Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Thiện Tri Thức - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM HAI MƯƠI
PHẨM THIỆN TRI THỨC
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên gần gũi thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác.
Vì sao thế?
Gần gũi thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ Kheo gần gũi thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác.
Vì sao thế?
Nếu gần gũi ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ.
Thế nên các Tỳ Kheo!
Hãy gần gũi thiện tri thức, chớ gần gũi ác tri thức.
Như vậy, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với đại chúng Tỳ Kheo gồm năm trăm vị vây quanh trước sau mà Thuyết Pháp. Bấy giờ Ðề Bà Đạt Đa dẫn năm trăm Tỳ Kheo đi qua, các Thế Tôn không xa.
Thế Tôn từ xa trông thấy Ðề Bà Đạt Đa dẫn môn đồ liền nói kệ:
Chớ gần ác tri thức,
Cũng chớ ngu theo hầu.
Nên gần thiện tri thức,
Bậc tối thắng trong người.
Người vốn không có ác,
Tập gần ác tri thức,
Sau ắt trồng cội ác,
Ở mãi trong tăm tối.
Lúc đó năm trăm đệ tử của Ðề Bà Đạt Đa nghe Thế Tôn nói bài kệ này, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, ngồi xuống một bên.
Chốc lát, lui ngồi hướng về Thế Tôn hối lỗi: Chúng con ngu mê không hiểu biết gì. Cúi mong Thế Tôn cho chúng con sám hối. Bấy giờ Thế Tôn nhận lời sám hối của năm trăm Tỳ Kheo kia, liền thuyết pháp cho họ được tín căn. Lúc ấy, năm trăm Tỳ Kheo ở chỗ nhàn tĩnh, suy nghĩ pháp thâm sâu.
Sở dĩ như vậy, con nhà vọng tộc xuất gia học đạo, do lòng tin kiên cố tu phạm hạnh vô thượng. Bấy giờ năm trăm Tỳ Kheo ấy liền thành A La Hán, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết.
Bấy giờ năm trăm Tỳ Kheo thành A La Hán. Các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn vì vô số chúng vây quanh thuyết pháp. Lúc đó Ngài Ðàm Ma Lưu Chi ở trong thất vắng, một mình suy nghĩ, nhập tam muội thiền, xem thấy tiền thân ở trong biển lớn làm một con cá thân dài bảy trăm do tuần, liền từ Tịnh Thất đứng lên như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay đến trên tử thi cũ trong biển lớn đi kinh hành.
Bấy giờ Ðàm Ma Lưu Chi liền nói kệ này:
Sanh tử vô số kiếp,
Lưu chuyển không thể kể,
Mỗi mỗi cầu chỗ yên,
Thường thường chịu khổ não.
Dù thấy lại thân rồi,
Ý muốn tạo nhà cửa,
Tất cả chi tiết hoại,
Hình thể chẳng được toàn.
Tâm đã lìa các hạnh,
Ái trước trọn không sót,
Lại không thọ thân này,
Vui mãi trong Niết Bàn.
Bấy giờ Tôn Giả Ðàm Ma Lưu Chi nói kệ này xong, liền từ chỗ đó biến mất, đến chỗ Thế Tôn ở Tinh Xá Kỳ Hoàn, thuộc Xá Vệ.
Khi ấy Thế Tôn thấy Ngài Ðàm Ma Lưu Chi đến bèn bảo rằng: Lành thay, Ðàm Ma Lưu Chi! Lâu lắm mới đến đây!
Ngài Ðàm Ma Lưu Chi bạch Phật: Ðúng vậy, Thế Tôn! Ðã lâu con mới đến đây.
Bấy giờ, Thượng Tọa và các Tỳ Kheo đều nghĩ:
Ông Ðàm Ma Lưu Chi này hằng ở bên cạnh Thế Tôn mà nay Thế Tôn bảo là: Lành thay, Ðàm Ma Lưu Chi! Lâu lắm mới đến đây!
Thế Tôn biết tâm niệm các Tỳ Kheo như thế, muốn dứt sự hồ nghi nên lại bảo các Tỳ Kheo: Không phải vì Ðàm Ma Lưu Chi lâu đến đây mà ta nói nghĩa này. Sở dĩ như thế vì khi xưa, vô số kiếp thời quá khứ có Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời, giáo hóa tại nước Bát Ma Đại, cùng với mười bốn vạn tám ngàn đại chúng Tỳ Kheo.
Bấy giờ, bốn bộ chúng chẳng thể tính kể, quốc vương, quần thần, nhân dân đều đến cúng dường, cung cấp chỗ cần dùng. Khi ấy có Phạm Chí tên Da Nhã Ðạt ở cạnh Tuyết Sơn xem các bài sấm bí mật, thiên văn, địa lý đều rành rẽ thông suốt, thư sớ văn tự cũng đều rõ biết.
Phúng tụng một câu năm trăm lời, tướng của bậc Đại Nhân cũng rõ biết nữa. Ông ta thờ các thần lửa, Mặt Trời, Mặt Trăng tinh tú. Ông dạy năm trăm đệ tử cả đêm không mệt mỏi. Da Nhã Đạt có đệ tử tên Vân Lôi, nhan mạo đoan chánh ít có ở đời, tóc màu xanh biếc.
Phạm Chí Vân Lôi thông minh thấy rộng, không việc gì chẳng thông, hằng được Da Nhã Đạt yêu mến không rời một khoảnh khắc.
Bấy giờ Bà La Môn đưa ra tất cả những chú thuật mình hành hết rồi, Phạm Chí Vân Lôi nghĩ rằng: Nay ra đã học đầy đủ những chỗ đáng học rồi.
Và lại tự nghĩ: Sách vở ghi các Phạm Chí có học, người đã hành chú thuật xong, nên báo ân thầy. Ngày nay, chỗ đáng học ta đã đều biết hết. Nay ta phải nên báo ân thầy. Nhưng ta lại nghèo khó, trống trơn, không có gì để cúng dường thầy, phải nên đi xuống các cõi nước để tìm những vật cần.
Phạm Chí Vân Lôi liền đến chỗ thầy, bạch với thầy rằng: Pháp kỹ thuật mà Phạm Chí phải học, nay con đã biết hết rồi. Nhưng sách vở ghi chép những người có học kỹ thuật qua rồi, nên báo ân thầy, mà con nghèo thiếu, không có vàng bạc trân bảo có thể dùng cúng dường, nay muốn đến các cõi nước tìm kiếm tiền của để cúng dường thầy.
Bà La Môn Da Nhã Đạt liền nghĩ: Phạm Chí Vân Lôi này là người ta yêu mến không rời tâm, dù ta có chết cũng chẳng thể chia lìa, huống là hôm nay muốn bỏ ta đi.
Nay ta phải làm cách gì để lưu hắn lại được đây?
Bấy giờ, Phạm Chí Da Nhã Đạt liền bảo Vân Lôi: Này Phạm Chí! Nay vốn có điều Bà La Môn nên học mà ông vẫn chưa biết.
Phạm Chí Vân Lôi liền đến trước bạch thầy: Cúi mong thầy chỉ dạy, điều gì con chưa tụng?
Vị thầy bảo Vân Lôi rằng: Nay có sách này tên là bài tụng năm trăm lời. Ông có thể thọ trì.
Vân Lôi bạch: Mong thầy truyền dạy, con muốn được phúng tụng.
Tỳ Kheo nên biết! Khi ấy Da Nhã Đạt liền trao cho đệ tử bài tụng năm trăm lời này. Chưa đầy mấy ngày, vị đệ tử đã thông suốt hết.
Bấy giờ Bà La Môn Da Nhã Đạt bảo năm trăm đệ tử: Phạm Chí Vân Lôi này kỹ thuật đầy đủ, không gì chẳng thông, nay ta đặt tên là Siêu Thuật. Phạm Chí Siêu Thuật này thật là tài ba, Thiên văn, địa lý đều thấu suốt rộng rãi, thư sớ văn tự cũng rõ biết.
Phạm Chí Siêu Thuật trải qua mấy ngày lại đến bạch thầy: Pháp kỹ thuật mà Phạm Chí phải học, nay con đều biết rồi.
Nhưng sách vở ghi chép: Các người có học thuật qua rồi, nên báo ân thầy. Nhưng con nghèo thiếu, không có vàng bạc, trân bảo có thể dùng cúng dường thầy, nay con muốn đến cõi nước tìm tiền của dùng cúng dường thầy.
Cúi mong thầy chấp thuận.
Phạm Chí Da Nhã Đạt bảo: Ông biết đúng lúc. Phạm Chí Siêu Thuật đến trước lễ chân thầy rồi lui đi. Bấy giờ nước Bát Ma Đại cách thành chẳng xa, có chúng Phạm Chí tập trung một chỗ, muốn cúng tế chung và cũng muốn giảng luận, có đến tám vạn bốn ngàn Phạm Chí nhóm chung.
Vị Thượng Tọa đệ nhất, cũng lại phúng tụng thư sớ ngoại đạo, không gì không biết rành rẽ, Thiên văn, địa lý, tinh tú, biến quái đều biết rõ hết.
Mỗi lúc muốn giải tán, họ liền lấy năm trăm lượng vàng và một cây gậy vàng, một bồn tắm bằng vàng, một ngàn con trâu dâng lên vị thầy và Thượng Tọa đệ nhất.
Khi ấy Phạm Chí Siêu Thuật nghe cách nước Bát Ma Đại không xa, có tám vạn bốn ngàn Phạm Chí tụ tập một chỗ, họ có thi học thuật, người nào hơn liền được năm trăm lượng vàng và một cây gậy, một bồn tắm vàng với một ngàn con trâu.
Lúc ấy Phạm Chí Siêu Thuật tự nghĩ: Nay ta việc gì phải đi xin từng nhà, chẳng bằng đến đại chúng kia cùng so kỹ thuật. Bấy giờ Phạm Chí Siêu Thuật ấy liền đến chỗ đại chúng.
Lúc đó, rất đông Phạm Chí trông thấy Phạm Chí Siêu Thuật từ xa, đều cất tiếng kêu lớn: Lành thay, từ Chủ Chủ Tể! Hôm nay được lợi lớn khiến cho Phạm Chí đích thân giáng xuống.
Rồi tám vạn bốn ngàn các Phạm Chí đều đứng lên nghinh đón, khác miệng đồng âm mà nói rằng: Chào mừng ngài mới đến! Ðại Phạm Thần Thiên.
Phạm Chí Siêu Thuật liền sanh niệm này: Các Phạm Chí này gọi ta là Phạm Thiên, nhưng ta đâu phải là Phạm Thiên!
Phạm Chí Siêu Thuật bảo các Bà La Môn: Thôi, thôi! Chư Hiền!
Chớ gọi tôi là Phạm Thiên, các ông chẳng lẽ không nghe phía Bắc núi Tuyết có vị thầy của Chúng Phạm Chí tên Da Nhã Đạt, Thiên văn, địa lý đều thông suốt sao?
Các Phạm Chí nói: Chúng tôi có nghe nhưng không được thấy.
Phạm Chí Siêu Thuật nói: Tôi là đệ tử của vị ấy, tên Siêu Thuật.
Bấy giờ Phạm Chí Siêu Thuật hướng về vị Thượng Tọa đệ nhất của chúng ấy mà bảo rằng: Nếu Ngài biết kỹ thuật, xin nói cho tôi với. Vị Thượng Tọa đệ nhất của chúng ấy liền hướng về Phạm Chí Siêu Thuật, tụng Tam Tạng, kỹ thuật không có sơ sót.
Bà La Môn Siêu Thuật lại bảo Thượng Tọa kia rằng: Còn một câu năm trăm lời, nay hãy nói ra.
Vị Thượng Tọa kia nói: Tôi không hiểu nghĩa này!
Cái gì là một câu năm trăm lời?
Phạm Chí Siêu Thuật bảo: Chư Hiền! Hãy yên lặng lắng nghe tôi thuyết một câu năm trăm lời về tướng của bậc Đại Nhân.
Tỳ Kheo nên biết! Bấy giờ Phạm Chí Siêu Thuật thuật hết Tam Tạng và một câu năm trăm lời về tướng của bậc Đại Nhân.
Khi ấy tám vạn bốn ngàn Phạm Chí khen ngợi: Chưa từng có! Rất là kỳ quặc!
Chúng ta chưa hề nghe một câu năm trăm lời ta về tướng của bậc Ðại Nhân. Nay Tôn Giả xứng đáng đứng trên vị Thượng Tọa đệ nhất. Bấy giờ Phạm Chí Siêu Thuật đổi chỗ vị Thượng Tọa kia, đến ngồi chỗ cao nhất.
Lúc ấy vị Thượng Tọa của chúng kia hết sức giận dữ, phát lời thề nguyện rằng: Nay người này dời chỗ ngồi của ta mà chiếm chỗ ấy.
Nay phước mà ta có được do tụng Kinh, trì giới, khổ hạnh đều đem hết để thề: Người này sanh chỗ nào, muốn làm gì, ta hằng làm hư hỏng công lao của ông ta. Bấy giờ vị thí chủ kia bỏ ra năm trăm lạng vàng và một gậy vàng, một bồn tắm vàng, một ngàn con trâu và một cô gái đẹp, đem đưa cho Thượng Tọa để Chú Nguyện.
Lúc đó Thượng Tọa bảo chủ nhân rằng: Nay tôi nhận năm trăm lạng vàng này với gậy vàng, bồn vàng để cúng dường thầy tôi. Cô gái này và ngàn con trâu trả lại chủ nhân.
Vì sao thế?
Vì tôi không tập dục, cũng không chứa chất tài sản. Phạm Chí Siêu Thuật nhận gậy vàng, bồn vàng rồi, liền đến nước Bát Ma Đại. Vua nước này tên là Quang Minh. Lúc ấy, Quốc Vương đang thỉnh Ðịnh Quang Như Lai và chúng Tỳ Kheo để cúng dường y thực.
Quốc Vương ra lệnh nhân dân trong thành: Ai có hương hoa đều không được bán, nếu có người bán sẽ bị phạt nặng. ta sẽ xuất tiền mua, không cần bán cho người khác. Vua lại ra lệnh cho nhân dân quét dọn sạch sẽ, không cho đất cát dơ bẩn, treo giăng Phướn Lọng, rưới nước hương trên đất, kỹ nhạc xướng ca không thể tính kể.
Bấy giờ Phạm Chí kia thấy rồi, liền hỏi người đi đường: Hôm nay là ngày gì mà quét dọn đường sá, dẹp bỏ rác rến, treo giăng Phướn Lọng không thể tính kể, chẳng lẽ Thái tử của Vua lấy vợ chăng?
Người đi đường đáp: Phạm Chí không biết sao?
Hôm nay Quốc Vương Bát Ma Đại thỉnh Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác để cúng dường y thực, nên sửa sang đường sá, treo giăng Phướn Lọng.
Nhưng bi ký của Phạm Chí cũng có nói rằng: Như Lai ra đời rất khó gặp được. Ðúng lúc bèn xuất hiện, thật không thể thấy, ví như hoa Ưu Đàm Bát đúng thời mới nở. Ðây cũng như thế, Như Lai xuất hiện ở đời thật chẳng thể gặp.
Lại nữa, sách Phạm Chí cũng có nói: Có hai người ra đời rất khó được gặp.
Thế nào là hai người?
Là Như Lai và Chuyển Luân Thánh Vương. Hai người này xuất hiện rất khó gặp được.
Bấy giờ ông ta lại nghĩ rằng: Nay ta đâu cần cấp tốc báo ân thầy. Nay hãy đem năm trăm lượng vàng này, dâng lên Ðịnh Quang Như Lai.
Ông lại nghĩ: Sách vở ghi Như Lai không nhận vàng bạc trân bảo. ta có thể cầm năm trăm lượng vàng này mua hương hoa rải lên Như Lai. Bấy giờ Phạm Chí liền vào trong thành tìm mua hương hoa.
Mọi người qua lại trong Thành bảo: Phạm Chí không biết sao?
Quốc Vương có ra lệnh người nào bán hương sẽ phạt nặng.
Phạm Chí Siêu Thuật liền nghĩ: Ta thật phước mỏng, tìm hoa chẳng được biết làm thế nào?
Rồi ông trở ra cửa thành mà đứng. Bấy giờ có một cô gái Bà La Môn tên là Thiện Vị, cầm bình đi lấy nước, tay cầm năm cành hoa.
Phạm Chí thấy rồi hỏi cô gái ấy rằng: Ðại muội, nay tôi cần hoa, mong em bán cho tôi.
Cô gái Phạm Chí nói: Tôi em gái ông hồi nào?
Ông có biết ba má tôi không?
Phạm Chí Siêu Thuật lại nghĩ: Cô gái này tánh nết phóng khoáng, có ý đùa cợt.
Rồi ông nói rằng: Hiền Nữ! Tôi sẽ trả giá phải chăng, mong cho tôi hoa này.
Cô gái Phạm Chí nói: Há ông không nghe Ðại Vương ra nghiêm lệnh không được bán hoa sao?
Phạm Chí nói: Hiền Nữ! Việc này không khó.
Vua không làm gì cô đâu! Nay tôi cần gấp năm cành hoa này. Tôi được hoa này còn cô được giá hời.
Cô gái Phạm Chí nói: Hoa này đã lìa rễ, không thể sống được, làm sao lại nói tôi muốn trồng?
Phạm Chí đáp: Như chỗ ruộng tốt hôm nay tôi thấy, trồng tro nguội còn sống hà huống hoa này!
Cô gái Phạm Chí nói: Cái gì là ruộng tốt?
Trồng tro thế mà sống sao?
Phạm Chí đáp: Hiền Nữ! Có Phật Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời.
Cô gái Phạm Chí nói: Ðịnh Quang Như Lai là hạng người nào?
Phạm Chí liền bảo cô gái ấy rằng: Ðịnh Quang Như Lai có đức như thế, có giới như thế, thành tựu các công đức.
Cô gái Phạm Chí nói: Dù người có công đức, nhưng ông muốn cần phước gì?
Phạm Chí đáp: Mong đời sau tôi sẽ như Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, cấm giới, công đức cũng sẽ như thế.
Cô gái Phạm Chí nói: Nếu ông hứa với tôi đời đời làm vợ chồng, tôi sẽ cho ông hoa.
Phạm Chí nói: Nay việc làm của tôi, ý không dính mắc dục tình.
Cô gái Phạm Chí nói: Như tôi, thân bây giờ không mong làm vợ ông, cho tôi đời tương lai làm vợ ông.
Phạm Chí Siêu Thuật nói: Hạnh của Bồ Tát không có yêu tiếc. Nếu làm vợ tôi, ắt phá hoại tâm tôi.
Cô gái Phạm Chí nói: Tôi trọn không làm hỏng ý bố thí của ông, ngay cho đem thân tôi bố thí cho người, tôi trọn không làm hỏng tâm bố thí. Bấy giờ Phạm Chí liền đem năm trăm lạng vàng mua năm cành hoa, cùng cô gái kia thề nguyền với nhau rồi từ biệt đi.
Lúc ấy, Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, đến giờ đắp y ôm bát cùng Tỳ Kheo Tăng trước sau vây quanh vào nước Bát Ma Đại.
Phạm Chí Siêu Thuật từ xa thấy Ðịnh Quang Như Lai, nhan mạo đoan chánh, ai trông thấy cũng hoan hỉ, các căn tịch tịnh, bước đi không rối loạn, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, ví như nước lặng không có dơ đục, ánh sáng chiếu suốt không có chướng ngại, ví như núi báu xuất hiện vượt trên các núi.
Ông ta thấy rồi liền phát tâm hoan hỉ đối với Như Lai, ông cầm năm cành hoa đến chỗ Ðịnh Quang Như Lai, đến rồi đứng một bên.
Phạm Chí Siêu Thuật bạch Phật Ðịnh Quang rằng: Mong Ngài nhận và thuyết pháp cho con. Nếu nay Ngài không truyền yếu quyết cho con, con sẽ ở chỗ này chấm dứt mạng sống, không mong sống nữa.
Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng: Phạm Chí! Ðâu thể đem năm cành hoa này đòi truyền Vô Thượng Ðẳng Chánh Giác.
Phạm Chí bạch: Xin Thế Tôn thuyết pháp Bồ Tát sở hành cho con.
Phạt Ðịnh Quang nói: Sở hành của Bồ Tát là không chỗ yêu tiếc.
Bấy giờ Phạm Chí liền nói kệ:
Chẳng dám đem cha mẹ,
Cầm thí cho người ngoài,
Phật, Chân Nhân, Sư Trưởng,
Cũng lại chẳng dám cho,
Nhật nguyệt xoay ở đời.
Hai thứ chẳng thể cho,
Thứ khác đều cho hết,
Ý quyết chẳng có khó.
Phật Ðịnh Quang lại dùng kệ này đáp Phạm Chí:
Như điều ông nói thí,
Chẳng phải lời Như Lai,
Nên nhẫn ức kiếp khổ,
Thí đầu, thân, mắt, tai,
Vợ con, nước, tiền của,
Xe ngựa, người theo hầu,
Nếu kham thí được vậy,
Ta sẽ truyền yếu quyết.
Ma nạp Phạm Chí liền nói kệ:
Núi lớn hừng như lửa,
Ức kiếp kham đội đầu,
Chẳng thể hoại ý đạo,
Cúi mong truyền yếu quyết.
Bấy giờ Ðịnh Quang Như Lai im lặng chẳng nói.
Phạm Chí kia tay cầm năm cành hoa, quỳ gối mặt xuống đất, tung lên Ðịnh Quang Như Lai và nói: Riêng phước đức này dành cho đời sau, sẽ được như Ðịnh Quang Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, không có sai khác.
Rồi ông trải tóc mình trên bùn, thầm nghĩ: Nếu Như Lai truyền yếu quyết cho ta, thì sẽ lấy chân đạp trên tóc ta mà đi qua.
Tỳ Kheo nên biết! Ðịnh Quang Như Lai quán sát tâm niệm của Phạm Chí, liền bảo Phạm Chí rằng: Ông đời tương lai sẽ làm Phật Thích Ca Văn Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Phạm Chí Siêu Thuật có bạn đồng học tên Ðàm Ma Lưu Chi ở bên cạnh Như Lai.
Vị này thấy Phật Ðịnh Quang truyền yếu quyết cho Phạm Chí Siêu Thuật, lại đạp chân trên tóc, thấy rồi liền nói: Sa Môn đầu trọc này, sao nỡ cất chân đạp trên tóc Phạm Chí thanh tịnh này. Ðây chẳng phải hạnh của người.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Bấy giờ Phạm Chí Da Nhã Đạt đâu phải người nào khác! Chớ nên xem như thế.
Vì sao?
Bấy giờ Da Nhã Đạt nay là Vua Bạch Tịnh Tịnh Phạn. Thượng Tọa của tám vạn bốn ngàn Phạm Chí nay là Ðề Bà Đạt Đa, Phạm Chí Siêu Thuật là Ta. Cô gái Phạm Chí bán hoa lúc đó, nay là Cù Di, vị từ chủ lúc đó nay là Phạm Chí chấp trượng.
Ðàm Ma Lưu Chi lúc đó, miệng tạo hạnh nói lời bất thiện nay là Ðàm Ma Lưu Chi. Sau đó, Ðàm Ma Lưu Chi trải qua vô số kiếp hằng làm súc sanh, thọ thân sau cũng làm thân cá dài bảy trăm do tuần ở trong biển lớn. Từ đó mạng chung đến sanh ở đây, cùng phụng sự thiện tri thức, hằng gần gũi thiện tri thức, tập các pháp lành, các căn thông lợi. Do nhân duyên này, ta nói đã lâu mới đến đây.
Ðàm Ma Lưu Chi cũng tự trình bày: Ðúng vậy, Thế Tôn! Ðã lâu con mới đến đây.
Thế nên, các Tỳ Kheo, thường nên tu tập thân, miệng, ý hành.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đệ Nhất Nghĩa Không
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Sáu - Hiện Hữu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Tám Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bên Bờ Sông