh này, khó độ!
Phật bảo Dược Thượng: Hôm nay, Như Lai phân biệt giải thích, ông hãy lắng nghe. Có chín vạn bốn ngàn ức chúng sinh, mới tu học, ở trước Như Lai, nhưng không đảnh lễ Như Lai, cũng không thăm hỏi.
Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì, mà các chúng sinh này, không đảnh lễ Như Lai, cũng không thăm hỏi, không xin giải quyết các điều nghi?
Phật bảo Dược Thượng: Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho ông nghe.
Này thiện nam! Nếu nói là không có chúng sinh trẻ. Người như vậy là chúng sinh trẻ.
Người kia hỏi: Chúng con là chúng sinh trẻ.
Thưa Thế Tôn! Chúng con là chúng sinh trẻ.
Phật đáp: Đúng vậy, đúng vậy! Các ông là chúng sinh trẻ, do không thể biết được tâm lượng của tự thân.
Lúc đó, chín vạn bốn ngàn ức chúng sinh mới tu học đều được mười địa, trụ giữa hư không.
Bồ Tát Dược Thượng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh này thích được lợi ích, thích dứt hết sinh tử. Nếu họ lìa được sinh tử, sẽ được trụ ngôi mười địa.
Khi ấy, tất cả Bà La Môn, các ngoại đạo Ni Kiền Tử, Rồng, Quốc Vương, ma ác và các quyến thuộc đều đến chỗ Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Chúng con đến chỗ Phật và được nghe pháp môn này. Cúi xin cho chúng con được thân hình, sắc tướng vi diệu như Như Lai, nguyện được như Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam! Các ông đến chỗ Phật nghe pháp môn này, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không bao lâu nữa, các ông sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi Như Lai nói lời này, các ngoại đạo Ni Kiền Tử… đều được pháp nhẫn vô sinh, trụ vào mười địa.
Đồng thời, các Bồ Tát Ma Ha Tát tự dùng thần lực, bay lên hư không, cao bằng bảy cây Đa La. Trong hư không, hóa thành đài bảy báu, cúng dường Như Lai cùng với những thần thông tự biến hóa ở trong hư không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Luân
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đạo Thực Thạch Mật
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tàm Quý - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi - Phẩm đạo Sĩ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Ba - điện Chuyển