Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Mười Tám - Phẩm Tàm Quý - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM TÀM QUÝ  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có hai Diệu Pháp ủng hộ thế gian.

Thế nào là hai?

Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ Kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ, liền sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v… đồng một loại.

Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ Kheo, nên tập có tàm, có quý.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ðời có hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung.

Thế nào là hai người?

Nghĩa là người được tài vật hằng cất giấu và người được vật mà thích cho người. Ðó là hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung.

Bấy giờ có Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Thế Tôn! Chúng con không hiểu nghĩa chỉ nói sơ lược này.

Thế nào là được vật mà cất giấu?

Thế nào là được vật mà cho người?

Cúi mong Thế Tôn diễn rộng nghĩa này.

Thế Tôn dạy: Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Ta sẽ vì các thầy phân biệt nghĩa này.

Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Phật dạy các Tỳ Kheo: Ở đây có người tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm ruộng, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc tập đi sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ để tự mưu sống.

Người ấy bỏ ra công sức này mà được tài vật, người ấy không dám ăn xài, cũng không cho vợ con, cũng chẳng cho nô tỳ, những người thân thuộc, cũng đều chẳng cho.

Tài vật của người ấy hoặc bị Vua cướp đoạt, hoặc bị giặc giã, hoặc lửa cháy, nước cuốn, phân tán chỗ khác, chẳng được lợi ích, hoặc ngay trong nhà có người phân tán tài vật này chẳng giữ mãi được. Ðó là, này Tỳ Kheo, người được tài vật mà che giấu.

Còn, thế nào là được tài vật mà phân phát?

Có người có tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm vườn, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học làm sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống.

Người ấy ra công sức này mà thu hoạch tài vật, họ ban phát cho chúng sanh, cấp cho cha mẹ, nô tỳ, vợ con, cũng cấp rộng đến Sa Môn, Bà La Môn, tạo các công đức, trồng phước Cõi Trời. Ðó là, này Tỳ Kheo, được vật mà bố thí.

Ðó là, này Tỳ Kheo, hai người không biết chán đủ. Như người trước, được vật mà cất chứa, các thầy hãy nhớ xa lìa. Người thứ hai được vật mà bố thí rộng rãi, các thầy nên học nghiệp này.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thường nên thí pháp, chớ tập thí thức ăn. Sở dĩ như thế vì ngày nay các thầy có phước báo. Nếu đệ tử ta cung kính đối với pháp thì không tham lợi dưỡng. Nếu người tham lợi dưỡng thì có lỗi lớn với Như Lai.

Vì sao?

Vì là chúng sanh không phân biệt pháp, phá hủy lời dạy của Thế Tôn. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn, về sau không đến đạo Niết Bàn được, ta bèn phải hổ thẹn.

Vì sao thế?

Vì đệ tử Như Lai tham đắm lợi dưỡng, chẳng hành đúng pháp, chẳng phân biệt pháp, hủy lời dạy của Thế Tôn, chẳng thuận theo chánh pháp. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn lại chẳng đến đạo Niết Bàn.

Nay Tỳ Kheo các thầy, hãy nhớ pháp thí, chớ nghĩ dục thí, liền được danh dự nghe khắp bốn phương. Cung kính pháp, không tham tài vật, thì không bị xấu hổ.

Sở dĩ như thế vì ưa pháp thí, không tham nghĩ về dục thí. Ðó là, này Tỳ Kheo, hãy nhớ pháp thí, chớ quen theo tài thí.

Tỳ Kheo các thầy, ta thuyết nghĩa này là vì nghĩa nào mà nói duyên này?

Bấy giờ các Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn phân biệt mọi điều.

Bấy giờ Thế Tôn dạy các Tỳ Kheo: Lúc trước có một người thỉnh ta đến để cúng dường. Rồi sau đó ta còn một ít thức ăn có thể bỏ đi. Có hai Tỳ Kheo từ phương xa đến, thân hình mỏi mệt, nhan sắc biến đổi.

Bấy giờ, ta bèn bảo Tỳ Kheo ấy: Có thức ăn thừa đáng lẽ bỏ đi, thầy cần thì tùy thời có thể lấy để tự lo cho mình.

Thời một Tỳ Kheo liền nghĩ: Hôm nay Thế Tôn có thức ăn dư có thể vứt bỏ, người tùy thời cần có thể lấy được. Nếu chúng ta không lấy ăn, thì sẽ đem thức ăn này trút chỗ đất sạch hoặc bỏ vào nước. Vậy nay chúng ta hãy lấy thức ăn này để lấp bụng đói, thêm khí lực.

Bấy giờ, Tỳ Kheo ấy lại nghĩ: Phật cũng dạy hãy hành pháp thí, chớ nghĩ đến dục thí. Sở dĩ như thế, vì bố thí hơn hết không gì qua tài thí. Sau đó, pháp thí là tôn trọng nhất. Nay ta kham chịu suốt ngày cũng xong, chẳng cần nhận phước của tài thí. Bấy giờ Tỳ Kheo ấy bèn tự dừng ý, không lấy của thí kia, thân thể mỏi mệt, không thèm để ý đến mạng mình.

Bấy giờ, vị Tỳ Kheo thứ hai lại nghĩ: Thế Tôn cũng có thức ăn dư đáng bỏ. Nếu chúng ta không lấy ăn thì sẽ mệt mỏi. Nay lấy thức ăn này để lấp bụng đói, được thêm khí lực, ngày đêm an ổn. Bấy giờ Tỳ Kheo ấy liền lấy thức ăn, ngày đêm an ổn, khí lực sung túc.

Phật dạy các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo ấy tuy lấy thức ăn cúng dường kia, trừ được đói thiếu, khí lực sung túc, nhưng chẳng bằng vị Tỳ Kheo trước đáng kính, đáng quý, rất đáng tôn trọng.

Tỳ Kheo ấy tiếng tăm vang xa lâu dài, đối với luật tri túc dễ được đầy đủ. Các Tỳ Kheo hãy học pháp thí, chớ học nghĩ đến dục thí. Trước ta nói là do nhân duyên này. Bấy giờ Thế Tôn dạy như thế xong, liền rồi chỗ ngồi mà đi.

Lúc này chúng Tỳ Kheo lại nghĩ: Vừa rồi Thế Tôn nói lược cốt yếu, trọn không giảng rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy vào thất lặng lẽ.

Nay trong chúng này, ai có thể kham nhận diễn nghĩa sơ lược này cho rộng rãi?

Bấy giờ chúng Tỳ Kheo lại nghĩ: Nay Tôn Giả Xá Lợi Phất thường được Thế Tôn khen ngợi. Chúng ta hãy cùng đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất. Lúc này chúng Tỳ Kheo liền đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, vái chào nhau rồi ngồi một bên. Ngồi một bên xong, các Tỳ Kheo mới đem việc đã nghe Thế Tôn dạy, kể lại cho Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo:

Thế nào là đệ tử Thế Tôn tham đắm lợi dưỡng không tu hành pháp?

Thế nào là đệ tử Thế Tôn không tham đắm lợi dưỡng tu hành pháp?

Bấy giờ các Tỳ Kheo bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất: Chúng tôi từ xa đến, thưa hỏi nghĩa này để tu hành. Tôn Giả Xá Lợi Phất có đủ khả năng xin giảng rộng nghĩa này cho chúng tôi.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo: Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì các thầy nói rộng nghĩa này.

Các Tỳ Kheo thưa: Xin vâng.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo: Ðệ tử Thế Tôn học tịch tĩnh, niệm được an ổn mà đệ tử Thanh Văn không học như thế. Thế Tôn dạy pháp nên diệt mà các Tỳ Kheo cũng chẳng chịu diệt, trong đó lại giải đãi khởi các loạn tưởng. Điều nên làm, chẳng chịu làm. Chỗ chẳng nên làm, lại tu hành.

Bấy giờ, này Chư Hiền, các bậc Tỳ Kheo Trưởng Lão, đối với ba chỗ có sự hổ thẹn.

Thế nào là ba?

Thế Tôn thường thích chỗ tịch tĩnh, bấy giờ Thanh Văn chẳng học điều này. Tỳ Kheo Trưởng Lão bèn có hổ thẹn. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, mà Tỳ Kheo chẳng diệt pháp này. Tỳ Kheo Trưởng Lão liền có hổ thẹn. Trong đó khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ Kheo Trưởng Lão liền có hổ thẹn.

Chư Hiền nên biết, Tỳ Kheo trung niên ở ba chỗ liền có hổ thẹn.

Thế nào là ba?

Thế Tôn thường thích chỗ tịch tịnh, bấy giờ Thanh Văn chẳng học điều này. Tỳ Kheo bậc trung liền có hổ thẹn. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, nhưng Tỳ Kheo ấy không diệt pháp này.

Tỳ Kheo bậc trung liền có hổ thẹn. Trong đó khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ Kheo trung niên liền có hổ thẹn.

Chư Hiền nên biết, Tỳ Kheo niên thiếu ở ba chỗ có sự hổ thẹn.

Thế nào là ba?

Ðệ tử Thế Tôn thường thích chỗ tịch tĩnh, bấy giờ Thanh Văn chẳng học điều này. Tỳ Kheo niên thiếu liền có chỗ thẹn. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, nhưng Tỳ Kheo ấy không diệt pháp này.

Tỳ Kheo niên thiếu liền có hổ thẹn. Trong đó lại khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ Kheo niên thiếu liền có hổ thẹn.

Ðó là, này Chư Hiền, tham trước đối với tiền tài, không dính dáng đến pháp.

Các Tỳ Kheo bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thế nào là Tỳ Kheo tham đắm vào pháp, không dính mắc tài lợi?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Ở đây, này Tỳ Kheo, Thế Tôn thích chỗ tịch tĩnh, Thanh Văn cũng học Như Lai thích chỗ tịch tĩnh. Thế Tôn thuyết nên diệt pháp này, các Tỳ Kheo liền diệt pháp này, chẳng giải đãi cũng chẳng loạn, điều nên làm liền tu hành. Điều chẳng nên làm, liền chẳng làm. Chư Hiền nên biết, Tỳ Kheo Trưởng Lão ở ba chỗ liền có danh xưng.

Thế nào là ba?

Ở đây, này Tỳ Kheo, Thế Tôn ưa thích chỗ tịch tĩnh, thời Thanh Văn cũng ưa chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ Kheo Trưởng Lão liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, bấy giờ Tỳ Kheo liền diệt pháp này, thời Tỳ Kheo Trưởng Lão liền có danh xưng. Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ Kheo Trưởng Lão liền có danh xưng.

Chư Hiền nên biết, Tỳ Kheo trung niên ở ba nơi liền có danh xưng.

Thế nào là ba?

Ở đây, này Tỳ Kheo, Thế Tôn vui chỗ tịch tĩnh, Thanh Văn cũng vui chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ Kheo trung niên liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, bấy giờ Tỳ Kheo liền diệt pháp này, thời Tỳ Kheo trung niên liền có danh xưng. Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ Kheo trung niên liền có danh xưng.

Chư Hiền nên biết!

Tỳ Kheo niên thiếu ở ba chỗ liền có danh xưng.

Thế nào là ba?

Ở đây, này Tỳ Kheo, Thế Tôn ưa chỗ tịch tĩnh, Tỳ Kheo niên thiếu cũng ưa chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ Kheo niên thiếu liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, bấy giờ Thế Tôn niên thiếu liền diệt pháp này, thời Tỳ Kheo niên thiếu liền có danh xưng.

Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ Kheo niên thiếu liền có danh xưng. Chư Hiền nên biết, tham là bệnh, tai họa rất lớn, sân giận cũng thế. Diệt được tham dâm, sân giận thì được trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết Bàn.

Xan lẫn, tật đố là bệnh cũng rất nặng, phiền não nung nấu, kiêu mạn cũng sâu, huyễn ngụy chẳng chân thật, không hổ không thẹn, chẳng thể xa lìa dâm dục, làm bại hoại sự ngay chánh, mạn và tăng thượng mạn cũng lại chẳng bỏ. Hai mạn này nếu diệt sẽ được ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết Bàn.

Tỳ Kheo bạch: Tôn Giả Xá Lợi Phất!

Thế nào là ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết Bàn?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Chư Hiền nên biết, đó là tám đạo phẩm của Hiền Thánh, nghĩa là chánh kiến, chánh trí tư duy, chánh ngữ, chánh hạnh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện tinh tấn, chánh niệm, chánh tam muội định.

Này Chư Hiền, đó là ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết Bàn. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, tại Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với chúng năm trăm đại Tỳ Kheo. Bấy giờ Thế Tôn đến giờ đắp y, ôm bát vào thành La Duyệt khất thực tại một ngõ làng. Khi ấy ở làng đó, có vợ một Phạm Chí muốn ăn cơm nhưng Bà La Môn lại vừa ra khỏi cửa.

Bà ta trông thấy Thế Tôn từ xa liền đến chỗ Thế Tôn mà hỏi: Ngài có thấy Bà La Môn đâu không?

Khi ấy Tôn Giả Ðại Ca Diếp đã ở ngõ đó trước rồi.

Thế Tôn liền đưa tay chỉ, Ngài nói: Ðây là Bà La Môn.

Bấy giờ vợ Bà La Môn nhìn sửng mặt Như Lai, im lặng không nói.

Thế Tôn liền nói kệ:

Người không dục, không sân,

Bỏ ngu không có si,

A La Hán lậu tận,

Ðó gọi là Phạm Chí.

Người không dục, không sân,

Bỏ ngu, không có si,

Bỏ hết nhóm kiết sử,

Ðó gọi là Phạm Chí.

Người không dục, không sân,

Bỏ ngu, không có si,

Ðã đoạn mạn ngô ngã,

Ðó gọi là Phạm Chí.

Nếu người muốn biết pháp,

Của bậc Chánh Giác thuyết.

Chí thành tự quay về,

Ðấng Tối Tôn vô thượng.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn Giả Ca Diếp: Thầy nên đến vì vợ người Phạm Chí này khiến cho bà ta ngay thân hiện tại thoát được tội cũ. Lúc đó Tôn Giả Ca Diếp vâng lời Phật dạy, đến nhà vợ Phạm Chí, tới tòa mà ngồi. Lúc này vợ Bà La Môn liền bày các thức ăn uống ngon ngọt cúng dường cho Tôn Giả Ca Diếp.

Tôn Giả Ca Diếp liền nhận các thức ăn uống, vì muốn độ bà ta mà nói kệ:

Tế tự, lửa hơn hết,

Các sách, tụng tối thượng,

Vua là bậc người trọng,

Các dòng, biển là hơn.

Các sao, Trăng đứng đầu,

Chiếu sáng, mặt trời nhất,

Bốn phía và trên dưới,

Ở các phương, cảnh vực.

Trời và người thế gian,

Phật là tối Tôn Thượng.

Người muốn cầu phước này,

Nên quy y Chánh Giác.

Vợ Phạm Chí kia nghe lời này xong, vui mừng hớn hở không kềm được, đến trước Tôn Giả Ca Diếp bạch: Cúi mong Tôn Giả, hằng nhận lời thỉnh của tôi mà đến nhà này thọ thực. Tôn Giả Ca Diếp nhận lời, thọ thực tại đó. Vợ Bà La Môn thấy Tôn Giản Ca Diếp ăn xong, bèn lấy một ghế thấp đến trước Tôn Giả Ca Diếp ngồi.

Tiếp đó, Tôn Giả Ca Diếp liền thuyết pháp vi diệu cho bà ta, nghĩa là luận về thí, giới luận, luận về sanh Thiên, dục là bất tịnh, dứt hết lậu hoặc là cao thượng, xuất gia là cần yếu. Tôn Giả Ca Diếp đã biết vợ Phạm Chí tâm ý khai mở, lòng rất hân hoan.

Những điều Chư Phật thường thuyết pháp: Khổ, tập, diệt, đạo, Tôn Giả Ca Diếp đều thuyết cho vợ Phạm Chí hết. Vợ Phạm Chí ở ngay tòa ngồi, dứt sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ví như áo lót trắng mới tinh, không có bụi dơ, dễ nhuộm màu. Vợ Phạm Chí cũng lại như thế, ngay trên tòa ngồi được pháp nhãn thanh tịnh.

Bà ta đã được pháp, thấy pháp, phân biệt pháp chẳng có hồ nghi, đã được vô úy, tự quy y ba bậc đáng tôn trọng là Phật, pháp và Thánh Chúng, thọ trì ngũ giới.

Tôn Giả Ca Diếp thuyết pháp vi diệu cho vợ Phạm Chí một lần nữa, rồi từ chỗ ngồi đứng lên mà đi. Ngài Ca Diếp đi chưa bao lâu, chồng bà ta ở xa về nhà. Bà La Môn thấy nhan sắc người vợ vui tươi khác thường liền hỏi vợ. Người vợ đem nhân duyên này kể lại đầy đủ cho chồng. Bà La Môn nghe xong, liền cùng vợ đi đến Tinh Xá, đến chỗ Thế Tôn.

Bà La Môn cùng Thế Tôn chào hỏi xong, ngồi xuống một bên.

Bà La Môn bạch Thế Tôn: Vừa rồi có Bà La Môn đến nhà tôi, nay ở đâu?

Bấy giờ Tôn Giả Ca Diếp cách Thế Tôn chẳng xa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh ý, suy tư về Diệu Pháp.

Thế Tôn từ xa chỉ Ðại Ca Diếp, nói: Ðây là Tôn Trưởng Bà La Môn.

Bà La Môn nói: Thế nào Cù Đàm?

Sa Môn tức là Bà La Môn chăng?

Sa Môn và Bà La Môn há không khác sao?

Thế Tôn dạy: Muốn nói Sa Môn, chính là thân ta. Sở dĩ như thế, vì ta tức là Sa Môn. Có các giới luật mà Sa Môn phải tụng trì, ta đều đã được. Như nay muốn luận về Bà La Môn, thì cũng là thân ta.

Vì sao thế?

Vì ta tức là Bà La Môn. Các Bà La Môn thời quá khứ trì pháp hạnh nào, ta đều đã biết hết. Muốn luận Sa Môn, tức là Ðại Ca Diếp.

Vì sao thế?

Sa Môn có các luật, Tỳ Kheo Ca Diếp đều giữ hết. Muốn luận Bà La Môn, cũng là Tỳ Kheo Ca Diếp.

Vì sao thế?

Bà La Môn phụng trì các cấm giới, Tỳ Kheo Ca Diếp đều rõ biết hết.

Thế Tôn liền nói kệ:

Ta chẳng nói Phạm Chí,

Là người rành Chú thuật,

Xướng rằng sanh Phạm Thiên,

Ðây là chưa rời trói,

Không trói, không đường sanh,

Hay thoát tất cả kiết,

Lại không xưng phước Trời,

Tức Sa Môn, Phạm Chí.

Bấy giờ Bà La Môn bạch Thế Tôn: Nói là kết phược buộc trói, những gì gọi là kết?

Thế Tôn dạy: Dục ái là kết, sân nhuế là kết, ngu si là kết. Như Lai không có dục ái này, diệt hẳn không sót, sân nhuế, ngu si cũng lại như thế. Như Lai chẳng còn kết này nữa.

Bà La Môn nói: Cúi mong Thế Tôn nói pháp sâu mầu không có các kết phược này nữa. Thế rồi Đức Thế Tôn lần lượt thuyết luận vi diệu cho Bà La Môn. Luận tức là thí luận, giới luận, luận sanh thiên. Dục là bất tịnh. Dứt hết lậu hoặc là hơn hết. Xuất gia là cần yếu.

Bấy giờ Thế Tôn biết Bà La Môn kia tâm ý khai mở, lòng rất hoan hỉ điều mà Chư Phật thời xưa thường thuyết pháp: Khổ, tập, diệt, đạo. Bấy giờ Thế Tôn đều thuyết hết cho Bà La Môn. Bà La Môn ngay trên chỗ ngồi, dứt sách cách trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Ví như áo lót trắng tinh, không có bụi dơ, dễ nhuộm màu. Bà La Môn cũng lại như thế, ngay trên chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh.

Ông ta đã được pháp, thấy pháp, phân biệt pháp không có hồ nghi, đã đến chỗ vô úy, tự quy y Tam Tôn: Phật, pháp và Thánh Chúng, thọ trì ngũ giới, làm đứa con chân thật của Như Lai, không còn lui sụt nữa. Bấy giờ vợ chồng Bà La Môn nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường