Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tây
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TÂY
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại Tụ Lạc Thiên hiện của dòng họ Thích. Bấy giờ có số đông Tỳ Kheo người phương Tây muốn trở về phương Tây an cư, đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì họ mà nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ.
Sau khi bằng nhiều cách được khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, số đông Tỳ Kheo phương Tây từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn, các Tỳ Kheo phương Tây chúng con, muốn trở về phương Tây an cư, nay chúng con xin được từ giã.
Phật bảo các Tỳ Kheo phương Tây: Các ông đã từ giã Xá Lợi Phất chưa?
Đáp: Bạch, chưa từ giã.
Phật bảo các Tỳ Kheo phương Tây: Xá Lợi Phất thuần tu phạm hạnh, các ông nên từ giã. Ông ấy có thể làm cho các ông được lợi ích và an lạc lâu dài. Các Tỳ Kheo phương Tây từ tạ mà lui và chuẩn bị đi.
Lúc ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất đang ngồi dưới một bóng cây kiên cố cách Phật không xa.
Các Tỳ Kheo đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất: Chúng tôi muốn trở về phương Tây an cư, nên đến đây xin từ giã.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Các ông đã từ giã Đức Thế Tôn chưa?
Đáp: Thưa, đã từ giã rồi.
Xá Lợi Phất bảo: Các ông trở về phương Tây, mỗi Quốc Độ mỗi khác nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ có người hỏi các ông.
Hiện tại các ông đang ở chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng thuyết, hãy khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì mọi người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, để không phải là hủy báng Đức Phật chăng?
Không để cho các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc chăng?
Các Tỳ Kheo bạch Ngài Xá Lợi Phất: Chúng tôi vì muốn nghe pháp, nên đến chỗ Tôn Giả. Xin Tôn Giả vì thương xót chúng tôi mà nói pháp đầy đủ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Người Diêm Phù Đề lợi căn thông minh.
Hoặc Sát Lợi, Sa Môn, Bà La Môn, hay gia chủ, có thể họ sẽ hỏi các ông rằng: Đại Sư của các ông nói pháp như thế nào?
Dùng những pháp nào để truyền dạy cho các ông?
Thì các ông nên đáp: Đại Sư chỉ nói điều phục dục tham và chỉ đem pháp này để truyền dạy.
Họ sẽ hỏi lại các ông: Ở trong pháp nào mà điều phục dục tham?
Các ông nên đáp: Đại Sư chỉ nói ở trong sắc ấm kia mà điều phục dục tham. Ở trong thọ, tưởng, hành, thức ấm kia mà điều phục dục tham. Đại Sư của chúng tôi nói pháp như vậy.
Họ sẽ lại hỏi: Dục tham có tai hại gì mà Đại Sư lại nói ở ngay nơi sắc điều phục dục tham.
Nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?
Các ông nên trả lời: Nếu ở nơi sắc mà dục không đoạn trừ, tham không đoạn trừ, ái không đoạn trừ, niệm không đoạn trừ, khát không đoạn trừ và khi sắc kia biến đổi, hoặc khác đi, thì sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Vì thấy dục tham có những tai hại như vậy, nên ở nơi sắc phải điều phục dục tham. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham.
Họ sẽ lại hỏi: Thấy có lợi ích gì trong việc dứt trừ dục tham, mà Đại Sư nói ở nơi sắc phải điều phục dục tham.
Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?
Các ông nên trả lời: Nếu ở nơi sắc mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát, thì đối với sắc nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi, khổ, não. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Thưa các Ngài, nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện mà khiến cho cuộc sống ngay trong hiện tại vẫn được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nóng bức, thân hoại mạng chung được sanh vào nơi tốt lành, thì Đức Thế Tôn cuối cùng đã không dạy: Hãy đoạn trừ các pháp bất thiện. Và cũng không dạy người ở trong Phật Pháp tu các phạm hạnh, để đạt được tận cùng của mé khổ.
Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại và chướng ngại, nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác.
Cho nên Đức Thế Tôn dạy, hãy đoạn trừ pháp bất thiện và ở trong Phật Pháp phải tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ.
Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà ngay trong cuộc sống hiện tại chịu khổ, chướng ngại, nhiệt não và sẽ đọa vào trong đường ác, thì Thế Tôn đã không dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật Pháp phải tu phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ.
Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành.
Cho nên Đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các pháp thiện, ở trong Phật Pháp tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng của mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ.
Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất nói pháp này, các Tỳ Kheo phương Tây không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Sau khi Tôn Giả Xá Lợi Phất nói pháp này xong, các Tỳ Kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Ba - Thức
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười - Phẩm Song Yếu - Thí Dụ Hai Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Quảng Diễn - Thí Dụ Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Saleyyaka
Phật Thuyết Kinh Bột Sao - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Bảy - Phẩm Duy Niệm - Thí Dụ Mười Tám