Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Năm - Phẩm Ba Bài Kệ Số Ba - Chuyện Trái Sung Tiền Thân Udumbara

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM NĂM

PHẨM BA BÀI KỆ SỐ BA  

CHUYỆN TRÁI SUNG

TIỀN THÂN UDUMBARA  

Sung đã chín trên cây ngon đẹp. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo sống ẩn dật ở biên địa một ngôi làng nọ.

Trú xứ an lạc này nằm trên một phiến đá phẳng tại một gò đất được quét dọn sạch sẽ, có đủ nước để dùng, gần làng, tiện cho việc đi vào làng khất thực và tiện cho người thân đến biếu thực phẩm.

Một Tỳ Kheo kia trên đường đi ghé lại nơi ấy. Vị Trưởng Lão sống tại đó tiếp rước người mới đến theo đúng bổn phận của chủ nhân. Ngày hôm sau, Trưởng Lão mang theo người bạn mới đi khất thực.

Người ta cúng dường thực phẩm cho họ và mời họ hôm sau đến nữa. Vị Tỳ Kheo mới đến này, sau vài ngày sống như vậy, liền nghĩ cách đuổi vị Tỳ Kheo kia đi để chiếm lấy chỗ ẩn cư nọ.

Một hôm ông ta đến thăm vị Trưởng Lão và bảo: Này Hiền Giả, có bao giờ Hiền Giả đến tham bái Đức Phật chưa?

Ồ, chưa, Hiền Giả! Vì không có ai coi sóc túp lều của tôi, nếu không thì tôi đã đến lâu rồi!

Ồ, tôi sẽ coi sóc túp lều trong khi Hiền Giả đến tham bái Đức Phật. Trưởng Lão nghe nói thế liền ra đi sau khi căn dặn người làng hãy lo chăm sóc vị Tỳ Kheo kia cho đến khi ông trở về. Vị Tỳ Kheo mới đến ấy bày mưu gièm pha Trưởng Lão bằng cách nói xa gần đến mọi tật xấu của Trưởng Lão với dân làng.

Vị Trưởng Lão đi viếng bậc Ðạo Sư rồi quay trở về. Nhưng vị Tỳ Kheo mới đến không cho ông ghé lại chỗ ở kia nữa. Trưởng Lão phải kiếm một chỗ khác để trú ẩn và sáng hôm sau, ông vào làng khất thực.

Nhưng người làng lại từ chối cúng dường ông nữa. Ông ta buồn nản quá, liền quay trở về Kỳ Viên và kể hết đầu đuôi cho các Tỳ Kheo nghe.

Họ bắt đầu bàn tán việc ấy trong Pháp Đường: Này Hiền hữu, Tỳ Kheo kia đã đuổi Tỳ Kheo nọ ra khỏi trú xứ của vị này để rồi chiếm lấy cho riêng mình!

Bậc Ðạo Sư bước vào, và muốn biết các Tỳ Kheo đang bàn tán việc gì. Họ kể chuyện cho Ngài nghe.

Ngài dạy: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên người nọ đuổi người kia ra khỏi trú xứ của vị này. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Brahmadatta là Vua xứ Ba La Nại, Bồ Tát là một Thần cây ở trong rừng.

Bấy giờ là mùa mưa, mỗi lần mưa thường kéo dài tới bảy ngày. Một con Khỉ nhỏ bé mặt đỏ sống trong một cái hang đá, tránh được mưa. Một hôm, nó đang ngồi trước cửa hang, khô ráo và rất sung sướng.

Bấy giờ một con Khỉ mặt đen to lớn, ướt đầm đìa, rã rời vì lạnh, nhìn thấy nó, rồi tự nghĩ: Làm sao ta có thể đuổi anh bạn kia để sống trong hang của nó nhỉ?

Thế rồi nó trương bụng ra, làm như thể mới được ăn no một bữa thịnh soạn, nó dừng lại trước con Khỉ kia và đọc bài kệ đầu:

Sung đã chín trên cây ngon đẹp,

Khỉ nhà ta được dịp no nê.

Cùng ta đến đó ăn đi,

Bạn ơi, nào phải sợ gì đói đâu?

Khi mặt đỏ nghe thế liền tin ngay. Nó muốn có những trái cây ấy để ăn. Vì vậy nó ra đi, săn đây, kiếm đó, vẫn chẳng thấy trái cây nào.

Thế là nó quay trở về, và bấy giờ con Khỉ mặt đen đã ngồi trong hang rồi!

Khỉ mặt đỏ quyết đánh lừa con kia, nên đến trước nó đọc bài kệ thứ hai:

Hạnh phúc thay kẻ nào cảm phục

Và tôn sùng những bậc niên cao,

Tôi đây hạnh phúc làm sao!

Bao nhiêu trái ấy ăn vào thỏa thuê!

Con Khỉ lớn nghe vậy liền đọc bài kệ thứ ba:

Người Hy Lạp gặp nhau sinh chiến,

Khỉ gặp nhau, ngửi chuyện mưu xa,

Dù cho trẻ nọ tinh ma,

Ðời nào lừa bắt chim già được đâu.

Thế là con Khỉ mặt đỏ đành bỏ đi.

Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Bấy giờ, Tỳ Kheo chủ túp lều kia là con Khỉ nhỏ, kẻ đến lấy phần kia là con Khỉ đen lớn, còn vị Thần cây chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần