Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Chín - Chuyện ðại Vương Vessantara Tiền Thân Vessantara - Phần Hai - Thái Tử Ra ðời
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM CHÍN
CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG VESSANTARA
TIỀN THÂN VESSANTARA
PHẦN HAI
THÁI TỬ RA ÐỜI
Một thuở nọ, vị Vua có tên Sivi ngự trị ở Kinh Thành Jetuttara, trong Vương Quốc Sivi. Ngài có một Vương Tử là Sañjaya. Khi chàng đến tuổi trưởng thành, Vua Cha kết duyên chàng với công chúa Phusatì, con gái Vua Madda, rồi giao Vương Quốc cho chàng và phong Phusatì làm Chánh Hậu.
Mối liên hệ đời trước của nàng với Thế Giới này như sau: Cách đây chín mươi mốt kiếp, một bậc Ðạo Sư ở thế gian có danh hiệu là Vipassi Tỳ Bà Thi. Trong lúc Ngài an trú tại Vườn nai Khema Thái Hòa gần thành Bandhumati, một vị Vua gởi tặng Vua Bandhuma một chuỗi vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền cùng khúc gỗ quý trầm hương Chiên Đàn.
Bấy giờ Vua ấy có hai con gái, và vì muốn tặng bảo vật cho hai con, Vua ban khúc gỗ trầm hương cho cô chị, và chuỗi vòng vàng cho cô em.
Nhưng cả hai cô đều không muốn dùng các tặng vật này cho mình, và có ý định dâng chúng lên bậc Ðạo Sư để tỏ lòng tôn kính, họ liền tâu Vua Cha: Tâu Phụ Vương, chúng con muốn dâng gỗ trầm hương và chuỗi vàng này lên đấng Thập Lực Dasabala. Vua Cha thấp thuận việc này. Vì thế công chúa chị nghiền bột gỗ trầm hương và đổ bột ấy vào một hộp bằng vàng. Còn công chúa em bảo lấy chuỗi vàng làm thành một vòng vàng đeo cổ và đặt vào một hộp bằng vàng.
Sau đó hai nàng cùng đi đến thảo am ẩn sĩ trong Vườn Nai, cô chị kính cẩn rảy bột trầm hương lên kim thân của Đấng Thập Lực, và rắc phần bột còn lại trong nội thất của Ngài cùng cầu nguyện: Bạch Ngài, trong thời vị lai, Tiện Nữ ước mong làm mẹ một vị Phật như Ngài.
Công chúa em kính cẩn đặt lên kim thân của Đấng Thập Lực chuỗi vòng cổ được làm từ vòng vàng ấy và phát nguyện: Bạch Ngài, tiện nữ ước mong chuỗi kim hoàn này không rời thân mình cho đến ngày tiện nữ đắc Thánh Quả. Và bậc Ðạo Sư đã ban các điều nguyện ước ấy sau khi mạng chung, cả hai nàng đều tái sinh vào Thiên Giới. Cô chị từ Thiên Giới đến Thế Giới loài người rồi trở lại Thiên Giới, sau chín mươi mốt kiếp, nàng đã trở thành Vương Hậu Màyà, mẹ của Đức Phật.
Còn cô em cũng tái sinh liên tiếp như vậy, vào thời đấng Thập Lực Kasspa Ca Diếp, nàng trở thành con gái Vua Kiki. Lúc mới sinh đã có hình chiếc vòng trên cổ và vai nàng, dung sắc diễm lệ như tranh vẽ và được đặt tên Uracchadà.
Khi nàng lên mười sáu tuổi, nàng nghe lời thuyết pháp của bậc Ðạo Sư, và đắc Sơ Quả Dự Lưu, và cùng ngày đó nàng đắc Thánh Quả A La Hán rồi thọ giới xuất gia và nhập Niết Bàn Vô Dư Y.
Bấy giờ Vua Kiki có bảy công chúa tên là:
Samanì, Samanà, Thánh nữ Tỳ Kheo Ni Guttà,
Tỳ Kheo Ni Dàsikà, Dhammà và Sudhammà.
Và nàng thứ bảy là Sanghadàsì.
Vào thời Đức Phật Gotama xuất hiện bảy chị em này:
Khemà, Uppalavannà, thứ ba là Patàcàrà,
Gotamì, Dhammadinnà, thứ sáu là Mahà màyà.
Trong đám chị em này thứ bảy là Visàkhà.
Ðây là các nữ Đại đệ tử của Ngài.
Bấy giờ, trong số này, nàng Phusatì trở thành Sudhammà, chuyên làm thiện sự và bố thí. Và nhờ phước báo do cúng dâng gỗ trầm hương lên Ðức Phật Vipassi, thân nàng như được rảy trầm hương thượng hạng.
Sau đó nàng tái sinh qua lại giữa Thiên Giới và nhân giới, cuối cùng nàng trở thành Chánh Hậu của Thiên Chủ Sakka Ðế Thích.
Vào thời số phần của nàng ở đấy đã mãn, năm tướng suy theo lệ thường hiện ra. Thiên Chủ Sakka biết thọ mạng của nàng sắp tận, nên tiễn đưa nàng vô cùng trọng thể vào Thiên lạc Viên Nandana. Trong khi nàng ngự trên bảo tọa được trang hoàng lộng lẫy, Ngài ngự bên cạnh nàng và bảo: Này ái hậu Phusatì, trẫm ban nàng mười điều ước hãy chọn đi.
Cùng với những lời trên, Ngài ngâm vần kệ đầu trong Tiền Thân Vessantara vĩ đại này với gần ngàn bài kệ:
Phu sa tì, mỹ hậu huy hoàng,
Mười ước nguyện nay trẫm tặng nàng,
Hãy chọn điều gì nàng nhận thấy
Ðược nàng quý báu giữa trần gian.
Như vậy nàng đã được an trú trên Thiên Giới theo lời thuyết giáo trong Ðại Tiền Thân Vessantara.
Nhưng nàng không biết cảnh giới sắp tái sinh của mình nên nàng hốt hoảng ngâm vần kệ thứ hai:
Vạn tuế Sakka, đấng Ngọc Hoàng,
Tội gì thần thiếp lỡ tay làm
Khiến Ngài đày thiếp xa Thiên Giới
Như gió thổi cây nọ nát tan?
Thiên Chủ nhận thấy vẻ thất vọng của nàng, liền ngâm hai vần kệ:
Nàng luôn được sủng ái từ xưa,
Tội lỗi nàng đâu có tạo ra?
Trẫm bảo phước Trời nàng đã tận,
Bây giờ đến lúc phải chia xa.
Tống biệt nàng nay đã đến thì,
Tử thần đang đến phút phân kỳ,
Trẫm ban ái hậu mười điều ước,
Lâm mạng chung thời, hãy chọn đi.
Nghe những lời Thiên Chủ nói, nàng tin mình sắp phải tận số, nên nàng chọn các ước nguyện này:
Thiên Chủ Sakka, đấng Thượng hoàng,
Ban mười điều ước, thiếp tri ân:
Mong rằng thần thiếp đời sau sẽ
Ở xứ Sivi được trú thân.
Ðôi mắt huyền mơ tựa mắt nai,
Như nhung đen nháy, cặp mày Ngài,
Phu sa tì ấy là tên thiếp,
Thánh thượng, thiếp mong ước nguyện này.
Thiếp mong có được một hoàng nam,
Vua chúa kiêng oai, tiếng lẫy lừng,
Hòa nhã, nhân từ, tâm rộng lượng,
Lắng tai nghe mọi tiếng cầu ân.
Trong khoảng thời gian thiếp thọ thai,
Ước mong giữ trọn tấm hình hài,
Toàn thân thiếp được luôn kiều diễm
Như thể cành cung uốn mảnh mai.
Ðế Thích, thiếp mong ngực gợi tình,
Xin được nhuốm bạc mái đầu xanh,
Tấm thân bồ liễu luôn hoàn hảo,
Mong cứu tù nhân thoát tử hình.
Giữa tiếng hạc rền, khổng tước vang,
Cung nhân hầu cận đẹp quanh nàng,
Thi sĩ ca nhân đồng tán tụng,
Khăn quàng tung vẫy giữa không gian.
Khi ngõ nhẹ nhàng cánh cửa hoa
Nô tỳ cất tiếng lớn trình thưa:
Vạn tuế Ðại Vương! Giờ ngự thiện!
Thiếp mong làm Chánh Hậu Hoàng Gia!
Thiên Chủ Sakka đáp:
Mười ước nguyện kia, hỡi nữ hoàng,
Phải biết rằng ta đã tặng nàng,
Mỹ nương đến xứ Sivi nọ
Mười ước nguyện kia sẽ thập toàn.
Phán vậy Chúa Tể các Thiên Thần,
Phu tướng Suja, Đại Đế Vương,
Ðược gọi Vàsava mỹ hiệu,
Hân hoan ban nguyện ước cho nàng.
Khi đã chọn xong mười ước nguyện như vậy, nàng từ giã Thiên Giới và nhập vào mẫu thai Hoàng Hậu của Vua Madda. Lúc nàng ra đời, thân thể nàng tỏa mùi thơm như được rảy phấn trầm hương, nên nàng được đặt tên Phusatì được rảy hương. Nàng lớn lên giữa đám cung tần đông đảo cho đến năm mười sáu tuổi dung sắc nàng vượt hẳn lên tất cả.
Lúc bấy giờ Vương Tử Sañjaya, con Vua Sivi, được phong Vương với chiếc lọng trắng, công chúa này được phong làm Chánh Hậu đứng đầu mười sáu ngàn cung phi.
Do vậy có chuyện kể:
Kế đó nàng công chúa tái sinh
Phu sa tì được rước về thành
Je tut ta ấy là tên gọi,
Cùng với Sañ ja kết mối tình.
Vua Sañjaya vô cùng sủng ái nàng.
Bấy giờ Thiên Chủ Sakka nhớ lại thấy chín điều ước nguyện Ngài ban cho Phusatì đã trọn vẹn, Ngài nghĩ thầm: Chỉ còn một điều ước chưa trọn đó là một Thiện Nam Tử. Ta sẽ ban nguyện ước này cho nàng. Thời ấy bậc Ðại Sĩ đang ở trên Cõi Trời Ba Mươi Ba, và thọ mạng Ngài đã tận.
Nhận thấy điều này, Thiên Chủ đến gần Ngài và bảo: Thưa Tôn Giả, Ngài phải sinh vào thế giới loài người, Ngài phải nhập mẫu thai Chánh Hậu Phusatì của Vua Sivi, xin đừng chậm trễ.
Cùng với những lời này yêu cầu bậc Ðại Sĩ chấp thuận và sáu mươi ngàn vị Thiên Tử sắp được tái sinh, Thiên Chủ trở về cung của Ngài.
Bậc Ðại Sĩ giáng trần và tái sinh tại đó, cùng sáu mươi ngàn thiên tử tái sinh vào gia đình của sáu mươi ngàn triều thần. Khi bậc Ðại Sĩ nhập mẫu thai, Hoàng Hậu Phusatì biết mình đã có thai, liền ước nguyện xây sáu bố thí đường, mỗi nhà ở một trong bốn cửa thành, một nhà ở giữa Kinh Thành và một nhà ở ngay cửa cung của nàng.
Mỗi ngày nàng phát sáu trăm ngàn đồng tiền.
Vua biết được việc làm ấy của nàng liền hỏi ý các vị xem tướng số, họ đáp: Tâu Ðại Vương, Chánh Hậu đang mang thai một bậc chuyên tâm bố thí, Ngài sẽ không bao giờ thỏa mãn với việc bố thí cả. Nghe vậy Vua hoan hỷ và thực hành hạnh bố thí như trên.
Từ thời Bồ Tát nhập mẫu thai, phước lộc của nhà Vua có thể nói là vô cùng tận. Nhờ ảnh hưởng lòng nhân từ của Vua lan rộng khắp nơi, các Quốc Vương ở toàn Cõi Diêm Phù Đề đều dâng Ngài cống vật.
Bấy giờ lúc Chánh Hậu mang thai, nàng vẫn ở chung cùng đám thị nữ hậu cận nàng. Sau mười tháng tròn vẹn, nàng muốn đi thăm Kinh Thành.
Nàng tâu trình với Vua, Ngài truyền Kinh Thành được trang hoàng như Kinh Thành Chư Thiên rồi đưa Hoàng Hậu ngự lên Vương xa sang trọng và cử hành đám rước quanh Kinh Thành về phía hữu. Khi xe đến giữa khu phố Vessa Vệ xá: thương nhân, nàng thấy giờ lâm bồn chợt đến.
Thị nữ liền trình Vua và Ngài truyền làm ngay một phòng bảo sinh tại đó và đưa nàng đến nơi, nàng liền sinh hạ một nam tử và vì thế có chuyện kể:
Trong lòng mười tháng mẹ mang con,
Ðám rước ngày kia khắp phố phường,
Khi đến khu dân cư Vệ Xá,
Vì con, mẫu hậu phải lâm bồn.
Bậc Ðại Sĩ từ lòng mẹ sinh ra không bị cấu uế, mở lớn mắt và một lát đưa tay cho mẹ.
Ngài nói: Thưa Mẫu Hậu, con muốn bố thí, có gì không?
Bà mẹ đáp: Này Vương nhi, con hãy bố thí như ý. Rồi bà đặt túi tiền một ngàn đồng vào bàn tay mở rộng của con.
Có ba lần bậc Ðại Sĩ nói ngay khi giáng sinh: Ðó là trong Tiền Thân Ummagga, trong Tiền Thân này và trong đời cuối cùng của Ngài.
Vào ngày lễ đặt tên, vì Ngài sinh ra ở phố Vessa, Ngài được đặt tên Vessantara, do đó có chuyện kể:
Tên ta chẳng phía mẹ đưa ra,
Cũng chẳng phát từ quý tộc cha,
Vì được sinh trên đường Vệ xá,
Nên tên ta gọi Vessan ta.
Vào đúng ngày Ngài ra đời, một con voi cái sinh được một voi con, được xem là có điềm lành, toàn thân màu trắng và được đặt vào chuồng nhà Vua. Vì con voi này ra đời đáp ứng một nhu cầu của bậc Ðại Sĩ, nó được đặt tên Paccaya Phương Tiện.
Vua Cha ban Ngài hai trăm bốn mươi nhũ mẫu không quá cao cũng không quá thấp, không bệnh tật gì và có sữa ngọt. Ngài cũng ban các nhũ mẫu cho sáu mươi ngàn hài nhi kia, vì thế Vương Tử lớn lên giữa đám sáu mươi ngàn ấu nhi hầu hạ quanh mình.
Vua Cha truyền làm cho Vương Tử một chiếc vòng đeo cổ trị giá một trăm ngàn đồng tiền rồi đem tặng con. Nhưng khi vừa lên bốn lên năm, Ngài đã đem nó cho các nhũ mẫu và khi họ muốn đưa trả nó lại, Ngài không muốn nhận nó.
Họ tâu trình Vua, Ngài phán: Vật gì Vương Tử đã ban đều xứng đáng được ban cả, dù đó là tặng vật dành cho một vị Bà La Môn. Và Vua truyền làm chiếc vòng cổ khác. Nhưng trong thời thơ ấu, Vương Tử vẫn đem vòng ấy cho các nhũ mẫu cả đến chín lần như vậy.
Khi Ngài lên tám, trong lúc nằm trên Vương sàng, Vương Tử suy nghĩ: Tất cả các vật ta cho đều có từ bên ngoài. Ðiều này không làm ta hài lòng. Ta muốn cho cái gì của chính thân ta. Nếu có người xin quả tim ta, ta sẽ cắt lồng ngực và xé tim ra cho. Nếu ai xin đôi mắt, ta sẽ móc mắt ra cho. Nếu ai muốn xin thịt, ta sẽ lóc hết thịt trên thân ta và cho họ.
Ngài suy nghĩ như vậy với tất cả tâm hồn lẫn thể xác mình. Vì thế quả đất này với bề rộng bốn mươi ngàn tỷ triệu dặm và hai trăm ngàn dặm chiều sâu, rúng động ầm ầm như một con voi khổng lồ điên loạn.
Ngọn núi Sineru Tu Di Chúa Tể núi non, cúi rạp xuống như một cây con trong dòng nước nóng và dường như nhảy múa rồi đứng nghiêng mình về phía Kinh Thành Jettutara.
Giữa lúc quả đất rúng động, bầu Trời sấm sét vang dội và đổ mưa, tia chớp sáng lòa, đại dương sôi sục lên, Sakka Thiên Chủ vỗ tay, Ðại Phạm Thiên tán đồng, toàn thể chấn động lên đến Phạm Thiên Giới, vì thế có chuyện kể:
Khi ta còn trẻ, tuổi còn thơ
Chỉ khoảng chừng lên tám tuổi dư,
Trên thượng lầu ta trong nội điện,
Nhân từ, bố thí vẫn suy tư:
Nếu người nào đến hỏi xin cho
Máu, thịt, tim và con mắt ta,
Ta sẽ cho thân, tim, máu, mắt,
Sẵn sàng ta cất tiếng kêu to.
Trong khi ta nghĩ ngợi trầm ngâm
Như vậy cùng toàn thể bản thân,
Quả đất vững bền kia rúng động,
Chuyển rung cùng thảo mộc, sơn lâm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Dụ ái Dục - Thí Dụ Sáu Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Hai - Phẩm Năm ấm - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Năm - Phẩm Các Rồng Và Kim Sí điểu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ăn Củ Rễ
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Hỏi Về Quán
Phật Thuyết Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Phật đạo