Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN

PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT  

PHẦN MƯỜI HAI  

Này Hải Huệ! Hay trang nghiêm thì gọi là như thuyết, hay cứu cánh thì gọi là như trụ. Hay phát tâm thì gọi là như thuyết, được chứng quả thì gọi là như trụ.

Hay tịnh tâm thì gọi là như thuyết, hay chí tâm thì gọi là như trụ. Hay phát tâm thì gọi là như thuyết, tâm bất thối thì gọi là như trụ. Chí tâm nghe pháp thì gọi là như thuyết, nghe rồi như trụ thì gọi là như trụ.

Có thể tịnh khẩu thì gọi là như thuyết, hay tịnh thân thì gọi là như trụ. Mới thọ giới thì gọi là như thuyết, chí tâm hộ trì giới thì gọi là như trụ. Phát bồ đề Tâm thì gọi là như thuyết, hành Bồ Tát đạo gọi là như trụ. Được trụ nhẫn địa thì gọi là như thuyết, trụ bất thối địa thì gọi là như trụ.

Được thân một đời thì gọi là như thuyết, được thân hậu biên thì gọi là như trụ. Đến dưới cội bồ đề thì gọi là như thuyết, được quả bồ đề thì gọi là như trụ.

Này Hải Huệ! Đây gọi là Bồ Tát đúng như pháp mà thuyết và đúng như thuyết mà trụ.

Lúc Đức Thế Tôn nói pháp này, có năm trăm Bồ Tát được trụ vô sanh nhẫn địa.

Lúc bấy giờ trong Pháp Hội có một Bồ Tát tên Liên Hoa bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật đã nói về như thuyết mà trụ thiệt chẳng thể nghĩ bàn. Như sở trụ của Đức Phật tức là như thuyết tức là như trụ.

Đức Phật nói: Này Liên Hoa! Ở nơi sự ấy ông có biết rõ được chăng?

Liên Hoa Bồ Tát bạch rằng: Tôi đã rõ, Bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói: Nếu người biết chánh pháp là chân thiệt thì gọi là như pháp trụ.

Sơn Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Vô sở trụ pháp thì gọi là như pháp trụ.

Tại sao vậy?

Vì thấy tất cả pháp không có giác, do vì không có giác nên chẳng thấy một pháp gọi đó là giác, nếu không có một pháp thì làm sao có trụ. Nếu thấy như vậy thì gọi là như pháp trụ.

Phước Đức Vương Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người tùy theo tâm thì chẳng phải như pháp trụ. Nếu có Bồ Tát quán ý như huyễn, gọi là vô trụ. Nếu là vô trụ thì gọi là như pháp trụ.

Nhiên Đăng Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Không có tâm tham thì gọi là như pháp trụ. Thế nào là tham tâm, đó là ở trong các pháp có tổn có ích. Nếu không có tham tâm thì gọi là như pháp trụ.

Nhật Tử Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát có chỗ trụ trước thì gọi là động. Nếu ở trong các pháp tâm không trụ trước thì gọi là vô động. Nếu là vô động thì gọi là như pháp trụ.

Dũng Kiện Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả thế gian đều tùy tâm hành. Nếu biết tâm hành thì gọi là như pháp trụ.

Lạc Kiến Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Đức Phật nói: Do vì thọ mà thọ khổ, nếu có thể chẳng thọ thì các thọ dứt diệt, nếu có thể chẳng thủ thì các thủ dứt diệt. Dầu chẳng thọ các thọ mà chẳng bỏ chúng sanh thì gọi là như pháp trụ.

Hương Tượng Vương Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả phàm phu chúng sanh đều có gánh nặng đó là ngũ ấm. Nếu người có thể biết ngũ ấm chân thiệt, vì phá hoại kiến chấp Ngũ ấm mà lìa bỏ gánh nặng, nhưng ở nơi các pháp không có ý tưởng là gánh, đây gọi là như pháp trụ.

Kiên Ý Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát chẳng sanh nơi sanh chẳng diệt nơi diệt cũng lại chẳng thấy tánh sanh diệt thì gọi là như pháp trụ.

Trì Thế Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu đi nơi thế gian thì chẳng phải như pháp trụ. Nếu người chánh trang nghiêm thì gọi là như pháp trụ. Người chánh trang nghiêm thấy tất cả các pháp bình đẳng như hư không.

Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thể chân thiệt biết thấy Niết Bàn thấy pháp là diệt và không có sanh diệt, tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, vì đến bồ đề mà tu tập trang nghiêm, đây gọi là như pháp trụ.

Quang Vô Ngại Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có hành xứ tức là ma nghiệp chẳng phải như pháp trụ. Nếu không có hành xứ thì phá ma nghiệp, nếu phá ma nghiệp thì gọi là như pháp trụ.

Tịnh Tinh Tiến Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu quan niệm rằng tôi sẽ được tịnh pháp, vì tịnh pháp ấy nên siêng tu tinh tiến, tinh tiến như vậy là không tinh tiến, nếu có thể quan sát các pháp bất định, do bất định ấy mà siêng tu tinh tiến, đây gọi là như pháp trụ.

Bất Khả Tư Duy Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Biết các chúng sanh tất cả tâm tánh chẳng sanh tâm tưởng, gọi là chẳng tư duy được mà tư duy vậy. Nếu có thể ở trong pháp chẳng tư duy ấy mà tư duy thì gọi là như pháp trụ.

Lạc Tịch Tĩnh Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát thanh tịnh các tâm giới thì có thể lìa tất cả hoặc lậu. Nếu có thể xa lìa tất cả lậu thì gọi là chánh hạnh. Nếu chánh hạnh thì gọi là như pháp trụ.

Thương Chủ Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát nếu thanh tịnh thiện pháp, phước đức trang nghiêm, trí huệ trang nghiêm?

Quán hai thứ trang nghiêm bình đẳng vô nhị, dùng phước đức bình đẳng quán trí huệ bình đẳng, dùng trí huệ bình đẳng quán phước đức bình đẳng không có sai biệt thì gọi là như pháp trụ.

Duy Ma Cật Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng quan niệm nơi hai thì gọi là như pháp trụ. Nếu ở nơi pháp giới chẳng hoại hư chẳng khác biệt thì gọi là như pháp trụ.

Y Nghĩa Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát y nơi nghĩa chẳng y nơi chữ. Vì chánh nghĩa nên thọ trì đọc tụng tám vạn bốn ngàn pháp tụ không sai sót không động dời thì gọi là như pháp trụ.

Tịnh Ý Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát phát tâm bồ đề, chí tâm ủng hộ bồ đề tâm ấy, lúc tu tập bồ đề biết các pháp tánh. Luận về pháp tánh ấy chẳng phải xứ chẳng phải chẳng xứ đây gọi là như pháp trụ.

Tất Cánh Tịnh Ý Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát xa lìa cấu uế như giặt y bỏ dơ bẩn, có thể khiến các phiền não chẳng ô nhiễm tâm mình thì gọi là tất cánh tịnh. Tâm đã tịnh rồi tùy thật hành bồ đề đều gọi là như pháp trụ.

Hải Huệ Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người thân cận ác tri thức thì chẳng phải như pháp trụ, chẳng tu Thánh pháp thì chẳng phải như pháp trụ, nếu gần ác hữu làm nghiệp ma sa vào xứ ma.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người muốn lìa tất cả ma nghiệp rời hành xứ các ma cùng các ác pháp thì nên gần thiện hữu.

Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Nay ông thiệt biết ma nghiệp hành chăng?

Hải Huệ Bồ Tát nói: Tôi đã biết, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Nay ông nên vì vô lượng Bồ Tát đại chúng mà diễn nói.

Hải Huệ Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Luận về ma nghiệp ấy tức là nhãn sắc. Nếu người thấy sắc sanh tâm tham trước đó là ma nghiệp. Như nhãn sắc, nhĩ thanh tỷ hương thiệt vị thân xúc và ý pháp cũng như vậy.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu hành Đàn Ba la mật, với vật chẳng thích đem bố thí, với vật ưa thích thì tiếc lẫn chẳng xả. Với người thương thì cho, với người giận thì chẳng cho. Nếu có phân biệt tài vật và phân biệt kẻ nhận lãnh, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu hành Thi Ba la mật hộ trì cấm giới gần gũi người trì giới khen ngợi thân mình mà chê bai phá giới, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu hành Nhẫn Ba la mật, với kẻ có sức mạnh hơn thì hay nhẫn nhịn, với kẻ kém sức thì chẳng nhịn được, thấy kẻ sức mạnh thì nói năng nhỏ nhẹ khiêm hạ thấy kẻ sức yếu thì lời thô khinh miệt, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu hành Tinh tiến Ba la mật diễn nói Thanh Văn thừa, nói Duyên Giác thừa, nói Bồ Tát thừa, lúc tu tập bồ đề thì khinh mạn Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa miệng chẳng tuyên nói, thích việc thế sự, chẳng thích cung kính cúng dường Tam Bảo những món hoa hương phan lọng kỹ nhạc tôn trọng tán thán, chẳng cầu đa văn, thấy người đa văn chẳng đến thân cận, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu tập Thiền Ba la mật được thiền định chẳng điều phục được tất cả chúng sanh lòng hối nhàm, tham trước thiền lạc quở người thuyết pháp, chẳng thích giảng luận tán thán tịch tĩnh, trách chê Dục Giới Sắc Giới, thích thân Vô Sắc thọ mạng tột dài, chẳng thấy Chư Phật, chẳng nghe chánh pháp, xa lìa thiện hữu, chẳng biết phương tiện, thọ xả tu xả, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát lúc tu Bát Nhã Ba la mật biết các nhân quả chẳng dùng tứ nhiếp để nhiếp thủ chúng sanh mà điều phục họ, chẳng biết chúng sanh căn thượng trung hạ, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát nếu thích rảnh rang tịch tĩnh, thích tịch tĩnh rồi thọ vui tịch tĩnh chẳng thích nghe pháp thuyết pháp hỏi điều nghi, do tịch tĩnh nên phiền não chẳng khởi, do chẳng khởi nên chẳng biết mà tưởng là biết, chẳng lìa mà tưởng là lìa, chẳng chứng mà tưởng là chứng, chẳng tu mà tưởng là tu, chẳng được thiệt nghĩa, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát nếu có tu tập đa văn ưa nói thích nói lời vi diệu, lời dịu dàng, lời vui vẻ, nếu vì y phục uống ăn ngọa cụ lợi dưỡng mà thuyết pháp, nếu có người tin hiểu hay chí tâm nghe mà chẳng vì họ nói pháp, nếu có kẻ phóng dật đến cúng dường thì nói pháp cho, người đáng vì nói mà chẳng nói, người chẳng nên vì nói lại nói cho, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát lúc thuyết pháp giấu kín thâm nghĩa, có hàng nhân thiên đắc tha tâm trí biết nên không vui mà tự nghĩ rằng ta vì Như Lai chân chánh pháp mà đến nghe pháp chứ chẳng vì thế gian lời nghĩa thiển cận mà đến, người này muốn phá Như Lai chánh pháp chẳng cho tăng trưởng, nếu là người phá hủy Phật chánh pháp chúng ta chẳng thích thấy nghe lời họ nói, các thiện nhân ấy liền bỏ đi, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát với ác tri thức tưởng là thiện hữu, ác tri thức ấy chẳng dùng tứ nhiếp pháp nhiếp thủ chúng sanh, chẳng tu đa văn chẳng dạy chúng sanh, chẳng nói pháp xuất thế mà thích nói lời thế tục, chẳng biết pháp chẳng biết thời chẳng biết nghĩa, đây gọi là ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Người ác tri thức chẳng có thể khai thị phân biệt giải thuyết pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát, Pháp Phật, chẳng dạy chúng sanh tu từ bi xa lìa tám nạn tu hành bố thí trì giới nhuyến ngữ thân cận bình đẳng, nhẫn nhịn kẻ vô lực, nói rằng Phật Đạo rất là khó được trong vô lượng đời cần khổ mới được, đây gọi là ác hữu ma nghiệp.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát nếu có lòng kiêu mạn, do kiêu mạn nên chẳng có thể cúng dường Phật, pháp, Tăng, Sư Trưởng, Hòa Thượng, cha mẹ, trưởng túc đồng học đồng sư, nếu thấy người hơn mình thì chẳng thể gần kề để nghe pháp hỏi nghe, dầu có nghe mà nghe rồi liền quên mất, thấy kẻ thua mình thì thương mến gần gũi, vì vậy nên ác pháp lần lần tăng trưởng, vì ác pháp tăng nên xa lìa thiện pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Ví như đại hải vì lần lần sâu nên tất cả sông rạch trăm dòng đồng chảy vào. Bồ Tát phá hoại lòng kiêu mạn cũng như vậy, lần lần tăng trưởng tất cả thiện pháp. Nếu chẳng phá hoại kiêu mạn thì gọi là ma nghiệp.

Bạch Đức Thế Tôn! Ví như có người ở nơi cao nguyên lục địa trồng cây Chiêm Ba, chỗ nước thường chảy lại đắp bờ ngăn, đất trồng cây ấy đã cao khô lại không có nước thấm vào nên cây chiêm ba được trồng ấy lần lần khô vàng chẳng tăng trưởng được. Cũng vậy, Bồ Tát do kiêu mạn tăng nên chẳng thân thiện hữu chẳng nghe chánh pháp, dầu có nghe lại quên mất.

Còn nữa, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát sắc thân đoan chánh đầy đủ tự tại có quyến thuộc đông phước đức trang nghiêm, mà chưa được đầy đủ trí huệ trang nghiêm, do cớ ấy mà sanh lòng kiêu mạn, Do vì kiêu mạn nên thấy người có trí huệ hiểu rành chánh pháp mà thân hình gầy xấu thì khi dễ chẳng chịu cúng dường.

Do cớ ấy mà càng tăng thêm kiêu mạn vô minh phóng dật chẳng điều phục ma nghiệp, Bồ Tát như vậy là do sắc mà sanh kiêu mạn, đây gọi là ma nghiệp.

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay, Hải Huệ Bồ Tát khéo có thể phân biệt tuyên nói ma nghiệp.

Này Hải Huệ! Ông nên chí tâm lắng nghe, nay Phật sẽ nói đạo phá hoại ma nghiệp.

Này Hải Huệ! Tất cả các pháp tánh nó không tịch. Nếu biết tất cả pháp tánh không tịch rồi cũng biết tất cả chúng sanh đều không. Biết không rồi mà tu từ tâm điều phục tự thân. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Nếu quán các pháp tánh là vô tướng mà vì chúng sanh tu tập từ tâm. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp. Nếu quán các pháp tánh là vô nguyện, vì các chúng sanh chí tâm cầu vào các cõi, đã cầu vào các cõi rồi tùy theo mà điều phục. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Quán tất cả các pháp tánh là vô tham, tánh của chúng sanh cũng là vô tham, vì điều phục tham mà nhiếp thủ chúng sanh. Đây gọi là Bồ Tát hay phá ma nghiệp.

Quán tất cả các pháp tánh là vô sân, tánh của chúng sanh cũng là vô sân, vì điều phục sân mà nhiếp thủ chúng sanh. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Quán tất cả các pháp tánh là vô si, tánh của chúng sanh cũng là vô si, vì điều phục si mà nhiếp thủ chúng sanh. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Quán tất cả các pháp tánh vô sanh diệt, vì phá sanh diệt nên tuyên nói chánh pháp. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Quán tất cả các pháp tánh là bình đẳng, dầu nói ba thừa mà chẳng bỏ đại thừa. Đây gọi là Bồ Tát phá hoại ma nghiệp.

Nếu chẳng tham trước tâm ý thức, cũng hay xa lìa tất cả nhân duyên, vì các chúng sanh được giải thoát nên tu trị trang nghiêm. Dầu siêu quá các hành mà trọn chẳng bỏ lìa sở hành của Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát hay phá ma nghiệp.

Lúc Đức Thế Tôn nói pháp ấy, Thiên Ma Ba Tuần trang nghiêm bốn binh chủng kéo đến đại bảo phường đình như lúc trước chúng kéo đến cây bồ đề.

Đức Như Lai thấy rồi bảo Hải Huệ Bồ Tát rằng: Ông nói ma nghiệp, Phật nói phá ma, vì vậy mà Ma Vương Ba Tuần trang nghiêm bốn binh chủng kéo đến đây, ông thiết kế gì để chống ngăn họ.

Hải Huệ Bồ Tát nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn mang Ma Vương Ba Tuần cùng tất cả quyến thuộc họ để tại nước Trang Nghiêm, thân tôi sẽ ở chỗ ma ở.

Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Hải Huệ Bồ Tát rằng: Nước Trang Nghiêm ấy cách đây bao xa, Phật ấy hiệu là gì?

Hải Huệ Bồ Tát nói: Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Nước Trang Nghiêm cách đây về phương Đông quá mười hai hằng hà sa Thế Giới, nước ấy có Phật tại thế hiệu là Phá Nghi Tịnh Quang đang vì Chư Bồ Tát nói tịnh Bồ Tát hạnh.

Đại Thiên Thế Giới nước Trang Nghiêm ấy có một ức Ma Vương, mỗi Ma Vương có mười ngàn ức bốn binh chủng quyến thuộc.

Lúc Phật Phá Nghi Tịnh Quang mới đến ngồi bồ đề thọ, tất cả Ma Vương ấy đều đồng trang nghiêm bốn binh chủng đến chỗ Bồ Tát ngồi.

Bồ Tát trước vì chúng ma giảng tuyên chánh pháp cho họ được trụ bậc bất thối chuyển rồi sau mới thành vô thượng bồ đề chuyển chánh pháp luân.

Các đại đệ tử và các thị giả của Đức Phật Phá Nghi Tịnh Quang đều là ma cả, các ma ấy đều hay giáo hóa điều phục chúng sanh.

Vì cớ ấy nên nay tôi muốn đem Ma Vương Ba Tuần an trí cõi nước Trang Nghiêm để phá sở hành ma nghiệp của nó, cũng để trang nghiêm vô Thế Giới chánh pháp của Như Lai.

Thiên Ma Ba Tuần nghe lời nói trên đây lòng rất kinh sợ ngó bốn phía muốn tìm chỗ rút lui, mà bốn phương đều chướng ngại đi chẳng được, muốn ẩn thân cũng chẳng được, lại càng sợ hãi mới bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cầu mong đức đại từ cứu hộ cho.

Đức Phật nói: Này Ba Tuần! Với sự việc này ta chẳng tự tại được. Ngươi nên hướng về Hải Huệ Bồ Tát mà cầu xin sám hối.

Ma Vương Ba Tuần liền hướng về Hải Huệ Bồ Tát chắp tay nói rằng: Bạch Đại Sĩ! Từ ngày hôm nay tôi chẳng còn dám làm ma nghiệp như vậy nữa. Cầu mong Đại Sĩ cho tôi sám hối.

Hải Huệ Bồ Tát nói: Với ông ta trọn không có hờn giận. Pháp của Bồ Tát thường phải nhẫn nhục tất cả chúng sanh.

Này Ba Tuần! Ông nên qua nước Trang Nghiêm kính lễ đức Phá Nghi Tịnh Quang Như Lai, ông sẽ được vô lượng lợi ích.

Hải Huệ Bồ Tát liền lấy tay hữu xoa đảnh Ma Vương mà nói rằng nếu Chư Bồ Tát ở trong các pháp không có xan lẫn thì do thần thông của ta khiến ngươi đến Thế Giới của Đức Phật ấy.

Hải Huệ Bồ Tát nói xong, Ma Vương Ba Tuần liền đến nước Trang Nghiêm thấy Phật kính lễ rồi đứng ở một phía.

Chư Bồ Tát nước ấy bạch Phật Phá Nghi Tịnh Quang rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Quốc Độ nào mà có những người bất tịnh như vậy đến tại đây?

Đức Phật Phá Nghi Tịnh Quang nói: Các Thiện Nam Tử! phương Tây quá mười hai hằng hà sa Thế Giới, có Thế Giới tên là Ta Bà, Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni. Vì vô số vô lượng Chư Bồ Tát nói Đại Tập Kinh.

Nơi ấy có Bồ Tát hiệu là Hải Huệ, lúc Hải Huệ Bồ Tát nói ma nghiệp, Ma Vương này đem bốn binh chủng đến tại đại hội. Hải Huệ Bồ Tát dùng thần thông dời nó đến tại đây.

Chư Bồ Tát ở nước ấy bảo Ba Tuần rằng: Nay ông nên phát tâm vô thượng bồ đề xa lìa ma nghiệp, chúng ta cùng ông sẽ là bạn đồng học. Nghe lời khuyên bảo ấy, Ma Vương Ba Tuần liền phát tâm vô thượng bồ đề.

Chư Bồ Tát ấy liền thỉnh Ba Tuần lên ngôi tòa sư tử rồi hỏi rằng nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì đại chúng nói Kinh Đại Tập, vậy có sự gì xin ông nói lại cho.

Thừa sức thần thông của Hải Huệ Bồ Tát, Ba Tuần tuyên nói chỗ được nghe không sót mất một câu một chữ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần