Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Pháp Thuyết Nghĩa Thuyết
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH PHÁP THUYẾT NGHĨA THUYẾT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại xóm Điều Ngưu, Câu Lưu Sưu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ thuyết pháp, thuyết nghĩa về pháp duyên khởi, các ông hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà nói.
Thế nào là thuyết pháp về pháp duyên khởi?
Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn. Đó gọi là pháp thuyết về pháp duyên khởi.
Thế nào là thuyết nghĩa?
Tức là, duyên vô minh nên có hành.
Thế nào là vô minh?
Nếu chẳng biết tiền tế, chẳng biết hậu tế, chẳng biết cả tiền hậu tế. Chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng biết cả trong lẫn ngoài. Chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo. Chẳng biết Phật, chẳng biết pháp, chẳng biết Tăng. Chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo.
Chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân. Chẳng biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập, không tập. Hoặc kém, hoặc hơn. Nhiễm ô, hoặc thanh tịnh. Phân biệt duyên khởi, tất cả đều chẳng biết.
Đối với sáu xúc nhập xứ không giác tri như thật, đối với các pháp này không thấy không biết, không hiện quán, bị si ám, không có minh, tối mù mịt, đó gọi là vô minh. Duyên vô minh nên có hành.
Thế nào là hành?
Hành gồm có thân hành, miệng hành, ý hành. Duyên hành nên có thức.
Thế nào là thức?
Chỉ sáu thức thân: Nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Duyên thức có danh sắc.
Thế nào là danh?
Chỉ bốn ấm vô sắc: Thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm.
Thế nào là sắc?
Chỉ bốn đại, sắc do bốn đại tạo thành. Sắc này hợp cùng với danh đã nói ở trên, gọi là danh sắc. Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ.
Thế nào là sáu nhập xứ?
Sáu nội nhập xứ. Nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ. Duyên sáu nhập xứ nên có xúc.
Thế nào là xúc?
Chỉ sáu xúc thân: Nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Duyên xúc nên có thọ.
Thế nào là thọ?
Ba thọ: Thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui. Duyên thọ nên có ái.
Thế nào là ái?
Ba ái: Dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Duyên ái nên có thủ.
Thế nào là thủ?
Bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Duyên vào thủ nên có hữu.
Thế nào là hữu?
Ba hữu: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Duyên hữu nên có sanh.
Thế nào là sanh?
Nếu mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia, siêu việt, hòa hợp, xuất sanh, được ấm, được giới, được nhập xứ, được mệnh căn. Đó gọi là sanh. Duyên sanh nên có già chết.
Thế nào là già?
Như tóc bạc đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm, tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi. Đó gọi là già.
Thế nào là chết?
Là mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại, đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái ấm thân. Đó gọi là chết. Chết này cùng già đã nói trước, gọi chung là già chết. Đó là thuyết nghĩa duyên khởi.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một