Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hoan Hỷ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH HOAN HỶ
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Thiên Tử tên là Tất Tì Lê, tướng mạo tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Ánh sáng từ thân chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà.
Bấy giờ vị Thiên Tử này nói kệ:
Chư Thiên và người đời,
Đều ưa thích thức ăn.
Vậy có các thế gian,
Phước lạc tự theo chăng?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tịnh tín tâm huệ thí,
Đời này và đời sau
Theo chỗ người này đến,
Phước báo theo như bóng.
Cho nên bỏ keo kiệt,
Hành huệ thí không nhơ.
Thí rồi, tâm hoan hỷ,
Đời này đời khác nhận.
Thiên Tử Tất Tì Lê này bạch Phật: Lạ thay!
Thế Tôn khéo nói nghĩa trên:
Tịnh tín tâm huệ thí,
Đời này và đời sau.
Theo chỗ người này đến,
Phước báo theo như bóng.
Cho nên bỏ keo kiệt,
Hành huệ thí không nhơ.
Thí rồi tâm hoan hỷ,
Đời này đời khác nhận.
Thiên Tử Tất Tì Lê bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con tự biết thời quá khứ, đã từng làm Quốc Vương tên Tất Tì Lê, bố thí, làm phước khắp cả bốn cửa thành. Và ở trong thành kia có bốn giao lộ, ở nơi đó cũng bố thí làm phước.
Lúc ấy đệ nhất Phu Nhân đến nói với con: Đại Vương làm phước đức lớn, mà tôi không có sức để tu các phước nghiệp.
Khi đó, con nói: Ngoài cửa thành phía Đông, bố thí, làm phước, việc đó đều thuộc về Phu Nhân.
Các Vương Tử cũng đến tâu với con: Đại Vương làm nhiều công đức, Phu Nhân cũng vậy. Mà chúng con không có sức để làm các phước nghiệp. Nay chúng con xin được nương vào Đại Vương làm chút công đức.
Khi đó, con đáp: Ngoài cửa thành phía Nam, bố thí, làm phước, việc đó đều thuộc về các con.
Bấy giờ có quan Đại Thần lại đến tâu với con: Ngày nay Đại Vương, Phu Nhân, cùng Vương Tử làm nhiều công đức. Còn hạ thần không có sức làm các phước nghiệp, xin nương vào Đại Vương làm chút công đức.
Khi đó, con bảo: Ngoài cửa thành phía Tây, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ông.
Bấy giờ, các tướng sĩ lại đến tâu với con: Ngày nay Đại Vương, làm nhiều công đức, Phu Nhân, Vương Tử và các Đại Thần đều cùng làm, chỉ có chúng hạ thần không có sức để làm phước nghiệp, xin nương vào Đại Vương để làm.
Khi đó, con đáp: Ngoài cửa thành phía Bắc, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ông.
Bấy giờ, thứ dân trong nước lại đến tâu với con: Ngày nay Đại Vương làm nhiều công đức, Phu Nhân, Vương Tử, Đại Thần, các tướng sĩ đều cùng làm. Chỉ có chúng tôi không có sức để tu phước, nguyện xin nương vào Đại Vương làm chút công đức.
Khi đó, con đáp: Trong thành kia, ở đầu bốn giao lộ, bố thí làm phước, việc đó đều thuộc về các ngươi. Bấy giờ, Vua, Phu Nhân, Vương Tử, Đại Thần, tướng sĩ, thứ dân, mọi người đều bố thí, làm các công đức. Việc huệ thí công đức trước đây của con do đó mà bị gián đoạn.
Khi đó những người con đã bảo họ làm phước đều trở về chỗ con, làm lễ con và tâu con rằng: Đại Vương nên biết, những nơi tu phước, Phu Nhân, Vương Tử, Đại Thần, tướng sĩ, thứ dân, mỗi người đều y cứ chỗ mình mà bố thí, làm phước. Sự bố thí của Đại Vương đến do đó mà bị gián đoạn.
Khi đó, con đáp: Này Thiện Nam, các nước láng giềng hằng năm nộp tài vật cung ứng cho ta, phân nửa cho vào kho, còn phân nửa để lại các nước ấy thí ân, làm phước.
Người kia vâng theo lệnh Vua, đến nước lân cận, gom góp tài vật, phân nửa cho vào kho, phân nửa để lại cho nước đó thí ân, làm phước.
Trước kia con trường kỳ thí ân, làm phước như vậy, nên luôn luôn được phước báo khả ái, khả niệm, khả ý, thường hưởng được khoái lạc không cùng tận.
Do phước nghiệp này cùng với quả phước báo phước, tất cả đều dồn vào nhóm công đức lớn. Ví như năm con sông lớn hợp thành một dòng, đó là sông Hằng, Da Bố Na, Tát La Do, Y La Bạt Đề, Ma Hê. Năm con sông này hợp thành một dòng như vậy mà không ai có thể đo lường số lượng trăm, ngàn, vạn, ức đấu hộc nước sông kia.
Nước của con sông lớn này trở thành một khối lượng nước lớn. Quả báo của các công đức đã làm của con cũng như vậy, không thể đo lường, tất cả đều nhập vào nhóm công đức lớn.
Thiên Tử Tất Tì Lê nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ lễ Phật rồi biến mất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Pháp Hành
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiến đa
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Chủng điều Phục
Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Quỷ Vấn Mục Liên
CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG GIÀ BÀ LA MÔN
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Một - Nói Về đại Chúng - Tập Ba
Phật Thuyết đại Cát Tường Thiên Nữ Mười Hai Khế Một Trăm Lẻ Tám Danh Vô Cấu đại Thừa Kinh - Phần Bốn