Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Sáu - Phẩm Thính Pháp - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI SÁU

PHẨM THÍNH PHÁP  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn cùng chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội. Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân, như trong khoảng co duỗi cánh tay, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Thế Tôn: Như Lai cũng nói, phàm Như Lai ra đời ắt sẽ vì năm việc.

Thế nào là năm?

Sẽ Chuyển Pháp Luân. Sẽ độ cha mẹ. Người không tin, lập lòng tin. Người chưa phát tâm Bồ Tát khiến phát tâm Bồ Tát. Ở trong ấy sẽ truyền trao Phật quyết.

Như Lai xuất hiện sẽ vì năm nhân duyên này. Nay Phật mẫu ở cõi Trời Ba Mươi Ba muốn được nghe pháp. Nay Như Lai ở trong Diêm Phù Đề, Bốn bộ chúng vây quanh, quốc vương, nhân dân đều tụ hội.

Lành thay! Thế Tôn nên đến Trời Ba Mươi Ba thuyết pháp cho mẹ. Khi ấy, Thế Tôn làm thinh nhận lời.

Long Vương Nan Đà, Ưu Bàn Nan Đà liền nghĩ: Các Sa Môn trọc đầu này, bay ở trên ta, nên tìm phương tiện cho họ không di chuyển được. Khi ấy, Long Vương nổi giận phóng gió lửa lớn khiến trong cõi Diêm Phù Đề lửa cháy hừng hực.

Khi ấy A Nan bạch Phật: Trong Diêm Phù Đề này, vì sao có lửa khói này?

Thế Tôn bảo:

Ðây là hai Long Vương nghĩ rằng: Sa Môn trọc đầu thường bay ở trên ta, chúng ta nên khống chế họ đừng cho lấn chiếm hư không, rồi nổi giận phóng lửa khói này. Do nhân duyên này nên có sự biến hiện ấy.

Khi ấy Ðại Ca Diếp liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Thế Tôn: Nay con muốn đến đánh nhau với họ.

Thế Tôn bảo: Hai Long Vương này rất là hung ác, khó thể chịu giáo hóa. Thầy về chỗ ngồi đi.

Tôn Giả A Na Luật liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Thế Tôn: Nay con muốn đến hàng phục rồng dữ kia.

Thế Tôn bảo: Hai rồng dữ này rất là hung bạo, khó thể chịu giáo hóa. Thầy trở về chỗ ngồi đi.

Tôn Giả Ly Việt, Tôn Giả Ca Chiên Diên, Tôn Giả Tu Bồ Đề, Tôn Giả Ưu Đà Di, Tôn Giả Ba Kiệt Sa Kiệt mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Thế Tôn: Nay con muốn đến hàng phục rồng dữ.

Thế Tôn bảo: Hai Long Vương này rất là hung ác, khó thể chịu giáo hóa. Thầy về chỗ đi.

Bấy giờ, Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày lộ vai phải, quỳ gối chắp tay bạch Phật: Con muốn đến đó hàng phục rồng dữ.

Thế Tôn bảo: Hai Long Vương này rất là hung ác, khó thể chịu giáo hóa, nay thầy làm sao cảm hóa Long Vương kia?

Mục Liên bạch Phật: Trước tiên con đến đó hóa hình hết sức lớn làm rồng kia khủng khiếp. Sau đó con lại hóa hình hết sức nhỏ rồi mới dùng phép tắc thường mà hàng phục.

Thế Tôn bảo:

Lành thay Mục Liên! Nay thầy đủ sức hàng phục rồng dữ.

Nhưng này Mục Liên! Kiên trì tâm ý chớ khởi loạn tưởng.

Vì sao thế?

Rồng kia hung ác, đủ xúc nhiễu thầy. Mục Liên liền lễ chân Phật, trong khoảng co duỗi cánh tay biến mất. Đến trên núi Tu Di. Bấy giờ Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn Nan Đà lượn quanh núi Tu Di bảy vòng, cực kỳ sân giận phun khói lửa lớn.

Khi ấy Mục Liên tự ẩn mình, hóa làm Ðại Long Vương có mười bốn đầu, lượn quanh núi Tu Di mười bốn vòng, phun khói lửa mạnh, trụ ở ngay trên hai Long Vương.

Bấy giờ Long Vương Nan Đà, Ưu Bàn Nan Đà thấy Ðại Long Vương có mười bốn đầu liền sanh lòng sợ hãi, nói với nhau: Hôm nay chúng ta nên thử oai lực của Long Vương này, xét xem có thắng ta hay không?

Long Vương Nan Đà, Ưu Bàn Nan Đà lấy đuôi quậy trong biển lớn, lấy nước rảy khắp Trời Tam Thập Tam cũng không trúng nhằm thân Mục Liên.

Khi ấy Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên lại lấy đuôi quậy trong nước biển lớn, nước bèn lên đến Trời Phạm Ca Di và lại tưới trên thân hai Long Vương.

Hai Long Vương nói với nhau: Chúng ta dùng hết thế lực, lấy nước tưới Trời Ba Mươi Ba mà Ðại Long Vương này lại hơn quá chúng ta. Chúng ta chính có bảy đầu, nay Long Vương này mười bốn đầu. Chúng ta nhiễu núi Tu Di bảy vòng, nay Long Vương này nhiễu núi Tu Di mười bốn vòng.

Nay hai Long Vương mình nên chung sức chiến đấu với hắn. Khi ấy hai Long Vương hết sức giận dữ nổi sấm chớp sét rền, phun lửa rực lớn.

Tôn Giả Mục Liên liền nghĩ: Phàm rồng chiến đấu dùng lửa sấm sét, nếu ta dùng lửa sấm sét chiến đấu thì nhân dân trong cõi Diêm Phù Đề và Trời Ba Mươi Ba đều sẽ bị hại. Nay ta hóa hình cực nhỏ để chiến đấu.

Mục Liên liền hóa hình nhỏ xíu, chui vào miệng rồng rồi chun ra lỗ mũi, hoặc vào lỗ mũi rồi chui ra lỗ tai, hoặc vào lỗ tai rồi chui ra con mắt, đã ra khỏi mắt lại đi trên lông mi.

Khi đó hai Long Vương hết sức sợ hãi, liền nghĩ rằng: Ðại Long Vương này rất có oai lực, có thể vào miệng ra mũi, vào mũi ra mắt. Hôm nay chúng ta thật chẳng bằng. Loài rồng chúng ta nay có bốn loại: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, nhưng không ai vượt qua nổi chúng ta.

Nay Long Vương này uy lực như thế, chẳng thể đánh nhau nổi. Tánh mạng chúng ta chết trong chốc lát. Cả hai sợ hãi, áo lông dựng đứng. Mục Liên đã thấy Long Vương sanh lòng sợ hãi, lại ẩn hình, trở lại hình dung bình thường đi trên mí mắt rồng.

Khi ấy hai Long Vương thấy Ðại Mục Liên, tự nói với nhau: Ðây là Sa Môn Mục Liên, cũng chẳng phải Long Vương.

Thật là kỳ lạ! Vị này có đại oai lực, có thể đánh nhau với ta!

Bấy giờ hai Long Vương bạch Mục Liên rằng: Tôn Giả sao lại xúc nhiễu ta như thế?

Muốn răn dạy điều gì?

Mục Liên bảo: Các ông hôm qua nghĩ rằng: Làm sao mà Sa Môn trọc đầu lại bay trên ta.

Nay ta sẽ chế ngự phải không?

Long Vương đáp: Ðúng thế, Mục Liên!

Mục Liên bảo: Long Vương nên biết! Núi Tu Di này là đường đi của Chư Thiên, chẳng phải chỗ ở của ông.

Long Vương thưa: Cúi mong tha thứ, chúng con chẳng biết tội nặng, từ nay về sau sẽ không dám xúc nhiễu, nổi loạn tưởng ác. Cúi mong nhận chúng con làm đệ tử.

Mục Liên đáp: Các ông chớ quy y ta. Nơi ta quy y, các ông hãy quy y.

Long Vương bạch Mục Liên: Các ông không thể ở núi Tu Di này mà quy y Thế Tôn. Nay nên cùng ta đến thành Xá Vệ mới quy y được. Mục Liên dẫn hai Long Vương, như trong khoảng co duỗi cánh tay, từ trên núi Tu Di đến thành Xá Vệ. Bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng.

Mục Liên bảo hai Vua rồng: Các ông nên biết. Hôm nay Thế Tôn thuyết pháp cho vô số chúng, các ông không thể để thân hình này mà đến chỗ Phật.

Long Vương bảo: Ðúng vậy, Mục Liên!

Long Vương liền ẩn hình rồng, hóa hình thành người không cao, không thấp, dung mạo đoan chánh như màu hoa đào. Mục Liên đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên.

Khi ấy Mục Liên bảo Long Vương: Nay chính là lúc nên tiến đến!

Long Vương nghe Mục Liên nói, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ xuống chấp tay, bạch Thế Tôn: Hai chúng con, một tên là Nan Đà, hai là Ưu Bàn Nan Đà xin quy y Như Lai, thọ trì Ngũ Giới. Cúi mong Thế Tôn cho phép chúng con làm Ưu Bà Tắc, trọn đời không sát sanh nữa. Thế Tôn búng ngón tay chấp nhận. Hai Long Vương trở về chỗ muốn được nghe pháp.

Lúc ấy, Vua Ba Tư Nặc liền nghĩ: Có nhân duyên gì khiến trong cõi Diêm Phù Đề khói lửa như thế?

Vua Ba Tư Nặc liền cỡi xe kiệu ra khỏi thành Xá Vệ đến chỗ Thế Tôn.

Khi ấy, nhân dân từ xa thấy Vua đến, đều cùng đứng dậy tiếp đón: Kính chào Ðại Vương, hãy đến đây ngồi. Hai Long Vương làm thinh chẳng đứng lên. Vua Ba Tư Nặc cúi lạy Thế Tôn rồi ngồi một bên.

Khi ấy Ðại Vương bạch Thế Tôn: Nay con muốn hỏi. Cúi mong Thế Tôn diễn bày từng việc cho.

Thế Tôn bảo: Muốn hỏi gì, nay chính phải lúc.

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Có nhân duyên gì khiến trong cõi Diêm Phù Đề này khói lửa đến thế?

Thế Tôn bảo: Do Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn Nan Đà tạo nên. Nhưng Ðại Vương chớ sợ hãi, ngày nay không còn biến ra khói lửa nữa.

Vua Ba Tư Nặc liền nghĩ: Nay ta là Ðại Vương của nước. Nhân dân sùng kính, danh vang bốn phương.

Hai người này từ đâu tới, thấy ta đến cũng không đứng dậy đón rước?

Nếu ở trong nước ta, ta sẽ bắt giam, nếu ở nước khác đến ta sẽ giết chết. Khi ấy Long Vương biết tâm Vua Ba Tư Nặc nghĩ như thế liền tức giận.

Long Vương liền nghĩ: Chúng ta chẳng có lỗi gì với Vua này, thế mà Vua này muốn hại ngược lại ta. Cần phải đem quốc vương và dân nước Ca Di giết hết. Long Vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy Thế Tôn rồi đi. Lìa Kỳ Hoàn chẳng xa thì biến mất.

Vua Ba Tư Nặc thấy người này đi, chưa bao lâu bạch Thế Tôn: Quốc sự bận rộn, con muốn về cung.

Thế Tôn bảo: Nên biết phải thời!

Vua Ba Tư Nặc từ chỗ ngồi đứng lên lui đi, bảo quần thần: Hai người vừa rồi đi theo đường nào?

Mau bắt lấy! Quần Thần nghe Vua ra lệnh liền đuổi theo tìm mà chẳng biết chỗ, liền trở về cung.

Khi đó Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn Nan Đà, mỗi người nghĩ rằng: Chúng ta không có lỗi với Vua đó, vừa rồi Vua đó lại muốn bắt chúng ta để hại. Chúng ta nên làm hại hết nhân dân của ông ta không sót một ai.

Khi ấy Long Vương lại nghĩ rằng: Nhân dân trong nước có tội lỗi gì?

Nên bắt nhân dân trong thành Xá Vệ hại đi.

Rồi lại nghĩ nữa: Dân nước Xá Vệ có lỗi gì với chúng ta. Nên đem các quan lại thuộc hạ trong Vương Cung giết sạch.

Bấy giờ Thế Tôn đã biết trong lòng Long Vương nghĩ gì, liền bảo Tôn Giả Mục Liên: Nay thầy nên cứu Vua Ba Tư Nặc, chớ để cho Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn Nan Đà làm hại.

Mục Liên đáp: Xin vâng, Thế Tôn! Mục Liên vâng lời Phật dạy, cúi lạy rồi lui đi, ở trên Vương Cung ngồi kiết già, chẳng hiện thân. Hai Long Vương kéo sấm sét vang rền, gió mưa dồn dập trên Vương Cung. Hoặc mưa ngói đá, hoặc mưa đao kiếm, chưa rơi xuống đất đã thành hoa sen Ưu Bát trong hư không.

Khi ấy Long Vương càng thêm giận dữ, mưa ra núi cao lớn ở trên cung điện, Mục Liên lại hóa thành các thức ăn uống. Khi ấy Long Vương nổi giận đùng đùng, mưa các đao kiếm, Mục Liên lại khiến biến thành y phục thật đẹp. Long Vương càng giận dữ, mưa cát đá lửa trên cung Ba Tư Nặc, cát đá chưa rớt xuống đất lại hóa thành bảy báu.

Vua Ba Tư Nặc thấy trong cung điện mưa các thứ bảy báu, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, liền nghĩ: Trong cõi Diêm Phù Đề, người có đức không ai hơn ta, chỉ trừ Như Lai.

Vì sao thế?

Trong nhà ta, trên một gốc lúa thu thập được mười đấu lúa. Nấu cơm với nước mía hết sức thơm ngon. Nay lại ở trên cung điện mưa bảy báu.

Ta có lẽ được làm Chuyển Luân Thánh Vương ư?

Vua Ba Tư Nặc ra lệnh các thể nữ thu lượm bảy báu.

Khi ấy hai Long Vương bảo nhau: Hôm nay sắp có ý gì?

Chúng ta lúc đến muốn hại Vua Ba Tư Nặc, nay biến hóa ra thế. Bao nhiêu thế lực hôm nay hiện hết còn chẳng động đến Vua Ba Tư Nặc được mảy may.

Khi ấy Long Vương thấy Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên ở trên cung điện ngồi kiết già, chính thân chính ý, thân không xiêu vẹo.

Thấy rồi liền nghĩ: Ðây chắc là do ngài Mục Liên làm. Hai Long Vương thấy Mục Liên rồi liền lui đi. Mục Liên thấy Long Vương đi liền xả thần túc, về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.

Khi đó Vua Ba Tư Nặc liền nghĩ rằng: Nay các thức ăn uống này chẳng nên ăn trước. Nên trước hết dâng lên Như Lai rồi sau mới đến mình.

Vua Ba Tư Nặc lấy xe chở trân bảo và các thức ăn uống đến chỗ Thế Tôn rồi bạch: Hôm qua trời mưa bảy báu và các thức ăn uống này. Cúi mong Thế Tôn nạp thọ. Bấy giờ Ðại Mục Kiền Liên cách Thế Tôn chẳng xa.

Phật bảo Vua rằng: Nay Ðại Vương nên đem thức ăn uống và bảy báu cúng cho Ðại Mục Liên.

Vì sao thế?

Nhờ ơn Mục Liên mà Ðại Vương được sống lại trên đất Thánh Hiền.

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: Có nhân duyên gì mà nói là con sống lại?

Thế Tôn bảo: Khi sớm chẳng phải Vua đến chỗ ta định nghe pháp đó sao?

Lúc ấy có hai người cũng đến nghe pháp.

Vua sanh niệm này: Ta ở nước này là bậc hào quý đệ nhất, được mọi người kính nể. Nhưng hai người này từ đâu tới, thấy ta chẳng đứng dậy tiếp đón.

Vua bạch Phật: Thực vậy Thế Tôn!

Thế Tôn bảo: Ðây chẳng phải là người mà là Long Vương Nan Đà, Ưu Bàn Nan Đà.

Họ biết ý Vua nên nói với nhau rằng: Chúng ta không có lỗi đối với nhân vương này, cớ sao ngược lại muốn hại ta?

Cần nên tìm cách diệt nước này.

Ta biết được ý của Long Vương bèn sai Mục Liên: Nay nên cứu Vua Ba Tư Nặc, chẳng để bị rồng hại. Thầy ấy vâng lời ta dạy, ở trên cung điện ẩn hình chẳng hiện, tạo sự biến hóa này. Khi ấy Long Vương hết sức giận dữ, mưa cát, ngói, đá ở trên cung điện, lúc chưa rơi xuống đất đã hóa thành các thứ ẩm thực, y phục, bảy báu.

Do nhân duyên này, hôm nay Ðại Vương coi như sống lại.

Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc kinh sợ, lông áo dựng đứng, quỳ gối đi đến trước Như Lai mà bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn, rủ ơn thâm hậu, cứu giúp sinh mạng của con.

Vua lại dạy Tôn Giả Mục Liên, cung kính: Mong nhờ ơn của Tôn Giả được cứu mạng sống.

Bấy giờ quốc vương liền nói kệ:

Chí Tôn thọ vô cùng,

Luôn luôn hộ mạng con,

Ðộ thoát khổ nguy cùng,

Nhờ Ngài được thoát nạn.

Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc dùng hương hoa Trời rải trên thân Như Lai và nói: Nay con đem bảy báu này dâng lên Tam Bảo. Cúi mong thâu nhận. Vua cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi.

Khi ấy Thế Tôn liền nghĩ rằng: Bốn bộ chúng này có nhiều giải đãi, đều chẳng nghe pháp, cũng không cầu phương tiện thân chứng, cũng lại không cầu điều chưa được khiến được, điều chưa đắc khiến đắc. Nay Ta nên làm cho Bốn bộ chúng khát ngưỡng pháp.

Bấy giờ Thế Tôn chẳng báo cho bốn bộ chúng, cũng chẳng đem thị giả, như trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay biến mất khỏi Kỳ Hoàn, đến Cõi Trời Tam Thập Tam.

Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân xa thấy Thế Tôn đến, liền dẫn Thiên Chúng đến trước rước Thế Tôn, cúi lạy và thỉnh đến tòa ngồi, cùng nói rằng: Kính chào Thế Tôn! Ly biệt đã lâu không đến thăm.

Khi ấy Thế Tôn tự nghĩ: Nay Ta sẽ dùng sức thần túc tự ẩn hình khiến mọi người không thấy Ta ở đâu.

Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: Nay Ta ở Cõi Trời Tam Thập Tam hóa thân hết sức to lớn. Khi ấy giảng đường thiện pháp trên Trời có tảng đá vàng to rộng một do tuần, Thế Tôn ngồi kiết già khắp kín trên đá.

Bà Ma Gia, dẫn các Thiên Nữ đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên và nói rằng: Không phụng sự Ngài quá lâu, nay Ngài đến đây thực là đại hạnh, mong mỏi nhớ nghĩ gặp Phật, hôm nay Phật mới đến. Khi ấy bà Ma Gia cúi lạy rồi ngồi một bên. Thích Đề Hoàn Nhân cũng lạy Như Lai rồi ngồi một bên. Lúc đó, chúng của Chư Thiên thấy Như Lai, ở đó tăng thêm Thiên Chúng giảm bớt chúng A Tu La.

Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết diệu luận cho chúng Chư Thiên kia. Những luận về thí luận, giới luận, luận sanh Thiên.

Dục là tưởng bất tịnh. Dâm là uế ác. Xuất yếu là vui. Bấy giờ Thế Tôn đã thấy các chúng đến nghe, và Chư Thiên tâm ý khai mở.

Pháp Chư Phật Thế Tôn thường thuyết: Khổ, tập, diệt, đạo, Ngài đều thuyết hết cho Chư Thiên. Mọi người đều ở tại tòa, các trần cấu hết, được pháp nhãn thanh tịnh.

Lại có mười tám ức Thiên Nữ thấy đạo tích. Ba vạn sáu ngàn Thiên Chúng được pháp nhãn tịnh. Khi ấy bà Ma Gia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy rồi trở về Cung.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Nay con nên dùng thức ăn gì để dọn cho Như Lai?

Dùng thức ăn của nhân gian hay dùng thức ăn tự nhiên của Trời?

Thế Tôn bảo: Nên dùng thức ăn của nhân gian dọn cho Như Lai.

Vì sao vậy?

Thân Ta sanh ở nhân gian, lớn lên ở nhân gian, thành Phật ở nhân gian.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Xin vâng Thế Tôn!

Thích Đề Hoàn Nhân lại bạch Phật: Dùng thời tiết trên Trời hay dùng thời tiết nhân gian?

Thế Tôn bảo: Dùng thời tiết nhân gian.

Xin vâng, Thế Tôn.

Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân liền lấy thức ăn của nhân gian, lại dùng thời tiết nhân gian dọn ăn cho Như Lai.

Bấy giờ Trời Tam Thập Tam Bảo nhau rằng: Nay chúng ta thấy Như Lai trọn ngày ăn cơm.

Thế Tôn liền nghĩ: Nay Ta nên nhập Như thị Tam Muội muốn khiến Chư Thiên đến thì đến, muốn cho Chư Thiên lui thì lui. Khi ấy, Thế Tôn nhập vào Tam Muội này làm Chư Thiên đến lui tùy thời.

Bốn bộ chúng ở nhân gian đã lâu không thấy Như Lai, đi đến chỗ Tôn Giả A Nan bạch: Như Lai nay ở đâu?

Chúng con mong mỏi được thấy.

Tôn Giả A Nan đáp: Chúng tôi cũng chẳng biết Như Lai ở đâu.

Khi ấy Vua Ba Tư Nặc, Vua Ưu Điền đến chỗ A Nan, hỏi A Nan rằng: Hôm nay Như Lai ở đâu?

Tôn Giả A Nan đáp: Ðại Vương!

Tôi cũng chẳng biết chỗ Như Lai ở. Hai Vua nhớ mong, muốn gặp Như Lai bèn đau khổ.

Bấy giờ quần thần đến chỗ Vua Ưu Điền, tâu Vua rằng: Nay bị bệnh gì?

Vua đáp: Nay ta vì sầu lo thành bệnh.

Quần Thần tâu Vua: Vì sao mà sầu lo thành bệnh?

Vua đáp: Do chẳng thấy Như Lai, nếu ta không thấy Như Lai, ta sẽ chết mất!

Quần Thần liền nghĩ: Phải dùng cách gì cho Vua Ưu Điền không mạng chung. Chúng ta nên làm hình tượng Như Lai.

Quần Thần tâu Vua: Chúng tôi muốn làm hình tượng, cũng có thể cung kính, thừa sự, lễ bái.

Vua nghe xong, vui mừng hớn hở không dừng được, bảo quần thần: Lành thay! Các Khanh nói rất hay! Quần thần tâu Vua nên lấy báu gì làm hình tượng Như Lai.

Vua liền ra lệnh các thầy thợ kỹ xảo trong nước rằng: Nay ta muốn làm hình tượng.

Thợ khéo đáp: Xin vâng, Ðại Vương!

Vua Ưu Điền liền lấy Ngưu đầu Chiên Đàn làm hình tượng Như Lai cao năm thước. Vua Ba Tư Nặc nghe Vua Ưu Điền làm hình Tượng Phật cao năm thước để cúng dường.

Vua Ba Tư Nặc liền mời thợ khéo trong nước mà bảo: Nay ta muốn làm hình tượng Như Lai. Các người phải làm cho xong ngay!

Vua Ba Tư Nặc nghĩ: Nên dùng báu gì làm hình tượng Như Lai?

Chốc lát lại nghĩ: Hình thể Như Lai vàng như Thiên kim, nên lấy vàng làm hình tượng Như Lai. Vua Ba Tư Nặc, lấy toàn vàng tử ma làm tượng Như Lai cao năm thước. Bấy giờ cõi Diêm Phù Đề mới có hai hình tượng Như Lai này.

Khi ấy Bốn bộ chúng đến chỗ Tôn Giả A Nan bạch: Chúng tôi khát ngưỡng Như Lai, nhớ muốn thăm viếng Ngài.

Nay Như Lai ở đâu?

A Nan đáp: Chúng tôi cũng chẳng biết chỗ Như Lai ở. Nhưng nay hãy cùng đến chỗ A Na Luật mà hỏi nghĩa này.

Vì sao vậy?

Tôn Giả A Na Luật thiên nhãn đệ nhất, thanh tịnh không vết nhơ. Tôn Giả dùng thiên nhãn thấy một ngàn Thế Giới, hai ngàn Thế Giới, ba ngàn đại thiên Thế Giới. Tôn Giả có thể thấy biết.

Bốn bộ chúng cùng A Nan đến chỗ Tôn Giả A Na Luật, bạch A Na Luật:

Nay Bốn bộ chúng này đến chỗ tôi hỏi: Hôm nay Thế Tôn ở đâu?

Cúi mong Tôn Giả dùng thiên nhãn xem Như Lai ở chỗ nào?

Tôn Giả A Na Luật bảo: Các ông hãy chờ.

Nay tôi muốn xem Như Lai trọn ở chỗ nào?

Khi ấy, A Na Luật chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước, dùng thiên nhãn xem trong cõi Diêm Phù Đề mà chẳng thấy. Tôn Giả lại dùng thiên nhãn xem Cù Da Ni, Phật Vu Đại, Uất Đơn Việt mà chẳng thấy. Lại xem Trời Tứ Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Diệm Thiên, Trời Ðâu Suất, Trời Hóa Tự Tại, Trời Tha Hóa Tự Tại, cho đến xem Phạm Thiên mà chẳng thấy đâu.

Lại xem ngàn Diêm Phù Đề, ngàn Cù Da Ni, ngàn Uất Đơn Việt, ngàn Phất Vu Đãi, ngàn Tứ Thiên Vương, ngàn Diệm Thiên, ngàn Trời Ðâu Suất, ngàn Trời Hóa Tự Tại, ngàn Trời Tha Hóa Tự Tại, ngàn Phạm Thiên mà chẳng thấy Như Lai. Lại xem ba ngàn Đại Thiên cõi nước mà chẳng thấy.

Tôn Giả A Na Luật liền từ tòa đứng dậy, nói với Tôn Giả A Nan: Nay tôi đã xem ba ngàn Đại Thiên cõi nước mà không thấy. Bấy giờ A Nan và Bốn bộ chúng đứng lặng thinh.

A Nan nghĩ: Như Lai sẽ không nhập Niết Bàn chứ?

Khi đó, Trời Tam Thập Tam mỗi người tự bảo nhau: Chúng ta mừng được lợi lành. Cúi mong bảy Phật thường hiện ở đời. Trời và người đời được nhiều lợi ích.

Hoặc có vị Trời bảo rằng: Hãy gác bảy Phật, chỉ cho có sáu Phật cũng rất tốt.

Hoặc có vị Trời nói: Chỉ cho có năm Phật. Hoặc chư vị nói bốn Phật, hoặc nói ba Phật, hoặc nói hai Phật xuất hiện ở đời, có nhiều lợi ích.

Thích Đề Hoàn Nhân bảo Chư Thiên: Hãy gác bảy Phật cho đến hai Phật. Chỉ khiến ngày nay Phật Thích Ca Văn trụ lâu ở đời, thì được nhiều lợi ích. Bấy giờ ý Như Lai muốn Chư Thiên đến, Chư Thiên liền đến, ý muốn cho Chư Thiên đi, Chư Thiên liền đi.

Lúc ấy, Trời Tam Thập Tam Bảo nhau: Như Lai cớ sao trọn ngày một lần ăn?

Thích Đề Hoàn Nhân bảo Trời Tam Thập Tam: Nay Như Lai ăn theo thời tiết của nhân gian, chẳng dùng thời tiết trên Trời.

Thế Tôn trải qua ba tháng, liền nghĩ: Người trong Bốn bộ chúng ở Diêm Phù Đề chẳng thấy ta đã lâu, có lòng rất mong. Nay ta nên bỏ thần túc khiến các Thanh Văn biết Như Lai ở Trời Tam Thập Tam. Khi ấy Thế Tôn liền xả thần túc.

Tôn Giả A Nan đến chỗ Tôn Giả A Na Luật mà thưa rằng: Nay Bốn bộ chúng rất khát ngưỡng mong thấy Như Lai.

Nhưng nay Như Lai không phải diệt độ chứ?

A Na Luật bảo A Nan:

Ðêm qua có vị Trời đến chỗ tôi nói rằng: Như Lai ở giảng đường thiện pháp Cõi Trời Tam Thập Tam. Nay thầy hãy chờ. Tôi muốn xem chỗ Như Lai ở. Tôn Giả A Na Luật liền ngồi kiết già, chính thân chính ý, tâm không di động, dùng thiên nhãn xem Trời Tam Thập Tam, thấy Thế Tôn ngồi trên tảng đá vuông vắn một do tuần.

Khi ấy A Na Luật từ Tam Muội dậy bảo A Nan: Nay Như Lai ở Trời Tam Thập Tam thuyết pháp cho mẹ. Tôn Giả A Nan và Bốn bộ chúng hoan hỉ hớn hở không thể kềm được.

A Nan hỏi Bốn bộ chúng: Ai có thể đảm nhận đến Trời Tam Thập Tam thăm hỏi Như Lai?

Tôn Giả A Na Luật nói: Nay Tôn Giả Mục Liên, thần túc đệ nhất, mong dùng sức thần đến thăm hỏi Như Lai.

Khi ấy Bốn bộ chúng bạch Tôn Giả Mục Liên: Hôm nay Như Lai ở Cõi Trời Tam Thập Tam.

Cúi mong Tôn Giả đem danh tánh bốn chúng thăm hỏi Như Lai, lại đem nghĩa này đến bạch Như Lai: Thế Tôn ở tại Diêm Phù Đề, nơi thế gian đắc đạo. Mong rủ oai thần trở về thế gian.

Mục Liên bảo: Rất tốt, Chư Hiền! Mục Liên nhận lời bốn bộ chúng, trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay lên đến Trời Tam Thập Tam, tới chỗ Như Lai. Thích Đề Hoàn Nhân và Trời Tam Thập Tam xa thấy Mục Liên đến.

Chư Thiên mỗi người nghĩ: Ðây chắc là sứ giả của Tăng, cũng như sứ giả của các Vua. Bấy giờ Chư Thiên đều đứng lên, đến đón.

Kính chào Tôn Giả! Tôn Giả Mục Liên xa thấy Thế Tôn thuyết pháp cho vô số chúng.

Thấy rồi nghĩ rằng: Thế Tôn ở trong Cõi Trời này cũng lại phiền phức, ồn ào. Mục Liên đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, đứng một bên.

Bấy giờ Mục Liên bạch Phật: Thế Tôn! Chúng Bốn bộ thăm hỏi Như Lai được mạnh khỏe, nhẹ nhàng thư thái.

Tôn Giả bạch việc này: Như Lai sanh trưởng trong Diêm Phù Đề, ở thế gian đắc đạo. Cúi mong Thế Tôn trở lại thế gian. Bốn bộ chúng khao khát muốn gặp Thế Tôn.

Thế Tôn bảo: Chúc Bốn bộ chúng tiến tu đạo nghiệp, không có mệt mỏi.

Thế nào Mục Liên!

Bốn bộ chúng du hóa mệt chăng?

Không tranh tụng chăng?

Ngoại đạo dị học không xúc nhiễu chăng?

Mục Liên đáp: Bốn bộ chúng hành đạo không mỏi mệt.

Nhưng này Mục Liên! Vừa rồi thầy nghĩ rằng Như Lai ở đây cũng phiền não. Việc này chẳng đúng.

Vì sao thế?

Thời thuyết pháp của ta không lâu, nếu ta nghĩ rằng muốn khiến Chư Thiên đến, họ liền đến. Muốn khiến Chư Thiên chẳng đến, họ liền chẳng đến.

Mục Liên!

Thầy trở về thế gian, sau bảy ngày nữa, Như Lai sẽ đến nước Tăng Ca Thi bên ao nước lớn.

Lúc ấy, Mục Liên trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay trở về thành Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc, đến bốn bộ chúng mà nói rằng: Chư Hiền nên biết! Sau bảy ngày Như Lai sẽ xuống cõi Diêm Phù Đề bên ao nước lớn Tăng Ca Thi. Bấy giờ Bốn bộ chúng nghe xong vui mừng hớn hở không thể tự kềm.

Vua Ba Tư Nặc, Vua Ưu Điền, Vua Ác Sanh, Vua Ư Đà Diên, Vua Tần Bà Sa La nghe Như Lai sau bảy ngày sẽ đến bên ao nước lớn Tăng Ca Thi, hết sức vui mừng không thể kềm được.

Khi ấy dân chúng Tỳ Xá Ly, họ Thích ở Ca Tỳ La Vệ, dân chúng Câu Di La Việt nghe Như Lai sẽ đến đất Diêm Phù Đề, vui mừng hớn hở không thể kềm được.

Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc tập họp bốn bộ binh đến bên ao nước muốn gặp Thế Tôn. Năm Vua đều tập họp binh lính đến chỗ Thế Tôn muốn được thăm viếng Như Lai. Dân chúng họ Thích ở Ca Tỳ La Vệ đều đến chỗ Thế Tôn và Bốn bộ chúng đều đến chỗ Thế Tôn, muốn gặp Như Lai.

Ðúng bảy ngày, Thích Đề Hoàn Nhân bảo Thiên Tử Tự Tại: Nay ông từ đỉnh núi Tu Di đến ao nước Tăng Ca Thi làm ba con đường, xem Như Lai chẳng dùng thần túc đến đất Diêm Phù.

Thiên Tử Tự Tại đáp: Việc này rất hay. Ðúng lúc ấy sẽ làm xong. Bấy giờ Thiên Tử Tự Tại liền hóa ra ba con đường bằng vàng, bạc, thủy tinh. Con đường vàng ở giữa, đường bạc một bên, đường thủy tinh một bên, hóa làm cây vàng. Ngay lúc ấy, chư thần Diệu Tôn Thiên, trong bảy ngày đều đến nghe pháp.

Khi ấy Thế Tôn thuyết pháp cho mấy ngàn vạn chúng vây quanh trước sau, thuyết Năm thạnh ấm khổ.

Thế nào là năm?

Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Thế nào là sắc ấm?

Nghĩa là thân tứ đại, là tứ đại tạo sắc, gọi là sắc ấm.

Thế nào gọi là thọ ấm?

Nghĩa là khổ thọ, lạc thọ, bất khổ, bất lạc thọ. Gọi là thọ ấm.

Sao gọi là tưởng ấm?

Nghĩa là ba đời cùng hội. Gọi là tưởng ấm.

Sao gọi là hành ấm?

Nghĩa là thân hành, khẩu hành, ý hành. Gọi là hành ấm.

Sao gọi là thức ấm?

Nghĩa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Gọi là thức ấm.

Thế nào gọi là sắc?

Sắc nghĩa là lạnh cũng là sắc, nóng cũng là sắc, đói cũng là sắc, khát cũng là sắc.

Thế nào gọi là thọ?

Thọ gọi là giác.

Giác vật gì?

Giác khổ, giác vui, giác chẳng khổ chẳng vui. Gọi là giác.

Thế nào gọi là tưởng?

Tưởng cũng là biết.

Biết xanh, vàng, trắng, đen, biết khổ vui, nên gọi là biết.

Thế nào gọi là hành?

Hành là có thể thành tựu nên gọi là hành.

Là thành việc gì?

Hoặc thành ác hạnh, hoặc thành thiện hạnh. Nên gọi là hành.

Thế nào gọi là thức?

Biết phân biệt đúng sai, cũng biết các vị. Đây gọi là thức. Chư Thiên Tử nên biết, có năm thạnh ấm này thì biết có ba ác đạo, Thiên Đạo, nhân đạo.

Năm thạnh ấm này diệt liền biết có đạo Niết Bàn. Bấy giờ, lúc thuyết pháp này có sáu vạn Thiên Nhân được pháp nhãn thanh tịnh.

Thế Tôn thuyết pháp cho các Thiên Nhân xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến đỉnh núi Tu Di nói kệ:

Các ông nên siêng học,

Ðối với Phật, Pháp, Tăng,

Nên diệt con đường chết,

Như người điều phục voi.

Nếu được ở Pháp này,

Không có sự lười biếng,

Liền sẽ hết sanh tử,

Không còn nguồn gốc khổ.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ này rồi, liền đến đường giữa. Khi ấy Phạm Thiên ở đường bạc bên mặt Thế Tôn và Thích Đề Hoàn Nhân ở bên đường thủy tinh và Chư Thiên Nhân ở trên hư không rải hoa, đốt hương, xướng kỹ nhạc làm vui lòng Như Lai.

Khi ấy, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc nghe hôm nay Như Lai sẽ đến bên ao nước lớn Tăng Ca Thi, nghe rồi liền nghĩ: Bốn bộ chúng, quốc vương, Đại Thần, nhân dân trong nước không ai không đến. Nếu ta theo lối thường đi đến, điều này không nên. Ta hãy biến làm thân Chuyển Luân Thánh Vương đến gặp Thế Tôn. Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc liền ẩn hình, hóa thành Chuyển Luân Thánh Vương bảy báu đầy đủ.

Bảy báu là: Xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, điển binh báu, điển tạng báu. Ðó là bảy báu. Bấy giờ Tôn Giả Tu Bồ Đề ở trong núi Kỳ Xà Quật thành La Duyệt, tại một mé núi vá y.

Tu Bồ Đề nghe Thế Tôn hôm nay sẽ đến đất Diêm Phù Đề, Bốn bộ chúng đều đến gặp, liền nghĩ: Nay ta nên đến thăm hỏi lễ bái Như Lai. Bấy giờ Tôn Giả Tu Bồ Đề liền bỏ việc vá y, từ chỗ ngồi đứng lên, chân phải đặt xuống đất.

Khi ấy ngài lại nghĩ rằng: Thân Như Lai là gì?

Thế Tôn có phải là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chăng?

Người đến gặp lại là đất, nước, gió, lửa chăng?

Tất cả các pháp thảy đều không tịch, không tạo, không tác.

Như bài kệ của Thế Tôn nói:

Nếu người muốn lễ Phật,

Và những bậc tối thắng,

Ấm, trì, nhập các thứ,

Thảy đều quán vô thường.

Phật quá khứ lâu xa,

Và các Phật vị lai,

Như nay Phật hiện tại,

Tất cả đều vô thường.

Nếu người muốn lễ Phật,

Quá khứ và tương lai,

Nếu ở trong hiện tại,

Nên quán ở pháp không.

Nếu người muốn lễ Phật,

Quá khứ và tương lai,

Cùng Chư Phật hiện tại,

Nên quán ở vô ngã.

Trong đây vô ngã, vô mạng, vô nhân, vô tạo tác, cũng không hình dung, có dạy, có truyền. Các pháp đều không tịch.

Cái gì là ta?

Ta là không chủ, nay ta quy mạng chân pháp tụ. Bấy giờ Tôn Giả Tu Bồ Đề trở lại chỗ ngồi vá y. Khi đó Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc làm Chuyển Luân Thánh Vương dẫn theo bảy báu đến chỗ Thế Tôn.

Năm quốc vương xa thấy Chuyển Luân Thánh Vương đến, vui mừng hớn hở không thể tự kiềm, nói với nhau rằng: Thật là kỳ đặc!

Thế gian xuất hiện hai trân bảo: Như Lai và Chuyển Luân Thánh Vương. Bấy giờ Thế Tôn dẫn mấy vạn Thiên Nhân, từ đỉnh núi Tu Di đến bên ao nước. Thế Tôn giở chân đạp đất, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này sáu phen chấn động.

Khi ấy, Hóa Chuyển Luân Thánh Vương dần dần đến chỗ Thế Tôn, các Tiểu quốc vương và nhân dân đều tránh ra. Hóa Chuyển Luân Thánh Vương biết và đã gần Thế Tôn, liền trở lại hình cũ thành Tỳ Kheo Ni cúi lạy Thế Tôn.

Năm Vua thấy rồi, kêu oán, bảo nhau rằng: Hôm nay chúng ta thật là sơ sót. Chúng ta đáng lẽ gặp Như Lai trước. Mà nay gặp Tỳ Kheo Ni trước.

Khi ấy Tỳ Kheo Ni đến chỗ Thế Tôn cúi lạy bạch Phật: Nay con lễ đấng tối thắng! Hôm nay con được thăm viếng đầu tiên. Con, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc là đệ tử của Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ bảo Liên Hoa Sắc:

Thiện nghiệp, đã lễ trước,

Ðầu tiên không ai hơn,

Không vô giải thoát môn,

Ðây là nghĩa lễ Phật.

Nếu người muốn lễ Phật,

Tương lai và quá khứ,

Nên quán pháp không vô,

Ðây là nghĩa lễ Phật.

Khi ấy, năm Vua và dân chúng đông vô kể, đến chỗ Thế Tôn tự xưng tên: Con là Ba Tư Nặc, Vua nước Ca Thi. Con là Vua nước Bạt Kỳ tên là Ưu Điền. Con là chúa của nhân dân Ngũ Đô tên là Ác Sanh. Con là chúa Nam Hải tên là Ưu Đà Diên. Con là Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt.

Bấy giờ mười một Na thuật nhân dân tụ tập và các bậc Tôn Trưởng được tôn trọng nhất của Bốn bộ chúng, một ngàn hai trăm người đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ Vua Ưu Điền tay bưng tượng Ngưu Đầu Chiên Đàn, dùng kệ hướng Như Lai Thuyết:

Nay con muốn thưa hỏi,

Từ bi hộ tất cả,

Người tạo hình Tượng Phật,

Sẽ được những phước gì?

Ðức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Nay Ðại Vương hãy nghe,

Giảng ít nhiều nghĩa này,

Người tạo hình Tượng Phật,

Nay sẽ nói sơ đó,

Nhãn căn trước chẳng hoại,

Sau lại được thiên nhãn,

Trắng đen thấy phân minh,

Ðức tạo hình Tượng Phật.

Thân thể sẽ đầy đủ,

Ý chính không mê hoặc,

Thế lực hơn người thường.

Người tạo hình Tượng Phật

Trọn không vào đường ác,

Trọn sẽ sanh lên Trời,

Ở đó làm Thiên Vương,

Phước tạo hình Tượng Phật.

Phước khác không thể kể,

Phước này bất tư nghì,

Tiếng đồn khắp bốn phương,

Phước tạo hình Tượng Phật.

Lành thay! Lành thay! Ðại Vương có nhiều lợi ích Trời người nhớ ơn.

Bấy giờ Vua Ưu Điền cực kỳ hoan hỷ không thể kềm được. Thế Tôn diễn thuyết diệu luận cho bốn bộ chúng và năm Vua. Những luận là thí luận, giới luận và Sanh Thiên luận, dục là tưởng bất tịnh, lậu là hoạn lớn, xuất yếu là diệu.

Khi ấy, Thế Tôn biết Bốn bộ chúng tâm ý khai mở. Chư Phật Thế Tôn thường thuyết pháp khổ, tập, diệt, ðạo, nay thuyết hết cho họ.

Bấy giờ, Trời và nhân dân hơn sáu vạn người, ngay tại chỗ ngồi, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh.

Bấy giờ năm Vua bạch Thế Tôn: Xứ này phước đức vi diệu, thật là thần địa. Như Lai mới từ Trời Ðâu Suất xuống đây thuyết pháp. Nay con muốn kiến lập đất này khiến cho còn mãi không hoại.

Thế Tôn bảo: Năm Ðại Vương! Ở đất này hãy lập thần tự, mãi mãi hưởng phước trọn không hư bại.

Các Vua đáp: Nên tạo lập thần tự ra sao?

Bấy giờ Thế Tôn duỗi tay phải, từ dưới đất xuất hiện Chùa của Phật.

Ca Diếp nhìn năm Vua bảo: Muốn tạo thần tự nên lấy đây làm phép tắc. Khi đó, năm Vua ở chỗ ấy dựng Đại Thần tự.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hằng sa Như Lai đời quá khứ, tùy tùng nhiều ít, cũng như hôm nay không khác. Ngay đến Chư Phật Thế Tôn tương lai, tùy tùng nhiều ít, cũng như hôm nay không khác.

Nay Kinh này tên là Pháp Bổn Du Thiên. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ bốn bộ chúng và năm quốc vương nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường