Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bảy - Phẩm Bảy Bài Kệ - Chuyện Trí Giả Atthisena Tiền Thân Atthisena
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BẢY
PHẨM BẢY BÀI KỆ
CHUYỆN TRÍ GIẢ ATTHISENA
TIỀN THÂN ATTHISENA
At thi, lắm kẻ đến mong cầu. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại đền Aggàlava gần Àlavi, về các điều lệ xây Tịnh Thất. Hoàn cảnh đã được nêu trong Tiền Thân Manikantha.
Bậc Ðạo Sư bảo Tăng Chúng: Này các Tỳ Kheo, ngày xưa trước khi Đức Phật ra đời, các Ẩn Sĩ ngoại đạo dù được Vua ban đặc ân, cũng không bao giờ cầu xin điều gì cả, vì thấy rằng cầu xin kẻ khác không đem lại an lạc thư thái.
Nói vậy xong Ngài kể câu chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát được sinh vào một gia đình Bà La Môn và được đặt tên là nam tử Atthisena.
Khi lớn lên, Ngài học các nghệ thuật ở Takkasilà, và về sau, nhận thấy nỗi đau khổ của tham dục, Ngài xuất gia tu tập và thành đạt các Thắng trí cùng các thiền chứng, Ngài sống ở vùng Tuyết Sơn.
Sau đó xuống vùng dân cư tìm muối và dấm, Ngài đến Ba La Nại. Sau khi ở trong một lâm viên, hôm sau Ngài đi khất thực tại cung đình.
Vua hài lòng trước phong cách oai nghi của Ngài, liền cho người mời Ngài vào, đặt Ngài ngồi lên sàng tọa trên sân thượng và cúng dường thực phẩm.
Khi Ngài nói lời tùy hỷ công đức, Vua rất hân hoan, và nhận được lời Ngài hứa hẹn cư ngụ trong ngự viên, Vua đến tham kiến Bồ Tát mỗi ngày hai ba lần.
Một hôm Vua hoan hỷ nghe Ngài Thuyết Pháp xong, liền ban cho Ngài một điều ước: Xin Ngài hãy nói cho trẫm biết bất cứ điều gì Ngài ước nguyện, từ Quốc Độ của trẫm trở xuống.
Bồ Tát không đáp: Hãy cho ta vật này vật nọ, nhiều kẻ khác đòi hỏi những vật nào họ mong ước, thường bảo: Cho tôi vật này, và Vua ban vật đó, nếu không ham thích nó nữa.
Một hôm Vua suy nghĩ: Nhiều người mong cầu đặc ân hoặc các Khất Sĩ thường xin ta vật này vật nọ, nhưng Hiền giả Atthisena cao quý này, từ khi ta ban điều ước, vẫn không xin gì cả. Ngài thật là bậc có trí tuệ và thiện xảo các phương tiện. Ta muốn hỏi Ngài.
Thế rồi, một hôm sau buổi điểm tâm, Nhà Vua ngồi một bên, hỏi Ngài lý do vì sao nhiều người khác cầu xin ân huệ còn Ngài thì không, và Vua ngâm vần kệ đầu:
At thi, lắm kẻ đến mong cầu,
Cho dẫu họ xa lạ biết bao,
Lũ lượt xin ta ban thỉnh nguyện,
Còn Ngài, không ước vọng, vì sao?
Nghe vậy, Bồ Tát ngâm vần kệ thứ hai:
Hai kẻ cầu ân, hoặc chối từ,
Thảy đều không đẹp ý bao giờ,
Ðấy là duyên cớ, xin đừng giận,
Khiến tiểu thần không thỉnh nguyện Vua.
Nghe lời Ngài, Vua ngâm tiếp ba vần kệ nữa:
Người nào kiếm sống khẩn cầu hoài,
Chẳng đến cầu ân lúc hợp thời,
Làm kẻ khác suy tàn đức độ,
Chính mình chẳng có kế sinh nhai.
Người nào kiếm sống, khẩn cầu hoài,
Thường đến cầu ân lúc hợp thời,
Làm kẻ khác tăng dần đức độ,
Chính mình cũng được kế sinh nhai.
Bậc có trí không thấy hận sân,
Khi người lũ lượt đến cầu ân,
Nói đi, Thánh giả là thân hữu,
Ðiều ước Ngài không thể lỗi lầm.
Như vậy, dù được ban tặng cả Vương Quốc, Bồ Tát cũng không cầu mong gì.
Khi nguyện vọng của Nhà Vua đã được phát biểu như vậy, Bồ Tát liền bày tỏ đường lối của Ẩn Sĩ: Thưa Ðại Vương, người thế tục và gia chủ thường thích thỉnh nguyện, chứ không phải người xuất thế, vì từ khi phát nguyện xuất gia, Ẩn Sĩ phải sống đời thanh tịnh khác với gia chủ.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ sáu bày tỏ nếp sống Ẩn Sĩ:
Bậc trí không hề thỉnh nguyện đâu,
Thế nhân phải biết rõ như sau:
Trí Nhân thỉnh nguyện ngồi im lặng,
Như thế là người trí thỉnh cầu.
Vua nghe lời Bồ Tát liền nói: Bạch Tôn Giả, nếu một người phục vụ có trí tự nguyện cống hiến thân hữu mình những gì cần được cống hiến, thì trẫm xin tặng Tôn Giả những vật như vậy:
Ngàn bò trẫm tặng Bà La Môn,
Bó đỏ, thêm người hướng dẫn đường,
Nghe các nghiệp Ngài đầy thánh thiện,
Trẫm nay phát khởi nghiệp hiền lương.
Khi Vua nói vậy, Bồ Tát từ chối, bảo: Thưa Ðại Vương, ta đã sống đời tu tập xa lìa cấu uế, ta không cần đàn bò. Vua tuân thủ lời khuyến giáo của Ngài, chuyên tâm bố thí và làm nhiều thiện sự khác nên được sinh lên Thiên Giới.
Còn Bồ Tát không hề gián đoạn thiền định, nên tái sinh lên Cõi Phạm Thiên. Khi pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, nhiều Tỳ Kheo được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, Vua là Ánanda và Atthisena chính là Ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Bay Lên Trên Không
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phi đạo
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Mười Năm - Kim Cương ô Xu Sa Ma Pháp ấn Chú Phẩm - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Tám - Diệt Theo Chiều Thuận
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Mười
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Ba - Phẩm Chuyển Luân Vương
Mười Hai đại Nguyện Của đức Quán Thế âm Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Niệm Xứ