Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chúng Giảm Thiểu

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH CHÚNG GIẢM THIỂU  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp và Tôn Giả A Nan ở trong núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá, sau khi Thế Tôn Niết Bàn chưa bao lâu. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, đói kém, nên đi khất thực rất khó được.

Lúc này, có nhiều Tỳ Kheo tuổi trẻ đi theo Tôn Giả A Nan, không khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống không biết lượng, nên không thể từ đầu đêm đến cuối đêm tinh cần thiền định tư duy, chỉ ưa đắm vào ngủ nghỉ, thường cầu lợi lộc ở đời. Họ du hành nhân gian đến Nam Thiên Trúc, có ba mươi Tỳ Kheo tuổi trẻ xả giới hoàn tục, chỉ còn lại mấy chú trẻ nhỏ.

Lúc ấy, Tôn Giả A Nan du hành ở nước Nam Sơn, vì thấy đồ chúng còn ít nên trở lại Vương Xá.

Tôn Giả cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, cúi đầu lễ dưới chân Tôn Giả, ngồi lui qua một bên.

Lúc ấy, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp hỏi Tôn Giả A Nan: Ông từ đâu đến mà đồ chúng quá ít?

A Nan đáp: Từ nước Nam Sơn, du hành trong nhân gian, có ba mươi Tỳ Kheo tuổi trẻ xả giới hoàn tục, đồ chúng giảm, nay còn lại phần nhiều là các trẻ nhỏ.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp nói với A Nan rằng: Có bao nhiêu phước lợi mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri Giả, Kiến Giả, chế giới cho phép ba người trở lên cùng ăn chung?

A Nan đáp: Vì hai việc.

Những gì là hai?

Một là nhà nghèo ít của. Hai là những người ác lập bạn đảng phá hoại nhau. Chớ để những người ác mang danh là chúng, sống ở trong Tăng làm chướng ngại đại chúng, phân làm hai phe hiềm khích tranh đấu lẫn nhau.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp bảo A Nan: Ông biết nghĩa này, vì sao vào lúc đói kém lại cùng nhiều đệ tử niên thiếu du hành nước Nam Sơn, làm cho ba mươi người xả giới hoàn tục, đồ chúng tổn giảm chỉ còn lại đa số là các trẻ nhỏ?

A Nan, đồ chúng của ông sụt giảm. Ông chỉ là trẻ con, vì không biết trù lượng.

A Nan thưa: Thế nào, đầu tôi đã hai thứ tóc mà vẫn còn gọi tôi là trẻ nhỏ sao, thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp? 

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp nói: Vào thời buổi đói kém, mà ông cùng nhiều đệ tử tuổi trẻ du hành trong nhân gian, lại để cho ba mươi người xả giới hoàn tục, chỉ còn lại các trẻ nhỏ.

Đồ chúng tiêu giảm, không biết trù lượng, để cho đồ chúng niên thiếu bại hoại. Chúng của A Nan đã tan hết. Này A Nan, ông là trẻ con, không biết trù lượng. Khi ấy Tỳ Kheo Ni Đê Xá nghe Tôn Giả Ca Diếp dùng từ trẻ con để quở trách Tôn Giả A Nan Bề Đề Ha Mâu Ni.

Nghe rồi không vui thích, bèn thốt ra những lời không tốt: Tại sao A Lê Ma Ha Ca Diếp vốn là gốc ngoại đạo mà lại dám dùng từ trẻ con để quở trách A Lê A Nan Bề Đề Ha Mâu Ni, khiến cho cái danh trẻ con lan ra. Tôn Giả Ca Diếp dùng thiên nhĩ nghe được những ác ngôn thốt ra từ miệng Tỳ Kheo Ni Đê Xá khi lòng không hoan hỷ.

Nghe xong nói với Tôn Giả A Nan rằng:

Ông có thấy Tỳ Kheo Ni Đê Xá, tâm không hoan hỷ, miệng thốt ra những lời nói ác: Ma Ha Ca Diếp gốc từ ngoại đạo mà dám quở trách A Lê A Nan Bề Đề Ha Mâu Ni, khiến cho cái danh trẻ con lan ra?

Tôn Giả A Nan đáp: Xin thôi! Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp!

Hãy nhịn! Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp! Đó là mụ già ngu si, không có trí tự tánh.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp nói với A Nan: Từ khi ta xuất gia đến nay, không biết có vị thầy nào khác, ngoài Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác ra. Khi chưa xuất gia ta thường suy nghĩ đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Biết là tại gia công việc bận rộn, nhiều phiền não, nếu xuất gia sống không nhàn, người thế tục thì khó sống đời sống không nhà, một mực trong sạch, suốt đời thuần nhất thanh tịnh tràn đầy, phạm hạnh thanh bạch, nên ta đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà.

Đem y quý, trị giá trăm ngàn lượng vàng cắt nhỏ từng mảnh may thành Tăng Già Lê. Nếu nghe ở thế gian có A La Hán nào, thì đi theo xuất gia.

Sau khi xuất gia rồi, ta gặp Thế Tôn, thân ngồi ngay thẳng, tướng tốt kỳ lạ, các căn tịch tĩnh vắng lặng không gì bằng, giống như núi vàng, ở khoảng giữa tụ lạc Na La thành Vương Xá và Tháp Đa Tử.

Khi ta thấy rồi, tự nghĩ: Đây là Thầy ta. Đây là Thế Tôn. Đây là La Hán, đây là Đẳng Chánh Giác.

Lúc ấy, Ta nhất tâm chắp tay kính lễ bạch Phật: Ngài là Đại Sư con.

Con là đệ tử!

Phật bảo ta rằng: Thật vậy, Ca Diếp!

Ta là Thầy của ông. Ông là đệ tử. Này Ca Diếp, nay ông đã thành tựu tâm thanh tịnh chân thật, ông là người đáng cung kính. Người không biết, nói biết, không thấy, nói thấy. Người thật không phải A La Hán, mà nhận là A La Hán. Người không phải Đẳng Chánh Giác mà nói là Đẳng Chánh Giác, thì tự nhiên thân họ sẽ bị nát thành bảy mảnh.

Này Ca Diếp, nay Ta biết, nên nói biết. Thấy, nên nói thấy. Thật A La Hán nói A La Hán. Thật Đẳng Chánh Giác nói Đẳng Chánh Giác.

Này Ca Diếp, nay Ta có nhân duyên vì Thanh Văn thuyết pháp, không phải không có nhân duyên. Có y cứ không phải không y cứ, có thần lực không phải không thần lực. Cho nên, này Ca Diếp, nếu muốn nghe pháp phải học như vậy.

Nếu vì nghĩa lợi, vì hữu ích, muốn nghe pháp, thì phải một lòng cung kính tôn trọng, chuyên tâm lắng nghe và tự nghĩ rằng: Đối với sự sanh diệt của ngũ ấm, sự tập khởi, sự diệt tận của lục xúc nhập xứ, ta phải chánh quán. Đối với tứ niệm xứ, phải chánh niệm lạc trụ.

Tu tập bảy giác phần, tám giải thoát, tự thân tác chứng. Lúc nào cũng nghĩ thân này chưa từng đoạn tuyệt, xa lìa sự không tàm quý. Đối với phạm hạnh và đạo đức của Đại Sư, thường giữ tâm tàm quý, nên học tập như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn vì ta mà thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng làm cho ta hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho ta hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy đi, ta cũng đi theo về trụ xứ. Ta lấy cái y giá trị trăm ngàn lượng vàng cắt may thành Tăng Già Lê, gấp bốn làm tòa ngồi.

Bấy giờ, Thế Tôn biết ta chí tâm cầu đạo. Ta trải y ra làm tọa cụ thỉnh Phật ngồi.

Thế Tôn ngồi xuống, lấy tay sờ y khen rằng: Ca Diếp, y này nhẹ mịn, mềm mại.

Lúc ấy, ta thưa: Đúng vậy, bạch Thế Tôn, y này nhẹ mịn, mềm mại, xin Thế Tôn nhận y này của con.

Phật bảo Ca Diếp: Ông nên nhận y phấn tảo của ta, ta sẽ nhận y Tăng Già Lê của ông. Phật liền tự tay trao y phấn tảo trao cho ta. Ta liền dâng Tăng Già Lê cho Phật. Rồi lần lượt giáo thọ như vậy, trong vòng tám ngày, ta đã học pháp lãnh thọ nơi khất thực, cho đến ngày thứ chín, ta đạt đến vô học.

Này A Nan, nếu có ai hỏi thẳng: Ai là Pháp Tử của Thế Tôn, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật Pháp và các thiền giải thoát, tam muội chánh thọ?

Thì nên đáp, đó là ta. Như vậy là nói chân chánh. Giống như người con trưởng thứ nhất của Chuyển Luân Thánh Vương, sẽ bằng phép quán đảnh mà ngồi lên Vương vị, hưởng thụ ngũ dục của Vua, không phải dùng phương tiện khổ, tự nhiên hưởng được.

Ta cũng như vậy, là Pháp Tử của Phật, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, đắc pháp và pháp tài khác như thiền định, giải thoát, tam muội chánh thọ, không phải dùng phương tiện khổ, mà tự nhiên được.

Thí như voi báu của Chuyển Luân Thánh Vương cao bảy, tám khuỷu tay mà một lá Đa La có thể che rợp. Cũng vậy, sáu thần thông trí thành tựu của ta có thể che rợp.

Nếu đối với cảnh giới thần thông và trí chứng, có người nào nghi hoặc, ta có thể vì họ phân biệt, ký thuyết về thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận, tác chứng trí thông. Nếu có người nào nghi hoặc, ta có thể vì họ phân biệt, ký thuyết, khiến họ được quyết định.

Tôn Giả A Nan thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp: Đúng vậy! Đúng vậy!

Thưa Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, như voi báu của Chuyển Luân Thánh Vương cao bảy, tám khuỷu tay mà dùng một lá Đa La có thể che rợp. Cũng vậy, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, Sáu thần thông trí có thể che rợp.

Nếu có người nào nghi hoặc về cảnh giới thần thông, Tác Chứng trí cho đến Lậu Tận, Tác Chứng trí, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp có thể vì họ ký thuyết khiến họ được quyết định. Đối với Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp tôi luôn luôn kính tín tôn trọng.

Vì có thần lực đức độ lớn như vậy, nên khi Tôn Giả Đại Ca Diếp nói những lời này, Tôn Giả A Nan nghe những gì Ngài nói, hoan hỷ thọ trì.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường