Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN

NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẦN MỘT  

Nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với sáu vạn Tỳ Kheo ngụ trong núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành La Duyệt Kỳ và còn có bảy vạn ba ngàn Bồ Tát đều là những bậc tôn túc từ mười phương Cõi Phật đến.

Các vị Bồ Tát đều đã đắc pháp Đà La Ni, ý thích không bị chướng ngại, lòng luôn nghĩ tới sự hổ thẹn, chú trọng tu hành nhẫn nhục, do đó mà được chứng đắc.

Tâm của các vị như kim cương, không gì có thể chặt đứt được, tu tập giáo pháp của Phật, muốn đầy đủ pháp Phật, việc làm muốn thù thắng, ý không lìa bỏ tâm Bồ Tát và cũng chỉ bảo người khác như vậy.

Thực hành bố thí, kiềm chế tâm không tán loạn, đem cho những vật ưa thích mà không uổng tiếc, giữ giới thanh tịnh, trang nghiêm thân, khẩu, ý, nhẫn nhục, hòa nhã. Đó là lực, đó là lời thệ nguyện. Trải qua nhiều A tăng kỳ kiếp với trăm ngàn việc làm luôn tinh tấn, không biếng trễ, thiền định nhất tâm vào Tam muội tam ma việt.

Tâm của các vị ấy biết ý người khác, lấy đó để tự vui.

Công đức trí tuệ của các vị thông suốt mọi vấn đề.

Tâm vững như núi Tu Di, không gì ví dụ được.

Tâm ấy như địa, thủy, hỏa, phong, không yêu không ghét, luôn có lòng từ.

Ánh sáng nơi thân sáng rỡ không bị chướng ngại, có lòng trắc ẩn yêu thương chúng sinh, lấy pháp tâm bình đẳng làm niềm vui, cứu giúp mọi người không để rơi vào hai đường có lợi hay không có lợi, khen hay chê, có tiếng tăm hay không có tiếng tăm, khổ hay vui đều vượt qua tất cả pháp thế gian. Không tụ tập nơi hội hè, tránh xa các ngoại đạo, hàng phục quân ma.

Các vị này khó gặp, giống như hoa Ưu Bát La lâu lắm mới nở một lần, làm người không đợi phải thỉnh mời cho tất cả mọi người, nên gọi là bạn. Bạn chính là sự đạt đến Niết Bàn với áo giáp đại thệ nguyện vô cùng cực làm pháp sâu xa, mạnh mẽ như Sư Tử, được dấu ấn của Như Lai ấn chứng, được thọ ký không chướng ngại.

Lời nói của các vị ấy chân thật, dùng đế pháp để suy xét, có ánh sáng chiếu sáng hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng, danh tiếng vang khắp mười phương, được tất cả Chư Phật hộ trì, không làm cho lìa xa pháp.

Các vị đều giữ gìn kho pháp sâu rộng, không đoạn mất Tam Bảo, công đức lan khắp vô số cõi.

Tâm các vị ấy thanh tịnh. Ở cõi của mình dù có qua lại đến chỗ Phật cũng không nhầm lẫn, luôn giáo hóa hướng dẫn chúng sinh, đã nhập vào phương tiện thiện xảo của trí bát nhã Ba La Mật. Đó là niềm vui mừng của tâm người hành Đầu Đà.

Nhờ giáo pháp chiếu sáng, chúng sinh được thanh tịnh, biết tướng mọi người, làm việc vui vẻ, không làm mất tâm ý, là vị thầy thuốc có ân đức trị bệnh lão tử, cúng dường vô số Chư Phật ở quá khứ.

Nhờ công đức ấy mà được tướng tốt đẹp, thông suốt pháp không, vô tướng, vô nguyện, thấy các pháp không thật, như huyễn, như sóng nắng, như mộng, như bóng trong nước, như âm thanh vọng lại trong núi.

Biết rõ âm thanh của tất cả, thâm nhập các pháp, trả lời thông suốt tất cả vấn nạn, làm theo ý mình, vận dụng trí tuệ để hiểu rõ đạo pháp, lần lần gần với mười lực của Phật. Dùng nhục nhãn, tuệ nhãn, đạo nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn cứu vớt những kẻ bị mê lầm tăm tối, thể nhập sâu các hạnh công đức.

Hiểu biết tạng Bồ Tát, nghe pháp không lay động, đắc được tam muội Tướng ấn, tam muội Kim cang hạnh, tam muội Kỳ pháp tại sở tác, tam muội Bảo minh trì, tam muội Bất xả nhất thiết nhân. Sau khi biết rõ các tâm tam muội thì chứng đắc được trí tuệ của Phật, làm theo những hạnh của Phật đã làm, vốn đầy đủ tướng tốt đẹp.

Trong đó:

Có Bồ Tát tên Nhạo Tác.

Có Bồ Tát tên Nhạo Đẳng Hữu.

Có Bồ Tát tên Bảo Thủ.

Có Bồ Tát tên Minh Hoa.

Có Bồ Tát tên Bảo Diệm.

Có Bồ Tát tên Hỷ Kiến.

Có Bồ Tát tên Ý Hỷ.

Có Bồ Tát tên Hỷ Dĩ Nhãn Kiến.

Có Bồ Tát tên Trì Địa.

Có Bồ Tát tên Hoan Hỷ Tác.

Có Bồ Tát tên Đại Xứ Phế.

Có Bồ Tát tên Đại Lợi.

Có Bồ Tát tên Tịch Ma.

Có Bồ Tát tên Ý Hỷ Hương.

Có Bồ Tát tên Nhân Trung Chi Thiên.

Có Bồ Tát tên Đế Nguyện.

Có Bồ Tát tên Đẳng Thị.

Có Bồ Tát tên Tận Kiến Đẳng Bất Đẳng.

Có Bồ Tát tên Chấp Ngự.

Có Bồ Tát tên Nhất Thiện Vô Thiện Nhi Tác Thiện Chi.

Có Bồ Tát tên Di Lặc.

Có Bồ Tát tên Vũ Âm.

Có Bồ Tát tên Lưỡng Nhược Sơn Bán.

Có Bồ Tát tên Lưỡng Sơn Đảnh.

Có Bồ Tát tên Từ Hạnh.

Có Bồ Tát tên Quang Anh.

Có Bồ Tát tên Quang Thanh Dương.

Có Bồ Tát tên Khải Minh Vương.

Có Bồ Tát tên Như Đương Nhãn Sở Kiến.

Có Bồ Tát tên Quang Đẳng Tri.

Có Bồ Tát tên Tôn Quan.

Có Bồ Tát tên Thiên Quan.

Có Bồ Tát tên Thiên Nhãn.

Có Bồ Tát tên Thị Xứ Tất Cát.

Có Bồ Tát tên Khoái Tý.

Có Bồ Tát tên Đế Nghị Ý.

Có Bồ Tát tên An Xứ Ý.

Có Bồ Tát tên An Xứ Độ.

Có Bồ Tát tên Vô Sở Động Nhi Độ.

Có Bồ Tát tên Kim Cương Hành Độ.

Có Bồ Tát tên Tam Thế Hành Độ.

Có Bồ Tát tên Đế Như Sự Bất Dị.

Có Bồ Tát tên Trì Nghiêm Dục Hảo.

Có Bồ Tát tên Bất Tận Dục.

Có Bồ Tát tên Bất Khể Lưu Dục.

Có Bồ Tát tên Ý Âm.

Có Bồ Tát tên Tịnh Âm.

Có Bồ Tát tên Bão Mãn Nhất Thiết Âm.

Có Bồ Tát tên Văn Thù Sư Lợi…

Bảy vạn ba ngàn Bồ Tát ấy ở cõi tam thiên đại thiên.

Lại có Thích, Phạm, Hộ Thế, tất cả Trưởng Giả, Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Đà La, A Tu Luân, Ca Lưu La, Ma Hầu Lặc, Nhân Phi Nhân… đều đến chúng hội, ai cũng muốn nghe pháp của Đức Phật giảng nói.

Bấy giờ, Bồ Tát Đề Vô Ly đứng dậy, sửa pháp phục, quỳ thẳng, chắp tay khen ngợi Đức Phật: Ánh sáng nơi thế gian không bằng ánh sáng của đạo, vì nó làm nền tảng cho thế gian và chiếu sáng, cứu giúp cho những người tăm tối.

Nay con xin tự quay về với Bậc độ đời. Nhờ bố thí mà giữ gìn được mười lực, tự điều phục tâm mình và giáo hóa người khác. Đó là vị cứu độ tất cả, ai nấy đều tuân theo.

Nay con xin quay về với Đấng ba cõi không ai sánh bằng, làm việc gì cũng đều có lợi ích. Ánh sáng đó giống như vàng ròng, âm thanh hòa nhã, thân tướng đẹp đẽ, không ai sánh bằng.

Nay con xin quay về với Đấng được tất cả chúng sinh cung kính, đã vượt qua những gì cần vượt qua, thu phục hàng ngoại đạo, trí tuệ rất thù diệu, vượt lên trên những người có trí, không ai lay chuyển được, biết rõ hành vi của tất cả chúng sinh, công đức của Ngài rất thù thắng.

Nay con xin quay về với Đấng có lòng đại bi vô tận. Đối với ái dục, Ngài đạt được vô sở đắc. Chúng ma dù chống đối thế nào cũng không thể tùy tiện. Giữ gìn giới thanh tịnh an lạc. Đối với Chư Thiên, Ngài là Trời trong hàng Trời, tâm không hề vướng mắc.

Nay con xin quay về với Đấng không ai chống lại nổi. Nghe đức của Ngài, ai nấy đều hoan hỷ. Hình tướng sáng như châu báu, ai thấy cũng yêu mến. Thực hành bố thí, lìa bỏ tham, sân, si.

Nay con xin quay về với Đấng có đức như bầu Trời bao trùm tất cả, dùng bốn đế để vượt qua bốn hang sâu, dù người mù cũng đều trông thấy, nói pháp không cùng tận, làm nền tảng cho tất cả chúng sinh trong ba đời.

Nay con xin quay về với Đấng dưới chân có dấu bánh xe ngàn cân. Ngài được Chư Thiên và tất cả loài người phụng thờ, dù không phải nam hay không phải nữ đều được nương nhờ, chúng ma không dám quấy phá. Ngài được chúng sinh cung kính, tôn quý, tu tập và giữ gìn các đế chánh pháp, lòng từ bi bao la cùng khắp, làm người dẫn đường cho chúng sinh trụ vào pháp bình đẳng.

Nay con xin quay về với Đấng không ai sánh bằng. Âm thanh hòa nhã, thanh tịnh, ai nghe cũng đều vui thích, tiếng như Trời Phạm Thiên, vang khắp mọi nơi, chúng sinh đều nghe đầy đủ âm thanh ấy.

Nay con xin quay về với Đấng có chánh pháp chắc thật, tôn quý. Ngài đã giác ngộ không, vô tướng, vô nguyện, trí tuệ sâu xa không có hạn lượng, đã thể nhập vào môn giải thoát, đó là công đức.

Nay con xin quay về với Đấng được giải thoát, biết rõ các pháp do nhân duyên sinh, công đức đạt được của vị ấy không ở trong, không ở ngoài, đều bình đẳng, giảng nói như thế nào thì đều thực hành như thế đó.

Nay con xin quay về với Đấng vượt qua những sự hiểu biết, không từ đâu sinh, cũng không đi về đâu. Thấy các pháp đều giải thoát vì nó như huyễn, như sóng nắng.

Nay con xin quay về với công đức của pháp, chỗ sinh hay không có chỗ sinh đều vô sinh. Sinh rồi diệt không cùng tận, chỗ an trụ đúng như pháp, giống như nẻo hội nhập của Đát tát. Suy xét rồi nói đúng vơi pháp. Như Đát tát không bị lay chuyển, đức như núi lớn, thân như Kim cương.

Nay con xin quay về với Đấng an ổn như núi, thân tâm hợp ý nhau, tiếng tốt lưu cả ba đời, ai cũng nghe biết. Tất cả những câu hỏi đều được trả lời, không chút phiền muộn.

Phật bảo: Sau khi tán thán Phật xong nếu muốn xin hỏi điều chi thì cứ hỏi.

Đề Vô Ly thưa: Bạch Thế Tôn! Con có điều xin muốn thưa!

Phật dạy: Ông hỏi điều gì cứ tự nhiên.

Bồ Tát Đề Vô Ly thưa: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà Bồ Tát nói pháp một cách tự tại để trang nghiêm thân?

Vì sao nói rằng Bồ Tát thích pháp thâm diệu, pháp nào cũng thể nhập vào được?

Vì sao nói rằng Bồ Tát biết tâm của chúng sinh?

Vì sao nói rằng Bồ Tát giáo hóa tùy hỷ?

Vì sao nói rằng Bồ Tát tâm hành là một?

Vì sao nói rằng Bồ Tát biết nhân duyên tạo tác?

Vì sao nói rằng Bồ Tát vì trang nghiêm thân mà bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm và trí tuệ?

Vì sao nói rằng Bồ Tát ở Cõi Phạm Thiên?

Vì sao nói rằng Bồ Tát có trí tuệ sâu xa?

Vì sao nói rằng Bồ Tát luôn có sự thù thắng?

Vì sao nói rằng Bồ Tát đối với Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả chúng sinh dù thị hiện các pháp nhưng không nhập vào trong pháp đó?

Vì sao nói rằng Bồ Tát lìa sinh tử mà không nhập Niết Bàn?

Vì sao nói rằng Bồ Tát biết tất cả chúng sinh không lìa pháp thân?

Vì sao nói rằng Bồ Tát không rời bản vị mà thị hiện khắp nơi?

Vì sao nói rằng Bồ Tát được tôn quý, phước của chư vị như kho tàng?

Vì sao nói rằng Bồ Tát tùy ý mà được nhập đạo?

Vì sao nói rằng Bồ Tát biết rõ các pháp?

Vì sao nói rằng việc làm của Bồ Tát luôn an ổn chắc chắn?

Vì sao nói rằng Bồ Tát dù ở thế gian, nhưng không vướng mắc?

Vì sao nói rằng Bồ Tát tự tại, đoan nghiêm, không ai sánh bằng?

Vì sao nói rằng Bồ Tát không lìa Phật?

Vì sao nói rằng Bồ Tát tu học an ổn, chắc chắn?

Vì sao nói rằng Bồ Tát với pháp không có tâm chấp giữ, không buông bỏ?

Vì sao nói rằng Bồ Tát cứu hộ chúng sinh?

Vì sao nói rằng Bồ Tát đạt chuyển pháp luân?

Vì sao nói rằng Bồ Tát đạt A duy nhan?

Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Này Bồ Tát Đề Vô Ly! Ông hỏi rất đúng, làm cho những vị ở trong hội này được lợi ích. Tương lai, chắc chắn sẽ làm người dẫn đường cho chúng sinh, chính là người làm cho Ma Ha Diễn được tồn tại lâu dài.

Phật dạy tiếp: Ông hãy lắng nghe cho kỹ những lời ta nói hôm nay.

Bồ Tát Đề Vô Ly thưa: Bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe!

Phật dạy: Bồ Tát nhờ bốn việc ma được tự tại.

Bốn việc đó là gì?

1. Ánh sáng chiếu khắp tất cả không chướng ngại.

2. Đối với tất cả châu báu nổi tiếng đem cho người đến xin, không luyến tiếc.

3. Nếu có người hiểu Kinh đang giảng nói pháp thì không nên làm gián đoạn nửa chừng, mà phải luôn ở một bên giúp đỡ.

4. Nếu được mời giảng pháp, không nên từ chối, nương dựa chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai mà hoan hỷ nói pháp.

Đối với việc làm, Bồ Tát không mong cầu chi cả, đem pháp để bố thí.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thể nhập sâu vào các pháp, những gì làm ra bằng trí tuệ không lìa các công đức.

Thế nào là bốn?

1. Đối với mười hai nhân duyên, nhận biết một cách đúng đắn.

2. Thương mình và người, vì cả hai không khác.

3. Đối với sinh tử không nghĩ rằng từ đâu đến hay đi về đâu.

4. Đối với tất cả pháp lấy không để thấy không.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc biết rõ tâm người và công đức của họ tăng hay giảm.

Bốn việc đó là gì?

1. Hội nhập pháp thân hoàn toàn thanh tịnh.

2. Thị hiện những sự tốt đẹp.

3. Lấy bốn việc để quán.

4. Tâm không bị hoại, đạt được tam muội.

Đó là bốn việc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần