Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi Mốt - Phẩm Phi Thường - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI MỐT

PHẨM PHI THƯỜNG  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, trưởng giả A Na Bân để thân có bệnh nặng.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất dùng thiên nhãn thanh tịnh trong suốt, thấy trưởng giả A Na Bân để đau nặng, liền bảo Tôn Giả A Nan: Thầy đi với tôi đến chỗ trưởng giả A Na Bân để thăm hỏi.

A Nan đáp: Nên biết đúng thời. Bấy giờ, A Nan đến thời đắp y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực, lần lượt đến nhà trưởng giả A Na Bân để và vào tòa ngồi.

Xá Lợi Phất ngồi trên tòa, hỏi trưởng giả A Na Bân để:

Hôm nay bệnh của ông tăng hay giảm?

Sự đau đớn có giảm bớt dần không?

Tăng thêm không?

Trưởng giả thưa: Nay bệnh của con có giảm rất ít, chỉ tăng chứ không giảm.

Xá Lợi Phất bảo: Như vậy, nay trưởng giả nên nhớ đến Phật, là bậc Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Cũng nên nghĩ nhớ pháp, pháp của Như Lai rất là thâm sâu, đáng tôn đáng quý, không gì sánh bằng, là chỗ tu hành của Thánh Chúng, cũng nên nhớ nghĩ đến Tăng Chúng, chúng của Như Lai trên dưới thuận hòa, không tranh cãi, thành tựu các pháp.

Thánh Chúng giới thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Tăng là các vị bốn đôi tám bậc. Ðây gọi là Thánh Chúng của Như Lai đáng tôn đáng quý, là phước điền vô thượng của thế gian.

Trưởng giả! Nếu tu hành niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tang, đức ấy không thể tính kể, được vị Cam Lồ diệt tận. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghĩ nhớ Ba ngôi báu Phật, Pháp, Thánh Chúng rồi mà rơi vào ba đường ác thì trọn không có lý ấy.

Nếu Thiện Nam Tử, thiện nữ nhân tu niệm ba ngôi báu, ắt sẽ đến chỗ lành trong Cõi Trời, cõi Người.

Lại nữa, trưởng giả! Chớ khởi tưởng về sắc, cũng đừng y cứ sắc mà khởi thức. Chớ khởi về thanh, đừng y cứ vào thanh mà khởi thức. Chớ khởi về hương, đừng y cứ vào hương mà khởi thức. Chớ khởi về vị, đừng y cứ vào vị mà khởi thức. Chớ khởi xúc giác, đừng y cứ vào xúc mà khởi thức. Chớ khởi ái, đừng y cứ vào ái mà khởi thức.

Vì sao thế?

Vì duyên ái có thọ, duyên thọ có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh tử, ưu bi khỗ não không thể tính kể. Ðây là, có năm thạnh ấm khổ này, không có ngã, nhân, thọ mạng, sĩ phu, mầm móng của loài hữu tình.

Nếu khi mắt khởi, thời không biết chỗ đến, nếu mắt diệt thời diệt, không biết chỗ đi. Từ không mắt sinh, mắt có rồi mắt diệt, đều do các pháp nhân duyên hội họp. Pháp nhân duyên nghĩa là duyên đây mà có đây, không đây thì ắt không.

Ðó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên ưu bi khổ não không tính kể. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

Không có mà sanh, có rồi thì diệt. Cũng không biết chỗ đến, cũng không biết chỗ đi, đều do các pháp nhân duyên hội họp.

Này trưởng giả! Ðây gọi là hành không, pháp đệ nhất. Bấy giờ trưởng giả A Na Bân để buồn khóc rơi lệ không ngừng.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Vì sao buồn khóc như thế?

Trưởng giả thưa: Con bị cảm vì từ xưa đến nay, con thừa sự Đức Phật, và tôn kính chư Tỳ Kheo Trưởng Lão, cũng chưa được nghe pháp tôn trọng như thế, như lời chỉ dạy của Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Khi ấy, Tôn Giả A Nan bảo A Na Bân để: Trưởng giả nên biết! Như Lai có dạy, thế gian có hai hạng người.

Thế nào là hai?

Một là biết vui, hai là biết khổ. Người tập vui là Tôn Giả Da Du Đề Tu Bồ Đề con nhà hào tộc. Người tập khổ là Tỳ Kheo Bà Già Lê.

Lại này trưởng giả!

Tỳ Kheo Tu Bồ Đề giải không đệ nhất. Người được tín giải thoát là Tỳ Kheo Bà Già Lê.

Này trưởng giả! Người biết khổ, người biết vui, cả hai người tâm đều giải thoát, cả hai đều là đệ tử của Như Lai, không ai bằng. Do hai vị ấy không chết, không sanh, hai người siêng năng vâng lời Phật dạy không lười nhác bỏ qua. Chỉ vì tâm có tăng giảm, nên có người biết, người không biết.

Như lời trưởng giả nói: Con từ xưa đến nay thừa sự Phật, cung kính chư Tỳ Kheo Trưởng Lão, ban đầu chưa nghe được pháp tôn trọng như thế, như lời Tôn Giả Xá Lợi Phất nói.

Tỳ Kheo Tu Bồ Đề quán sát nơi đất mà tâm được giải thoát. Tỳ Kheo Bà Già Lê quán sát nơi đạo tức thời tâm được giải thoát. Cho nên, này trưởng giả, nên làm như Tỳ Kheo Bà Già Lê.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất thuyết pháp rộng cho trưởng giả, khuyến khích khiến ông hoan hỷ, khiến phát tâm vô thượng. Xong rồi Tôn Giả rời tòa đi.

Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả A Nan đi chưa bao lâu, giây lát trưởng giả A Na Bân để mạng chung, liền sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba. Khi ấy, Thiên Tử A Na Bân để có được năm công đức hơn các Chư Thiên.

Thế nào là năm?

Là tuổi thọ Trời, sắc đẹp Trời, niềm vui Trời, oai thần Trời, ánh sáng Trời.

Thiên Tử A Na Bân để bèn khởi niệm: Nay ta được thân Trời này đều do ân đức của Như Lai. Nay ta không nên vui chơi trong ngũ dục, trước hết nên đến chỗ Thế Tôn quỳ lạy hỏi thăm. Thiên Tử A Na Bân để dẫn Chư Thiên vây quanh trước sau, đem các hoa Trời rải trên thân Phật.

Khi ấy Đức Phật đang ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp cô Ðộc, Thiên Tử ấy ở trên hư không chấp tay hướng về Đức Phật, và nói kệ:

Ðây là vườn Kỳ Hoàn,

Chúng tiên nhân vui chơi,

Chỗ Pháp Vương ngự trị,

Nên phát tâm vui mừng.

Thiên Tử A Na Bân để nói kệ xong, Đức Như Lai im lặng hứa khả, Thiên Tử ấy bèn nghĩ: Như Lai đã mặc nhiên hứa khả, ta nên cả thần túc, ngồi một bên.

Thiên Tử A Na Bân để bạch Phật: Con là Tu Đạt, cũng có tên là A Na Bân để mọi người biết rõ, là đệ tử của Như Lai, vâng lời dạy tôn Thánh, nay mạng chung sanh lên Trời Ba Mươi Ba.

Thế Tôn bảo: Ông do ân đức gì nay được thân Trời này?

Thiên Tử bạch Phật: Nhờ oai lực của Thế Tôn, được thọ thân Trời. Thiên Tử A Na Bân để lại dùng hoa Trời rải trên thân Như Lai, cũng rải trên A Nan và Xá Lợi Phất, đi nhiễu quanh tinh xá Kỳ hoàn bảy vòng, rồi ẩn không hiện.

Sáng ngày, Thế Tôn bảo A Nan:

Ðêm qua, có Thiên Tử đến chỗ ta, nói kệ:

Ðây là vườn Kỳ Hoàn,

Chúng tiên nhân vui chơi,

Chỗ Pháp Vương ngự trị,

Nên phát tâm vui mừng.

Thiên Tử ấy đi nhiễu quanh vườn Kỳ Hoàn bảy vòng rồi đi.

A Nan! Thầy biết Thiên Tử ấy chăng?

A Nan bạch Phật: Chắc là trưởng giả A Na Bân để.

Phật bảo: Như lời thầy nói.

Lành thay! Thầy có thể dùng trí vi tri mà biết được Thiên Tử ấy.

Vì sao?

Ðó là Thiên Tử A Na Bân để.

A Nan bạch Phật: A Na Bân để nay sanh Cõi Trời tên là gì?

Phật bảo: Cũng tên A Na Bân Để.

Vì sao thế?

Ngay hôm Thiên Tử ấy sanh, Chư Thiên ai cũng nói: Thiên Tử này khi ở cõi người là đệ tử của Như Lai, thường đem tâm bình đẳng bố thí tất cả, cứu giúp kẻ cùng khổ thiếu thốn. Làm công đức ấy rồi, nay là vị Trời ở Cõi Ba Mươi Ba. Vì thế này theo đó, tặng cho tên A Na Bân để.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo A Nan có công đức lớn, thành tựu trí tuệ. Tỳ Kheo A Nan hiện ở địa vị hữu học mà trí tuệ không ai bằng.

Vì sao thế?

Ðiều mà trí tuệ của A La Hán biết, A Nan cũng biết. Những điều nên học từ Chư Phật quá khứ, A Nan đều biết rõ. Thời quá khứ có người vừa nghe liền biết rõ, như Tỳ Kheo A Nan của ta hiện nay nhìn qua liền biết Như Lai cần điều này, không cần điều này. Ðệ tử của Chư Phật quá khứ nhập định mới biết được việc chưa rõ. Ngày nay, Tỳ Kheo A Nan của ta, vừa quán sát liền biết rõ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trong hàng Thanh Văn của ta, người học rộng biết nhiều, có sức dũng mãnh, tinh tấn, ý niệm không tán loạn, đa văn đệ nhất, kham nhậm làm việc là Tỳ Kheo A Nan. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Khi ấy, trưởng giả A Na Bân để có con dâu tên Thiện Sanh, dung mạo đoan chánh, mặt như sắc hoa đào, là con gái quan đại thần của Vua Ba Tư Nặc.

Nàng ấy ỷ vào dòng họ, cậy gia thế vọng tộc, không cung kính mẹ chồng và chồng, cũng không thừa sự Phật, Pháp, Tỳ Kheo Tăng, cũng không kính phụng Ba ngôi báu. Bấy giờ, trưởng giả A Na Bân để đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật lui ngồi một bên.

Trưởng giả bạch Phật: Con vừa cưới vợ cho con trai của con, cô ấy là con gái quan đại thần đệ nhất của Vua Ba Tư Nặc, tự ỷ thị dòng họ vọng tộc mà không thừa tự Ba ngôi báu, Trưởng Lão tôn ti. Cúi xin Thế Tôn thuyết pháp cho con dâu ấy, khiến phát tâm hoan hỷ, mở rộng tâm ý. Thế Tôn im lặng nhận lời.

Trưởng giả lại bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn nhận lời con thỉnh cùng chúng Tỳ Kheo Tăng. Trưởng giả thấy Như Lai đã im lặng thọ thỉnh, liền rời chỗ ngồi lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Trở về nhà, trưởng giả sắp đặt các thức ăn uống. Trải nệm ngồi tốt đẹp và đến bạch Phật.

Ðúng thời, cúi xin Thế Tôn nhận lời con thỉnh. Thức ăn uống đã đủ. Thế Tôn dẫn chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau đến nhà trưởng giả, vào chỗ ngồi. trưởng giả lại đem ghế nhỏ ngồi trước Như Lai.

Thế Tôn bảo nàng Thiện Sanh: Này trưởng giả nữ! Nên biết làm vợ có bốn cách.

Thế nào là bốn?

Có người vợ như mẹ, có người vợ như bạn thân, có người vợ như giặc, có người vợ như nô tỳ.

Nay Cô nên biết! Vợ như mẹ là tùy thời chăm sóc chồng, không để cho thiếu thốn, thừa sự cúng dường. Người ấy được sự ủng hộ của Chư Thiên, dù Nhân hay Phi nhân không hại được, chết được sanh Cõi Trời. Ðây gọi là người vợ như mẹ.

Thế nào là vợ như bạn thân?

Này trưởng giả nữ! Thấy chồng mà không có tâm tăng giảm, cùng chung khổ vui. Đó là người vợ như bạn thân.

Thế nào là vợ như giặc?

Này trưởng giả nữ! Nếu thấy chồng bèn ôm lòng sân giận, ghét chồng, không thừa sự cung kính lễ bái, thấy chồng mà muốn hại, tâm để nơi người khác, chồng không thân với vợ, vợ không thân với chồng, không được người ái kính, Chư Thiên không ủng hộ, ác quỷ xâm hại, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục. Đó gọi là người vợ như giặc.

Thế nào gọi là vợ như nô tỳ?

Ở đây, người vợ trinh lương, thấy chồng bèn tùy thời săn sóc, nhẫn nhịn lời nói không trả lời lại, nhẫn nại sự lạnh khổ, thường có lòng từ.

Đối với ba ngôi báu cũng sanh ý niệm rằng: Ba ngôi báu còn, ta còn, ba ngôi báu mất, ta mất. Do việc này người ấy được Chư Thiên ủng hộ, dù người hay phi nhân đều thương tưởng nghĩ nhớ, khi chết sanh cõi lành, trên Trời.

Này trưởng giả nữ! Ðó là bốn hạng vợ, nay cô ở vào hạng vợ nào?

Nàng ấy nghe lời Phật dạy, liền đến trước lễ Phật, bạch rằng: Cúi xin Thế Tôn! Nay con sửa đổi lỗi cũ, không dám phạm. Từ nay về sau con thường làm pháp lễ độ như nô tỳ. Khi ấy, nàng Thiện Sanh trở lại chỗ chồng, cúi đầu lễ, nguyện săn sóc chồng như nô tỳ đối với chủ. Nàng Thiện Sanh lại đến chỗ Phật, cúi lạy lui ngồi một bên.

Ðức Thế Tôn dần dần Thuyết Pháp cho nàng, nói về luận bố thí, luận giới, luận sanh Thiên, ái dục là tưởng bất tịnh, dâm dục là nhơ uế lớn.

Thế Tôn biết nàng đã mở rộng tâm, bèn nói về pháp mà các Đức Phật thường nói: Khổ, tập, diệt, đạo, Đức Phật nói hết cho nàng. Nàng ấy liền tại chỗ ngồi được pháp nhãn tịnh. Cũng như chiếc áo mới dễ nhuộm màu, đây cũng vậy, nàng ấy phân biệt các pháp khéo hiểu nghĩa thâm diệu, tự quy y ba ngôi báu, thọ ngũ giới.

Bấy giờ nàng Thiện Sanh nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy lui ngồi một bên, giây lát sau rời chỗ ngồi, bạch Phật: Thế Tôn thường khen hào tộc cao quý, không nói đến thấp hèn. Song, bạch Thế Tôn, con không khen tôn quý không nói thấp hèn, chỉ nói với hàng trung lưu khiến được xuất gia học đạo.

Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thầy tự nói rằng không khen hàng tôn quý, không nói thấp hèn, chỉ nói hàng trung lưu được xuất gia học đạo. Nhưng nay ta không nói về nơi thọ sanh thượng, trung, hạ.

Vì sao thế?

Phàm thọ sanh là rất khổ, không đủ mong muốn. Như đống phân kia kia chút ít còn rất hôi huống gì nhiều. Nay sự thọ sanh cũng lại như vậy, một đời hai đời còn khổ nạn, huống gì lưu chuyển mãi mãi mà có thể cam chịu.

Do hữu có sanh, do sanh có lão, do lão có bệnh có tử, lo buồn khổ não, có gì đáng tham ưa, bèn thành thân ngũ thạnh ấm. Nay ta quán sát nghĩa này mà nói như thế. Một đời hai đời còn khổ nạn, huống gì lưu chuyển mãi mãi mà có thể cam chịu.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có ý muốn thọ sanh, nên phát nguyện sanh trong gia đình hào quý, không sanh nơi ty tiện.

Vì sao thế?

Chúng sanh bị tâm ràng buộc lâu dài, chứ không bị hào tộc ràng buộc.

Này Xá Lợi Phất! Như ta ở trong gia đình hào quý, là dòng Sát Lợi Chuyển Luân Thánh Vương, nếu như ta không xuất gia học đạo thì sẽ làm Vua Chuyển Luân. Nay ta bỏ địa vị Chuyển Luân Thánh Vương, xuất gia học đạo thành đạo vô thượng. Còn nếu sanh trong nhà thấp hèn, không được xuất gia học đạo thì trở lại bị rơi trong đường ác.

Cho nên, Xá Lợi Phất! Nên tìm phương tiện hàng phục tâm.

Như thế, Xá Lợi Phất, nên học điều này!

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường