Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện đường Hầm Vĩ đại Tiền Thân Mahà Ummagga

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM TÁM  

CHUYỆN ĐƯỜNG HẦM VĨ ĐẠI

TIỀN THÂN MAHÀ UMMAGGA  

Vua Brah Ma Dát xứ Pãn Ca. Trong khi trú tại Kỳ Viên, bậc Đạo Sư kể chuyện này liên quan đến sự viên mãn của trí tuệ Tối Thắng.

Một ngày kia, các Tỳ Kheo ngồi tại Chánh Pháp đường, miêu tả trí tuệ Tối thắng của Đức Phật: Này các Hiền Giả, Đức Phật Chánh Đẳng Giác có Thắng trí thật quảng bác, linh lợi, tinh anh, sắc sảo, đánh tan mọi tà thuyết, chính nhờ thần lực đại trí của Ngài, sau khi quy phục Bà La Môn Kùtadanta và nhiều Bà La Môn khác, các ẩn sĩ Sàbhiya và nhiều ẩn sĩ khác.

Cường đạo Angulimàla cùng nhiều cường đạo khác, thần Dạ Xoa Àlavaka cùng nhiều thần Dạ Xoa khác, Thiên Chủ Sakka cùng nhiều Thiên Chủ khác, Bà La Môn Baka cùng nhiều Bà La Môn khác, v.v…  khiến bọn họ phải khiêm nhường bái phục, Ngài lại truyền Đại giới cho một số đông ẩn sĩ và an trú họ vào Thánh Đạo quả.

Bậc Đạo Sư đi đến, hỏi các Tỳ Kheo đang bàn luận gì, khi các vị nói cho Ngài biết, Ngài bảo: Không phải bây giờ Đức Phật mới có trí tuệ viên mãn, mà ngày xưa, trước khi trí tuệ Ngài viên mãn, Ngài đã đủ đại trí vào thời kỳ Ngài còn đang đi tìm đạo Giác Ngộ. Sau đó Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa có vị Vua Danh Hiệu Vedeha trị vì ở Mithilà. Ngài được bốn vị Hiền Trí dạy Ngài về Giáo Pháp, đó là Senaka, Pukkusa, Kàvinda và Devinda.

Lúc bấy giờ Bồ Tát còn ở trong mẫu thai, một buổi tảng sáng, Vua chiêm bao thấy mộng như sau: Bốn cột lửa bừng sáng ở bốn gốc Hoàng Cung, cao như bức trường thành, ở giữa nổi lên một tia lửa bằng con đom đóm, bỗng chốc nó vượt cao quá bốn ngọn kia và bùng lên đến tận Phạm Thiên Giới, soi sáng toàn Cõi thế gian, ngay đến một hột cải cũng được thấy rõ.

Nhân giới và Thiên Giới liền đưa hương hoa ra cung kính cúng dường ngọn lửa ấy rồi một đám đông đi xuyên qua ngọn lửa nhưng chẳng hề bị cháy sợi tóc nào.

Vua thấy cảnh tượng ấy giật mình kinh hãi ngồi dậy suy đoán những điềm sắp xảy ra và đợi Trời sáng. Bốn vị Hiền Trí sáng hôm sau đến vấn an Vua có được ngon giấc chăng.

Ngài bảo: Làm sao trẫm an giấc được khi trẫm chiêm bao như vậy?

Hiền Giả Senaka tâu: Xin Đại Vương đừng ngại, đó là mộng lành, Đại Vương sẽ được vinh quang.

Rồi khi được yêu cầu giải thích rõ, ông nói: Tâu Đại Vương, một vị Hiền Trí thứ năm sắp ra đời sẽ vượt hẳn chúng thần, chúng thần nay như bốn cột lửa, nhưng ở giữa chúng thần sẽ phát ra cột lửa thứ năm, là bậc Vô Thượng Sĩ chiếm vị trí tối cao trong Cõi Nhân Thiên.

Thế vị ấy bây giờ ở đâu?

Tâu Đại Vương, vị ấy hoặc sẽ xuất hiện hoặc sẽ sinh ra từ mẫu thai. Nhờ tri kiến do Thiên Nhãn Thông, vị này nói như vậy, nên từ đó Vua nhớ kỹ những lời ấy.

Lúc bấy giờ ở bốn cổng thành Mithilà có bốn thị trấn gọi là Đông trấn, Nam trấn, Tây trấn và Bắc trấn. Ở Đông trấn có một phú gia tên gọi Sirivaddhaka và bà vợ tên là Sumanàdevi.

Vào ngày Vua nằm mộng ấy, bậc Đại Sĩ từ Cõi Trời Ba Mươi Ba xuống nhập thai mẹ và một ngàn vị Thiên tử cũng từ Thiên Giới xuống đầu thai vào gia đình các phú thương ở làng ấy.

Sau mười tháng bà Sumàna sinh một cháu trai có màu da như vàng ròng. Lúc ấy Sakka Thiên Chủ phóng mắt nhìn xuống thế gian, thấy bậc Đại Sĩ ra đời, Ngài nhủ thầm Ngài phải thông báo khắp Cõi Nhân Thiên rằng vị Phật tương lai đã ra đời, Ngài liền xuất hiện khi hài nhi vừa sinh ra, đặt một nhánh cỏ thuốc vào tay hài nhi, rồi trở về Thiên Giới.

Bậc Đại Sĩ nắm chặt nhánh cỏ trong tay và khi Ngài ra đời từ bụng mẹ, mẹ Ngài không thấy đau đớn tí nào cả, mà Ngài ra nhẹ nhàng như nước tuông ra từ bình Thánh lễ.

Khi mẹ Ngài trông thấy nhánh cỏ thuốc trong tay Ngài, bà liền nói: Này con, con cầm vật gì thế?

Ngài đáp: Thưa mẹ, đó là cỏ thuốc. Ngài đặt nó vào tay mẹ và bảo bà cất lấy để cho bất cứ người nào bị bệnh dù bệnh gì cũng được. Lòng đầy hoan hỷ, bà mẹ liền nói chuyện này với phú gia Sirivadhaka, vốn đã bị bệnh nhức đầu trong bảy năm qua.

Ông sung sướng tự nhủ: Hài nhi này sinh ra từ bụng mẹ đã cầm cây thuốc và vừa ra đời đã trò chuyện cùng mẹ, cây thuốc do một bậc tài trí siêu phàm như vậy trao cho chắc phải có đại công lực.

Thế là ông chà cây thuốc vào hòn đá mài rồi thoa một ít vào trán, lập tức chứng nhức đầu đeo đẳng ông trong bảy năm qua liền tiêu tan như nước lăn khỏi lá sen.

Vô cùng sung sướng, ông kêu to: Đây là thuốc thần. Tin tức lan truyền khắp nơi rằng bậc Đại Sĩ ra đời với cây thuốc thần trong tay, khiến bệnh nhân kéo đến tấp nập tại nhà phú thương xin thuốc.

Họ lấy một ít đem cho mọi bệnh nhân, chà lên đá mài, trộn với nước, hễ thân bệnh nhân nào đụng đến thuốc thần đều lành bệnh cả, nên các bệnh nhân hân hoan ra đi loan truyền tin về công lực kỳ diệu của thần dược trong nhà phú thương Sirivadhata.

Vào ngày đặt tên hài nhi, phú thương nghĩ thầm: Con ta không cần phải được đặt tên theo dòng họ Tổ Tiên, mà phải để con ta mang tên cây thuốc thần mới được, và ông liền đặt tên con là Osadha Kumàra Dược thảo Nam tử.

Rồi ông lại nghĩ thầm: Con ta có được đại công đức như thế, chắc chẳng ra đời một mình đâu, còn có nhiều hài nhi khác cũng ra đời một lượt.

Khi hỏi thăm, phú ông nghe được cả ngàn hài nhi khác cùng ra đời một lượt với con mình, ông liền gởi chúng cho nhũ mẫu cùng y phục và quyết định rằng những hài nhi kia sẽ là người hầu cận của con ông, ông cử hành một đại lễ dành cho bậc Đại Sĩ cùng các hài nhi kia, điểm trang cho chúng thật đẹp và ngày ngày đến chơi đùa với Ngài. Bậc Đại Sĩ lớn lên cùng các trẻ kia vui chơi thỏa thích.

Khi được bảy tuổi, Ngài xinh đẹp như một pho tượng bằng vàng. Những lúc Ngài chơi đùa với các trẻ trong làng, các bầy voi ngựa đi ngang qua cản trở trò chơi, hoặc đôi khi đám trẻ bị mệt nhọc vì mưa nắng.

Một ngày kia khi họ đang vui chơi, thình lình một cơn bão rớt trái mùa chợt đến, bậc Đại Sĩ lúc ấy đã mạnh như voi, thấy vậy vội chạy vào nhà, đám trẻ kia chạy theo vào, té ngã lên nhau, sưng trầy chân cẳng.

Ngài liền nghĩ thầm: Ta phải xây một hí trường tại đây, ta không thể chơi kiểu này mãi được.

Ngài liền bảo các trẻ kia: Ta hãy xây một hí trường tại đây, để có thể vào đứng, nằm, ngồi những lúc mưa gió, oi nồng, vậy các bạn hãy đem mỗi người một số tiền lại đây.

Đám ngàn trẻ kia vâng lời và bậc Đại Sĩ mời một chú thợ mộc đến trao số tiền và nhờ ông ta xây một sảnh đường tại đó. Người chủ thợ mộc nhận lời, san bằng mặt đất, dựng cột và giăng dây đo đạc, nhưng ông ta chưa hiểu ý bậc Đại Sĩ, nên Ngài phải dặn người chủ thợ ấy đo dây thế nào cho phù hợp ý Ngài.

Người ấy nói: Lão giăng dây ra theo kinh nghiệm hành nghề của lão thôi, chứ lão không biết làm cách khác.

Nếu lão không biết chỉ một chuyện này thôi thì làm sao lão nhận tiền của ta mà xây nhà cho được?

Vậy lão hãy cầm dây đi, ta sẽ đo và chỉ cho lão thấy. Ngài bảo ông cầm dây rồi chính Ngài đo lấy đồ án, như thể thần Vissakamma đã thực hiện trước đây vậy.

Xong Ngài hỏi người thợ mộc: Thế lão có biết vẽ đồ án cách này không?

Thưa Ngài, lão không biết.

Thế lão có thể vẽ theo lời ta chỉ dẫn không?

Thưa Ngài, được.

Bậc Đại Sĩ liền sắp đặt sảnh đường có một phần là nơi cư trú cho lữ khách bình thường, một phần là nơi cư trú cho các phụ nữ nghèo khổ, một phần là nơi cư trú cho những người bần cùng, một phần là nơi cư trú của các Sa Môn, Bà La Môn, một phần khác dành cho đủ loại nam nhân.

Một phần khác dành cho các khách thương lạ cất hàng hóa, mọi phòng đều có cửa lớn thông ra ngoài. Lại có một nơi công cộng dành cho các trò giải trí, một tòa án và một phòng lớn để làm thánh lễ.

Khi công việc đã hoàn tất, Ngài triệu tập các họa sĩ lại và chính Ngài xem họ họa hình thật đẹp để trang hoàng sảnh đường chẳng khác nào Thiên Cung Sudhamma của Sakka Thiên Chủ.

Ngài vẫn nghĩ rằng cung điện ấy chưa hoàn hảo: Ta phải cho xây một hồ nước mới được. Ngài liền ra lệnh đào đất và bàn luận việc này với một kiến trúc sư xong, Ngài trao tiền bảo ông ta xây một hồ nước có một ngàn lối rẽ trên bờ và một trăm bến tắm.

Mặt nước thả năm loại hoa sen rực rỡ chẳng khác nào hồ trên hoa viên Nandana của Thiên Giới. Trên bờ Ngài trồng nhiều loại cây và hoa viên chẳng khác nào vườn Thiên lạc Nandana.

Gần sảnh đường, Ngài dựng lên một nơi cúng dường các bậc tu hành dù là Sa Môn hay Bà La Môn, cùng các lữ khách hay dân chúng từ các làng lân cận.

Các hành động của Ngài gây tiếng vang khắp nơi khiến các đám dân chúng tụ tập tại sảnh đường. Bậc Đại Sĩ thường ngồi đó bàn luận chánh tà trong các việc thiện ác của các đám người đến xin ở lại đây, Ngài phán xét từng trường hợp và thời kỳ ấy thật an lạc chẳng khác nào thời một Đức Phật xuất hiện tại thế.

Lúc bấy giờ, khi mãn hạn bảy năm, Vua Vedeha nhớ lại bốn vị Hiền Trí đã bảo rằng một Hiền Trí thứ năm sẽ ra đời vượt lên hẳn bốn vị ấy về tài trí và tự nhủ: Thế vị này hiện nay ở đâu?

Vua liền phái bốn vị cận thần ra bốn hoàng môn, ban lệnh cho họ đi tìm vị Hiền Trí ấy.

Khi họ ra ba hoàng môn kia, họ không tìm thấy dấu hiệu nào của bậc Đại Sĩ, nhưng khi họ ra phía Đông môn họ thấy sảnh đường ấy cùng nhiều lâu đài khác, họ tìm chắc rằng chỉ có Bậc Hiền Trí mới xây dựng lâu đài này hoặc bảo dân chúng xây dựng lên như vậy.

Họ liền hỏi công chúng: Vị kiến trúc sư nào đã xây lên sảnh đường này?

Dân chúng đáp: Lâu đài này không phải do một kiến trúc sư nào xây hoặc do quyền lực của vị ấy xây lên, mà là do sự hướng dẫn của bậc Trí Giả Mahosadha Đại Thần dược, con trai của phú thương Sirivaddha.

Cậu ấy bao nhiêu tuổi?

Cậu vừa tròn bảy tuổi.

Vị cận thần suy xét lại mọi biến cố xảy ra từ ngày Vua chiêm bao đến nay và tự nhủ:

Chuyện này ứng với chiêm bao của Vua rồi, liền sai sứ giả dâng sớ trình Vua: Mahosadha, con trai của phú thương Sirivaddha ở Đông môn thành, nay lên bảy tuổi, đã bảo xây một sảnh đường cùng hoa viên và hồ nước như vậy, xin cho Tiểu Thần đem cậu bé ấy đến yết kiến Đại Vương được chăng?

Khi nghe vậy, Vua vô cùng hoan hỷ, truyền mời Senaka đến. Sau khi kể lại sự việc, Vua hỏi ông xem có nên triệu vị Trí Giả ấy đến chăng.

Nhưng ông ganh tỵ với chức Trí Giả ấy, liền đáp: Tâu Đại Vương, ta không nên gọi một người nào là Hiền Trí chỉ vì người ấy ra lệnh bảo xây những lâu đài như vậy cả, đó chỉ là việc nhỏ chẳng quan trọng gì.

Khi Vua nghe vậy, nhủ thầm: Chắc phải có lý do bí mật nào đây, rồi Ngài im lặng. Ngài cho sứ giả ra về, dặn viên Đại Thần phải ở lại nơi ấy một thời gian và quan sát vị Trí Giả ấy thật kỹ lưỡng. Vị cận thần ở lại đó thăm dò mọi hành vi của vị Trí Giả và sau đây là một loạt các cách thử tài hay cuộc thăm dò.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần