Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẨM MỘT
PHẨM ĐỊA CỰC HỶ
TẬP HAI
Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ nơi tướng lông trắng, phóng ra ánh sáng tên Chiếu Bồ Tát lực, cùng với vô số ánh sáng khác. Ánh sáng ấy chiếu khắp các cảnh giới ở mười phương không sót một chỗ nào, dứt trừ mọi thứ khổ đau ở cõi ác, che lấp hết thảy cung điện của ma.
Chiếu đến vô lượng chúng hội của các Cõi Phật, hiển hiện cảnh giới, hành tướng, oai lực, thần thông không thể nghĩ bàn của Chư Phật trong các Thế Giới ở mười phương. Nơi các chúng hội của tất cả Chư Phật đều dùng thần lực của Phật gia hộ cho người thuyết pháp.
Chiếu đến thân Bồ Tát rồi chiếu lên hư không, thành đài lưới mây ánh sáng lớn. Tất cả các Đức Phật khác, cũng làm như Phật Thích Ca Mâu Ni, từ nơi tướng lông trắng, phóng ra ánh sáng tên Chiếu Bồ Tát lực cùng với vô số ánh sáng khác. Ánh sáng ấy chiếu khắp các cảnh giới ở mười phương không sót một chỗ nào, dứt trừ mọi thứ khổ đau ở cõi ác, che lấp hết thảy cung điện của ma.
Chiếu đến vô lượng hội chúng của các Cõi Phật, hiển hiện cảnh giới, hành tướng, oai lực, thần thông, không thể nghĩ bàn của Chư Phật trong các Thế Giới ở mười phương. Nơi các chúng hội của Chư Phật đều dùng thần lực của Phật gia hộ cho người thuyết pháp.
Chiếu đến thân Bồ Tát, hiện ra diệu dụng bất khả tư nghì của Chư Phật, rồi chiếu lên thân Bồ Tát Kim Cang Tạng và các chúng hội lớn của Cõi Phật Thích Ca, chiếu tới đại chúng, pháp tòa, thân Bồ Tát của tất cả cảnh giới kia, nên đại chúng ở đây đều được thấy rõ.
Và cũng do ánh sáng của các Đức Phật ở các cõi khác, chiếu khắp tam thiên đại thiên cảnh giới, chiếu khắp đại chúng của Phật Thích Ca, thân và pháp tòa của Bồ Tát Kim Cang Tạng nên đại chúng ở các cõi đều được thấy rõ.
Khi đó, từ đài lưới mây ánh sáng phát ra lời kệ:
Chư Phật cao tột như hư không
Mười lực, tự tại, vô số chúng
Trong pháp vi diệu của Thích Ca
Đấng Thiên Nhân Tôn luôn gia hộ
Ông hãy nương theo thần lực Phật
Khai diễn tạng pháp tột vi diệu
Hiển bày hạnh lớn cao cả ấy
Phân biệt giảng thuyết các trí địa
Những ai nghe pháp thù thắng này
Được các Đức Phật thường gia hộ
Tất cả Chư Phật ở mười phương
Đều đến ủng hộ và giữ gìn
Những ai tu tập hạnh chân chánh
Tuần tự thành tựu địa vô cấu
Chứng được công đức và mười Lực
Ngộ pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Giác
Cho dù ở trong kiếp nước lửa
Không nghi, nghe được pháp môn này
Những kẻ nghi ngờ không tin tưởng
Vĩnh viễn chẳng được nghe nghĩa ấy
Hãy nói trí địa đạo thù thắng
Chứng nhập, an trụ và tăng tiến
Thứ tự thuyết giảng pháp tu hành
Tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng, quán sát khắp mười phương, muốn cho đại Chúng Tăng trưởng lòng tin thanh tịnh, nên nói kệ rằng:
Đạo cao cả sâu xa khó biết
Không thể phân biệt, lìa phân biệt
Khó chứng cảnh giới tuệ thanh tịnh
Tánh luôn vắng lặng, không sinh diệt
Rỗng lặng yên tịnh, tận không hai
Ly thú bình đẳng đạt Niết Bàn
Trong vô biên duyên, không chỗ chứng
Vượt qua ba đời như hư không
Niết Bàn vắng lặng, cảnh Phật chứng
Khó thể dùng lời giảng thuyết được
Trí địa, hạnh nguyện, cũng như vậy
Diễn giải còn khó, huống chi nghe
Xa rời suy nghĩ và tâm đạo
Trí này dần đạt cảnh tịch diệt
Chẳng phải chỗ hiện uẩn xứ, giới
Tâm ý chẳng có chỗ lường suy
Như dấu chân chim trong hư không
Bậc trí khó nói, khó hiển hiện
Các Trụ địa này cũng như vậy
Nói còn rất khó, huống chi nghe
Nay chỉ giảng thuyết một phần nhỏ
Do sức thệ nguyện từ bi lớn
Rồi cũng dần tới phi tâm cảnh
Do trí đủ đầy như ý lạc
Những cảnh giới ấy rất khó thấy
Khó nêu chỉ trụ, tự ý vui
Nhưng nương Phật lực tôi sẽ nói
Các ông một lòng, cung kính nghe
Trí địa hạnh nguyện chân chánh này
Trải qua nhiều kiếp khó nói hết
Tôi nay lược nói các ông nghe
Pháp nghĩa chân thật tận như lý
Các ông chuyên tâm cung kính đợi
Tôi nương lực Phật sẽ giảng thuyết
Tuyên dương lời chánh pháp vi diệu
Thí dụ tương ưng hợp câu nghĩa
Dùng lời nói khó bề hiển thị
Chỉ nhờ thần lực của Chư Phật
Ánh sáng tụ chiếu vào thân tôi
Vì thế tôi nay xin thuyết giảng.
Các Phật Tử! Những chúng sinh khéo tích tụ căn lành, chuẩn bị đủ hành trang, khéo tu hành các hạnh, phụng sự Chư Phật, tu tập pháp giải thoát, được bạn tốt giúp đỡ, tâm ý thanh tịnh, tùy thuận ý lạc tăng thượng rộng lớn, đủ trí hiểu biết vi diệu, thương yêu chúng sinh, mong cầu trí Phật, mong chứng sức của mười lực, mong đạt pháp không sợ và pháp Bất cộng bình đẳng của Phật.
Cứu độ tất cả thế gian làm thanh tịnh tâm từ bi, đạt trí hiểu rõ mười phương, dùng pháp vô ngại làm thanh tịnh Cõi Phật, trong một sát na biết được ba đời, chuyển bánh xe chánh pháp lớn dứt mọi sợ hãi luôn phát khởi những tâm như vậy. Bồ Tát phát tâm, đều lấy đại bi làm gốc, phải gồm đủ trí tuệ tăng thượng, phương tiện quyền biến.
Gìn giữ tâm niệm và ý vui tăng thượng, được vô số lực Phật, sức bền vững, sức trí tuệ, trí khéo phân biệt rõ ràng không ngại. Trước mắt tùy thuận Phật trí, trí thọ trì tất cả Phật Pháp, dạy dỗ, chỉ dẫn tánh rốt ráo như pháp giới, rộng lớn như hư không, cùng tận đời vị lai.
Vừa phát tâm như vậy, Bồ Tát sẽ vượt khỏi địa phàm phu, chứng nhập chánh tánh ly sinh của Bồ Tát, sinh trong nhà Như Lai, thuộc dòng cao quý, không ai chê trách, xa lìa cõi tục, nhập đạo xuất thế, trụ trong pháp tánh căn bản của Bồ Tát, an trụ nơi cảnh giới Bồ Tát, tùy thuận pháp ba đời bình đẳng, tiếp nối Phật Pháp, vững chãi hướng đến giác ngộ.
Các Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi như vậy, gọi là dùng tâm bất động an trụ trong địa Cực hỷ.
Các Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi địa Cực hỷ này, luôn vui vẻ, vững tin. Hân hoan, mạnh mẽ, không tranh chấp, không làm hại, không sân hận.
Bồ Tát ấy luôn nghĩ về Chư Phật, về Phật Pháp, về Bồ Tát, về hạnh Bồ Tát, về pháp giải thoát Niết Bàn thanh tịnh, về các địa thù thắng của Bồ Tát, về các Bồ Tát không còn bị tán thất trí quang minh, luôn truyền dạy chỉ dẫn chánh pháp, tạo lợi ích cho chúng sinh, hướng nhập trí gia hành của Phật một cách vui vẻ.
Bồ Tát này biết mình đã xa lìa cảnh giới thế gian, gần gũi Chư Phật, xa địa phàm phu, gần địa chánh trí, vĩnh viễn không đọa cõi ác, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, gần gũi các Đức Phật, an trụ cảnh giới Phật, nhập trong tánh bình đẳng của Bồ Tát, xa lìa những nỗi kinh sợ nên được vui vẻ.
Vì sao?
Phật Tử, vì Bồ Tát vừa chứng địa cực hỷ, tức là xa lìa hết mọi lo sợ, như sợ không sống, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ cõi ác, sợ đại chúng… vì sao?
Vì Bồ Tát không còn ngã tưởng, không yêu mến ngã và nguyên nhân đưa đến ngã, thì làm gì sinh khởi các ý tưởng về ngã, vì thế Bồ Tát chẳng sợ không sống. Vì không mong muốn vật của người khác, luôn thích ban bố vật cần dùng cho tất cả chúng sinh, nên không sợ tiếng xấu.
Vì bỏ kiến chấp về ngã, không có ý tưởng mất ngã, nên không sợ chết. Vì biết mình sau khi chết, ở đời sau không rời Phật, Bồ Tát, nên không sợ cõi ác. Vì vui vẻ, thấy tất cả thế gian không ai bằng mình, huống gì là hơn mình nên không sợ đại chúng.
Phật Tử! Bồ Tát này không còn kinh sợ, kiêu mạn, lấy tâm đại bi làm gốc, không ghét bỏ, không ham thế tục, tu tập tất cả căn lành, siêng năng gia hạnh, tăng trưởng lòng tin, đạt thanh tịnh, hiểu rõ và tin tưởng, phát tâm từ bi, đầy đủ đại Từ, tâm không mệt mỏi, trang sức bằng hổ thẹn, luôn cùng nhau nhu hòa nhẫn nhục.
Luôn cung kính tôn trọng giáo pháp Như Lai, ngày đêm siêng năng tu tập căn lành, phụng thờ bạn lành, thích pháp, siêng năng học hỏi, quán sát đúng đắn pháp đã nghe, tâm không tham vướng, không tham danh lợi, sự cung kính, không tham luyến vật chất, luôn phát tâm bình đẳng vững chắc như ngọc báu.
Chỉ mong cầu địa nhất thiết trí, nương nhờ lực vô úy, pháp Bất cộng của Như Lai, cầu Ba la mật không chấp trước, bỏ dua nịnh, làm đúng chánh pháp, nói thật, khuyên dạy người không làm nhơ uế nhà Phật, không bỏ học pháp của Bồ Tát, tâm nhất thiết chủng trí vững chãi như núi chúa, không bỏ việc thế gian nhưng cố gắng thành tựu đạo xuất thế, siêng tu pháp giác phần là hành trang mong cầu pháp thù thắng về sau.
Phật Tử, vì tương ưng pháp địa thanh tịnh nên Bồ Tát này được gọi là an trụ nơi địa cực hỷ.
Lại nữa, Bồ Tát trụ ở địa này, phát nguyện lớn, dũng mãnh, xa lìa, cúng dường Như Lai mọi vật cần dùng, mọi việc cần làm, thành tựu tất cả hành tướng vi diệu, trí thông hiểu tối thượng, thanh tịnh rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ luôn được gặp Phật ra đời, được cúng dường, nên phát nguyện lớn thứ nhất.
Vì muốn thọ trì tất cả tạng pháp của Như Lai. Muốn gìn giữ trí tuệ của Phật, hộ trì giáo pháp của bậc Chánh Đẳng Giác, rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ, luôn thọ trì pháp vi diệu, nên phát nguyện lớn thứ hai.
Vì muốn gặp Phật ra đời, dù ở đâu cũng muốn thấy Phật, từ cung Trời Đổ Sử Đa xuống trần, vào thai, ở trong thai, chào đời, lớn lên xuất gia, thành đạo, nhận lời thỉnh cầu của Phạm Vương thuyết pháp, thị hiện nhập Niết Bàn, Bồ Tát đến cúng dường, thọ trì pháp gia hạnh làm đầu, cùng lúc đi khắp mọi nơi, rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ, luôn được gặp Phật ra đời, đến chỗ Phật nên phát nguyện lớn thứ ba.
Vì muốn phát khởi hạnh rộng lớn vô biên của Bồ Tát, muốn thọ trì giữ gìn vô lượng Ba La Mật Đa không phân biệt, làm thanh tịnh các địa. Biết rõ tướng chung, riêng, giống, khác, thành, hoại, biết hạnh của Bồ Tát chân thật không điên đảo, hiện ra đạo trí địa của Bồ Tát, trang sức bằng pháp giải thoát, phát tâm ủng hộ, thọ trì, chỉ dạy.
Rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp luôn tu tập các hạnh chân chánh của Bồ Tát không ngừng nghỉ, nên phát nguyện lớn thứ tư. Vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh không loại trừ loại có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, không phải có tưởng, không phải không có tưởng, loài sinh từ trứng, thai, ẩm thấp.
Cả trong ba cõi, sáu đường tất cả nơi thọ sinh có đủ danh sắc, để giáo hóa, khiến cho chúng vào trong Phật Pháp, đoạn trừ tất cả các cõi ác, ở an nơi trí nhất thiết trí, rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ, luôn độ thoát chúng sinh nhằm thành tựu đầy đủ cho chúng hữu tình nên phát nguyện lớn thứ năm.
Vì muốn độ chúng sinh là những kẻ đang sống trong sự tán loạn, mê mờ, khát ngưỡng, nhiều như mắt lưới của Đế Thích, trong các cõi nước ở mười phương, với đủ loại hình tướng sai khác. Nên tùy thuận hạnh nghiệp, thị hiện sự thông đạt rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ, luôn đi vào trong các cõi nên phát nguyện lớn thứ sáu.
Vì muốn nhập một Cõi Phật vào trong tất cả Cõi Phật. Làm thanh tịnh vô số Cõi Phật, trang nghiêm với mọi thứ tốt đẹp, lìa các phiền não, thành tựu đạo thanh tịnh, đầy đủ vô lượng trí tánh.
Làm cho tất cả chúng sinh nhập vào cảnh giới rộng lớn của Phật, tùy sở thích của chúng sinh mà thị hiện, làm cho chúng vui vẻ. Rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp không ngừng nghỉ, luôn vào trong các Cõi Phật, trang nghiêm Cõi Phật nên phát nguyện lớn thứ bảy.
Vì muốn cùng tâm ý hạnh nguyện với tất cả Bồ Tát, không còn oán thù, chứa nhóm căn lành, tạo mọi duyên với tất cả các Bồ Tát, đạt tánh bình đẳng, luôn được gặp Phật, Bồ Tát. Tùy sở thích mà thị hiện Phật ra đời. Tùy tâm niệm, hiểu rõ oai lực của Phật, đời đời luôn được đầy đủ, không thoái lui. Tùy hành thần thông, đi khắp các cõi, hiện diện trong tất cả chúng hội.
Tùy nơi được thọ sinh mà hành đạo, luôn thành tựu thật nghĩa không thể nghĩ bàn của Đại Thừa, tu hành hạnh chân chánh của Bồ Tát. Rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp luôn hành hạnh chân chánh không ngừng nghỉ, vì thần thông lớn ấy nên phát đại nguyện thứ tám.
Vì ngưỡng phục muốn thừa hành hạnh không thoái chuyển của Bồ Tát, để nghiệp thân, khẩu, ý không luống uổng, vừa thấy là thông đạt tánh pháp của Phật, vừa nghe tiếng là tùy trí tuệ chứng đạt. Vừa phát khởi tín tâm thanh tịnh là trừ hết phiền não.
Thân như thuốc hay, tâm như ngọc Như Ý, tu tập hạnh lớn của Bồ Tát. Rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp luôn hành hạnh chân chánh không ngừng nghỉ, vì không để luống uổng nên phát nguyện lớn thứ chín.
Vì ở khắp các cõi, chứng đạt vô thượng bồ đề, không khác phàm phu, thị hiện thọ sinh, xuất gia, ngồi nơi Đạo Tràng, thành Phật, thuyết pháp, nhập Niết Bàn. Thị hiện chứng đạt oai lực trí tuệ rộng lớn của Phật, tùy sự vui thích của chúng sinh mà thị hiện Phật ra đời, hóa độ chúng sinh, sớm chứng giác ngộ.
Trong khoảnh khắc hòa nhập tánh Chánh Giác với tánh tịch diệt của các pháp, dùng một thứ tiếng diễn nói pháp giải thoát, làm cho chúng sinh vui mừng, thị hiện Niết Bàn mà hạnh lực không đứt, thị hiện trí địa lớn, kiến lập tất cả pháp, dùng pháp trí thị hiện sức thần thông biến hóa.
Rộng lớn như pháp giới, tánh rốt ráo như hư không, tận cùng đời vị lai, trải qua vô số kiếp luôn tu Chánh Giáo không ngừng nghỉ, vì Bồ Tát Đại Thừa nên phát đại nguyện thứ mười.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Mười
Phật Thuyết Công đức Của Tu Lại - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Bốn - Phẩm Nguồn Gốc Các Bồ Tát được Thọ Ký - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Tập đại Phương đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Phẩm Ba - Phẩm Thần Biến