Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Bốn - Tạp Phẩm - Chuyện Nam Tử Uddalaka Tiền Thân Uddalaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BỐN  

TẠP PHẨM  

CHUYỆN NAM TỬ UDDALAKA

TIỀN THÂN UDDALAKA  

Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người gian dối.

Người này, mặc dù đã đặt cuộc đời mình vào giáo pháp đưa đến giải thoát, trong lúc muốn kiếm lợi dưỡng cần dùng để sống, đã hành động lừa đảo cả ba mặt.

Tăng Chúng đều rõ ra những ác hạnh của người này trong lúc bàn luận tại chánh pháp đường: Này các Hiền Giả, người đó sau khi đã đặt hết cuộc đời mình vào chánh pháp của Đức Phật đưa tới giải thoát, lại sống lừa dối kẻ khác!

Bậc Ðạo Sư bước vào, và muốn biết Tăng Chúng đang bàn luận gì tại đó.

Tăng Chúng trình với Ngài.

Ngài bảo: Ðây không phải là lần đầu tiên, kẻ ấy trước kia cũng đã lừa dối rồi.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thưở nọ, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát là một vị Tế Sư rất thông thái. Một ngày kia, Ngài vào vườn hoa để giải trí, chợt thấy một cô gái có sắc đẹp lẳng lơ, đâm say mê nàng và đem nàng về nhà mình chung sống.

Khi thấy mình thọ thai, nàng liền bảo Ngài: Thưa Ðại Quan, thiếp đã có thai, khi sinh con, thiếp muốn đặt tên cho nó theo danh tánh của Tổ Phụ nó.

Song Ngài suy nghĩ: Chẳng bao giờ tên họ của một dòng quý tộc lại đặt cho đứa con hoang của một nô tỳ.

Vì thế, Ngài bảo: Này ái nương, cây này tên là Uddala quế, nàng có thể đặt tên con là Uddalaka vì nó thọ thai ở gốc cây này.

Sau đó, Ngài cho nàng một chiếc nhẫn có dấu hiệu riêng và bảo: Nếu nó là con gái, hãy dùng chiếc nhẫn này mà nuôi dưỡng nó cho lớn khôn, còn nếu là con trai thì hãy đem đến cho ta lúc nó trưởng thành.

Ðến kỳ hạn, nàng sinh hạ một con trai và đặt tên là Uddalaka.

Khi chàng trai lớn lên, chàng hỏi mẹ: Mẹ ơi, cha con là ai thế?

Là vị Tế Sư đấy con ạ.

Nếu vậy, con sẽ học các Kinh Thánh.

Thế là khi nhận được chiếc nhẫn từ tay mẹ và số học phí dành cho thầy giáo, chàng lên đường đi đến Takkasilà, và học ở đó với một Giáo Sư lừng danh Thế Giới.

Trong thời gian học tập, chàng thấy một đám người tu khổ hạnh.

Chàng suy nghĩ: Ðám người kia chắc chắn phải có kiến thức vẹn toàn. Vậy ta muốn học hỏi ở họ. Vì thế, chàng từ giã thế tục, và vì chàng ước mong được kiến thức, nên làm việc phục dịch các vị này, chỉ yêu cầu các vị ấy dạy lại cho chàng mọi kiến thức thông thái của họ.

Thế rồi các vị ấy dạy cho chàng mọi điều hiểu biết, song giữa đám năm trăm người ấy chẳng có ai vượt chàng về kiến thức cả, chàng là người thông thái nhất.

Sau đó, đám người ấy tụ tập lại và bầu chàng làm thầy.

Chàng bảo họ: Thưa các Tôn Giả, các Ngài sống suốt đời ở trong rừng ăn toàn hoa quả, củ rừng, tại sao các Ngài không đi đến chỗ của người thế tục?

Thưa Tôn Giả, người đời muốn cúng dường chúng ta, nhưng lại muốn chúng ta trả ơn bằng cách thuyết pháp, họ hay hỏi ta nhiều chuyện lắm. Vì sợ điều này nên chúng ta không muốn đến giữa người đời.

Chàng đáp: Thưa các Tôn Giả, nếu các Ngài có ta cùng đi, thì cứ để một vị Chuyển Luân Vương cật vấn, một mình ta sẽ giải đáp ổn thỏa, chớ sợ gì cả.

Thế là chàng cùng hội chúng đi du hành khất thực để sống và cuối cùng đến Ba La Nại, trú ngụ trong vườn ngự uyển. Hôm sau, cùng với cả đám ấy chàng khất thực ở một làng trước cổng thành. Dân chúng bố thí rất nhiều. Ngày hôm sau nữa, các nhà tu khổ hạnh đi qua Kinh Thành, dân chúng lại bố thí rất nhiều.

Vị khổ hạnh Uddalaka nói lời tùy hỷ công đức rồi giải đáp các lời chất vấn. Dân chúng rất hoan hỷ và lại cúng dường phong phú cho hội chúng mọi thứ cần dùng.

Toàn Kinh Thành vang dậy tin đồn: Một vị Giáo Sư thông thái mới đến, một vị Thánh Nhân khổ hạnh.

Và Vua nghe được tin đó.

Nhà Vua hỏi: Các vị ấy đang ở đâu?

Dân chúng tâu: Trong ngự uyển.

Nhà Vua bảo: Tốt lắm, hôm nay ta sẽ đi thăm các vị ấy.

Một người đi báo với Uddalaka: Ðức Vua sẽ đến viếng các Tôn Giả hôm nay.

Chàng gọi hội chúng lại và bảo: Này các Tôn Giả, Đức Vua sắp đến, hãy chiếm cho được ân Vua trong một ngày cũng đủ cho cả đời người.

Vậy ta phải làm gì, thưa Sư Trưởng?

Chàng đáp: Một vài vị phải chịu khổ hình treo người lủng lẳng, vài vị ngồi xổm dưới dất, vài vị nữa nằm trên giường chông, vài vị khác chịu khổ hạnh với năm ngọn lửa, thêm vài vị ngâm mình xuống nước và vài vị tụng Thánh Kinh ở chỗ này chỗ nọ.

Các vị ấy làm y lời. Chính chàng cùng độ mười vị Hiền Giả ngồi trên một chỗ đã soạn sẵn có lót gối dựa, bàn luận với nhau, có một quyển sách đẹp cân xứng nằm trên một cái giá mực sang trọng bên cạnh chàng, và thính chúng vây quanh.

Lúc ấy, Vua và vị Tế Sư cùng với đám tùy tùng đông đảo bước vào ngự uyển, và Vua khi thấy tất cả hội chúng ở đây đang chuyên chú trong dáng điệu khổ hạnh như vậy, Vua rất hoan hỷ, nghĩ thầm: Các vị này đều giải thoát khỏi nỗi lo âu về các Cõi dữ ở đời sau rồi. Khi đến gần Uddalaka, Vua ân cần đảnh lễ và ngồi xuống một bên.

Rồi với lòng hân hoan, Vua bắt đầu nói chuyện với vị Tế Sư và ngâm vần kệ đầu:

Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,

Miệng thì thầm lời thánh đạo bình an,

Chẳng từ nan nhiều phương tiện Hiền Nhân,

Chắc đã đạt chân như và Giải thoát.

Nghe vậy, vị Tế Sư nghĩ: Ðức Vua hoan hỷ ở một chỗ đáng lẽ không nên hoan hỷ, vậy ta không được giữ yên lặng.

Rồi Ngài ngâm vần kệ:

Một trí nhân có thể làm ác hạnh,

Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,

Ngàn câu Vệ Đà chẳng tạo an toàn

Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.

Khi Uddalaka nghe những lời này, liền nghĩ thầm: Vua hài lòng về những vị khổ hạnh này, song vị Tế Sư lại đụng ngay vào mõm con bò khi chạy quá nhanh, làm rơi đồ dơ vào dĩa cơm đã dọn sẵn, ta phải nói chuyện với vị ấy mới được.

Vì thế, chàng đáp lời Ngài qua vần kệ thứ ba:

Ngàn câu Vệ Đà chẳng tạo an toàn

Khi việc hỏng, hoặc cứu người nguy khốn:

Kinh Vệ Đà hẳn là đồ vô dụng,

Chánh đạo là: làm chánh, tự điều thân.

Vị Tế Sư nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ tư:

Không phải thế, Vệ Đà không vô dụng,

Dù tự điều thân là đạo Chánh chân,

Học Vệ Đà vẫn mang lại vinh quang,

Song ta đạt tối an nhờ Chánh hạnh.

Bấy giờ, Uddalaka suy nghĩ: Gây gỗ với vị này sẽ không bao giờ ích lợi đâu.

Nếu ta bảo Ngài: Ta chính là con trai của Ngài, Ngài phải thương yêu ta. Vậy ta phải quyết cho Ngài biết ta là con của Ngài.

Thế rồi chàng ngâm vần kệ thứ năm:

Cha mẹ và thân quyến họ hàng

Ðòi ta chăm sóc với yêu thương,

Mẹ cha là bản thân con đó,

Con Ud da la chính búp non

Từ gốc rễ nhà Ngài quý tộc,

Thưa Ngài, Tôn Giả Bà La Môn.

Thế con chính là Uddalaka đấy ư?

Ngài hỏi.

Chàng đáp: Thưa, chính phải.

Sau đó, Ngài hỏi: Trước kia, ta đã cho mẹ con một vật làm tin, nay nó đâu rồi?

Chàng đáp: Thưa Tôn Giả Bà La Môn, chính nó đây! Rồi chàng trao chiếc nhẫn cho Ngài.

Ngài nhận ra chiếc nhẫn ấy rồi bảo: Con là một Bà La Môn hẳn nhiên rồi, song có biết phận sự của một Bà La Môn chăng?

Ngài hỏi về các phận sự này qua vần kệ thứ sáu:

Ðiều gì thành tựu một La Môn,

Vị ấy làm sao được thiện toàn?

Hãy nói thế nào người chánh hạnh,

Làm sao đạt hạnh phúc Niết Bàn?

Uddalaka giải thích việc ấy qua vần kệ thứ bảy:

Bỏ đời, sùng bái lửa thiêng hồng,

Vung gậy tế đàn, rảy nước trong,

Phận sự làm xong, người tán tụng,

La Môn như vậy được an lòng.

Vị Tế Sư lắng nghe chàng kể các phận sự của một vị Bà La Môn như vậy, xong Ngài ngâm vần kệ thứ tám để phê bình chuyện ấy như sau:

Rảy nước không làm sạch Ðạo Nhân,

Thiện toàn chẳng phải việc đăng đàn,

Cũng không an ổn và thân ái,

Chẳng đạt tối cao, lạc Niết Bàn.

Nghe thế, Uddalaka lại hỏi:

Nếu việc này không làm thành một Bà La Môn, thế thì việc gì?

Và chàng ngâm vần kệ thứ chín:

Ðiều gì thành tựu hạnh La Môn

Vị ấy làm sao được thiện toàn,

Xin bảo thế nào người chánh hạnh,

Làm sao thành tựu lạc Niết Bàn?

Vị Tế Sư đáp lời qua vần kệ khác:

Người không của cải, chẳng nương đồng,

Không có họ hàng, chẳng ước mong,

Chẳng thiết cuộc đời, không ái dục,

Hoặc không ác hạnh, thảy đều không.

Ðạo Nhân vậy đạt tâm thanh tịnh,

Giữ phận Chánh chân, được tán đồng.

Sau đó, Uddalaka lại ngâm kệ nữa:

Công, nông, giáo sĩ, đến Vua quan,

Nô lệ, Chiên đà, các tiện dân,

Tất cả những người đầy trắc ẩn,

Ðều thành tựu Cực Lạc Niết Bàn.

Vậy ai cao trọng, ai hèn kém

Giữa các Thánh Hiền tối thượng chăng?

Khi đó, vị Bà La Môn kia ngâm vần kệ nêu rõ ràng không có ai cao, ai thấp khi đã đạt Thánh Quả:

Công, nông, giáo sĩ, đến Vua quan,

Nô lệ, Chiên đà, các tiện dân,

Tất cả những người đầy trắc ẩn,

Ðều thành tựu Cực Lạc Niết Bàn,

Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém

Giữa các Bậc Hiền Thánh Đại Nhân.

Song Uddalaka phê bình điểm này bằng cách ngâm vần kệ:

Công, nông, giáo sĩ, đến Vua quan,

Nô lệ, Chiên đà, các tiện dân,

Tất cả những người này đức hạnh

Ðều thành tựu Cực Lạc Niết Bàn,

Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém,

Giữa các Bậc Hiền Thánh Đại Nhân.

Giáo sĩ, vậy Ngài vô tích sự,

Hư danh địa vị, hẳn rồi chăng?

Ðến đây, vị Tế Sư ngâm đôi vần kệ nữa, cùng với một ví dụ:

Với tấm vải thô nhuộm đủ màu,

Ngôi đình được dựng, mái đình cao,

Ðỉnh tròn, rực rỡ đầy màu sắc,

Bóng đổ một màu vẫn giống nhau.

Vậy khi nhiều kẻ đạt thanh tâm

Tại chính nơi đây, giữa cõi trần,

Người thiện thấy toàn là bậc Thánh,

Chẳng hề hỏi huyết thống nguồn căn.

Bấy giờ, Uddalaka không còn nói gì được nữa, nên chàng ngồi yên lặng.

Lúc ấy, vị Tế Sư Bà La Môn nói với Vua: Tâu Ðại Vương, tất cả bọn này đều là phường dối trá, toàn Cõi Diêm Phù sẽ bị suy tàn vì nạn lừa đảo kia.

Xin Ðại Vương hãy khuyến dụ Uddalaka từ bỏ việc hành trì khổ hạnh của nó và làm Tế Sư theo gót hạ thần, lại cho phép đám người này khỏi phải tu tập khổ hạnh, rồi cho chúng đủ gươm, giáo, mộc để làm tùy tùng của Ðại Vương.

Vua chấp nhận, làm theo lời Ngài dạy và tất cả bọn ấy đều đến phụng sự Vua.

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt pháp thoại, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà kẻ này trước kia cũng đã làm một tên lừa đảo.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Tỳ Kheo gian dối này là Uddalaka, Ànanda là Vua và ta chính là vị Tế Sư.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần