Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Thiện Tri Thức - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM THIỆN TRI THỨC  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

Nay ta sẽ nói: Có người như sư tử và có người như dê. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó.

Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!

Các Tỳ Kheo bâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo rằng: Người kia tại sao mà giống sư tử?

Ở đây, Tỳ Kheo! Có người được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Người đó được rồi liền tự ăn uống, không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, hoàn toàn không có niệm này, tự biết pháp xuất yếu. Cho dù không được lợi dưỡng, cũng không khởi loạn niệm, không có tâm tăng giảm. Ví như sư tử ăn thịt thú nhỏ.

Bấy giờ Vua loài thú ấy cũng không nghĩ rằng: Cái này tốt, cái này chẳng tốt, không có tâm dính mắc, cũng không dục ý, không khởi các tưởng. Người này cũng lại như thế. Nếu được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men, trị bệnh, người này được rồi liền tự ăn uống, không khởi ý dính mắc, ví dù không được cũng không có các niệm.

Ví như có người nhân người cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, được rồi liền ăn uống, khởi tâm dính mắc, sanh ý ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sử không được, người ấy hằng sanh tưởng niệm này.

Người ấy được cúng dường rồi, hướng về các Tỳ Kheo, mà tự cống cao hủy báng người khác: Chỗ ta hay được y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Các Tỳ Kheo này không hay được. Ví như có một con dê trong bầy dê lớn, ra khỏi bầy, đến đống phân lớn.

Con dê này ăn phân no rồi trở về bầy dê, liền tự cống cao: Nay ta được ăn ngon, các con dê này không hay được ăn.

Ðây cũng như thế, nếu có một người được lợi dưỡng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm dính mắc, người ấy liền hướng về các Tỳ Kheo mà tự cống cao: Ta hay được cúng dường, các Tỳ Kheo này chẳng hay được cúng dường. Thế nên, các Tỳ Kheo hãy học như Vua sư tử, chớ như dê.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta.

Vì sao?

Tỳ Kheo nên biết, ta thường khen ngợi người biết báo đền. Có các chúng sanh chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần ta, ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng Già Lê ở sát bên ta, người này vẫn xa.

Vì sao?

Ta thường chẳng nói về người không báo đền. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy nghĩ báo đền, chớ học không báo đền.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có người lười biếng, trồng hạnh bất thiện, có sự mất mát đối với công việc. Nếu có người có thể không lười biếng, tinh tấn, người này tối diệu, có sự tăng ích ở các pháp lành.

Vì sao?

Bồ Tát Di Lặc trải qua ba mươi kiếp, đáng lẽ làm Phật Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ta do sức tinh tấn, dõng mãnh, khiến Di Lặc ở sau. Hằng sa Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác thời quá khứ đều do dũng mãnh mà được thành Phật.

Do phương tiện này nên biết lười biếng là khổ, làm các hạnh ác, có tổn hại cho việc làm. Nếu hay tinh tấn, tâm dũng mãnh mạnh, các công đức lành có tăng thêm. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy nhớ tinh tấn, chớ có lười biếng.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo tịch tĩnh A Lan Nhã nên tu hành hai pháp.

Thế nào là hai pháp?

Nghĩa là Chỉ và Quán. Nếu Tỳ Kheo tịch tĩnh, được Chỉ, thôi dứt, thì giới luật được thành tựu, chẳng mất oai nghi, chẳng phạm cấm hạnh, tạo các công đức.

Nếu Tỳ Kheo tịch tĩnh lại được quán rồi, liền quán khổ này, như thật mà biết, quán khổ tập, quán khổ tận, quán khổ xuất yếu, như thật mà biết.

Người đó quán như thế xong, tâm dục lậu giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát, liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Chư Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác quá khứ đều do hai pháp này mà được thành tựu.

Vì sao thế?

Giống như Bồ Tát lúc ngồi dưới gốc cây thọ vương, trước suy nghĩ pháp chỉ và quán này. Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát được Chỉ rồi, liền có thể hàng phục ma oán. Nếu Bồ Tát lại được quán rồi, liền thành tựu tam đạt trí, chứng đắc Vô Thượng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Tỳ Kheo tịch tĩnh nên tìm phương tiện hành hai pháp này.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo tu hạnh tịch tĩnh A Lan Nhã ở chỗ vắng vẻ, không ở trong chúng, hằng nên cung kính, phát tâm hoan hỉ.

Nếu lại có Tỳ Kheo tu tịch tĩnh, ở chỗ vắng vẻ, không có cung kính, không phát tâm hoan hỉ thì ngay cho ở trong đại chúng, họ sẽ bị người đàm luận là không biết pháp tịch tĩnh A Lan Nhã: Thế là Tỳ Kheo tịch tĩnh này, không cung kính, không phát tâm hoan hỉ.

Lại nữa Tỳ Kheo! Tỳ Kheo tịch tĩnh, ở chỗ vắng vẻ, không ở trong chúng, thường nên tinh tấn, chớ có giải đãi, tất sẽ hiểu rõ các pháp yếu.

Nếu Tỳ Kheo tịch tĩnh A Lan Nhã lại ở chỗ vắng vẻ, có tâm lười biếng, tạo các hạnh ác thì họ ở trong chúng bị người luận bàn: Tỳ Kheo tịch tĩnh A Lan Nhã này giải đãi, không có tinh tấn. Thế nên, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo tịch tĩnh ở chỗ vắng vẻ, không ở trong chúng thường nên thấp ý, phát tâm hoan hỉ, chớ có giải đãi, không có cung kính, nhớ hành tinh tấn, ý không dời đổi, ở các pháp lành tất sẽ đầy đủ.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có hai người không thể khéo thuyết pháp ngữ.

Thế nào là hai?

Là người không tin mà thuyết pháp tin cho họ, việc này rất khó. Người tâm xan tham mà thuyết pháp thí cho họ, đây cũng rất khó.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Nếu người không tin mà thuyết pháp về đức tin cho họ, họ liền nổi sân giận, khởi tâm làm hại. Ví như chó dữ lại thêm mũi đau, càng giận dữ nhiều thêm.

Các Tỳ Kheo! Ðây cũng như thế, người không tin mà thuyết pháp tin cho họ, họ liền nổi sân giận, sanh tâm tổn hại.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Nếu người xan tham mà thuyết pháp bố thí cho họ, họ liền sanh sân giận, khởi tâm tổn hại. Ví như mụt nhọt chưa mùi, lại thêm dao khoét đau không chịu nổi.

Ðây cũng như thế, người xan tham mà thuyết pháp bố thí cho họ, họ lại càng sân giận, khởi tâm tổn hại.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Hai người này khó vì họ thuyết pháp.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Có hai người dễ vì họ thuyết pháp.

Thế nào là hai?

Người có lòng tin, thuyết pháp tin cho họ. Người không xan tham thuyết pháp thí cho họ.

Này Tỳ Kheo! Nếu người có lòng tin thuyết pháp tin cho họ, họ liền được hoan hỉ, ý không hối hận biến đổi. Ví như người có bệnh, nói thuốc trừ bệnh, liền được bình phục.

Ðây cũng như thế, người có lòng tin, thuyết pháp tin cho họ, họ liền được hoan hỉ, tâm không biến đổi. Lại nữa, nếu người không tham, thuyết pháp thí cho họ, họ liền được hoan hỉ, không có tâm hối hận.

Ví như có trai, gái đoan chính, tự ưa tắm rửa mặt mũi tay chân, lại có người đến cầm hoa đẹp dâng lên tô bồi nhan sắc, lại lấy áo tốt, phục sức dâng lên người ấy.

Người ấy được rồi càng thêm hoan hỉ. Ðây cũng như thế, người không lẫn tiếc, thuyết pháp thí cho họ, họ liền được hoan hỉ, không có tâm hối hận. Ðó là, này Tỳ Kheo, hai người này dễ vì họ thuyết pháp. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy học có lòng tin, cũng nên học bố thí, chớ có xan tham.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị Cam Lồ, đến chỗ vô vi.

Thế nào là hai pháp?

Là cúng dường cha, mẹ. Ðó là hai người được công đức lớn, thành quả báo lớn. Lại nữa, nếu cúng dường Bồ Tát một đời bổ xứ, được công đức lớn, được quả báo lớn.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Bố thí hai người này được công đức lớn, hưởng quả báo lớn, được vị Cam Lồ, đến chỗ vô vi. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy thường nhớ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Dạy hai người làm lành, không thể báo ân được.

Thế nào là hai?

Nghĩa là cha, mẹ. Này Tỳ Kheo, nếu lại có người, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đến ngàn vạn năm, lo y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, dù cha mẹ tiểu tiện, đại tiện ở trên vai, người ấy vẫn chẳng thể báo ân được.

Tỳ Kheo nên biết, cha mẹ ân nặng, bồng ẵm, nuôi nấng, tùy lúc gìn giữ chẳng lỡ thời tiết như được thấy Mặt Trời, Mặt Trăng. Dùng phương tiện này, biết ân này, khó báo. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy cúng dường cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng lỡ thời tiết.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Tôn Giả Bàn Đặc bảo em là Châu Lợi Bàn Đặc rằng: Nếu em không thể trì giới được thì trở về làm Cư Sĩ. Ngài Châu Lợi Bàn Đặc nghe lời này xong, liền đến đứng ngoài cửa Tinh Xá Kỳ Hoàn khóc ròng. Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh, xem thấy Tỳ Kheo Châu Lợi Bàn Đặc đứng ngoài cửa buồn khóc không dừng được.

Thế Tôn liền từ Tịnh Thất đứng lên, dường như đi kinh hành, đến ngoài cửa Tinh Xá Kỳ Hoàn hỏi Châu Lợi Bàn Đặc rằng: Tỳ Kheo, cớ sao đứng đây khóc lóc?

Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc đáp: Bạch Thế Tôn, anh con xua đuổi con, nói không thể trì giới thì trở về làm Cư Sĩ, không nên ở đây. Vì thế, con buồn khóc.

Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo, chớ ôm lo sợ, ta thành Vô Thượng Ðẳng Chánh Giác, chớ chẳng phải Bàn Đặc anh thầy đắc đạo. Bấy giờ Thế Tôn tay nắm Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc, dẫn đến Tịnh Thất bảo ngồi, rồi Thế Tôn lại dạy cầm chổi quét.

Thầy tụng chữ này là chữ gì?

Bấy giờ Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc tụng chữ quét lại quên chữ chổi. Nếu tụng chữ chổi lại quên chữ quét. Bấy giờ Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc tụng chổi quét này qua mấy ngày. Mà chổi quét này gọi là trừ dơ.

Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc lại nghĩ: Cái gì là trừ? Cái gì là dơ?

Dơ là tro, đất, ngói, gạch. Trừ là thanh tịnh.

Tôn Giả lại nghĩ: Thế Tôn cớ sao dùng điều này dạy ta. Nay ta nên suy nghĩ nghĩa này.

Do suy nghĩ nghĩa này, Tôn Giả lại nghĩ: Nay trên thân ta cũng có bụi dơ, ta tự ví dụ.

Thế nào là trừ?

Thế nào là dơ?

Tôn Giả lại nghĩ: Buộc kết là dơ, trí tuệ là trừ. Nay ta có thể lấy chổi trí tuệ quét trói buộc này. Bấy giờ Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc suy nghĩ ngũ thạnh ấm, sự thành, sự bại, nghĩa là sắc này, sắc tập, sắc diệt, thọ, tưởng, hành, thức, sự thành sự bại cũng lại như vậy.

Lúc ấy, Tôn Giả tư duy về Ngũ thạnh ấm này xong, tâm dục được giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát. Đã được giải thoát liền được trí giải thoát. Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa, như thật mà biết. Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc liền thành A La Hán.

Ðã thành A La Hán, Tôn Giả liền từ chỗ ngồi đứng lên, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên, bạch Thế Tôn: Nay con đã có trí, nay đã có tuệ, nay đã hiểu chổi quét.

Thế Tôn nói: Tỳ Kheo, thầy hiểu thế nào?

Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc đáp: Trừ đó là tuệ, dơ là kết.

Thế Tôn bảo: Lành thay, Tỳ Kheo! Như lời thầy nói, trừ là tuệ, dơ là kết.

Bấy giờ Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc hướng về Thế Tôn mà nói kệ:

Nay tụng này đã đủ,

Như chỗ Ngài đã nói,

Trí tuệ hay trừ dơ

Chẳng do hạnh nào khác.

Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo, như lời thầy nói, do trí tuệ chứ không do gì khác. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có hai pháp này, chẳng thể mong đợi cũng chẳng đủ yêu mến, người đời ném bỏ.

Thế nào là hai pháp?

Là oán ghét gặp gỡ. Ðiều này không thể mong đợi, cũng không đủ yêu mến, người đời ném bỏ, và ân ái biệt ly, chẳng thể mong đợi cũng không đủ yêu mến, người đời ném bỏ. Ðó là, Tỳ Kheo, có hai pháp này, người đời chẳng vui, chẳng thể mong đợi.

Này Tỳ Kheo, lại có hai pháp người đời chẳng bỏ.

Thế nào là hai pháp?

Oán ghét biệt ly là chỗ người đời ưa và ân ái tụ họp một chỗ, rất đáng yêu kính, là chỗ người đời ưa thích.

Ðó là, Tỳ Kheo, có hai pháp người đời ưa thích.

Nay ta nói về oán ghét tụ họp, ân ái biệt ly này, lại nói oán ghét biệt ly, ái ân tụ họp là có nghĩa gì?

Có duyên gì?

Tỳ Kheo đáp: Thế Tôn là Vua các pháp, cúi mong Thế Tôn thuyết cho chúng con, các Tỳ Kheo nghe xong sẽ vâng làm.

Thế Tôn bảo: Lắng nghe, khéo suy nghĩ, ta sẽ vì thầy phân biệt nói. Này các Tỳ Kheo, hai pháp này do ái mà dấy lên, do ái mà sanh, do ái mà thành, do ái mà khởi. Nên học trừ ái, chớ khiến cho sanh.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường