Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Cây Hành Tiền Thân Kkala

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN CÂY HÀNH

TIỀN THÂN KKALA  

Chẳng rau để luộc, cũng không hành. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một cư sĩ phụng dưỡng cha mình.

Chuyện kể rằng người này tái sinh vào một gia đình nghèo khó. Sau khi mẹ mất, chàng thường dậy sớm vào buổi sáng và soạn tăm xỉa răng cùng nước súc miệng, sau đó đi làm thuê hay cày ruộng ngoài đồng, chàng thường nấu cháo gạo nuôi cha theo phong cách phù hợp hoàn cảnh mình.

Cha chàng bảo: Này con, con phải làm mọi việc từ trong nhà ra ngoài đường. Thôi để cha kiếm vợ cho con, nàng ấy sẽ làm việc nhà thay con.

Chàng đáp: Thưa cha, nếu có đàn bà đến nhà này, họ sẽ không làm cha con ta yên tâm được đâu. Xin cha đừng mơ tưởng chuyện đó nữa. Khi cha còn sống, con muốn phụng dưỡng cha, và khi cha từ trần, con sẽ biết việc gì cần làm.

Song người cha đi kiếm về một cô gái, dù con mình không muốn, và nàng ấy lo chăm sóc chồng và cha chồng. Tuy vậy, nàng là người hèn hạ.

Lúc bấy giờ chồng nàng hài lòng vì nàng đã săn sóc cha chàng, và bất cứ món gì chàng tìm được để làm nàng vui lòng, chàng đều đem về cho nàng và nàng đưa cho cha chồng.

Rồi có lúc người đàn bà ấy suy nghĩ: Bất cứ cái gì chồng ta kiếm được đều đem cho ta, chứ không cho cha chàng chút nào cả. Rõ ràng là chàng chẳng quan tâm gì đến cha. Ta phải tìm cách gây xích mích giữa ông già và chàng, rồi ta sẽ đuổi ông già ra khỏi nhà.

Vì thế từ đó, nàng bắt đầu đem nước quá lạnh hoặc quá nóng cho ông lão, thức ăn thì nàng bỏ muối quá nhiều hoặc chẳng bỏ chút muối nào, cơm nàng nấu cứng ngắc hoặc mềm nhão. Nàng cố làm đủ mọi thứ như vậy để khiêu khích ông lão.

Rồi khi ông lão tức giận, nàng mắng lại: Ai hầu nổi một ông già như thế này?

Nàng vừa nói vừa gây chuyện ồn ào.

Nàng khạc nhổ khắp mặt đất rồi thức chồng nàng dậy và bảo: Xem kìa, cha chàng làm thế đó!

Thiếp mãi van xin cha đừng làm thế này thế nọ, mà cha chỉ nổi giận. Hoặc cha chàng, hoặc thiếp phải đi ra khỏi nhà này.

Lúc ấy người chồng bảo: Này nàng, nàng còn trẻ, nàng muốn ở đâu tùy ý, song cha ta đã già, nếu nàng không thích ông cụ, thì nàng cứ đi khỏi nhà. Lời nói ấy khiến nàng khiếp sợ. Nàng quỳ xuống chân ông lão xin ông thứ lỗi và hứa từ nay sẽ không làm thế nữa, rồi lại bắt đầu săn sóc ông lão như trước kia.

Vị Cư Sĩ đáng trọng ấy trước tiên quá lo âu vì cách đối xử của nàng, nên bỏ việc đến yết kiến bậc Ðạo Sư để nghe thuyết pháp, song khi nàng đã hồi tâm, chàng lại đến. Bậc Ðạo Sư hỏi tại sao chàng không đến nghe Ngài thuyết giảng bảy tám ngày nay. Chàng kể lại mọi việc xảy ra.

Bậc Ðạo Sư bảo: Lần này, ông không chịu nghe vợ, và không đuổi cha ra khỏi nhà, nhưng trong một đời quá khứ, ông làm theo lời vợ bảo, đã đem cha ra bỏ trong một nghĩa địa và đào cho ông lão một cái hố.

Vào thời kỳ ông sắp giết cha, ta được bảy tuổi và nhờ ta kể công đức cha mẹ và cản ông khỏi tội giết cha. Thời đó ông đã nghe lời ta, và nhờ việc săn sóc cha trong lúc ông lão còn sống mà ông được sinh lên Thiên Giới.

Thời ấy Ta đã thuyết giảng và báo cho ông biết trước để đừng bỏ rơi cha khi sinh vào một đời khác. Vì duyên cớ này nên ngày nay ông không chịu nghe theo lời người đàn bà kia bảo, và cha ông không bị giết hại.

Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của người ấy, Ngài kể một chuyện quá khứ. Ngày xưa, khi Vua Brahamadatta trị vì ở Ba La Nại, trong một làng kia ở Kàsi, một gia đình nọ có một con trai duy nhất tên gọi Vasitthaka. Chàng này nuôi nấng cha mẹ, và sau khi mẹ mất, chàng phụng dưỡng cha như đã tả ở phần đầu.

Nhưng có chỗ khác ở đây là:

Khi người đàn bà bảo: Nhìn kia kìa!

Cha chàng làm thế đó, thiếp cứ mãi van xin cha chàng đừng làm thế này thế nọ, cha chỉ nổi giận, nàng lại nói tiếp: Này phu quân, cha chàng hung dữ, độc ác lắm, vì cứ mãi gây sự cãi vã. Một lão già lụ khụ như vậy, lại bị bệnh hoạn giày vò, sắp chết đến nơi rồi, nên thiếp không thể ở cùng nhà với ông lão được.

Trước sau gì ông lão cũng chết già thôi, vậy chàng hãy đem ông lão ra nghĩa địa, đào hố ném ông vào và lấy cái cuốc đập đầu ông đi. Khi ông chết rồi hãy xúc đất lấp hố lại, và để mặc đó.

Cuối cùng, vì cứ nghe mãi những lời đinh tai nhức óc, chàng bảo: Này nàng ơi, giết người là việc hệ trọng, bằng cách nào ta có thể làm thế được?

Vợ đáp: Thiếp sẽ chỉ cho chàng một cách. Vậy cứ nói đi. Nào, phu quân, rạng ngày mai, hãy đến nơi cha chàng ngủ, nói thật lớn với ông lão để mọi người đều nghe được, rằng có một con nợ của cha ở một làng kia mà chàng đã đến gặp, nhưng gã không chịu trả tiền cho chàng. Nếu ông lão chết, thì gã ấy chẳng bao giờ trả nợ nữa.

Vậy hãy nói rằng hai cha con sẽ cùng lái xe đến đó vào buổi sáng, rồi đến giờ đã định, chàng hãy cột đôi bò vào xe, đưa ông lão đến nghĩa địa. Khi chàng đến đó, hãy chôn ông vào cái hố và la to lên như thể chàng bị cướp giữa đường và bị thương, rồi gội đầu mà ra về.

Chàng bằng lòng làm theo lời bàn ấy và sắp sẵn chiếc xe bò lên đường. Lúc bấy giờ người ấy có một con trai lên bảy tuổi, nhưng rất khôn ngoan và thông minh.

Cậu bé nghe lọt những chuyện mẹ nói, và nghĩ thầm: Mẹ ta thật là một ác phụ, đang cố thuyết phục cha ta giết ông nội. Ta muốn ngăn cản cha ta khỏi tội giết người này. Cậu ta liền chạy nhanh đến nằm cạnh ông nội. Vào giờ phút người vợ dặn dò, Vasitthaka đã sắp sẵn chiếc xe bò.

Chàng bảo: Cha ơi, dậy đi, ta đi đòi nợ. Rồi chàng đặt cha ngồi vào xe. Song cậu bé ngồi vào xe trước tiên. Vasitthaka không thể cản con được, nên cùng đem cậu đi ra nghĩa địa với họ.

Sau đó, đem cha già và con trai ra để ngồi riêng một nơi với chiếc xe, còn chàng bước xuống lấy cuốc và cái giỏ đến một nơi, dấu mình cho họ khỏi thấy rồi bắt đầu đào một lỗ vuông lớn.

Cậu bé đi xuống theo cha và làm như thể không biết việc gì đang xảy ra, cậu ngâm vần kệ đầu tiên để mở lời:

Chẳng rau để luộc, cũng không hành,

Chẳng bạc hà, cây để nấu canh,

Nếu chẳng cần, sao cha bới đất

Một mình, trong nghĩa địa rừng xanh?

Rồi cha cậu đáp lại bằng cách ngâm vần kệ thứ hai:

Ông nội già nua, quá yếu gầy,

Do nhiều bệnh hoạn, khổ tràn đầy,

Cha chôn ông nội trong mồ đó,

Cha chẳng muốn ông sống thế này.

Nghe thế, cậu bé đáp lại qua nửa vần kệ:

Cha cầu việc ấy, tội đà gây,

Vì việc làm này độc ác thay!

Cùng với những lời trên, cậu bé chụp lấy cái cuốc từ tay cha cậu và bắt đầu đào một hố khác không xa đó mấy.

Cha cậu liền đến gần hỏi tại sao con đào hố đó, cậu đáp lại bằng cách ngâm hết vần kệ thứ ba:

Con sẽ thờ cha lúc tuổi già

Như cha đối xử với ông nhà,

Theo phong tục ấy trong gia tộc,

Con cũng chôn cha dưới hố mà.

Người cha đáp lại qua kệ thứ tư:

Thằng bé nói lời ác nghiệt thay,

Ông cha sao mắng mỏ như vậy!

Nghĩ rằng con trẻ rầy la bố,

Với bạn chí tình, tệ lắm đây!

Khi người cha nói vậy xong, cậu bé khôn ngoan ngâm ba vần kệ, một để đáp lời và hai để làm thành khúc Thánh Đạo Ca:

Con không tồi tệ hoặc hung tàn,

Con đối với cha, dạ thiết thân,

Nhưng việc này cha làm đại ác,

Sức nào gỡ lại, nếu sai lầm?

Người ác ý làm, hỡi Vattha,

Hại người vô tội, mẹ cùng cha,

Ðến khi người ấy thân vong hoại,

Ðịa ngục phải vào, chắc chẳng xa.

Người dùng cơm nước, hỡi Vattha,

Ðem phụng dưỡng luôn mẹ với cha,

Người ấy đến khi thân hủy hoại,

Sẽ lên Thiên Giới hiển nhiên mà.

Người cha sau khi con thuyết giáo, liền ngâm vần kệ thứ tám:

Thấy con không tàn nhẫn, vong ơn,

Ðối với cha đầy dạ mến thương,

Chính bởi cha vâng lời của mẹ,

Ðịnh làm việc ác thật kinh hồn.

Khi nghe vậy, cậu bé bảo: Thưa cha, đàn bà hễ khi làm việc ác mà không bị khiển trách, thì còn tái phạm mãi. Vậy cha phải uốn nắn mẹ con để cho mẹ sẽ chẳng bao giờ làm lại một việc như vậy.

Rồi cậu ngâm vần kệ thứ chín:

Vợ cha là ác phụ vô lương,

Bà đã sinh con, chính mẹ con,

Ta hãy đuổi bà ra khỏi cửa,

Sợ bà gây việc khác cha buồn.

Nghe lời đứa con khôn ngoan, Vasittha rất hoan hỷ bảo: Nào ta đi con! Chàng lại ngồi vào xe bò với cha và con mình. Lúc bấy giờ người đàn bàn gây tội ác ấy cũng sung sướng lắm vì tưởng rằng đã tống được con người xui xẻo ra khỏi nhà rồi. Nàng trét đầy phân bò ướt trên sàn và nấu một mẻ cháo gạo.

Song khi nàng ngồi trông ra con đường mà họ sẽ trở về, nàng thấy họ đang tiến đến: Kìa chàng ta đã về, lại có lão già xui xẻo ấy nữa.

Nàng suy nghĩ, lòng đầy tức giận: Hừ! Ðồ vô dụng.

Nàng la lớn: Sao, đem về cái của nợ chàng đã mang đi vứt ấy à?

Vasittha không nói một lời, và mở tháo dây chiếc xe bò ra.

Rồi chàng bảo: Cô nói gì thế?

Chàng đánh cho nàng một trận nên thân, rồi chụp đầu nàng tống ra khỏi cửa, cấm nàng đừng bao giờ đến làm bẩn cửa nhà chàng nữa. Rồi chàng tắm cho cha và con, chính chàng cũng tắm luôn, và cả ba ngồi ăn cháo gạo. Còn người đàn bà độc ác liền đến ở nhà khác vài ngày.

Sau đó cậu bé bảo cha: Cha ơi, về việc này mẹ con chưa hiểu đâu. Bây giờ ta thử chọc tức bà ấy đi. Cha tung tin trong làng kia có cô cháu gái của cha, muốn săn sóc cha, ông và con, vì vậy cha định đem cô ấy về, rồi cha lấy hoa tươi và dầu thơm để lên xe, và cứ đi quanh vùng suốt ngày đến tối mới về nhà. Chàng làm theo như vậy.

Những bọn đàn bà trong xóm nhà chàng đến bảo nàng: Chị có nghe nói chồng chị đã đi kiếm một cô vợ khác ở một chỗ nào đó chăng?

Nàng kêu lên: Ôi thế là ta tàn đời rồi, chẳng còn chỗ nào dành cho ta cả!

Nhưng nàng muốn hỏi thăm con nàng, vì thế nàng vội vã đi tìm con, sụp xuống chân nó, kêu khóc lên: Trừ con ra, mẹ chẳng có nơi đâu nương tựa nữa!

Từ nay về sau mẹ cố quyết chăm sóc cha con và ông nội như thể chăm sóc ngôi Bảo Tháp tuyệt đẹp vậy.

Cho mẹ vào nhà lần nữa đi con!

Vâng thưa mẹ, cậu đáp nếu mẹ không làm gì như trước thì con sẽ để mẹ vào, thôi mẹ hãy vui lên nào.

Và khi cha cậu về, cậu ngâm vần kệ thứ mười:

Bà vợ cha kìa, bạc ác thay,

Người sinh con trẻ, chính là đây,

Như voi được luyện rất thuần thục,

Cho trở lui, người tội lỗi này.

Cậu nói thế với cha xong, liền đi gọi mẹ cậu vào. Nàng làm lành với chồng và cha chồng xong, từ đó tánh tình thuần thục tràn đầy đức độ chân chính, và săn sóc cả cha, chồng cùng con chu đáo. Cả hai vợ chồng cương quyết theo lời con khuyên nhủ, chuyên bố thí và làm các thiện sự, rồi được sinh lên cộng trú với Thiên Chúng.

Sau khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, người con hiếu thảo được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ hai cha con và nàng dâu ấy cũng là những người này, còn cậu bé khôn ngoan ấy chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần