Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Một - Chuyện đại Vương Mahàjanaka Tiền Thân Mahà Janaka - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM MỘT
ĐẠI PHẨM
CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG MAHÀJANAKA
TIỀN THÂN MAHÀ JANAKA
PHẦN MỘT
Chàng là ai chiến đấu anh hùng. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang ở tại Jetavana Kỳ Viên về đại sự xuất thế cao cả của Ngài. Một ngày kia, các Tỳ Kheo ngồi tại chánh pháp đường bàn luận về việc xuất thế của Đức Như Lai.
Bậc Ðạo Sư đến và thấy vấn đề này, Ngài bảo: Ðây không phải là lần đầu tiên Như Lai thực hành đại sự xuất thế, trước kia Như Lai cũngđã làm như vậy. Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
Ngày xưa có một vị Vua tên là Mahàjanaka trị vì ở Mithilà trong Quốc Độ Videha. Ngài có hai con trai là Aritthajanaka và Polajanaka. Ngài phong Thái Tử làm Vua kế nghiệp và Vương Tử thứ hai làm Ðại tướng quân. Sau đó, khi Vua Mahàjanaka qua đời, Aritthajanaka lên ngôi Vua và lại phong Vương đệ làm vị kế nghiệp.
Một ngày kia có một nô lệ vào tâu Vua rằng Vương đệ muốn giết Ngài. Nhà Vua nghe tâu chuyện đó nhiều lần, đâm ra nghi ngờ, ra lệnh cầm tù Polajanaka trong gông cùm và canh giữ chàng kỹ ở một nơi không xa Hoàng Cung.
Vương Tử phát nguyện: Nếu ta là kẻ thù của anh ta, thì cứ cho các xiềng xích và cửa ngõ không ai mở ra được. Nếu không, thì xin các xiềng xích cửa ngõ hãy mở ra hết.
Lập tức các xiềng xích đứt ra từng mảnh và cửa ngõ bật tung. Vương Tử liền thoát ra, đi đến một làng ở biên thùy và sống ở đó.
Dân chúng nhận ra Vương Tử, liền đến hầu hạ chàng, vì thế Nhà Vua không thể nào ra lệnh bắt chàng được. Dần dà chàng trở thành người cai trị xóm làng ở biên địa ấy.
Với đám tùy tùng đông đảo, chàng nghĩ thầm: Ngày trước ta không phải là kẻ thù của anh ta, nhưng nay ta lại là kẻ thù của anh ta rồi. Thế rồi chàng trở lại Mithilà với đám hầu cận đông đảo đóng quân phía ngoài Kinh Thành.
Dân chúng hay tin Vương Tử trở về, liền đem voi ngựa đến đón chàng, và dân chúng các thành thị khác cũng đến tụ tập quanh Vương Tử.
Sau đó chàng gửi một thông điệp cho anh của chàng: Ngày xưa ta không phải là kẻ thù của ngươi, nhưng nay ta chính là kẻ thù của ngươi đó. Hãy trao lại ta cây lọng trắng của Vua, không thì ta gây chiến.
Khi Vua sắp ra chiến trường, Ngài giã từ chánh hậu: Này ái khanh, không ai biết trước được thắng bại ở sa trưởng. Nếu ta có mệnh hệ nào, ái khanh phải bảo vệ Vương nhi trong bụng thật cẩn thận.
Rồi Ngài ra đi và binh lính của Vương Tử Polajallaka đã sớm kết liễu đời Ngài trong chiến địa. Tin Nhà Vua tử trận gây đại hỗn loạn khắp Kinh Thành.
Vương Hậu hay tin dữ vội thu góp tư trang quý giá nhất vào trong một chiếc giỏ, trải khăn và gạo trên mặt, ăn mặc dơ bẩn và cải trang, đội giỏ lên đầu và trốn đi vào lúc bất ngờ không ai hay biết.
Bà đi ra cửa bắc nhưng bà không biết đường, vì bà chưa hề đi đâu cả, lại không biết nhắm hướng địa bàn. Trước kia bà có nghe nói đến Kinh Thành Kàlacampà, nên bà ngồi chờ hỏi thăm xem có ai đi đến đến Kàlacampà không.
Lúc bấy giờ hài nhi trong bụng bà không phải đứa trẻ tầm thường, mà đó là bậc Ðại Sĩ tái thế, sau khi đã thành tựu các công hạnh Viên mãn Ba La Mật, nên Thiên Giới Sakka rúng động vì uy lực của vị ấy.
Thiên Chủ Sakka xem xét duyên cớ và nghĩ rằng có lẽ một Bậc Ðại Sĩ tài đức đang được cưu mang trong bụng chánh hậu, nên Ngài phải đi xem sao.
Thế là Ngài làm phép hiện ra một chiếc xe có phủ trần và đặt một chiếc giường lên, rồi đứng đợi trước cửa ngôi nhà Vương Hậu đang ngồi, giả dạng làm một lão già lái xe ngựa và hỏi có ai muốn đi đến Kàlacampà không.
Cha ơi, con muốn đi đến đó. Thế thì leo lên mà ngồi, thưa bà. Cha ơi, con có thai gần ngày nên không leo được con muốn ngồi đằng sau, cho con chỗ để chiếc giỏ này của con thôi.
Bà mẹ ơi, nói gì vậy?
Không ai biết lái xe như lão đâu đứng sợ, cứ leo lên và ngồi xuống. Nhờ thần lực của Thiên Chủ, mặt đất trồi lên cao đưa bà leo lên đến tận phía sau xe. Khi nằm trên giường, bà đoán biết đây phải là một vị thần. Vừa đặt mình xuống chiếc giường thần, bà liền ngủ ngay.
Sau chừng ba mươi dặm đường, Sakka Thiên Chủ đến một con sông, đánh thức bà dậy, bảo: Bà mẹ ơi, hãy dậy mà tắm sông, đầu giường có một cái áo choàng, cứ mặc vào, trong xe có bánh, cứ ăn nhé. Bà làm theo lời Thiên Chủ rồi lại lên giường nằm đến chiều tối. Khi đến Campà, bà thấy cổng thành, tháp chuông và thành lũy, bà hỏi thành này tên gì.
Thiên Chủ đáp: Thành Campà đó, bà mẹ ơi?
Cha nói gì thế, từ Kinh Thành của con đến Campà không phải sáu mươi dặm đường đó sao?
Ðúng vậy, bà mẹ ơi, nhưng lão biết đường tắt. Thế rồi Ngài để bà xuống xe ở cổng nam. Bà mẹ ơi, làng của lão ở đằng kia kìa, bà mẹ cứ vào Kinh Thành đó.
Nói xong Thiên Chủ Sakka biến đi, trở lại Cõi Trời. Vương Hậu ngồi xuống một thềm nhà bên đường. Lúc bấy giờ có một Bà La Môn dạy Kinh Vệ Đà, ở tại thành Campà, đang cùng năm trăm đệ tử đi tắm, chợt thấy Vương Hậu ngồi đó, dáng điệu xinh đẹp và thanh lịch.
Và nhờ thần lực của Bậc Ðại Sĩ trong bụng bà, nên người này thấy mến yêu bà ngay như đối với một cô em gái, liền bảo các đồ đệ đợi bên ngoài, một mình đi vào thềm nhà, hỏi bà: Này cô em, cô ở xóm làng nào?
Bà đáp: Ta là Chánh Hậu của Vua Aritthajanaka ở Kinh Thành Mithilà.
Tại sao bà đến đây?
Vua mới bị em Ngài giết chết, ta sợ quá phải đến đây để cứu mạng đứa con sắp ra đời.
Thế bà có họ hàng tại đây không?
Không ai cả, cha à.
Ðừng lo gì cả, ta là một Bà La Môn miền Bắc thuộc gia đình có thân thế lớn, ta là một Đại Sư danh tiếng khắp xa gần, ta sẽ chăm sóc bà như em gái ta vậy, hãy gọi ta là anh và ôm chân ta mà la khóc to lên nào!
Bà liền khóc lóc thảm thiết, gục dưới chân ông ta, và họ an ủi lẫn nhau. Các đệ tử của ông thầy chạy đến hỏi cớ sự ra sao.
Ðây là em gái út của ta, cô ấy sinh ra lúc ta đã đi xa nhà. Ồ Sư Phụ đừng buồn, bây giờ Sư Phụ đã gặp lại sư muội rồi. Ông thầy liền bảo đem lại một xe lớn có mui trên, mời bà lên ngồi và đưa về nhà mình, dặn họ bảo bà vợ ông ta rằng đây là em gái mình và phải đón tiếp tử tế.
Bà vợ vị Bà La Môn này đem nước ấm cho bà tắm xong, dọn giường cho bà nằm. Người Bà La Môn đi tắm về, vào giờ cơm ông cho gọi cô em gái ra cùng ăn và chăm sóc bà chu đáo trong nhà ông. Chẳng bao lâu bà hạ sinh một con trai, họ đặt tên hài nhi theo tên tổ phụ là Vương Tử Mahàjanaka.
Khi lớn lên, cậu bé thường chơi đùa với các thiếu niên khác, và khi chúng trêu ghẹo cậu để khoe dòng dõi chính thống quý tộc Khattiya của chúng, cậu thường đánh lại chúng bằng sức mạnh siêu đẳng và lòng dũng cảm của mình.
Khi chúng kêu khóc và được hỏi ai đánh chúng, chúng thường trả lời: Con bà góa.
Vương Tử suy nghĩ: Chúng cứ gọi ta là con bà góa mãi, ta sẽ hỏi mẹ xem sao.
Một hôm cậu hỏi mẹ: Mẹ ơi, con là con của ai?
Bà nói dối cậu, bảo rằng vị Bà La Môn là cha cậu.
Khi cậu đánh chúng bạn, chúng lại gọi cậu là con bà góa, cậu trả lời vị Bà La Môn là cha của cậu, chúng vặn lại: Vị Bà La Môn là gì của bạn?
Cậu suy nghĩ: Mấy tên này bảo ta: Vị Bà La Môn là gì của ta. Mẹ ta không muốn giải thích việc này cho ta, bà không muốn nói thật vì danh dự của bà, thôi ta phải xin bà nói sự thật cho ta rõ.
Thế rồi khi bú sữa mẹ, cậu cắn vú bà và bảo: Mẹ hãy cho con biết cha con là ai, nếu không con sẽ cắn đứt vú mẹ đấy.
Bà không thể dối cậu được nữa, đành đáp: Con ơi, con là con Vua Aritthajanaka ở thành Mithila đó, cha con bị chú Polajanaka giết, mẹ phải đem con đến đây để cứu mạng con. Vị Bà La Môn này xem mẹ như em gái và săn sóc mẹ chu đáo.
Từ đó cậu không tức giận khi ai gọi cậu là con bà góa nữa. Trước năm mười sáu tuổi, cậu đã thuộc ba tập Kinh Vệ Đà và nhiều môn học khác. Khi đến mười sáu tuổi, cậu rất khôi ngô tuấn tú.
Cậu nghĩ thầm: Ta sẽ chiếm lại ngai vàng của cha ta.
Thế rồi cậu hỏi mẹ: Mẹ có tiền không mẹ?
Nếu không, con sẽ đi buôn kiếm tiền và dành lại ngai vàng của cha con. Con ơi, mẹ đến đây không phải hai tay trắng đâu, mẹ có để dành ngọc ngà châu báu kim cương đủ để chiếm lại ngai vàng. Hãy đem chúng đi giành lại ngôi Vua, đừng tính đi buôn nữa.
Thưa mẹ, hãy cho con một nửa số châu báu đó, con sẽ đi đến Suvannabhùmi Xứ vàng và làm giàu tại đó xong mới đi lấy lại ngai vàng.
Cậu xin bà một nửa số châu báu và cùng với số vốn liếng đi buôn của cậu, cậu đem theo chiếc tàu buôn một số thương nhân đi đến Suvannabhùmi. Cậu từ giã mẹ và nói cho bà biết nơi cậu sắp đến. Con ơi, đi biển may ít rủi nhiều, con đừng đi. Con có đủ vàng bạc để chiếm lại ngôi báu mà.
Nhưng cậu nói với mẹ rằng cậu muốn đi, nên cậu từ giã bà và lên tàu ra khơi. Cùng ngày ấy, Vua Polajanaka phát trọng bệnh không ngồi dậy được. Còn chiếc tàu buôn chở cả bảy đoàn lữ hành cùng đám gia súc của họ, trong bảy ngày đi được bảy trăm dặm đường.
Nhưng vì quá nặng nề không thể chịu đựng được nữa, ván tàu nứt ra, nước ùa vào mỗi lúc một cao thêm. Tàu bắt đầu chìm giữa biển cả trong lúc các thủy thủ la khóc thảm thiết và cầu cứu các thần linh.
Riêng bậc Ðại Sĩ không hề kêu khóc cầu cứu gì cả. Biết rằng con tàu đã tận số, Ngài trộnđường với bơ tươi ăn thật no nê, rồi bôi dầu vào áo quần sạch, thắt chặt đồ đạc quanh mình cậu và đứng dựa cột buồm.
Khi con tàu chìm, chiếc cột buồm vẫn đứng thẳng. Người vật trên tàu đều làm mồi cho cá và rùa trạnh. Nước biển nhuộm màu máu cả một vùng.
Nhưng bậc Ðại Sĩ đứng trên cột buồm, định hướng thành Mithilà, rồi bay bổng lên từ đỉnh cột buồm, vận dụng hết sức mạnh băng qua bầy cá rùa biển ấy và rơi xuống cách con tàu chừng khoảng một trăm bốn mươi cubit, 1 cubit: 45cm. Cũng vào ngày đó Vua Polajanaka từ trần.
Sau đó, bậc Ðại Sĩ vượt dòng sóng biếc, rẽ sóng như một khối vàng ròng. Một tuần trôi qua như chỉ một ngày. Khi đã thấy bờ, Ngài liền súc miệng và nhịn ăn. Lúc bấy giờ Tiên Nữ Mammekhalà Ngọc Ðới được bốn vị Thiên Vương cai quản thế gian phong làm thần giữ biển.
Các vị ấy bảo nàng: Những con người có Đạo Hạnh như hiếu thảo với mẹ không đáng bị chết chìm dưới biển. Hãy tìm thử và cứu họ. Nhưng trong bảy ngày liền, nàng chẳng nhìn ra biển và có người cho là tâm trí nàng đã ngẩn ngơ vì ham hưởng lạc thú Thiên Giới. Có người lại cho là nàng bận đi dự hội ở thiên đình.
Tuy thế, đến ngày thứ bảy nàng cũng nhìn ra biển và tự nhủ: Hôm nay là ngày thứ bảy rồi ta không nhìn ra biển, ai đang tiến tới kia?
Khi thấy bậc Ðại Sĩ , nàng nghĩ thầm: Nếu Vương Tử Mahàjanaka đã chết chìm dưới biển thì lẽ ra ta đã phải đi dự hội tại thiên đình rồi.
Vì thế này hóa hình thật lộng lẫy đứng trên không gần chỗ Bồ Tát và ngâm vần kệ thứ nhất để thử năng lực của Ngài:
Chàng là ai chiến đấu anh hùng
Giữa đại dương xa hẳn đất bằng,
Bạn hữu là ai chàng tín nhiệm
Ðến bên chàng giúp một tay cùng?
Bồ Tát đáp lời: Ðây là ngày thứ bảy ta ở trên đại dương, ngoài ta ra không có bóng người thứ hai nào cả.
Ai đang nói với ta vậy kìa?
Rồi nhìn lên không trung, Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Biết phận sự ta ở cõi trần,
Khi ta nỗ lực, hỡi Thiên Thần,
Nơi đây giữa đại dương xa đất,
Ta đấng nam nhi gắng hết lòng.
Vì muốn nghe pháp lành, Nữ Thần liền ngâm vần kệ thứ ba:
Ðây giữa biển sâu rộng chẳng cùng,
Bến bờ xa tít mắt vời trông,
Sức chàng tận dụng thành mây khói,
Giữa đại dương, chàng gặp tử thần.
Bồ Tát trả lời: Tại sao nàng nói như vậy?
Nếu ta mất lòng trong lúc ta gắng hết sức mình thì dẫu sao đi nữa ta cũng không còn bị ai chê trách.
Rồi Ngài ngâm kệ:
Ai làm gắng hết sức nam nhân,
Ðối với người thân, chẳng lỗi lầm,
Thiên đế cũng không đòi trả nợ,
Chẳng hề ân hận ở trong lòng.
Kế đó Nữ Thần ngâm kệ:
Chiến đấu như vậy ích lợi sao,
Phí công vô ích được gì nào?
Báo đền không có gì thành đạt,
Chỉ có tử thần đổi khổ đau.
Thế là Bồ Tát ngâm các vần kệ sau để cho Nữ Thần thấy nàng nhận xét thiếu sáng suốt:
Ai nghĩ không gì để đấu tranh,
Và không chiến đấu hết lòng mình,
Bại vong là lỗi cần chê trách,
Vì chính lòng hèn yếu bất thành.
Con người dự định việc trên đời,
Làm việc mình xem tốt tuyệt vời,
Dự định thành công hay thất bại,
Tương lai chỉ rõ cuối cùng thôi.
Nữ Thần chẳng thấy đó hay chăng,
Chính việc ta nay quyết định phần:
Bao kẻ chết chìm, ta được sống,
Và nàng đang đứng cạnh trên không.
Vậy ta chiến đấu hết sức ta
Qua giữa đại dương thẳng đến bờ,
Trong lúc sức tàn, ta vẫn gắng,
Quyết không lùi đến lúc nguy cơ.
Nữ Thần nghe những lời lẽ anh dũng đó, liền ngâm vần kệ tán thán Ngài:
Chàng đang chiến đấu thật hùng cường,
Giữa biển mênh mông thật bạo tàn,
Chẳng thối lui, chối từ nhiệm vụ,
Gắng công nơi phận sự chờ chàng,
Hãy đi đến chốn lòng chàng muốn,
Ðứng để gian nan cản bước đường.
Sau đó Nữ Thần hỏi Ngài muốn đưa đi đâu, Ngài đáp: Tới Kinh Thành Mithilà. Nàng liền tung Ngài lên không như một tràng hoa, rồi ôm Ngài vào lòng như đứa con thân yêu, và vụt lên giữa không gian. Bồ Tát ngủ suốt bảy ngày, thân thể ướt đầm nước muối và rúng động vì sự tiếp xúc với Thần Tiên này.
Rồi Nữ Thần mang Ngài đến Mithilà, đặt Ngài nằm nghiêng bên hữu trên bệ đá dùng để tế lễ trong một vườn xoài, giao cho các Nữ Thần trong ngôi vườn phò trợ Ngài rồi trở về nơi cũ. Lúc bấy giờ Vua Polajanaka không có Vương Tử, chỉ có một công chúa thông thái và hiền đức, tên là Sìvalidevì.
Quần thần hỏi Nhà Vua khi Ngài sắp băng hà: Tâu Ðại Vương, chúng thần sẽ trao ngôi báu cho kẻ nào khi Ðại Vương về chầu Trời?
Nhà Vua bảo: Hãy giao lại cho kẻ nào làm đẹp lòng công chúa Sìvalì, hoặc người nào biết được đâu là phía đầu của chiếc ngự sàng hình vuông, hoặc người nào giương được chiếc cung cần sức mạnh của cả ngàn người, hoặc người nào tìm ra được mười sáu kho báu. Tâu Ðại Vương, xin cho chúng thần biết danh sách mười sáu kho báu ấy.
Nhà Vua liền lập lại danh sách ấy:
Kho báu mặt Trời mọc buổi mai,
Kho tàng kia lại ở phương đoài,
Kho tàng trong với kho ngoài ấy,
Kho báu không trong cũng chẳng ngoài.
Kho ở nơi lên xuống của ta,
Ở nơi có bốn trụ sà la,
Ở đầu răng với đầu đuôi ấy,
Và ở vòng dây Yojana,
Ở các đầu cành cây cổ thụ,
Ở trứng nước lạnh Kebuka.
Mười sáu kho châu báu ngọc vàng,
Phải tìm nơi để các kho tàng,
Chiếc cung cần một ngàn nam tử,
Làm đẹp lòng công chúa, ngự sàng.
Ngoài các kho báu trên, Vua còn nêu danh sách các kho báu khác.
Sau khi Vua từ trần, các đại thần làm lễ tống táng xong, vào ngày thứ bảy, họ hội họp lại và quyết định: Ðại Vương ban lệnh chúng ta giao ngôi báu cho kẻ nào làm đẹp lòng con gái Ngài, nhưng ai là kẻ có khả năng làm vừa ý công chúa đây?
Họ đồng đáp: Viên đại tướng là một kẻ được Vua sủng ái. Thế rồi họ cho triệu vị này đến. Vị này liền đến trước cung môn và báo cho công chúa biết ông ta đã đến chầu.
Công chúa hiểu duyên cớ gì ông ta đến và để thử xem ông ta có đủ tài trí xứng đáng với chiếc lọng của hoàng gia không, nàng cho triệu ông ta vào. Nghe lệnh công chúa và ước mong làm đẹp lòng nàng, ông liền chạy lên bệ rồng và đứng cạnh nàng.
Muốn thử ông, nàng bảo: Chạy ra ngoài sân, nhanh lên!
Ông ta vùng lên chạy, tưởng là công chúa hài lòng lắm.
Công chúa lại bảo: Ðến đây. Ông ta vội chạy đến.
Công chúa thấy ông ta thiếu hẳn tài trí, nàng nói: Ðến xoa chân ta. Ông ta liền ngồi xuống xoa chân công chúa cho nàng hài lòng.
Thế là nàng đá vào ngực ông ta té lăn rồi bảo đám thị nữ: Ðánh tên khùng mù quáng ngu ngốc này và lôi cổ nó ra. Chúng dạ vang tuân lệnh.
Rồi chúng nói với ông: Thưa Ðại tướng.
Ông ta đáp: Thôi đừng nói nữa, nàng ấy không phải là người. Sau đó viên quan giữ kho tàng đến, nàng cũng làm nhục ông ta như vậy. Lần lượt các viên quan giữ kho, giữ lọng, giữ kiếm đều bị nàng hạ nhục.
Thế rồi quần thần quyết định: Không kẻ nào làm đẹp lòng công chúa, vậy hãy gả nàng cho kẻ nào giương được cây cung cần sức mạnh của cả ngàn người. Nhưng không ai giương cung nổi cả.
Sau đó họ bảo: Hãy gả nàng cho người nào biết được đâu là đầu của chiếc ngự sàng hình vuông. Nhưng không một ai biết cả. Vậy thì gả nàng cho kẻ nào tìm được mười sáu kho tàng. Nhưng rồi cũng chẳng ai tìm ra.
Sau đó quần thần họp lại bảo nhau: Ngôi báu không thể nào không có Vua trị, vậy phải làm gì bây giờ?
Lúc đó vị Tế Sư của hoàng gia bảo họ: Ðừng lo, ta phải đem ra một chiếc xe hoa, hễ vị nào được xe hoa rước về là sẽ có đủ uy lực cai trị cõi Diêm Phù Đề. Họ chấp thuận, ra lệnh cả Kinh Thành trang hoàng thật lộng lẫy, cho bốn con ngựa màu đỏ tía buộc vào chiếc xe hoa, phủ kín màn vải lên chúng, gắn năm phù hiệu của hoàng gia vào và một đám tùy tùng vây quanh bốn phía xe.
Bấy giờ tiếng kèn khua vang dội trước xe, chỉ có một người lái xe, ngoài ra không có ai ở trong xe cả. Sau đó, vị tế sư ra lệnh khua chiêng trống đằng sau, và sau khi rảy nước trong chiếc bình bằng vàng lên dây cương và roi ngựa, vị này ra lệnh cho xe đi tìm vị Vua đủ tài đức cai trị Quốc Độ.
Chiếc xe hoa oai vệ đi quanh Hoàng Cung rồi tiến ra đường cái. Vị đại tướng cùng nhiều viên quan trong triều đều tưởng rằng xe đang đi tới phía nhà mình. Nhưng rồi xe cứ đi thẳng ngang qua mọi phố phường trang nghiêm diễn hành quanh Kinh Thành, ra khỏi đông môn và tiến tới ngự viên.
Khi ấy xe đi quá nhanh, đám hầu cận bảo xe dừng lại, nhưng vị tế sư bảo: Đừng dừng lại, cứ để nó đi một trăm dặm tùy thích. Xe tiến vào ngự viên, trịnh trọng đi vòng quanh bệ đá và dừng lại như thể sẵn sàng cho người bước lên.
Vị tế sư ngắm Bồ Tát đang nằm đó và bảo các vị đại thần: Thưa các Ngài, ta thấy có người nằm đó, ta không biết người đó có đủ tài trí xứng đáng với chiếc lọng trắng của hoàng gia không. Nếu vị này là người có tài thánh thì sẽ không thèm nhìn ta đâu, nhưng nếu đó là một kẻ hạ tiện thì sẽ giật mình khiếp sợ khi nhìn thấy ta, vậy hãy đánh chiếng trống lên cả nào.
Vì thế họ khua dậy hàng trăm thứ trống kèn chẳng khác nào tiếng gầm thét của biển cả. Bậc Ðại Sĩ lúc đó thức giấc vì nghe tiếng ồn ào, mở khăn che đầu ra nhìn quanh, thấy đám đông rầm rộ. Ngài nghĩ có lẽ chiếc lọng trắng đã đến tay Ngài nên lại che đầu và quay sang nằm phía bên tả.
Vị tế sư mở chân Ngài ra xem, ngắm các tướng mạo của Ngài và bảo: Ðừng nói một châu thiên hạ mà làm gì, vị này có đủ uy lực cai trị cả bốn châu. Thế là ông ta ra lệnh đáng chiêng trống lại lần nữa. Bồ Tát mở khăn trùm mặt ra, quay người sang bên hữu và nhìn đám đông.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Pháp Kính - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kim Cương
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Nương Theo đại Thừa