Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuần đà - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THUẦN ĐÀ
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong Tinh Xá Kim Sư, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, có gia chủ Thuần Đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Lúc này, Thế Tôn hỏi gia chủ Thuần Đà: Hiện tại, ông ưa thích tịnh hạnh của những Sa Môn, Bà La Môn nào?
Thuần Đà bạch Phật: Có Sa Môn, Bà La Môn thờ phụng nước, thờ Tỳ Thấp Ba Thiên, cầm trượng, bình nước, thường rửa sạch tay mình.
Vị Chánh Sĩ như vậy thường khéo nói pháp rằng: Này Thiện Nam, vào ngày mười lăm mỗi tháng dùng mạt vụn Hồ Ma và Am Ma La để gội tóc, tu hành trai pháp, mặc đồ mới sạch, đeo tràng hoa dài, lụa trắng, nằm lên trên đất trét phân bò.
Này Thiện Nam, sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói như vậy: Đất này trong sạch. Ta cũng sạch như vậy.
Tay cầm cục phân trâu cùng nắm một nắm cỏ tươi, miệng nói: Cái này trong sạch. Ta cũng trong sạch như vậy. Nếu ai như vậy thì được thấy là trong sạch. Nếu ai không như vậy, hoàn toàn không trong sạch.
Bạch Thế Tôn, Sa Môn, Bà La Môn nào, nếu trong sạch như vậy thì đáng cho con kính ngưỡng.
Phật bảo Thuần Đà: Có pháp đen và báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống. Nếu ai đã thành tựu những pháp ác này, dù cho sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói rằng thanh tịnh thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh. Người này cầm cục phân bò và nắm cỏ tươi nói rằng thanh tịnh thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh.
Này Thuần Đà, thế nào là Pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống cho đến chạm hay không chạm, tất cả đều bất tịnh?
Này Thuần Đà, đối với tất cả chúng sanh cho đến côn trùng cũng không tránh xa sự sát hại, tay thường tanh máu, tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sanh.
Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp. Đối với những người được bảo hộ của cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.
Nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn Vua quan, các nhà nói chân thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật. Không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe. Biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ.
Hoặc nói hai lưỡi chia lìa, đem chuyện chỗ này đến nói chỗ kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp, khiến kẻ ly gián vui mừng.
Hoặc không lìa bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận Tam Muội.
Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không tùy thuận Tam Muội. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu.
Hoặc lời nói bại hoại thêu dệt, nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời bại hoại như vậy.
Không lìa bỏ tham lam. Đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng nếu ta có vật này thì rất tốt. Không xả bỏ sân nhuế tệ ác. Trong tâm suy nghĩ, chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết, muốn cho nó khó sống.
Không bỏ tà kiến, điên đảo thấy như vậy: Không có bố thí, không có quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có nghiệp thiện ác và quả báo, không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hóa sanh.
Thế gian không có A La Hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng mà trong đời này hay đời khác tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Này Thuần Đà, đó gọi là Pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống cho đến cầm lấy hay không cầm lấy tất cả đều bất tịnh.
Này Thuần Đà, có Pháp trắng, báo ứng trắng, tịnh và quả tịnh, nhẹ nhàng đi lên. Nếu ai đã tạo thành những thứ này, mà sáng sớm sờ đất, nói cái này tịnh ta tịnh, thì cũng được thanh tịnh, hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh.
Và cầm cục phân bò cùng nắm cỏ tươi, nếu nhân tịnh quả tịnh thì dù có cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh tịnh.
Thuần Đà, thế nào là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh?
Đó là, có nghĩa là người không sát sanh, lìa bỏ sát sanh, bỏ đao trượng, biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh.
Không trộm cướp, lìa bỏ trộm cướp, vật cho thì lấy, không cho không lấy, tâm sạch không tham. Lìa tà dâm hoặc đối người được cha mẹ bảo hộ, cho đến người trao vòng hoa đều không cưỡng bức, làm chuyện tà dâm.
Lìa nói dối, căn cứ vào sự thật mà nói. Xa lìa nói hai lưỡi, không đi đến chỗ này nói chuyện chỗ kia, đến chỗ kia nói chuyện chỗ này, phá hoại lẫn nhau.
Đã bị ly gián nên làm hòa hợp, đã hòa hợp nên tùy hỷ. Xa lìa ác khẩu, không thô rắn, những lời nói ra khiến nhiều người ưa thích.
Tránh lời nói hư hoại, nói lời chân thật, nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có ý nghĩa, nói như pháp, nói chánh kiến.
Lìa tham dục, đối với của cải, đồ vật người khác không tưởng là của mình mà sanh tham đắm. Lìa sân nhuế, không nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại, gây các tai nạn.
Thành tựu chánh kiến, không thấy điên đảo, nói có bố thí, có quả báo, có phước, có quả báo thiện hạnh, ác hạnh, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hóa sanh, trong đời có A La Hán, ngay trong đời này hay đời khác mà hiện tại tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Này Thuần Đà, đó gọi là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh. Sau khi gia chủ Thuần Đà nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một