Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khẩn Thú Dụ

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH KHẨN THÚ DỤ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ.

Bấy giờ, có Tỳ Kheo một mình ngồi thiền tại chỗ vắng, tự nghĩ: Tỳ Kheo biết thế nào, thấy thế nào, để được cái thấy thanh tịnh?

Nghĩ rồi, đến các chỗ các Tỳ Kheo, bạch các Tỳ Kheo rằng: Thưa các Tỳ Kheo biết thế nào, thấy thế nào để khiến cái thấy được thanh tịnh?

Các Tỳ Kheo đáp: Tôn Giả, biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu xúc nhập xứ. Tỳ Kheo nào biết, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Tỳ Kheo này nghe các Tỳ Kheo kia nói như vậy, tâm không hoan hỷ, lại đến chỗ Tỳ Kheo khác, hỏi Tỳ Kheo kia rằng: Chư Tôn Tỳ Kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Tỳ Kheo kia đáp: Biết đúng như thật về tập, diệt, vị, hoạn, ly của sáu giới. Tỳ Kheo nào biết như vậy, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Tỳ Kheo này nghe Tỳ Kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không lạc, lại đến Tỳ Kheo khác hỏi: Tỳ Kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Tỳ Kheo kia đáp: Quán sát năm thủ uẩn như là bệnh tật, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Biết như vậy, thấy như vậy, sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Tỳ Kheo này nghe Tỳ Kheo kia ký thuyết như vậy tâm cũng không lạc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: Tỳ Kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Sau khi nghĩ như vậy, rồi con đi đến chỗ các Tỳ Kheo, ba nơi đã nói những gì, như đã bạch đầy đủ lên Thế Tôn, con nghe họ nói vậy, tâm không hoan hỷ, nên đến Thế Tôn đem nghĩa này xin hỏi Thế Tôn: Tỳ Kheo, biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Phật đáp: Vào thời quá khứ, có một người chưa từng thấy cây khẩn thú, đến người đã từng thấy khẩn thú.

Hỏi người đã từng thấy khẩn thú rằng: Ông biết cây khẩn thú không?

Đáp: Biết.

Lại hỏi: Hình dạng của nó thế nào?

Đáp: Nó màu đen như cái cột bị cháy. Vì người kia đang lúc thấy khẩn thú màu đen như cột trụ cháy sém. Người này nghe nói khẩn thú màu đen như cái cột cháy sém thì không hoan hỷ lắm.

Lại đi đến người khác đã từng thấy khẩn thú và hỏi: Ông đã từng biết khẩn thú phải không?

Người kia đáp: Biết.

Lại hỏi: Hình dạng của nó thế nào?

Người từng thấy khẩn thú đáp: Sắc của nó màu đỏ, hoa nở ra như khúc thịt. Vì người kia lúc thấy khẩn thú nở hoa thật như một khúc thịt. Người này nghe những gì người kia nói như vậy không hoan hỷ.

Lại đến người đã từng thấy khẩn thú khác hỏi: Ông từng biết khẩn thú phải không?

Người kia đáp: Biết.

Lại hỏi: Hình dạng của nó thế nào?

Đáp: Lông thân của nó dài thườn thượt rủ xuống như quả Thi Lợi Sa. Người này nghe rồi, tâm cũng không hoan hỷ.

Lại đi hỏi người đã biết khẩn thú khác: Ông đã biết khẩn thú phải không?

Đáp: Biết.

Lại hỏi: Hình dáng của nó thế nào?

Người kia trả lời: Nó màu xanh lá cây, lá bóng, lá dài rộng như cây Ni Câu Lâu Đà. Như những người kia, khi hỏi về khẩn thú, nghe xong, tâm không hoan hỷ. Lại đi tìm khắp nơi, nhưng những người thấy khẩn thú, tùy thời tùy sở kiến của mỗi người mà trả lời. Cho nên không giống nhau.

Cũng vậy, các Tỳ Kheo, nếu ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, nhân theo pháp tư duy mà không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát và tùy theo sở kiến của họ mà ký thuyết. Nay ông nghe Ta nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu được.

Thí như có một quốc vương biên địa, khéo chỉnh trị thành quách, dưới cửa kiên cố, đường sá bằng phẳng. Bốn cửa thành đặt bốn người canh gác. Tất cả đều thông minh trí tuệ, biết người đi người đến. Trong thành này, tại một con đường ngã tư, an trí giường chõng. Thành chủ ngồi trên đó.

Nếu có sứ giả từ phương Đông đến hỏi người giữ cửa: Thành chủ ở đâu?

Liền được trả lời: Đang ngồi trên tòa, ở ngã tư đường, trong thành. Vị sứ giả kia nghe rồi, đến chỗ thành chủ nhận chỉ thị rồi trở về đường cũ.

Những sứ giả từ Nam, Tây, Bắc, đến cũng hỏi người giữ cửa: Thành chủ ở đâu?

Họ cũng đáp: Ở giữa ngã tư đường, trong thành. Các sứ giả kia nghe rồi đều đến chỗ thành chủ, nhận chỉ thị của ông, rồi mỗi người trở về chỗ cũ của mình.

Phật bảo Tỳ Kheo: Ta đã nói thí dụ. Nay sẽ nói ý nghĩa. Thành là dụ cho sắc thô của thân người. Giống như Kinh nói thí dụ cái tráp rắn độc. Khéo sửa sang tường thành là chỉ cho chánh kiến.

Đường sá bằng phẳng là nội sáu nhập xứ. Bốn cửa chỉ cho bốn trú xứ của thức. Bốn người giữ cửa chỉ cho tứ niệm xứ. Thành chủ chỉ cho thức thủ uẩn. Sứ giả là chánh quán. Nói lời như thật là bốn Chân Đế. Trở về đường cũ là tám Thánh đạo.

Phật bảo Tỳ Kheo: Nếu Đại Sư có những điều cần làm cho đệ tử. Thì nay Ta đã làm xong.

Vì thương xót nên: Như Kinh thí dụ về cái tráp rắn độc. Sau khi Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, chuyên tinh tư duy, không sống buông lung, tiến tu phạm hạnh, cho đến không tái sanh đời sau nữa, thành A La Hán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường