Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Bát Chánh - Phần Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI BA

PHẨM THIÊN TỬ MÃ HUYẾT

HỎI BÁT CHÁNH  

PHẦN BỐN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói thí dụ thuyền bè. Các thầy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm.

Các Tỳ Kheo thưa: Xin vâng! Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy.

Phật bảo: Thế nào gọi là thí dụ thuyền bè?

Nếu các thầy đi đường bị giặc bắt giữ, nên nhiếp tâm ý, đừng khởi niệm ác. Nên khởi tâm hộ niệm trùm khắp mọi nơi, vô lượng vô hạnh không thể tính kể.

Giữ gìn tâm như đất, cũng như đất này, nhận vật sạch, cũng nhận vật dơ, phần tiểu dơ uế xấu xa thảy đều nhận hết.

Song đất chẳng khởi tâm tăng giảm, không nói rằng: Ðây là xấu, đây là tốt. Nay việc làm của các thầy nên cũng như thế.

Giả sử bị giặc bắt giữ giam cầm, chớ sanh ác niệm, khởi tâm tăng giảm, như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không có tâm tăng giảm. Khởi tâm từ, bi, hỷ, hộ xả đối với tất cả chúng sanh.

Vì sao?

Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì pháp ác mà tập quen. Như có người gặp chỗ tai nạn sợ sệt, muốn qua khỏi chỗ tai nạn đến chỗ an ổn, tùy ý chạy tìm nơi an ổn.

Người ấy thấy con sông lớn rất sâu rộng, cũng không có thuyền hay cầu để có thể sang bờ bên kia. Song chỗ đứng bên này rất đáng sợ, bờ bên kia không có.

Bấy giờ người kia suy nghĩ tính kế: Sông này rất sâu lại rộng, nay ta có thể thu thập cây cối, cỏ lá kết lại làm bè qua sông, nhờ bè này để chèo từ bờ này sang bờ kia.

Bấy giờ, người ấy liền thu góp cành cây, cỏ lá kết bè mà chèo từ bờ này sang bờ kia.

Người ấy đã sang bờ kia liền khởi nghĩ: Cái bè này rất nhiều lợi ích cho ta, do bè này được qua chỗ ách nạn, từ chỗ sợ hãi đến chỗ không nạn. Nay ta không bỏ bè này, đi đâu cũng mang theo.

Thế nào, các Tỳ Kheo! Người kia đến nơi rồi có thể vác chiếc bè theo chăng?

Hay không nên vác theo?

Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn không nên.

Nguyện vọng của người ấy đã được kết quả, còn dùng bè vác theo làm gì!

Phật bảo Tỳ Kheo: Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp.

Bấy giờ, có một Tỳ Kheo bạch Phật: Thế nào là pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp?

Chúng con há không do pháp mà học đạo ư?

Phật bảo: Y nơi kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn, tăng thượng mạn. Dùng không mạn diệt mạn mạn, vô mạn. Dùng chánh mạn diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt sạch bốn mạn.

Xưa kia, khi ta chưa thành Phật Đạo, ngồi dưới cội cây bèn nghĩ như vậy: Trong Cõi Dục Giới, ai là người hào quý nhất ta sẽ hàng phục. Trong Cõi Dục Giới này, Chư Thiên và loài người thảy đều hàng phục.

Lúc ấy, ta lại nghĩ thế này: Nghe nói có Tệ Ma Ba Tuần, nay ta sẽ chiến đấu với ma ấy, do hàng phục Ma Ba Tuần, tất cả Chư Thiên hào quý kiêu mạn đều sẽ bị hàng phục.

Khi ấy, ta ngồi nơi tòa mỉm cười, khiến cho cảnh giới Ma Ba Tuần thảy đều chấn động.

Trong hư không nghe có tiếng nói kệ:

Bỏ Pháp Vua chân tịnh,

Xuất gia học Cam Lồ,

Nếu người phát nguyện rộng,

Không ba đường ác này.

Nay ta họp binh chúng,

Ðến thăm Sa Môn kia,

Nếu không theo ý ta,

Nắm chân ném ra biển.

Khi ấy, Tệ Ma Ba Tuần sân giận bừng bừng, liền bảo đại tướng sư tử rằng: Mau tập họp bốn bộ chúng, đi đánh dẹp Sa Môn.

Và phải quan sát ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?

Khi ấy, ta lại suy nghĩ: Giao chiến với người thường còn không thể im lặng huống gì với người hào quý của Cõi Dục. Cũng nên tranh đua với y ít nhiều.

Này Tỳ Kheo! Lúc ấy ta mặc giáp nhân từ, tay cầm cung chánh định, tên trí tuệ, đợi binh chúng kia.

Khi đó Tệ Ma, đại tướng và binh chúng có đến mười tám ức, mặt mày mỗi mỗi khác nhau, vượn, khỉ, sư tử đến chỗ Ta. Binh chúng La Sát hoặc một thân có ngàn đầu.

Hoặc mấy mươi thân chung một đầu.

Hoặc hai vai ba cổ, ngay tim có miệng.

Hoặc một tay, hoặc hai tay, hoặc bốn tay.

Hoặc hai tay vác đầu, miệng ngậm thây rắn.

Hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa.

Hoặc hai tay banh miệng muốn ngoạm đằng trước.

Hoặc phanh bụng đi tới, tay cầm đao kiếm, mang vác mâu giáo.

Hoặc cầm chày cối.

Hoặc vác túi gánh đá, vách cây lớn.

Hoặc hai chân ở trên, đầu ở dưới.

Hoặc cưỡi voi, sư tử, hồ lang, độc trùng.

Hoặc đi bộ đến, hoặc bay trên không.

Khi ấy, Tệ Ma đem bao nhiêu binh chủng ấy vây quanh cội đạo thọ.

Ma Ba Tuần đứng bên trái ta, nói với ta: Sa Môn đứng lên mau.

Tỳ Kheo! Khi ấy, ta im lặng không trả lời.

Như thế đến ba phen, ma bèn nói với ta: Sa Môn sợ ta chăng?

Ta bảo: Nay ta nhiếp tâm không chút kinh sợ.

Ma Ba Tuần nói: Sa Môn! Có thấy bốn bộ binh chúng của ta chăng?

Còn ông một thân, không có khí giới gậy gộc, binh đao, đầu trọc, thân trơ, chỉ mặc ba y, lại nói: Ta không sợ.

Bấy giờ, ta hướng về Ba Tuần, nói kệ:

Giáp nhân, cung chánh định,

Tay cầm tên trí tuệ

Phước nghiệp là binh chúng

Nay sẽ hại quân ngươi.

Ma Ba Tuần lại nói với ta: Ta có nhiều việc ích lợi cho Sa Môn, nếu không nghe lời ta, bấy giờ sẽ đốt ông ra tro, tiêu diệt thân hình. Lại, Sa Môn dung mạo đoan chánh, tuổi trẻ tươi đẹp, xuất phát từ dòng Xá Lợi, Chuyển Luân Vương. Mau rời khỏi chỗ này, tập theo ngũ dục.

Ta sẽ đem đến cho ông, để ông làm Chuyển Luân Thánh Vương.

Ta trả lời Ba Tuần: Những lời ngươi nói, đều là vô thường biến đổi không dừng lâu, cũng phải xả ly, chẳng phải điều ta ưa thích.

Ma Ba Tuần lại nói với ta: Sa Môn!

Hôm nay muốn điều gì?

Chí nguyện việc gì?

Ta đáp: Ðiều ta nguyện là nơi không lo sợ, an ổn tịnh tịch trong thành Niết Bàn, dẫn dắt các chúng sanh trôi nổi trong sanh tử, chìm đắm khổ não được đến con đường chánh. Nếu như Sa Môn không mau mau đứng lên khỏi tòa, ta sẽ nắm chân ông ném xuống biển.

Ta đáp Ba Tuần rằng: Ta tự quan sát trong Cõi Trời, người, dù cho ma hay Thiên Ma, nhân, phi nhân và cả ba binh chúng của ngươi, không thể khiến ta động một mảy may lông.

Ma bảo: Sa Môn!

Ngày nay muốn chiến đấu với ta chăng?

Ta đáp: Muốn cùng giao chiến.

Ma hỏi: Ông ghét điều gì?

Ta đáp: Những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn, mạn trung mạn.

Ma nói với Ta: Ông dùng nghĩa gì để diệt các mạn đó?

Ta đáp: Ba Tuần nên biết!

Có nhân Từ tam muội, Bi tam muội, Hỷ tam muội, Hộ tam muội, Không tam muội, Vô nguyện tam muội, Vô tướng tam muội.

Do Từ tam muội được Bi tam muội, do Bi tam muội được Hỷ tam muội, do Hỷ tam muội được Hộ Xả tam muội, do Không tam muội được Vô nguyện tam muội, do Vô nguyện tam muội được Vô tướng tam muội.

Do sức của tam muội này chiến đấu với ngươi. Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt đế Niết Bàn.

Ma nói: Sa Môn! Có thể dùng pháp diệt pháp chăng?

Ta đáp: Có thể dùng pháp diệt pháp.

Ma hỏi Ta: Thế nào là dùng pháp diệt pháp?

Khi ấy ta bảo: Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến.

Chánh tư duy diệt tà tư duy, tà tư duy diệt chánh tư duy.

chánh ngữ diệt tà ngữ, tà ngữ diệt chánh ngữ.

chánh nghiệp diệt tà nghiệp, tà nghiệp diệt chánh nghiệp.

Chánh mạn diệt tà mạn, tà mạn diệt chánh mạn.

Chánh phương tiện diệt tà phương tiện, tà phương tiện diệt chánh phương tiện.

Chánh niệm diệt tà niệm. Tà niệm diệt chánh niệm.

Chánh định diệt tà định, tà định diệt chánh định.

Ma nói: Sa Môn! Hôm nay tuy có những lời như vậy. Ở chỗ này khó khắc phục. Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển.

Ta lại bảo Ba Tuần: Ngươi tạo phước chỉ một phen, nay được làm Ma Vương cõi dục. Xưa kia ta tạo công đức không thể tính kể. Lời của ngươi hôm nay mới thật khó làm.

Ba Tuần đáp: Phước đã làm chỉ ông chứng biết.

Ông tự xưng tạo vô số phước, ai có thể chứng tri cho ông?

Tỳ Kheo! Lúc ấy ta duỗi tay mặt, chỉ xuống đất, bảo với Ba Tuần: Công đức ta đã tạo Địa Thần chứng biết.

Ta đang nói lời này, Địa Thần từ đất vọt lên, chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn! Con đang chứng biết. Ðịa Thần nói xong, Ba Tuần lo buồn khổ não, liền lui không hiện.

Tỳ Kheo! Do phương tiện này nên biết, pháp còn phải diệt huống hồ là phi pháp. Ðã từ lâu, ta vì các thầy nói Kinh Nhất Giác Dụ, không ghi lại văn tự, huống giải thích ý nghĩa.

Vì sao?

Pháp này sâu xa huyền diệu, các bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật tu pháp này được công đức lớn, được Cam Lồ, đến chỗ vô vi.

Thế nào tên là Dụ Nương Thuyền?

Nghĩa là y nơi mạn diệt mạn, mạn đã diệt tận, lại không còn những niệm tưởng não loạn. Cũng như da con chồn được thuộc kỹ, lấy tay cuộn lại, không nghe tiếng sột soạt, không có chỗ cứng cộm, đây cũng như thế, như Tỳ Kheo chấm dứt kiêu mạn, không có tăng giảm.

Cho nên ta bảo các thầy rằng: Giả sử bị giặc giam cầm, chớ khởi tâm ác, nên đem lòng từ ban khắp nơi, cũng như da kia rất mềm mại, bèn được chỗ vô vi lâu dài.

Như thế, Tỳ Kheo! Nên khởi niệm như thế. Ngay khi thuyết pháp này, có ba ngàn Thiên Tử ngay tại chỗ ngồi các trần cấu sạch hết, được phép nhãn tịnh. Còn sáu mươi Tỳ Kheo khác, lậu tận ý giải, được phép nhãn tịnh.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường