Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm đẳng Kiến - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI BỐN
PHẨM ĐẲNG KIẾN
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên biết Thiên Tử khi sắp mạng chung có năm điềm chưa từng có ứng hiện ở trước.
Thế nào là năm?
Hoa héo, y phục cáu bẩn, thân thể hôi hám, chẳng ưa địa vị của mình, Thiên Nữ tinh tán. Ðó là Thiên Tử lúc sắp mạng chung có năm điềm ứng này. Bấy giờ Thiên Tử hết sức sầu lo, đấm ngực kêu gào.
Khi ấy các Thiên Tử đến chỗ Thiên Tử này, bảo Thiên Tử này: Nay ông tương lai có thể sanh chỗ lành, đã sanh chỗ lành, chóng được lợi lành, đã được lợi lành nên nhớ an xử thiện nghiệp. Khi đó, các vị Trời dạy dỗ Thiên Tử ấy như thế.
Một Tỳ Kheo bạch Thế Tôn:
Trời Ba Mươi Ba, thế nào là được sanh cõi lành?
Thế nào là chóng được lợi lành?
Thế nào là an xử nghiệp lành?
Thế Tôn bảo: Nhân gian đối với Trời là cõi lành, được cõi lành. Ðược lợi lành là sanh nhà chánh kiến, tùng sự bậc thiện tri thức, ở trong pháp Như Lai được tín căn. Ðó gọi là chóng được lợi lành.
Thế nào gọi là an xử nghiệp lành?
Là ở trong pháp Như Lai được tín căn, cạo bỏ râu tóc, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Kia đã học đạo, giới tánh đầy đủ, các căn đầy đủ, ăn uống biết đủ, hằng nhớ kinh hành đắc tam minh. Ðó gọi là an xử nghiệp lành.
Thế Tôn liền nói kệ này:
Người là cõi lành Trời,
Bạn tốt là lợi lành,
Xuất gia là nghiệp lành,
Hữu lậu hết, vô lậu.
Tỳ Kheo nên biết, Trời Ba Mươi Ba dính mắc vào ngũ dục. Họ cho nhân gian là cõi lành, ở pháp Như Lai được xuất gia, làm lợi lành mà được tam đạt.
Vì sao thế?
Phật Thế Tôn đều xuất hiện ở nhân gian chẳng phải do Trời mà được.
Thế nên Tỳ Kheo! Ở đây mạng chung sẽ sanh lên Trời.
Bấy giờ Tỳ Kheo kia bạch Thế Tôn rằng: Thế nào là Tỳ Kheo sẽ sanh cõi lành?
Thế Tôn bảo: Niết Bàn là cõi lành của Tỳ Kheo. Nay Tỳ Kheo các thầy nên cầu phương tiện được đến Niết Bàn. Như thế, Tỳ Kheo nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Sa Môn xuất gia có năm pháp hủy nhục.
Thế nào là năm?
Ðầu tóc dài, móng tay dài, y phục bẩn thỉu, chẳng biết thời nghi, nói năng nhiều.
Vì sao thế?
Tỳ Kheo có nhiều luận thuyết lại có năm việc.
Thế nào là năm?
Người chẳng tin lời, chẳng nhận lời dạy, người chẳng ưa gặp, nói láo, cãi lộn kia đây. Ðó là người nói năng nhiều có năm việc này. Tỳ Kheo nên từ bỏ năm điều này. Chớ có tưởng tà. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn cùng ở với năm trăm vị Tỳ Kheo.
Khi đó Vua Tần Bà Sa La ra lệnh cho quần thần: Mau sửa soạn kiệu xe để ta đến thành Xá Vệ thăm viếng Đức Thế Tôn.
Quần Thần vâng lời Vua, sửa soạn kiệu xe, đến trước Vua tâu rằng: Sửa soạn đã xong, xin Vua biết phải thời. Bấy giờ Vua Tần Bà Sa La lên kiệu xe ra khỏi thành La Duyệt đến thành Xá Vệ, dần đến Tinh Xá Kỳ Hoàn, muốn vào Tinh Xá. Phàm pháp quán đảnh của Vua có năm uy dung, Vua đều bỏ xuống một bên, đi đến trước Thế Tôn đảnh lễ rồi lui về một bên.
Khi ấy, Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho Vua.
Vua nghe pháp xong, bạch Đức Thế Tôn: Cúi mong Như Lai hãy nhập hạ tại thành La Duyệt, con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Bấy giờ Thế Tôn im lặng, nhận lời thỉnh của Vua Tần Bà Sa La. Vua thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh rồi, liền đứng lên lạy, đi nhiễu ba vòng rồi lui đi. Trở về thành La Duyệt, vào Cung.
Khi ấy, Vua Tần Bà Sa La ở chỗ vắng vẻ chợt nghĩ: Ta cũng đủ sức cúng dường Như Lai và Tỳ Kheo Tăng cho đến trọn đời về y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc men, nhưng cũng nên lân mẫn người hạ liệt.
Lúc ấy Vua Tần Bà Sa La tìm quần thần bảo:
Hôm qua ta sanh niệm này: Ta có thể suốt đời cúng dường Như Lai và Tỳ Kheo Tăng y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Cũng lại nên thương xót người thấp kém. Các ông nên đốc suất nhau lần lượt dâng thức ăn cho Như Lai và Chư Hiền, sẽ được hưởng phước lâu dài vô cùng.
Khi ấy, Vua nước Ma Kiệt liền ở ngay trước cửa cung lập một giảng đường lớn, lại bày biện vật dụng đựng thức ăn. Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi nước Xá Vệ dẫn năm trăm chúng Tỳ Kheo du hóa trong nhân gian lần lần đến vườn trúc Ca Lan Đà thành La Duyệt. Vua Tần Bà Sa La nghe Thế Tôn đến vườn trúc Ca Lan Đà liền lên kiệu xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Vua Tần Bà Sa La bạch Thế Tôn:
Con ở chỗ nhàn vắng liền sanh niệm này: Như ta hôm nay có thể cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men.
Rồi nhớ đến người thấp kém, con liền bảo quần thần: Các ngươi mỗi người nên sắm sửa thức ăn uống, lần lượt cúng dường thức ăn lên Phật.
Bạch Thế Tôn, thế nào?
Như thế nên hay không nên?
Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Ðại Vương có nhiều lợi ích. Vì Trời, người mà làm ruộng phước.
Vua Tần Bà Sa La bạch Thế Tôn rằng: Cúi mong Thế Tôn ngày mai vào cung thọ thực. Lúc ấy, Vua Tần Bà Sa La đã thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Vua liền đứng dậy cúi lạy lui đi.
Bấy giờ, Thế Tôn sáng sớm ngày mai đắp y ôm bát vào thành, đến cung Vua, mỗi người theo thứ tự mà ngồi. Khi ấy Vua cung cấp món ăn trăm vị, tự tay châm chước, hoan hỉ chẳng loạn. Khi ấy Vua Tần Bà Sa La thấy Thế Tôn ăn xong, cất dẹp bình bát, lấy một ghế thấp đến trước Như Lai ngồi.
Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho Vua, khiến phát tâm hoan hỉ. Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Vua và các đại thần. Luận, nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh Thiên. Dục là tưởng bất thịnh. Dâm là uế ác. Xuất yếu là vui.
Lúc ấy, Thế Tôn biết chúng sanh kia tâm ý đã khai mở, không còn hồ nghi pháp mà Chư Phật Thế Tôn thường thuyết là khổ, tập, diệt, đạo, Thế Tôn đều thuyết hết cho họ.
Ngay tại chỗ ngồi, hơn sáu mươi người, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh. Sáu mươi đại thần và năm trăm Thiên Nhân, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ tụng cho Vua Tần Bà Sa La và nhân dân:
Tế tự, lửa hơn hết,
Các sách, tụng hơn hết,
Vua đáng trọng trong người,
Các dòng, biển là nguồn,
Giữa Sao, Trăng chiếu sáng,
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Trên dưới và bốn phương,
Các nơi có vạn vật,
Trời cùng với người đời,
Phật là cao trọng nhất,
Người muốn cầu phước đức,
Nên cúng dường Chư Phật.
Thế Tôn nói kệ này rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên mà đi. Khi đó nhân dân trong thành La Duyệt, tùy sự quý tiện và theo nhà nhiều ít, cúng dường thức ăn đến Phật và Tỳ Kheo Tăng.
Bấy giờ, Phật ở Vườn Trúc Ca La Đà, nhân dân trong nước không ai không cúng dường. Các Phạm Chí trong thành La Duyệt đến lượt cúng thức ăn.
Lúc đó, các Phạm Chí ấy tụ họp một chỗ, bàn luận với nhau: Chúng ta mỗi người bỏ ra ba lượng tiền vàng để cúng thức ăn. Bấy giờ, trong thành La Duyệt có một Phạm Chí tên là Kê Ðầu, hết sức nghèo khó, chỉ tự đủ sống, không có tiền vàng để nộp, liền bị các Phạm Chí trục xuất ra khỏi chúng.
Khi ấy, Phạm Chí Kê Ðầu trở về nhà bảo vợ: Nay Bà nên biết, các Phạm Chí đã xua đuổi ta, không cho ở trong chúng.
Vì sao?
Do ta không có tiền vàng.
Người vợ bảo: Hãy trở vào thành, theo người mượn nợ, ắt sẽ được.
Lại bảo chủ nợ: Bảy ngày sau sẽ trả nợ, nếu không trả được, tôi và vợ sẽ làm tôi tớ.
Phạm Chí theo lời vợ liền vào trong thành, đi khắp nơi hỏi mượn trọn chẳng thể được, trở về bảo vợ: Ở chỗ ta cầu hỏi chẳng được, làm sao bây giờ?
Người vợ bảo: Phía Ðông thành La Duyệt có đại Trưởng Giả tên Bất Xà Mật Đa La nhiều tiền của, có thể đến ông ta mà mượn nợ, bảo rằng: Hãy bằng lòng cho ba lạng tiền vàng, sau bảy ngày sẽ đem trả lại. Nếu không trả được, tôi và vợ tôi sẽ làm tôi tớ.
Phạm Chí nghe theo lời vợ đến Bất Xà Mật Đa La để mượn tiền vàng, bảo rằng: Chẳng quá bảy ngày sẽ đem hoàn lại. Nếu không hoàn lại, tôi và vợ sẽ đem thân làm tôi tớ. Bất Xà Mật Đa La liền cho tiền vàng.
Phạm Chí Kê Ðầu liền đem tiền vàng này về nói với vợ: Ðã được tiền vàng, phải nên làm gì?
Người vợ bảo: Nên đem tiền này nộp trong chúng. Phạm Chí cầm tiền vàng đến chúng nộp.
Các Phạm Chí bảo Phạm Chí này rằng: Chúng ta đã biện đủ rồi. Hãy đem tiền vàng này trở về đi, chẳng cần đứng trong chúng này. Phạm Chí liền trở về nhà, đem chuyện này nói với vợ.
Người vợ bảo: Hai chúng ta cùng đến chỗ Thế Tôn tự trình bày ý mọn. Bấy giờ Phạm Chí đem vợ đến chỗ Thế Tôn cùng thăm hỏi nhau rồi ngồi một bên. Người vợ cũng lễ chân Phật và ngồi một bên. Khi ấy Phạm Chí đem chuyện này bạch đủ với Thế Tôn.
Thế Tôn bảo Phạm Chí: Như nay ông nên vì Như Lai và Tỳ Kheo Tăng bày biện thức ăn uống.
Phạm Chí quay lại nhìn sững vợ.
Người vợ đáp: Chỉ theo lời Phật dạy, chớ có nghi nan.
Phạm Chí liền từ chỗ ngồi đứng lên đến trước bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo hãy nhận lời mời của con. Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của Phạm Chí. Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân vòng tay đứng hầu sau Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Thích Đề Hoàn Nhân. Ông hãy giúp Phạm Chí này cùng biện thức ăn.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Xin vâng, Thế Tôn!
Bấy giờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương cách Phật chẳng xa, dẫn các chúng quỷ thần đông không tính kể, từ xa quạt Thế Tôn.
Thích Đề Hoàn Nhân bảo Tỳ Sa Môn Thiên Vương rằng: Ông cũng nên giúp Phạm Chí này bày biện các thức ăn.
Tỳ Sa Môn đáp: Rất tốt Thiên Vương!
Rồi Tỳ Sa Môn Thiên Vương đến trước Phật cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng, tự ẩn hình và biến thành hình người, lãnh năm trăm quỷ thần cùng biện thức ăn.
Tỳ Sa Môn Thiên Vương cùng dạy các quỷ thần: Các ông mau đến rừng Chiên Đàn, lấy Chiên Đàn bỏ vào bếp sắt. Có năm trăm quỷ thần ở trong đó làm thức ăn.
Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân bảo Thiên Tử Tự Tại: Hôm nay Tỳ Sa Môn đã làm bếp sắt cho Phật và Tỳ Kheo Tăng dùng cơm. Nay ông hãy hóa làm giảng đường để Phật và Tỳ Kheo Tăng dùng cơm trong đó.
Thiên Tử Tự Tại đáp: Việc này rất đẹp. Khi ấy Thiên Tử Tự Tại nghe lời Thích Đề Hoàn Nhân, hóa ra một giảng đường bảy báu, cách thành La Duyệt không xa. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, mã não, xích châu, xà cừ. Lại hóa làm bốn bậc cấp vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.
Trên bậc thềm vàng hóa làm cây bạc, trên bậc thềm bạc hóa làm cây vàng, rễ vàng, cọng vàng, cành vàng, lá vàng. Nếu ở trên bậc vàng, hóa làm lá bạc, cành bạc. Trên bậc thủy tinh hóa làm cây lưu ly, cũng đủ thứ loại không thể tính kể. Lại lấy đủ thứ báu chất trong đó.
Lại lấy bảy báu trùm lên trên, chung quanh bốn mặt treo các linh vàng tốt. Các linh đó đều phát ra tám thứ âm thanh. Lại hóa làm sàng tòa tốt trải các nệm tốt, treo cờ kết tủa, lọng dù, hiếm có ở đời. Bấy giờ dùng Ngưu Đầu Chiên Đàn đốt lửa nấu thức ăn. Quanh thành La Duyệt mười hai do tuần mùi hương xông lên đầy khắp.
Vua nước Ma Kiệt bảo các quần thần: Ta từ lúc sanh trưởng trong thâm cung chưa hề nghe mùi hương này.
Bên thành La Duyệt do đâu nghe mùi hương thơm này?
Quần Thần tâu Vua: Ðây là trong nhà bếp của Phạm Chí Kê Ðầu. Mà hương Chiên Ðàn của Trời là điềm lành ứng hiện.
Vua Tần Bà Sa La dạy các quần thần: Mau sửa soạn xe kiệu, ta muốn đến chỗ Thế Tôn hỏi thăm duyên này.
Các quần thần đáp Vua: Xin vâng, Ðại Vương! Vua Tần Bà Sa La liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng một bên.
Bấy giờ quốc vương thấy trong nhà bếp sắt này có năm trăm người làm thức ăn, thấy rồi liền bảo: Ðây là ai làm thức ăn uống?
Các quỷ thần dùng hình người đáp: Phạm Chí Kê Ðầu thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng cúng dường.
Quốc Vương lại thấy ở xa có giảng đường cao rộng, liền hỏi người hầu: Ðây là ai tạo giảng đường mà xưa chưa có, ai tạo ra?
Quần Thần đáp: Chẳng biết duyên này.
Khi ấy Vua Tần Bà Sa La nghĩ rằng: Nay ta đến chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này, vì Phật Thế Tôn không nghĩa gì chẳng biết, không việc gì chẳng thấy. Bấy giờ Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.
Vua Tần Bà Sa La bạch Phật: Ngày xưa chẳng thấy giảng đường cao rộng này, mà hôm nay lại thấy. Ngày xưa chẳng thấy nhà bếp sắt này, hôm nay lại thấy.
Dùng vật gì và do ai biến ra?
Thế Tôn bảo: Ðại Vương nên biết!
Ðây là Tỳ Sa Môn Thiên Vương tạo nhà bếp, Thiên Tử Tự Tại tạo giảng đường này. Vua nước Ma Kiệt ở trên chỗ ngồi, buồn khóc lẫn lộn, chẳng thể nín được.
Thế Tôn bảo: Ðại Vương! Cớ sao buồn khóc đến thế?
Vua Tần Bà Sa La bạch Phật: Chẳng dám buồn khóc, chỉ nghĩ đến nhân dân đời sau chẳng gặp được Bậc Thánh ra đời.
Người đời sau bỏn xẻn, đắm trước tài vật chẳng có oai đức, còn chẳng nghe được tên của báu vật kỳ lạ này, huống nữa là thấy sao?
Nay nhờ ơn Như Lai mà có sự biến hóa lạ lùng này xuất hiện ở đời. Thế nên con buồn khóc.
Thế Tôn bảo: Ðời tương lai, quốc vương và nhân dân thực chẳng thấy sự biến hóa này. Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp cho quốc vương, khiến phát tâm hoan hỉ. Vua nghe pháp rồi liền từ chỗ ngồi đứng lên đi.
Tỳ Sa Môn Thiên Vương ngay ngày ấy bảo Phạm Chí Kê Ðầu: Ông đưa tay phải ra. Kê Ðầu liền xòe tay phải.
Tỳ Sa Môn Thiên Vương trao cho thoi vàng rồi bảo: Ông đem thoi vàng này ném xuống đất!
Phạm Chí liền ném xuống đất bèn thành trăm ngàn lượng vàng.
Thiên Vương Tỳ Sa Môn bảo: Ông đem thoi vàng này vào trong thành mua các thứ thức ăn uống đem đến đây. Phạm Chí vâng lời Thiên Vương liền đem vàng này vào thành mua các thức ăn uống đem đến nhà bếp. Khi ấy Tỳ Sa Môn Thiên Vương tắm rửa cho Phạm Chí, cho mặc các thứ y phục, tay cầm lư hương dạy bạch Phật. Giờ đã đến, nay đã đúng giờ. Mong Thế Tôn chiếu cố.
Khi ấy Phạm Chí vâng lời tay bưng lư hương mà bạch: Ðã đến giờ, cúi mong chiếu cố. Thế Tôn biết đã đến giờ, đắp y, ôm bát dẫn các chúng Tỳ Kheo đi đến giảng đường, tuần tự ngồi. Và chúng Tỳ Kheo Ni cũng tuần tự ngồi.
Phạm Chí Kê Ðầu thấy thức ăn rất nhiều mà chúng Tăng lại ít, đi đến trước bạch Thế Tôn: Hôm nay thức ăn uống rất là phong phú mà Tỳ Kheo Tăng ít, chẳng rõ phải thế nào?
Thế Tôn bảo: Phạm Chí!
Nay ông tay cầm lò hương lên trên đài cao hướng về Ðông, Tây, Nam, Bắc rồi nói rằng: Các đệ tử của Phật Thích Ca Văn được sáu thần thông, lậu tận A La Hán, tập họp hết ở giảng đường này.
Phạm Chí bạch: Xin vâng, Thế Tôn!
Phạm Chí theo lời Phật dạy liền lên trên lầu, thỉnh các bậc A La Hán lậu tận. Khi ấy, phương Ðông có hai vạn một ngàn A La Hán, từ phương Ðông đến giảng đường này.
phương Nam hai vạn một ngàn. Phương Tây hai vạn một ngàn, phương Bắc hai vạn một ngàn A La Hán tụ tập tại giảng đường này.
Bấy giờ, trên giảng đường có tám vạn bốn ngàn A La Hán tụ tập một chỗ. Vua Tần Bà Sa La đem quần thần đến cho Thế Tôn cúi lạy và lễ các Tỳ Kheo Tăng.
Khi ấy, Phạm Chí Kê Ðầu thấy Tỳ Kheo Tăng rồi, vui mừng hớn hở không thể kềm nổi, lấy đồ vật đựng thức ăn cúng dường cơm Phật và Tỳ Kheo Tăng, tự tay châm chước không nề mỏi mệt, nhưng vẫn còn thừa thức ăn.
Phạm Chí Kê Ðầu đến trước bạch Đức Thế Tôn: Nay cúng dường Phật và Tỳ Kheo Tăng mà vẫn còn dư thức ăn.
Thế Tôn bảo: Nay ông nên thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng cúng dường bảy ngày.
Phạm Chí đáp: Xin vâng, Cù Đàm!
Khi ấy Phạm Chí Kê Ðầu đến trước quỳ thẳng bạch Thế Tôn: Nay con xin thỉnh Phật và Tỳ Kheo Tăng để cúng dường bảy ngày. Con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Khi ấy, trong đại chúng có Tỳ Kheo Ni tên Xá Cưu Lợi.
Tỳ Kheo Ni bạch Phật: Nay con trong lòng sanh niệm, có đệ tử của Phật Thích Ca Văn, lậu tận A La Hán nào không tụ tập ở đây chăng?
Và dùng Thiên nhãn xem phương Ðông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc thay đều xem xét hết, không ai mà không đến, thảy đều vân tập cả. Nay đại hội này thuần là La Hán chân nhân vân tập.
Thế Tôn bảo: Ðúng thế! Xá Cưu Lợi. Ðúng như lời ngươi. Ðại hội này toàn là chân nhân Ðông, Tây, Nam Bắc đều tụ tập.
Bấy giờ Thế Tôn đem nhân duyên này bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có thấy trong hàng Tỳ Kheo Ni, người có thiên nhãn đệ nhất là Tỳ Kheo Ni Xá Cưu Lợi chăng?
Phạm Chí Kê Ðầu trong bảy ngày cúng dường, Thánh Chúng y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc men. Lại dùng hoa hương rải trên Như Lai. Khi ấy, hoa này ở trên không hóa thành đài giao lộ bảy báu.
Phạm Chí thấy đài giao lộ xong, vui mừng nhảy nhót không thể tự kềm, đến trước bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn cho phép con nhập đạo làm Sa Môn. Bấy giờ Phạm Chí Kê Ðầu liền được hành đạo, các căn tịch tĩnh, tự tu chí mình, trừ bỏ thùy miên. Nếu mắt thấy sắc cũng không khởi tưởng niệm. Nhãn căn cũng không có ác tưởng rong ruỗi các niệm, mà biết phòng hộ nhãn căn.
Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm, chẳng khởi tưởng xúc chạm. Ý biết pháp cũng thế. Lúc ấy Phạm Chí liền diệt được năm kiết sử che đậy tâm người, khiến người không trí tuệ, cũng không có ý sát hại, mà tịnh tâm mình, không giết, không nghĩ giết, không bảo người giết, tay không cầm dao gậy, khởi lòng nhân từ với tất cả chúng sanh.
Trừ bỏ tâm không cho mà lấy, chẳng khởi tâm trộm mà tịnh tâm mình, thường có tâm bố thí, đối với tất cả chúng sanh cũng khiến không trộm cắp. Mình không dâm dật, cũng lại dạy người khiến không dâm dật, hàng tu phạm hạnh, thanh tịnh không tỳ vết, ở trong phạm hạnh mà tịnh tâm mình.
Cũng không nói hư vọng, cũng không dạy người khiến vọng ngữ. Hằng nghĩ chí thành, không có dối trá cuống hoặc người đời, nơi ấy tịnh tâm mình. Lại không hai lưỡi, cũng không dạy người khiến hai lưỡi. Nếu nghe lời ở đây, không truyền chỗ khác. Nếu nghe lời chỗ khác, không truyền đến đây, ở đây tịnh ý mình.
Ðối với sự ăn uống, vị ấy biết đủ, không đắm mùi vị chẳng để ý vẻ tươi tốt, không cần mập trắng, chỉ muốn giữ thân thể được toàn mạng. Muốn trừ cảm thọ cũ, khiến cái mới chẳng sanh.
Đắc đạo tu hành, ở mãi đất vô vi. Ví như nam nữ dùng cao sáp bôi lên vết thương mụn nhọt, chỉ muốn trừ cho lành. Ðây cũng như thế. Sở dĩ đối với thức ăn, vị ấy biết đủ là muốn khiến cho sự cảm thọ cũ được trừ lành, cái mới chẳng sanh. Hoặc lại khi ấy thấu hiểu, hành đạo không mất thời tiết, chẳng mất hành ba mươi bảy đạo phẩm. Hoặc ngồi hoặc đi trừ khử thùy miên cái.
Hoặc lúc đầu hôm, hoặc ngồi hoặc đi, trừ khử thùy miên cái, hoặc giữa đêm nằm hông phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột ý ở chỗ sáng suốt.
Vị ấy lại lúc cuối đêm hoặc ngồi, hoặc kinh hành mà tịnh ý mình. Khi đó ăn uống, vị ấy biết đủ, kinh hành không mất thời tiết, trừ khử dục tưởng bất tịnh, không có các hạnh ác mà nhập Sơ Thiền, có giác có quán dừng niệm nương sự hoan lạc mà vào Nhị Thiền.
Không có lạc, xả niệm thanh tịnh, tự biết thân có lạc, chỗ Chư Hiền cầu, xả niệm thanh tịnh vào Tam Thiền. Vị ấy khổ vui đã diệt, không còn sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào Tứ Thiền.
Vị ấy dùng tâm tam muội, thanh tịnh không tỳ vết, cũng được không chỗ sợ, lại được tam muội tự nhớ việc vô số đời.
Vị ấy liền nhớ việc quá khứ hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mấy ngàn vạn đời, kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại: Ta từng sanh ở chỗ kia, họ gì tên gì, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế, thọ mạng dài ngắn, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, nhân duyên gốc ngọn đều rõ biết hết.
Vị ấy lại dùng tâm tam muội, thanh tịnh không tỳ vết, được không sợ, xem thấy chúng sanh, người sanh, người chết. Lại dùng Thiên Nhãn xem chúng sanh người sanh, người chết, nẻo lành nẻo dữ, sắc lành, sắc ác, hoặc đẹp, hoặc xấu, đi theo loại nào, thảy đều biết hết.
Hoặc có chúng sanh thân, miệng, ý, làm ác, phỉ báng Hiền Thánh tạo gốc nghiệp tà, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục.
Hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý làm lành, không hủy báng Hiền Thánh, thân hoại mạng chung sanh chỗ lành lên Trời.
Lại dùng Thiên nhãn thanh tịnh xem chúng sanh hoặc đẹp, hoặc xấu, nẻo lành, nẻo dữ, sắc lành, sắc ác thảy đều biết cả, được không sợ. Lại tâm bố thí dứt hết các lậu.
Lại quán khổ này, như thật mà biết. Ðây là khổ, đây là khổ tập, khổ diệt, khổ xuất yếu, như thật mà biết. Vị ấy quán như thế rồi, tâm dục lậu, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát.
Ðã được giải thoát liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết. Bấy giờ Phạm Chí Kê Ðầu liền thành A La Hán.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một