Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Sáu - Thiên Cung Sự - Phẩm Bốn - Phẩm đỏ Sẫm - Phần Mười Hai - Lâu ðài Của Rajjumàlà Rajjumàlà Vimàna
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP SÁU
THIÊN CUNG SỰ
PHẨM BỐN
PHẨM ĐỎ SẪM
PHẦN MƯỜI HAI
LÂU ÐÀI
CỦA RAJJUMÀLÀ RAJJUMÀLÀ VIMÀNA
Thời ấy, Đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên Tinh Xá.
Bấy giờ ở một ngôi làng nhỏ vùng Gayà có một Bà La Môn gả con gái cho con trai một Bà La Môn khác. Nàng dâu về nắm quyền hành trong nhà ấy, ngay từ đầu đã sinh lòng ác cảm với con gái của một nữ tỳ, nên thường đánh mắng nhục mạ cô bé.
Khi cô bé lớn dần, nàng dâu lại đối xử tàn tệ hơn nữa tục truyền rằng vào thời Đức Phật Kassapa, hai nàng này đã có mối liên hệ ngược với hiện tại. Ðể đề phòng việc cô chủ kéo tóc mình mỗi khi đánh đập, cô bé nữ tỳ đến tiệm cắt tóc nhờ cạo trọc đầu.
Sau đó cô chủ đang cơn giận dữ bảo rằng cô bé kia chẳng có thể thoát khỏi tay mình bằng cách cạo đầu, liền buộc một sợi dây quanh cổ cô bé và kéo cô ngã xuống, rồi lại không chịu để cô bé tháo dây ra, từ đó cô bé có tên Rajjumàlà: Vòng dây đeo cổ. Bấy giờ một ngày kia, bậc Ðạo Sư vừa xuất định đại bi, thấy Rajjumàlà có đầy đủ khả năng đạt quả Dự Lưu, bèn đến ngồi dưới một gốc cây tỏa hào quang rực rỡ.
Lúc ấy cô bé Rajjumàlà khốn khổ kia chỉ muốn chết, cầm chiếc ghè đi ra đường giả vờ lấy nước và tìm một cây để treo cổ.
Khi thấy Đức Phật, với tâm hướng về Ngài, cô suy nghĩ: Ví thử Đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người như ta thì sao?
Ta có thể được giải thoát khỏi cuộc đời khốn cùng này.
Ðức Phật xem xét kỹ, liền gọi cô: Rajjumàlà! Cô bé như được tắm nước Cam Lồ, vội đến gần đảnh lễ Ngài. Ngài dạy cô Tứ Ðế và cô đắc quả Dự Lưu. Kế đó Ngài đi vào làng và ngồi dưới gốc cây khác.
Bấy giờ cô bé không thể tự hủy hoại mình nữa, bèn suy nghĩ với lòng nhẫn nhục, thân thiện và từ ái: Thôi cứ để mặc cho bà chủ Bà La Môn này đánh đập, làm tổn thương ta thế nào tùy ý. Rồi cô trở về lấy nước vào ghè.
Ông chủ nhà đứng ở cửa bảo: Cô đã đi lấy nước thật lâu và mặt lại rạng rỡ thế kia.
Ta thấy cô có vẻ hoàn toàn khác hẳn, có việc gì vậy?
Cô bé kể chuyện cho chủ, ông hài lòng và bước vào bảo cô dâu: Thôi con đừng làm gì Rajjumàlà nữa. Rồi ông vội vàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư và cung kính mời Ngài thọ thực. Sau đó, cả ông cùng dâu con trong nhà đi vào ngồi cạnh bậc Ðạo Sư.
Ngài kể cho họ việc xảy ra kiếp trước giữa cô dâu và Rajjumàlà, cùng với một bài thuyết pháp thích hợp. Sau đó Ngài trở về Sàvatthi, còn vị Bà La Môn nhận Rajjumàlà làm con nuôi và từ đó nàng dâu ông đối xử với cô rất tốt đẹp.
Khi nàng từ trần, Rajjumàlà được tái sanh vào Cõi Trời Ba Mươi Ba và cũng được Tôn Giả Mahà Moggallàna hỏi:
Nàng Thiên Nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang múa theo âm nhạc nhịp nhàng,
Toàn thể tứ chi nàng uyển chuyển
Thiên hình vạn trạng giữa không gian.
Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc Thiên Ðình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.
Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương Trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.
Ðang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài bím tóc kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.
Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiếng nhạc đồng hòa.
Và hương thơm của các tràng hoa
Khả ái, dịu dàng cứ tỏa ra
Từ đỉnh đầu nàng bay mọi hướng
Giống như cây Mạn Thù Sa Ka.
Nàng thở làn hương dịu ngọt sao,
Nàng nhìn vẻ đẹp thật thanh cao,
Hỡi nàng Thiên Nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào?
Khi được vị Trưởng Lão hỏi như vậy, nàng ngâm các vần kệ giải thích, bắt đầu bằng câu chuyện tiền thân của nàng:
Kiếp trước làm nô lệ một nhà
Bà La Môn ở tại Gàya,
Raj ju mà chính tên con đó,
Ðức mỏng, phận hèn mọn xấu xa.
Bị mắng nhiếc đau khổ ngập tràn,
Cùng đe dọa, đánh đập hung tàn,
Con cầm ghè lớn đi tìm nước,
Và định đi luôn để thoát nạn.
Vứt chiếc ghè ra khỏi mặt đường,
Con đi vào tận chốn rừng hoang,
Nghĩ rằng đây chính nơi con chết,
Ích lợi gì đời sống của con?
Khi đã làm thòng lọng vững vàng,
Buộc dây vào cổ thụ bên đường,
Con nhìn quanh quẩn và suy nghĩ:
Ai đó đang cư trú giữa rừng?
Con thấy Phật Đà, bậc trí nhân,
Từ bi đối với cõi trần gian,
Ðang ngồi tĩnh tọa, tâm thiền định,
Vô úy, Ngài không sợ tứ phương.
Bỗng nhiên con rúng động tâm can,
kinh ngạc, lòng con thấy lạ thường,
Ai ở trong rừng này đấy nhỉ,
Thiên Thần hay chỉ một người phàm?
Thanh thản, và làm khởi tín tâm,
Ngài từ rừng ái đạt ly tham,
Cảnh con thấy khiến tâm an tịnh,
Ðây chẳng ai ngoài Tối Thượng Nhân.
Tất cả các căn khéo hộ phòng,
Hân hoan thiền định, trí tinh thông,
Ngồi đây ắt hẳn Ngài Viên Giác
Từ ái hướng tâm đến cõi trần.
Như sư tử trú ẩn hang rừng,
Khơi dậy niềm lo sợ hãi hùng,
Vô địch, không loài nào đánh phá,
Cơ may thật hiếm thấy hoa sung.
Với những lời thân ái dịu dàng,
Ðức Như Lai dạy bảo cùng con:
Raj ju, hãy đến nơi an trú
Quy ngưỡng Như Lai, Đức Thế Tôn.
Khi được nghe âm điệu của Ngài
Nhẹ nhàng, đầy ý nghĩa, êm tai,
Ngọt ngào, hiền dịu và thân ái
Xua hết bao sầu não ở đời.
Như Lai từ mẫn khắp trần gian,
Biết rõ tâm con đã sẵn sàng,
Ðầy đủ tín thành và sáng suốt,
Ngài liền cất tiếng dạy con rằng:
Ðây là Khổ Thánh Đế, Ngài khuyên,
Khổ Tập là nguồn gốc khởi lên,
Khổ diệt là đây, Tam Thánh Đế,
Ðường vào bất tử, đạo bình yên.
Cương quyết theo lời khuyến dụ kia
Của Ngài thuần thiện, Đấng Từ Bi,
Con liền đạt đến tâm an tịnh,
Bất tử, Niết Bàn, không thoái suy.
Tâm con kiên định ngập tình thương,
Tin tưởng vào Tam Bảo vững vàng,
Bất động trong con niềm Chánh kiến,
Con là đích nữ bậc Y Vương.
Nay con hưởng lạc thú, vui chơi,
Hoan hỷ, vô ưu, khắp Cõi Trời,
Con đội tràng hoa Thiên Nữ đẹp,
Cam lồ con uống tạo niềm vui.
Sáu mươi ngàn nhạc cụ đàn tơ
Thức tỉnh con từ giấc ngủ mơ:
Alamba, Gaggara, Bhìma,
Sàdhuvadin và Samsaya.
Pokkhara và Suphassa,
Vìnàmokkhà cùng các nàng kia,
Nandà cũng như Sunandà,
Sonadinà và Sucimhità.
Alambusà, Missakesi,
Cùng nàng Tiên ác Pundarikà,
Eniphassà, Suphassà,
Subhaddà và Muduvàdinì.
Các nàng Thiên Nữ diễm kiều này
Ðánh thức Thần Tiên lúc ngủ say,
Buổi sáng các nàng thường đến bảo:
Chúng em múa hát giúp vui đây.
Nan Da Na, Hỷ Lạc Viên này,
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Ðã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Ðại Lâm Viên của Cõi Trời
Tam Thập Tam Thiên đầy lạc thú,
Không gì phiền não, mãi vui chơi.
Chẳng đời này hoặc ở đời sau,
Cựu Lạc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau
Ðể dành Cực Lạc cho bao kẻ
Làm các thiện hành, phước nghiệp cao.
Với những ai mong chúng bạn hiền,
Phải làm thiện nghiệp thật tinh chuyên,
Vì người tạo được nhiều công đức,
Hưởng lạc thú nhiều ở Cõi Thiên.
Như Lai xuất hiện ở trên đời
Là chính vì an lạc mọi loài,
Xứng đáng cho người dâng lễ vật,
Phước điền vô thượng của bao người,
Sau khi dâng lễ, tâm thành kính,
Các thí chủ vui hưởng Cõi Trời.
TỔNG KẾT
Lâu đài đỏ sẫm, lâu đài sáng chói, lâu đài trên con voi, lâu đài Alomà, lâu đài của người cúng cháo gạo, lâu đài Tinh Xá, lâu đài bốn nữ nhân, lâu đài vườn xoài, lâu đài Hoàng Kim, lâu đài do cúng mía, lâu đài do sự đảnh lễ, lâu đài Rajjumàlà. Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Năm Mươi Tám - Phẩm Thậm Thâm
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Sáu - Nhân Duyên Sanh
Phật Thuyết Kinh Cổ Lai Thế Giới
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Thất Bảo
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Bốn - Bồ Tát đẳng Mục nói Về Sự Huyễn Hóa