Phật Thuyết Kinh Xưng Tán Tịnh ðộ Phật Nhiếp Thọ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH XƯNG TÁN TỊNH ÐỘ
PHẬT NHIẾP THỌ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Ðời Ðường
Tôi nghe như thế này!
Một thời, Đức Bạc Già Phạm ở tại vườn Cấp Cô Ðộc trong rừng Thệ Ða nơi thành Thất La Phiệt và các đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị câu hội. Hết thảy đều là bậc tôn túc Thanh Văn, là bậc đại A La Hán được mọi người ngưỡng vọng.
Tên họ là: Tôn Giả Xá Lợi Tử, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, A Nê Luật Ðà... các vị đại Thanh Văn như vậy làm thượng thủ.
Lại có vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng câu hội.
Hết thảy các Ngài đều trụ địa vị bất thối chuyển, trang nghiêm bằng vô lượng công đức, tên các Ngài là: Diệu Cát Tường Bồ Tát, Vô Năng Thắng Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát. Các vị Đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.
Lại có Ðế Thích, Ðại Phạm Thiên Vương chủ của Thế Giới Kham Nhẫn, Hộ Thế Tứ Vương... các vị thượng thủ như vậy, các vị Thiên Tử số đến trăm ngàn câu chi na dữu đa và vô lượng Thiên Nhân khác trong Thế Giới, A Tố Lạc v.v.. vì nghe pháp nên cùng đến dự hội.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ông Xá Lợi Tử: Ông nay biết chăng?
Từ phương Tây của Thế Giới này qua khỏi trăm ngàn câu chi na dữu đa Cõi Phật có Thế Giới Phật tên là Cực Lạc. Ðức Thế Tôn trong cõi ấy tên là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang Như Lai, Ứng Chánh Ðẳng Giác, mười hiệu viên mãn nay hiện đang Trụ Trì an ổn nơi cõi ấy, vì các hữu tình tuyên nói pháp vi diệu thậm thâm, khiến họ được lợi ích an lạc thù thắng.
Lại này Xá Lợi Tử! Nhân gì duyên gì Thế Giới Phật ấy tên là Cực Lạc?
Này Xá Lợi Tử! Do các loài hữu tình trong Thế Giới ấy chẳng có hết thảy đau khổ lo lắng nơi thân, nơi tâm, chỉ có vô lượng hỷ lạc thanh tịnh. Vì vậy gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới chốn chốn đều có bảy lớp lan can bằng diệu bảo, bảy lớp hàng cây đa la báu, bảy lớp lưới mành bằng các diệu bảo bao trọn khắp cả, trang hoàng bằng bốn báu: Kim bảo, ngân bảo, báu phệ lưu ly, báu phả chi ca xen lẫn nhau trang hoàng đẹp đẽ.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các thứ công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy rất đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới chốn chốn đều có các ao bằng bảy thứ báu mầu nhiệm. Nước tám công đức đầy ắp trong ấy.
Vì sao gọi là nước tám công đức ?
Một là lặng sạch, hai là trong mát, ba là ngon ngọt, bốn là mềm nhẹ, năm là nhuận trạch, sáu là an hòa, bảy là khi uống vào, trừ được đói, khát... vô lượng khổ sở, tám là uống xong, quyết định trưởng dưỡng các căn và tứ đại, tăng ích các thứ thiện căn thù thắng. Chúng sanh nhiều phước thường thích thọ dụng. Ðáy các ao báu ấy trải cát vàng. Khắp cả bốn phía mỗi ao đều có bậc lên, lối đi, bốn báu trang nghiêm, rất đáng ưa thích.
Quanh khắp các ao có cây báu nhiệm mầu mọc xen lẫn thành hàng lối, mùi thơm ngào ngạt, bảy báu trang nghiêm thật đáng ưa thích.
Bảy báu vừa được nói ấy chính là: Một là vàng, hai là bạc, ba là phệ lưu ly, bốn là phả chi ca, năm là xích chân châu, sáu là a thấp ma yết lạp bà bảo, bảy là mâu sa lạc yết lạp bà bảo.
Trong các ao đó, thường có các thứ hoa sen nhiều màu, to như bánh xe: Hoa sen xanh hiện sắc xanh, ánh sáng xanh, bóng xanh, hoa sen vàng hiện sắc vàng, ánh sáng vàng, bóng vàng, hoa sen đỏ hiện sắc đỏ, ánh sáng đỏ, bóng đỏ, hoa sen trắng hiện sắc trắng, ánh sáng trắng, bóng trắng. Bốn loại hoa hiện bốn màu, bốn thứ ánh sáng, bốn thứ hình bóng.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các thứ công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới tự nhiên thường có vô lượng vô biên các thứ âm nhạc kỳ diệu, âm khúc hòa nhã thật đáng mến thích. Các loài hữu tình nghe được âm thanh nhiệm mầu ấy các phiền não ác thảy đều tiêu diệt, vô lượng thiện pháp lần lượt tăng trưởng, mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới, khắp cả cõi đất do vàng ròng hợp thành, chạm vào mềm mại, thơm tho, sáng chói, trang hoàng bằng vô lượng vô biên diệu bảo chen lẫn.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong Cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới, ngày đêm sáu thời thường mưa các thứ hoa trời thượng diệu: Sáng đẹp, thơm sạch, mềm mịn, nhiều màu, tuy khiến kẻ thấy thân tâm vui sướng nhưng chẳng tham đắm, tăng trưởng vô lượng vô số công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn cho các hữu tình. Các loài hữu tình ấy ngày đêm sáu thời thường đem cúng dường Vô Lượng Thọ Phật.
Mỗi lúc sáng sớm cầm hoa trời ấy trong khoảng bữa ăn bay đến vô lượng Thế Giới ở nơi phương khác cúng dường trăm ngàn câu chi Chư Phật. Ở nơi Chư Phật, ai nấy đều dùng trăm ngàn câu chi cây hoa rải lên cúng dường, trở về cõi mình, an hưởng như Chư Thiên.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới thường có các loài chim nhiều màu kỳ diệu đáng yêu, như là: Ngỗng, Nhạn, Thu Lộ, Hồng Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Yết La Tần Ca, Chim Mạng Mạng V.v....
Các thứ chim như vậy ngày đêm sáu thời luôn tụ tập lại, hót tiếng hòa nhã, loài nào tiếng ấy tuyên dương diệu pháp, như là: Niệm trụ chánh đoạn thậm thâm, thần túc, căn, lực, giác đạo chi v.v... vô lượng diệu pháp.
Chúng sanh cõi ấy nghe tiếng ấy xong ai nấy đều được vô lượng công đức như: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng... huân tu thân mình.
Ông Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao?
Các loài chim cõi kia há có thuộc vào nẻo ác bàng sanh không?
Chớ nghĩ như thế.
Vì cớ sao vậy?
Cõi Phật thanh tịnh kia không có ba ác đạo, còn chẳng nghe có cái tên ba ác đạo nữa, huống là thật có các loài chim thuộc loài bàng sanh do tội nghiệp chiêu cảm ư!
Nên biết rằng:
Chúng đều là do Vô Lượng Thọ Phật biến hóa ra để tuyên dương vô lượng pháp âm khiến các hữu tình lợi ích yên vui.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Cõi Phật thanh tịnh là Thế Giới Cực Lạc thường có gió mát thổi qua các cây báu và lưới mành báu phát ra tiếng vi diệu ví như trăm ngàn câu chi nhạc trời cùng lúc tấu lên vang ra tiếng vi diệu thật đáng ưa thích. Cõi ấy thường có gió lành như thế thổi các cây báu và lưới mành báu, khua động các thứ âm thanh kỳ diệu, nói các thứ pháp. Chúng sanh cõi ấy nghe tiếng ấy xong, khởi ý niệm Phật, Pháp, Tăng vô lượng công đức.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy có các công đức trang nghiêm đẹp đẽ mầu nhiệm thế ấy, thật đáng ưa thích. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh là Thế Giới Cực Lạc có vô lượng vô biên việc rất hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đến như thế ấy, ví dù suốt cả trăm ngàn câu chi na dữu đa kiếp, dùng vô lượng trăm ngàn câu chi na dữu đa lưỡi, trên mỗi một lưỡi thốt lên vô lượng tiếng khen ngợi công đức ấy cũng chẳng hết nổi. Vì vậy, gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật thanh tịnh là Thế Giới Cực Lạc, do nhân duyên gì Phật Hiệu Vô Lượng Thọ?
Này Xá Lợi Tử! Do Như Lai ấy và các hữu tình thọ mạng vô lượng vô số đại kiếp. Do nhân duyên này, Như Lai cõi ấy hiệu Vô Lượng Thọ.
Này Xá Lợi Tử! Vô Lượng Thọ Phật chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề đến nay đã mười đại kiếp.
Này Xá Lợi Tử! Do duyên cớ gì Đức Phật ấy hiệu là Vô Lượng Quang?
Này Xá Lợi Tử! Do Đức Như Lai ấy luôn phóng vô lượng vô biên diệu quang chiếu khắp hết thảy cõi Phật mười phương thực hiện Phật Sự nào có chướng ngại. Do duyên cớ ấy, Đức Như Lai ấy hiệu Vô Lượng Quang.
Này Xá Lợi Tử! Tịnh Độ Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế, rất đáng ưa thích. Vì vậy gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Phất! Trong cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới, Vô Lượng Thọ Phật thường có vô lượng Thanh Văn đệ tử, hết thảy đều là đại A La Hán đầy đủ các thứ công đức vi diệu. Số ấy vô biên chẳng thể tính kể.
Này Xá Lợi Tử! Tịnh Độ Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế, rất đáng ưa thích. Vì vậy gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong Cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới, Vô Lượng Thọ Phật thường có vô lượng Bồ Tát đệ tử, hết thảy đều là nhất sanh sở hệ, đầy đủ các thứ công đức vi diệu. Số ấy vô biên chẳng thể tính kể. Giả sử trong suốt vô số lượng kiếp, khen ngợi công đức của họ trọn chẳng hết nổi.
Này Xá Lợi Tử! Tịnh Độ Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế, rất đáng ưa thích. Vì vậy gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu các hữu tình sanh về cõi ấy đều chẳng thối chuyển, quyết chẳng lại đọa vào các đường hiểm nạn: Biên địa, hạ tiện, miệt lệ xa, thường đi qua các cõi nước Phật thanh tịnh, Hạnh Nguyện thù thắng niệm niệm tăng tấn, quyết định sẽ chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Này Xá Lợi Tử! Trong cõi Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế, rất đáng ưa thích. Vì vậy gọi là Thế Giới Cực Lạc.
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu các hữu tình được nghe Cõi Phật thanh tịnh vô lượng công đức trang nghiêm của Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây đều nên phát nguyện sanh Cõi Phật ấy.
Vì cớ sao thế?
Nếu sanh cõi kia sẽ được trang nghiêm bằng vô lượng công đức như vậy, cùng ở chung với các bậc Đại Sĩ, thọ dụng cõi Phật thanh tịnh được trang nghiêm bằng vô lượng các thứ công đức như thế, pháp lạc đại thừa luôn chẳng thối chuyển, vô lượng hạnh nguyện niệm niệm tăng tấn, chóng chứng Vô Thượng, Chánh Ðẳng, Chánh Giác vậy.
Này Xá Lợi Tử! Các loài hữu tình thành tựu vô lượng vô biên công đức mới sanh cõi Phật ấy, chẳng phải các loài hữu tình có chút thiện căn sẽ được vãng sanh Thế Giới Cực Lạc: Cõi Phật thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ.
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch được nghe danh hiệu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ và Thế Giới Cực Lạc công đức trang nghiêm như vậy, nghe xong tư duy:
Hoặc một ngày đêm, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy ngày, hệ niệm chẳng loạn thì các thiện nam tử, hoặc thiện nữ nhân đó lúc lâm chung Vô Lượng Thọ Phật và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng của Ngài vây quanh trước sau đến đứng trước mặt, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn. Xả mạng xong theo Phật chúng hội sanh vào Thế Giới Cực Lạc, cõi Phật thanh tịnh của Vô Lượng Thọ Phật.
Lại này Xá Lợi Tử! Ta thấy đại sự nhân duyên lợi ích an lạc như vậy nên nói lời thành thật, chắc chắn: Nếu có các thiện nam tử, hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch được nghe danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ và cõi Phật thanh tịnh Cực Lạc Thế Giới thì hết thảy đều nên tin nhận, phát nguyện, tu hành đúng như lời dạy sanh cõi Phật ấy.
Lại này Xá Lợi Tử! Như ta nay xưng dương, khen ngợi công đức vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn của cõi Phật Vô Lượng Thọ như vậy, hiện tại ở phương Ðông cũng có Bất Ðộng Như Lai, Sơn Tràng Như Lai, Ðại Sơn Như Lai, Sơn Quang Như Lai, Diệu Tràng Như Lai.
Các vị Phật như vậy nhiều như số cát sông Căng Già trụ ở phương Ðông trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Nam cũng có Nhật Nguyệt Quang Như Lai, Danh Xưng Quang Như Lai, Ðại Quang Uẩn Như Lai, Mê Lô Quang Như Lai, Vô Biên Tinh Tấn Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già trụ ở phương Nam trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng:
Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Tây cũng có Vô Lượng Thọ Như Lai, Vô Lượng Uẩn Như Lai, Vô Lượng Quang Như Lai, Vô Lượng Tràng Như Lai, Ðại Tự Tại Như Lai, Ðại Quang Như Lai, Quang Diệm Như Lai, Ðại Bảo Tràng Như Lai, Phóng Quang Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già trụ ở phương Tây, trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy hiện tại ở phương Bắc cũng có Vô Lượng Nghiêm Thông Ðạt Giác Huệ Như Lai, Vô Lượng Thiên Cổ Chấn Ðại Diệu Âm Như Lai, Ðại Uẩn Như Lai, Quang Võng Như Lai, Sa La Ðế Vương Như Lai, các vị Phật như thế như số cát sông Căng Già trụ ở phương Bắc, trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Dưới cũng có Thị Hiện Nhất Thiết Diệu Pháp Chánh Lý Thường Phóng Hỏa Vương Thắng Ðức Quang Minh Như Lai, Sư Tử Như Lai, Danh Xưng Như Lai, Dự Quang Như Lai, Chánh Pháp Như Lai, Diệu Pháp Như Lai, Pháp Tràng Như Lai, Công Ðức Hữu Như Lai, Công Ðức Hiệu Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già, trụ ở phương Dưới trong Phật Tịnh Độ của mình.
Mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Trên cũng có Phạm Âm Như Lai, Túc Vương Như Lai, Hương Quang Như Lai, Như Hồng Liên Hoa Thắng Ðức Như Lai, Thị Hiện Nhất Thiết Nghĩa Lợi Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già, trụ ở phương Trên trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Ðông Nam cũng có Tối Thượng Quảng Ðại Vân Lôi Âm Vương Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già, trụ ở phương Ðông Nam trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Tây Nam cũng có Tối Thượng Nhật Quang Danh Xưng Công Ðức Như Lai, các vị Phật như vậy như cát sông Căng Già, trụ ở phương Tây Nam trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Tây Bắc cũng có Vô Lượng Công Ðức Hỏa Vương Quang Minh Như Lai, các vị Phật như vậy như số cát sông Căng Già trụ ở phương Tây Bắc trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Cũng như vậy, hiện tại ở phương Ðông Bắc cũng có Vô Số Bách Thiên Câu Chi Quảng Huệ Như Lai, các vị Phật như vậy như cát sông Căng Già trụ ở phương Ðông Bắc trong Phật Tịnh Độ của mình, mỗi vị thị hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới bao trọn tất cả, nói lời thành thật rằng: Hữu tình các ngươi đều nên tin nhận pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ như vậy.
Lại này Xá Lợi Tử! Do duyên cớ nào Kinh này gọi là pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ?
Xá Lợi Tử! Do trong Kinh này xưng dương, khen ngợi Thế Giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ là cõi Phật có công đức chẳng thể nghĩ bàn và Chư Phật Thế Tôn ở mười phương muốn tạo phương tiện để làm lợi ích an lạc các hữu tình nên mỗi vị trụ trong cõi mình, hiện đại thần biến, nói lời thành thật khuyên các hữu tình tin nhận pháp này. Do đó, Kinh này tên là pháp môn Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Phật Ðộ Công Ðức được hết thảy Chư Phật nhiếp thọ.
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nếu đã được nghe, hoặc sẽ được nghe, hoặc nay được nghe, nghe Kinh này xong sanh lòng tin hiểu sâu xa. Sanh lòng tin hiểu xong quyết được mười Căng Già Sa Chư Phật Thế Tôn đang trụ trong mười phương như vậy nhiếp thọ, đúng như lời dạy tu hành thì hết thảy nhất định được bất thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nhất định sanh sang cõi Phật thanh tịnh là Thế Giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ.
Thế nên, Xá Lợi Tử! Hết thảy bọn hữu tình các ông đều nên tin nhận, lãnh hiểu lời ta và lời Chư Phật Thế Tôn, nên siêng tinh tấn tu hành đúng như lời dạy, chớ sanh ngờ lo.
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân đối với Thế Giới Cực Lạc là cõi Phật thanh tịnh công đức trang nghiêm của Phật Vô Lượng Thọ nếu đã phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, hoặc nay phát nguyện, quyết định sẽ được mười Căng Già Sa Chư Phật Thế Tôn trụ trong mười phương như trên nhiếp thọ, đúng như lời dạy tu hành thì hết thảy nhất định được chẳng thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, hết thảy nhất định sanh về cõi Phật thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ là Thế Giới Cực Lạc.
Thế nên, Xá Lợi Tử! Nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch, hết thảy đều nên với cõi Phật thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ là Thế Giới Cực Lạc sanh lòng tin hiểu sâu xa, phát nguyện vãng sanh, chớ nên phóng dật.
Lại này Xá Lợi Tử! Như ta nay đang xưng dương công đức chẳng thể nghĩ bàn của cõi Phật thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ là Thế Giới Cực Lạc, các Đức Phật Thế Tôn ở mười phương kia cũng khen vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta, đều nói như sau:
Thật hy hữu lạ lùng thay! Ðấng Thích Ca Tịch Tĩnh, Thích Ca Pháp Vương Như Lai, Ứng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Ðiều Ngự Sĩ, Thiên nhân Sư, Phật Thế Tôn bèn có thể ở trong Thế Giới Kham Nhẫn này.
Trong đời ác ngũ trược tức là: Kiếp trược, chư hữu tình trược, chư phiền não trược, kiến trược, mạng trược, ở trong ấy, chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì muốn tạo phương tiện để lợi ích an lạc các hữu tình nên nói pháp mà thế gian hết sức khó tin nổi này.
Do vậy, Xá Lợi Tử! Nên biết ta nay trong Thế Giới Kham Nhẫn tạp nhiễm, đời ác ngũ trược này, chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì muốn tạo phương tiện làm lợi ích an lạc các hữu tình nên nói pháp mà thế gian hết sức khó tin này, thật là hy hữu chẳng thể nghĩ bàn.
Lại này Xá Lợi Tử! Trong Thế Giới Kham Nhẫn tạp nhiễm, đời ác ngũ trược này, nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch nghe nói pháp thế gian hết sức khó tin nổi như thế này mà sanh lòng tin hiểu nổi, thọ trì, diễn nói, đúng lời dạy tu hành, phải biết rằng kẻ ấy thật là hy hữu, với Phật Vô Lượng Thọ đã từng gieo căn lành.
Người ấy khi mạng chung nhất định sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thọ dụng cõi Phật các thứ công đức trang nghiêm thanh tịnh, đại thừa pháp lạc, ngày đêm sáu thời thân cận, cúng dường Vô Lượng Thọ Phật, đi qua khắp mười phương cúng dường Chư Phật, nơi Chư Phật nghe pháp, được thọ ký, phước huệ tư lương chóng được viên mãn, mau chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề.
Khi ấy, Đức Bạc Già Phạm nói Kinh này xong, Tôn Giả Xá Lợi Tử.... các vị đại Thanh Văn và các vị Bồ Tát Ma Ha Tát, vô lượng Thiên Nhân, A Tố Lạc v.v.. hết thảy đại chúng nghe lời Phật dạy đều hoan hỉ lớn, tin nhận, vâng làm.
Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Thất Nhật - Phần Một
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhất - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cận Trụ
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Minh Triết - Thí Dụ Ba Mươi Hai