Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Chín - Chuyện ðại Vương Vessantara Tiền Thân Vessantara - Phần Sáu - Bà La Môn Jùjaka Và Vợ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM CHÍN  

CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG VESSANTARA

TIỀN THÂN VESSANTARA  

PHẦN SÁU

BÀ LA MÔN JÙJAKA VÀ VỢ  

Thời ấy, trong Vương Quốc Kàlinga, tại làng Bà La Môn tên là Dunnivittha, có một người Bà La Môn được gọi là Jùjaka. Nhờ khất thực, lão đã kiếm được một trăm đồng tiền và gửi cho một gia đình Bà La Môn kia rồi lại đi kiếm tiền thêm.

Trong khi lão đi xa, gia đình ấy tiêu hết số tiền. Khi lão trở lại liền mắng nhiếc họ, nhưng họ không thể trả nổi số tiền ấy, vì thế họ gả cô con gái tên Amittatàpanà cho lão. Lão đem cô gái cùng về làng Dunnivittha ở Kàlinga và sống tại đó. Cô gái Amittatàpana săn sóc lão Bà La Môn thật chu đáo.

Một số thanh niên Bà La Môn thấy nàng tận tụy như thế, liền trách móc các bà vợ của họ: Hãy xem cô ả săn sóc lão già chu đáo thế kia, trong khi các bà thật vô tình đối với các anh chồng trẻ của mình!

Việc này khiến các bà vợ ấy quyết định đuổi nàng ra khỏi làng. Vì thế họ tụ tập bên bờ sông và nhiều nơi khác để phỉ báng nàng.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Ngày xưa ở Kà lin ga,

Jù jà ka chính tên Bà La Môn,

Sống đây với vợ còn son

A mit ta ấy vẫn còn xuân xanh.

Bọn đàn bà nọ mang bình

Xuống sông chửi rủa chính danh của nàng,

Cố làm ô nhục hồng nhan,

Cả bầy tụ tập, dọc ngang quây quần:

Mẹ cô quả thật cừu nhân,

Và cha cô nữa cũng đồng oan gia

Ðể cho một lão già nua

Cưới xin vợ trẻ như cô nõn nường!

Nhà cô mưu kế gì chăng,

Âm mưu hèn hạ bạo tàn xấu xa!

Ép duyên cô gái còn tơ

Gả cho ông lão già nua lòm khòm.

Đời cô quả thật chán chường

Trong khi cô vẫn còn đang nõn nà,

Kết duyên với một lão già,

Ôi thôi, chết quách cũng là tốt hơn!

Hỡi cô xinh đẹp, rõ ràng

Mẹ cha cô quả bất nhân quá chừng,

Nếu như con gái còn xuân

Họ không tìm được một chàng rể xinh.

Lễ dâng lửa, lễ tế sinh

Sau ngày sinh nhật hóa thành uổng công,

Nếu như cô gái còn xuân

Bị đưa làm vợ một ông già khòm.

Hẳn nhà khổ hạnh La Môn

Hay là ẩn sĩ đa văn, thiện hiền,

Không còn cấu uế trần duyên

Bị cô phỉ báng rủa nguyền hay chăng?

Nếu như cô gái còn xuân

Bị đưa làm vợ một ông già khòm.

Như dao đâm thật đau lòng,

Như là nọc rắn cháy nồng đốt thiêu,

Song còn đau khổ hơn nhiều

Khi nhìn ông lão tiêu điều tả tơi!

Với chồng đã quá già rồi

Còn gì thích thú vui cười nữa đâu?

Chuyện trò chẳng chút vui nào,

Khi cười, lão cũng nhăn nheo khó nhìn!

Gái trai độ tuổi thanh niên,

Sống cùng nhau chốn tư riêng thắm nồng

Dứt ngay mọi nỗi đau buồn

Vẫn còn tiềm ẩn trong lòng vấn Vương.

Cô là con gái còn xuân

Xinh tươi, được đám đàn ông mơ hoài,

Thế sao ông lão già rồi

Làm cô thích thú?

Hãy lui về nhà! Khi nàng nghe họ nhạo báng, nàng liền mang bình nước về nhà và khóc.

Tại sao nàng khóc?

Ông chồng hỏi và nàng trả lời qua vần kệ:

Tôi không lấy nước về nhà,

Ðằng kia một đám đàn bà cười tôi,

Vì chồng tôi quá già rồi,

Họ luôn chế nhạo lúc tôi ra ngoài.

Jùjaka đáp:

Nàng không cần lấy nước hoài,

Nàng không cần phục vụ tôi thế này.

Nàng ôi, đừng giận dỗi vậy,

Vì tôi sẽ lấy nước thay cho nàng.

Cô vợ đáp:

Chàng đi lấy nước?

Không màng!

Ðó không phải cách thông thường thế gian.

Tôi xin nói thật rõ ràng:

Nếu chàng làm vậy, tôi chàng chia tay.

Ngoại trừ mua một nô tài,

Hoặc là tỳ nữ làm ngay việc này,

Tôi xin nói rõ chàng hay:

Tôi thề, không ở lại đây với chàng.

Jùjaka đáp:

Làm sao mua nổi tiểu đồng?

Tôi không nghề ngỗng, bạc vàng, thóc ngô.

Thôi đừng giận dỗi, liễu bồ,

Tôi đi làm việc gia nô của nàng.

Cô vợ bảo:

Giờ tôi muốn nói với chàng

Những lời nghe được dân làng nói ra:

Ðằng kia trên đỉnh Vam ka

Có vì Vua Vessanta lưu đày.

Giờ chàng hãy vội đi ngay,

Xin Ngài cho được một tay tiểu đồng,

Vương gia chắc chắn bằng lòng

Ban chàng những thứ chàng mong ước mà.

Jùjaka đáp:

Tôi đây lụ khụ quá già,

Lòng e lắm nỗi đường xa gập ghềnh,

Xin đừng than khóc buồn tình,

Nay tôi chẳng có thân mình dẻo dai,

Nhưng đứng giận dỗi, nàng ôi,

Tôi nguyền làm việc chính tôi sẵn lòng.

Cô vợ bảo:

Chàng sao chẳng khác tên quân

Trước khi ra trận đầu hàng, lý do?

Và chàng đành phải chịu thua

Trước khi ra trận và so thử tài?

Ngoại trừ mua một nô tài,

Hoặc là tỳ nữ làm ngay việc này.

Tôi xin nói rõ chàng hay

Tôi thề không ở lại đây với chàng,

Chuyện này quả thật đáng buồn,

Ðó là một chuyện đau thương cho chàng.

Nhìn tôi hạnh phúc ngập tràn

Trong tay của một tình lang khác rồi,

Áo quần lộng lẫy thắm tươi,

Theo mùa thay đổi, trăng Trời chuyển luân.

Khi chàng năm tháng tàn dần,

Còn tôi vắng bóng, chàng buồn khóc than,

Tóc chàng sẽ bạc trắng ngần,

Mặt chàng sẽ gấp bội phần nếp nhăn!

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Và bây giờ lão La Môn

Lòng đầy sợ hãi phục tuân ý nàng,

Bị nàng hành hạ nát tan,

Ta nghe lão phải vội vàng nói năng:

Cho tôi thực phẩm đi đường,

Làm cho tôi bánh mật ngon ngọt ngào,

Làm thêm lương thực khô nào,

Bánh mì lúa mạch nướng mau trên lò.

Thế rồi một cặp gia nô

Có cùng đẳng cấp với cô đem về,

Bọn này mệt mỏi chẳng hề,

Ngày đêm phục vụ cận kề ái nương.

Nàng nhanh chóng chuẩn bị lương thực và báo cho lão mọi sự đã xong. Trong lúc ấy, lão sửa lại các chỗ xiêu vẹo quanh túp lều, làm cửa ngõ chắc chắn, mang củi từ rừng về, kéo nước vào cái lu lớn và đổ đầy mọi nồi chảo.

Rồi lão vừa khoác chiếc áo của người tu khổ hạnh, vừa dặn vợ lúc ra đi: Nàng hãy chắc chắn đừng đi ra ngoài những lúc không thích hợp và hãy cẩn thận giữ mình cho đến khi ta về. Vừa mang giày và đeo bao lương thực lên vai, lão vừa đi vòng quanh vợ về phía hữu, rồi ra đi với đôi mắt đẫm lệ ròng ròng.

Bậc Ðạo Sư giải thích việc này qua vần kệ:

Việc này xong, lão La Môn

Mang giày rồi lại đứng lên tức thì

Ði vòng quanh ả nữ nhi

Nghiêng về phía hữu chia ly vợ mình.

Ra đi khoác áo tu hành

Lệ rơi lả tả quanh vành mắt y,

Vội vàng đến nước Si vi,

Kinh Đô trù phú tìm về gia nô.

Khi lão đến Kinh Thành này, lão hỏi đám đông đang tụ tập để biết nơi Vua Vessantara ở.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần