Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Vương Tử Hoan Lạc Tiền Thân Somanassa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN VƯƠNG TỬ HOAN LẠC

TIỀN THÂN SOMANASSA  

Kìa ai phá hoại hoặc khinh chê. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về cách Devadatta Đề Bà Đạt Đa dự định sát hại Ngài.

Sau đó bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ðề Ba Đạt Đa tìm cách sát hại Ta, mà trước kia cũng đã làm như vậy. Rồi Ngài kể cho Tăng Chúng nghe một câu chuyện quá khứ. Một thuở nọ, trong Quốc Độ Câu lâu Kuru và Kinh Thành Uttarapãncàla, có vị Vua ngự trị với danh hiệu Renu.

Lúc ấy có một Ẩn Sĩ khổ hạnh tên là Mahàrakkhita, sống ở vùng Tuyết Sơn cùng hội chúng năm trăm vị tu khổ hạnh khác. Trong lúc xuống vùng đồng bằng để xin muối và gia vị, vị tu khổ hạnh ấy đến xứ Uttarapancàla và cư trú trong ngự viên.

Cùng với hội chúng mình đi khất thực, vị ấy đến tận cung môn, và khi Vua chiêm ngưỡng các Hiền Nhân, Ngài rất đẹp lòng về cung cách của các vị, nên mời ngồi trên bảo tọa lộng lẫy, rồi cúng dường cao lương mỹ vị các vị dùng.

Vua lại mời các vị an cư trong ngự viên suốt mùa mưa. Ngài rước các vị vào trong vườn ngự, cung cấp đủ nơi chốn để an trú, cùng các vật cần dùng cho đời sống tu hành, xong rồi từ giã. Sau đó các vị đều ăn uống trong cung Vua. Bấy giờ Vua không có con và đang ước mong sinh được hoàng nam, song chẳng có Vương Tử nào ra đời cho Ngài cả.

Khi mùa mưa qua rồi, vị Ẩn Sĩ Mahàrakkhita nói: Nay vùng Tuyết Sơn xinh tươi dễ chịu lắm, ta hãy trở về đó. Rồi vị ấy tạ từ Vua, Ngài liền tỏ bày đủ mọi cách tôn vinh trọng vọng rất hào phóng đối với các Hiền Nhân, xong hội chúng ra đi. Trên bước du hành, vào đúng ngọ, vị ấy rời đường cái cùng hội chúng của mình ngồi xuống trên thảm cỏ êm ái dưới bóng cây râm mát. Các vị khổ hạnh kia bắt đầu đàm đạo.

Họ nói: Nay không có hoàng nam trong cung để nối nghiệp Hoàng Gia. Nếu Vua có được một Vương Tử thì thật là điều vạn phúc để kế tục Vương nghiệp.

Mahàrakkhita nghe lời hội chúng nói chuyện, liền suy nghĩ: Vua này có sinh được hoàng nam hay chăng?

Rồi vị này nhận xét thấy rằng Vua sẽ có một hoàng nam, vội bảo: Này các Hiền Giả, các bạn đừng lo lắng gì, đêm nay lúc rạng đông một Đấng Thiên Tử sẽ giáng trần, và sẽ nhập mẫu thai của chánh Hậu.

Một vị tu khổ hạnh giả danh nghe được chuyện ấy, nghĩ thầm: Nay ta muốn trở thành người tâm phúc của Hoàng Gia. Khi đến thời hội chúng khổ hạnh phải lên đường, vị ấy liền nằm xuống giả vờ lâm bệnh.

Mau lên, ta cùng đi.

Hội chúng bảo nhau.

Người kia đáp: Ðệ không đi nổi.

Sau đó Hiền Giả Mahàrakkhita biết được tin vì sao người ấy phải nằm yên tại chỗ. Hễ khi hiền hữu đi được thì hãy theo chúng ta ngay. Ngài bảo. Rồi Ngài cùng các Hiền Nhân kia tiến về Tuyết Sơn.

Bấy giờ kẻ lừa dối ấy liền ra sức chạy thật nhanh đến đứng tại cửa cung, dâng sớ tâu rằng có một người tùy tùng của Hiền Giả Mahàrakkhita đến chầu. Kẻ ấy được Vua triệu vào ngay lập tức và bước lên thượng lầu ngồi xuống sàn tọa đã được mời. Vua chào mừng kẻ ấy rồi ngồi xuống một bên, hỏi thăm sức khỏe của Chư Hiền.

Ngài bảo: Tôn Giả trở lại quá sớm.

Thế vì nguyên cớ gì Tôn Giả vội vàng quay lại đây?

Tâu Ðại Vương kẻ ấy đáp trong lúc Chư Hiền đang ngồi thong dong cùng nhau, hội chúng bắt đầu nói chuyện nếu Đức Vua sinh được hoàng nam để kế nghiệp thì thật là điều đại phúc. Khi Tiểu Thần nghe thế, liền suy ngẫm xem Ðại Vương có sinh được hoàng nam không, thì nhờ Thiên nhãn, thần thấy được một vị Thiên Tử vĩ đại sắp giáng trần và vị ấy sẽ nhập vào mẫu thai của chánh hậu Sudhamma.

Rồi thần suy nghĩ: Nếu họ không biết, họ có thể vô tình phá hoại bào thai ấy, vậy thì ta phải thông báo cho họ biết. Và thế là vì để trình Ðại Vương về tin ấy, nên hạ thần đến đây, tâu Ðại Vương. Nay hạ thần đã tâu trình xong, xin cho hạ thần lên đường.

Không, không, này Hiền hữu, không thể như vậy được. Vua vô cùng hơn hỷ đem kẻ lừa gạt kia vào ngự viên ban cho ông một nơi an trú. Từ đó về sau ông sống trong cung Vua, được dâng món ngự thiện tại đó và được mệnh danh là Dibbacakkuka hay là Thiên Nhãn Đạo Nhân.

Sau đó, Bồ Tát từ Cõi Trời Ba Mươi Ba giáng trần, nhập mẫu thai của chánh Hậu và khi Ngài ra đời, triều thần đặt tên Ngài là Somanassa Kumara hay là Vương Tử Hoan Lạc, rồi Ngài được nuôi nấng theo cung cách của Vua chúa.

Bấy giờ vị tu khổ hạnh giả hiệu ở trong góc vươn ngự thường trồng rau đậu, củ, quả. Rồi đem bán cho người trồng rau ở chợ nên kiếm được nhiều tiền bạc. Khi Bồ Tát lên bảy, ở biên thùy có xảy ra bạo loạn. Vua ra đi dẹp giặc, giao phó vị tu khổ hạnh Dibbacakkhuka ấy cho Thái Tử chăm sóc và dặn không được xao nhãng vị ấy. Một ngày kia, Thái Tử đến thăm vị Ẩn Sĩ.

Ngài thấy ông mang cả hai chiếc y vàng, buộc chặt thượng y lẫn hạ y, hai tay cầm hai bình nước tưới cây, Ngài nghĩ thầm: Lão tu hành giả hiệu này lo làm vườn chứ chẳng lo làm phận sự tu hành.

Ngài liền hỏi: Ông đang làm gì thế, này kẻ làm vườn phàm tục kia?

Ngài làm nhục ông như vậy và bỏ về chẳng chào hỏi gì ông cả.

Ông suy nghĩ: Nay ta đã khiến thằng bé này thành kẻ thù của ta rồi, ai biết được nó sẽ làm gì cơ chứ?

Ta phải tiêu diệt nó ngay lập tức. Vào lúc Vua sắp hồi cung, ông ta ném chiếc trường kỷ bằng đá sang một bên, đập bể vụn bình bát, rải cỏ rác khắp am thất, lấy dầu bôi khắp người, rồi vào am nằm trên nệm rơi kia, trùm kín mít từ đầu đến chân, làm ra vẻ đau đớn lắm.

Vua đã hồi loan, xa giá diễu quanh Kinh Thành theo hướng bên hữu, song trước khi vào nội cung, Ngài đến thăm vị thần hữu Dibbacakkhuka ấy. Vừa đứng bên cửa am, Ngài đã thấy cảnh bừa bãi kia, liền bước vào mà không biết việc gì xảy ra. Còn kẻ đó đang nằm dưới đất.

Vua xoa bóp chân ông và ngâm vần kệ đầu:

Kìa ai phá hoại hoặc khinh chê?

Sao khổ buồn, Ngài quá ủ ê?

Thương khóc mẹ cha ai đó vậy?

Ðất này ai lại xuống nằm lê?

Nghe lời này, kẻ bịp bợm kia liền vùng dậy rên rỉ, đáp vần kệ thứ hai:

Hân hoan thần bái kiến long nhan,

Xa cách từ lâu, tấu Ðại Vương!

Thái Tử vừa đi thăm lão đó,

Chẳng ai khiêu khích, lại làm càn!

Các vần kệ sau đây theo mạch lạc rõ ràng, được sắp đặt đúng với diễn biến của câu chuyện:

Ô kìa, đao phủ, hãy xem nào!

Thị giả, đưa trường kiếm lại mau!

Giết chết Soma, Hoàng Thái Tử!

Ðem đầu cao quý đến đây giao!

Sứ giả nhà Vua bước vội vàng,

Ðến cung Hoàng Tử, họ kêu ran:

Phụ Vương đã bỏ hoàng nam đó!

Ðiện hạ ôi, Ngài phải chết oan!

Hoàng Tử đứng kia cũng khóc than,

Vòng đôi tay lại, khẩn cầu ân:

Xin tha mạng trẻ trong giây lát,

Ðem trẻ đi nhìn mặt Phụ Vương?

Nghe lời thỉnh nguyện tự nơi chàng,

Họ dẫn hoàng nhi đến Phụ Hoàng,

Hoàng Tử từ xa nhìn Đại Đế,

Chàng liền tâu vậy với nghiêm đường:

Quân sĩ cứ mang kiếm chém đầu,

Song nghe con trẻ trước, muôn tâu,

Xin cho con rõ, tâu Hoàng Thượng,

Con đã làm nên tội lỗi nào?

Vua cha đáp: Hoàng triều đang suy sụp điêu tàn: tội của con làm trọng đại lắm.

Rồi Vua giải thích qua vần kệ:

Sáng chiều kéo nước, Bậc Hiền Nhân

Ngọn lửa chăm nom, chẳng chút ngừng,

Hãy trả lời ta, sao lại dám

Gọi Ngài thánh thiện kẻ phàm trần?

Vương Tử đáp: Tâu Chúa Thượng, nếu thần nhi gọi một kẻ phàm tục là một kẻ phàm tục thì có hại gì đâu?

Rồi chàng ngâm kệ:

Lão có nhiều cây với trái đầy,

Phụ Vương xem đủ sắn khoai này

Chăm nom chúng, lão không ngừng nghỉ,

Lão chính phàm nhân, trẻ nói ngay.

Hoàng Tử nói tiếp: Và đó là lý do con gọi lão là người phàm tục. Nếu Phụ Vương không tin con, xin cứ hỏi thăm những người trồng rau ở bốn cổng thành thì rõ. Vua cha truyền đi điều tra việc ấy.

Dân chúng đáp: Thưa vâng, chúng thần đã mua của vị ấy đủ loại rau quả. Khi Vua khám phá ra việc buôn bán rau quả này, Ngài công bố cho mọi người biết. Gia nhân của Hoàng Tử vào am lão và lục soát được một bó đồng tiền và đồng xu nhỏ, là số tiền bán rau quả kia, họ liền trình Vua.

Lúc ấy, Vua biết bậc Ðạo Sĩ vô tội, liền ngâm kệ:

Ðúng là lão có thật nhiều cây

Với các loại rau, củ trái đầy,

Chăm sóc trông nom không chút nghỉ,

Phàm nhân, quả đúng trẻ tâu bày.

Sau đó, bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Trong khi có một kẻ ngu si ám động như thế này ở Hoàng Cung, thì thượng sách là đi vào vùng Tuyết Sơn và sống đời tu tập. Vậy trước Tiên ta công bố tội trạng lão với quần chúng tại đây, sau đó, ngay hôm nay, ta xuất gia thành Ẩn Sĩ.

Thế là Ngài cúi chào hội chúng và nói lớn:

Này nghe ta nói, hỡi toàn dân,

Dân chúng thị thành lẫn dã nhân,

Chúa Thượng nghe lời người xuẩn ngốc,

Khiến người vô tội phải vong thân.

Nói xong, Ngài xin phép thực hiện ước nguyền trên qua vần kệ tiếp theo:

Phụ Vương, cây tỏa rộng hùng cường,

Nhành trẻ, con sinh tự Phụ Vương,

Con cúi mình đây xin phép được

Giã từ thế tục để lên đường.

Các vần kệ sau đây thuật lại cuộc trò chuyện giữa Vua cha và Vương Tử:

Phụ Vương:

Vương nhi, hưởng phú quý huy hoàng,

Ngự trị câu lâu chiếc bệ vàng,

Ðừng bỏ thế gian, gây khổ não

Cho mình, hãy nhận lễ đăng quang!

Vương Tử:

Trần thế này đem lạc thú nào?

Khi xưa con đã ở Trời cao,

Sắc, thanh, hương, vị và xúc cảm,

Lòng vẫn thường yêu chuộng biết bao!

Con từ bỏ hết nghiệp duyên xưa

Thiên lạc cùng Thiên Nữ ngọc ngà,

Với Phụ Vương là Vua yếu kém,

Con không muốn ở nữa bây giờ.

Phụ Vương:

Nếu cha kém trí, hỡi hoàng nam,

Tha thứ cha nay việc đã làm,

Giả sử cha còn làm việc ấy,

Cha tùy con định, chẳng kêu than.

Sau đó bậc Ðại Sĩ ngâm tám vần kệ khuyến giáo Vua cha:

Hành động không suy nghĩ trước sau,

Hoặc làm không cân nhắc dài lâu,

Cũng như sử dụng lầm phương thuốc,

Hậu quả ắt là phải khổ đau.

Hành động nào suy tính thật lâu,

Khôn ngoan thận trọng tiếp theo sau,

Giống như vị thuốc nhiều công hiệu,

Kết quả tất nhiên phải nhiệm mầu.

Con chán ghét người ở thế gian

Buông lung phóng dật, dục tham tràn,

Người tu khổ hạnh hư danh đó

Là kẻ dối gian lộ rõ ràng.

Một vị hôn quân thường xử án

Chẳng hề nghe lý lẽ phân trần.

Chẳng bao giờ gọi là chân chánh

Cơn giận bùng lên ở trí nhân.

Một vị Vua xem xét kỹ càng

Rồi ban lời phán xử công bằng,

Khi Vua cân nhắc lời phân xử,

Danh tiếng đời đời mãi vọng vang.

Những hình phạt Chúa Thượng truyền ban

Phải được đắn đo thật kỹ càng

Những việc làm trong lúc vội vã

Sẽ gây hối hận lúc thư nhàn.

Nếu lòng phát nguyện nhiều điều tốt,

Sau chẳng đau buồn hối tiếc mang.

Những người có việc phải thi hành,

Muốn chẳng gây ân hận với mình

Thường đắn đo bao điều thận trọng,

Tạo nên thiện nghiệp thật an lành,

Làm công đức thỏa lòng hiền thánh,

Ðược tán tụng từ bậc trí minh.

Cha thét: Kìa đao phủ, hãy mau!

Ði tìm Vương Tử của ta nào,

Nơi đâu bây kiếm, liền đem giết!

Lúc trẻ ngồi bên mẹ dựa đầu,

Bọn chúng tìm ra con trẻ đó,

Rồi lôi đi thật bạo tàn sao?

Trẻ thơ non nớt, xử như vậy,

Con thấy chúng tàn nhẫn quá tay,

Nay thoát cảnh đày thân độc ác,

Con rời thế, chẳng sống nơi đây.

Khi bậc Ðại Sĩ đã thuyết giáo như vậy xong, Vua phán bảo Hoàng Hậu:

 Vậy Vương nhi đó, Su dham ma,

Vừa thốt lời từ chối lệnh ta,

Quí tử Soma bao khả ái.

Vì ta không mãn nguyện bây giờ,

Ðích thân Hoàng Hậu nên xem thử

Có chuyển lay lòng trí trẻ thơ.

Song Hoàng Hậu thúc giục Vương Tử rời bỏ thế tục:

Hãy vui đời Thánh hạnh, hoàng nam,

Tuân thủ Chánh chân, bỏ cõi phàm,

Ai giữa quần sinh không độc ác

Sẽ lên Thiên Giới, chẳng sai lầm.

Vua ngâm kệ tiếp theo:

Chuyện lạ này nghe tự ái khanh,

Sầu đang chất ngất ở trong mình,

Bảo nàng khuyên nhủ con dừng lại,

Nàng chỉ giục con phải bước nhanh.

Hoàng Hậu lại ngâm kệ nữa:

Có hạng người không đắm dục tham,

Thoát sầu bi, sống chẳng sai lầm,

Nhiều người đắc Niết Bàn cao thượng:

Ví thử hoàng nhi muốn dự phần

Cùng tiến lên con đường Thánh hạnh,

Thì hoài công cản bước hoàng nam.

Vua ngâm vần kệ cuối cùng để đáp lời:

Quả thật là chân chánh thiện tâm,

Tôn sùng bậc trí tuệ cao thâm

Tâm tư siêu việt thường sinh khởi,

Ái hậu từng nghe các Diệu Âm,

Thông hiểu kiến văn nhiều bậc Thánh,

Nên không còn khổ não, tham lam.

Sau đó, bậc Ðại Sĩ đảnh lễ song thân, xin hai vị tha thứ cho Ngài nếu có lỗi lầm gì, rồi vào cung kính vái chào toàn thể hội chúng, Ngài quay mặt về hướng Tuyết Sơn.

Khi dân chúng đã về, Ngài cùng với các Thiên Thần vừa đến đó giả dạng người trần, vượt băng qua bảy ngọn đồi cao lên tận Tuyết Sơn.

Trong chiếc Am Tranh do vị Thiên Thần Vissakamma giáng thế xây dựng cho Ngài, Ngài sống đời tu hành, tại đó Ngài được các Thiên Thần ấy giả dạng làm tùy tùng của vị Hoàng Tử, hầu hạ Ngài đến năm lên mười sáu tuổi. Còn kẻ tu hành lừa bịp kia bị dân chúng bao vây đánh chết. Về sau, bậc Ðại Sĩ tu tập làm phát khởi năng lực thiền định, và được sinh lên Cõi Phạm Thiên.

Khi Pháp Thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, như vậy ngày xưa cũng như bây giờ, kẻ ấy đã dự mưu sát hại Ta.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Devadatta Đề Bà Đạt Đa là kẻ lừa đảo, Mẫu Hậu Mayà là Vương Hậu kia, Sàriputta Xá Lợi Phất là Hiền Giả Rakkhita và ta chính là Vương Tử Somanassa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần