Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT
PHẦN TÁM
Này thiện nam tử! Như hư không chẳng trụ mười phương, Đức Như Lai cũng như vậy chẳng trụ mười phương.
Này thiện nam tử! Nếu có ai nói rằng thân, khẩu, ý ác mà được quả lành thời là không đúng. Thân, khẩu, ý lành mà được quả ác cũng là không đúng.
Nếu nói phàm phu đặng thấy Phật Tánh còn Thập Trụ Bồ Tát chẳng được thấy, lời nói này không đúng.
Nếu nói hạng nhất xiển đề phạm tội ngũ nghịch, hủy báng Kinh đại thừa phá bốn giới trọng mà được vô thượng bồ đề, lời nói này cũng không đúng.
Nếu nói lục trụ Bồ Tát do phiền não mà đọa ba ác đạo, lời nòi này cũng không đúng.
Nếu nói Đại Bồ Tát dùng thân người nữ thật mà được vô thượng bồ đề, lời nói này cũng không đúng.
Nếu nói nhất xiển đề là thường còn, Tam Bảo là vô thường, lời nói này cũng không đúng.
Nếu nói Đức Như Lai trụ nơi thành Câu Thi Na, là vô thường, lời nói này cũng không đúng.
Này thiện nam tử! Nay Đức Như Lai ở nơi thành Câu Thi Na này nhập Đại tam muội, vào trong hang thiền định thậm thâm. Vì chúng sanh chẳng thấy Như Lai nên gọi là Đại Niết Bàn.
Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai cớ chi vào nơi hang thiền định?
Này thiện nam tử! Vì muốn độ thoát chúng sanh: Người chưa gieo trồng căn lành làm cho được gieo trồng. Người đã gieo trồng căn lành nay được tăng trưởng. Người quả lành chưa thành thục làm cho được thành thục. Đức Như Lai vì người căn lành đã thành thục mà nói thu hướng vô thượng bồ đề. Làm cho người khinh tiện pháp lành sanh lòng tôn trọng.
Làm cho những kẻ phóng dật rời bỏ sự phóng dật. Vì cùng Văn Thù Sư Lợi các vị Đại Bồ Tát luận bàn diệu nghĩa. Vì muốn giáo hoá người thích đọc tụng làm cho ưa thích thiền định. Vì đem Thánh hạnh, phạm hạnh, Thiên hạnh giáo hóa chúng sanh.
Vì quan sát pháp tạng bất cộng thậm thâm. Vì muốn quở trách hàng đệ tử phóng dật. Đức Như Lai thường tịch tịnh mà còn ưa chuộng thiền định, huống là các ông chưa dứt hết phiền não mà sanh lòng phóng dật.
Vì muốn quở trách các Tỳ Kheo ác nhận tám thứ vật bất tịnh, mà chẳng biết thiểu dục, chẳng biết tri túc. Vì khiến chúng sanh tôn trọng pháp thiền định đã nghe. Do những nhân duyên trên đây nên Đức Như Lai vào hang thiền định.
Bạch Thế Tôn! Chánh định vô tướng gọi là Đại Niết Bàn, nên Đại Niết Bàn gọi là vô tướng.
Do nhân duyên gì gọi là vô tướng?
Này thiện nam tử! Vì không có mười tướng: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, sanh, trụ, hoại, nam, nữ, đây gọi là mười tướng. Vì không mười tướng như vậy nên gọi là vô tướng.
Này thiện nam tử! Luận về người chấp tướng thời hay sanh ra si, vì si mà sanh ái, vì ái nên ràng buộc, vì ràng buộc nên thọ sanh, vì sanh nên có tử, vì tử nên là vô thường.
Người chẳng chấp tướng thời chẳng sanh si, vì không si nên không ái, vì không ái nên không ràng buộc, vì không ràng buộc nên chẳng thọ sanh, vì chẳng thọ sanh nên không có tử, vì không có tử nên gọi là thường. Do nghĩa này nên Niết Bàn gọi là thường.
Bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo nào có thể dứt được mười tướng?
Này thiện nam tử! Nếu có Tỳ Kheo luôn luôn tu tập ba tướng này thời dứt được mười tướng: Luôn luôn tu tập tướng tam muội chánh định, luôn luôn tu tập tướng trí huệ, luôn luôn tu tập tướng xả.
Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng chánh định, tướng trí huệ và tướng xả?
Chánh định là tam muội, tất cả chúng sanh đều có tam muội, tại sao nay mới nói rằng tu tập tam muội?
Nếu tâm duyên ở một cảnh thời gọi là tam muội, nếu lại duyên cảnh khác thời chẳng gọi là tam muội.
Nếu như chẳng định thời chẳng phải là nhất thiết trí, chẳng phải là nhất thiết trí sao lại gọi là định?
Nếu do một hạnh mà được tam muội, những hạnh khác thời chẳng phải là tam muội, nếu chẳng phải là tam muội, thời chẳng phải là nhất thiết trí, nếu chẳng phải nhất thiết trí sao lại gọi rằng tam muội?
Tướng trí huệ và tướng xả cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Như lời ông nói duyên nơi một cảnh được gọi là tam muội, nếu duyên các cảnh khác chẳng gọi là tam muội, lời nói này không đúng nghĩa. Vì duyên những cảnh khác như vậy cũng vẫn là một cảnh. Do một hạnh cùng những hạnh khác cũng như vậy. Ông lại nói chúng sanh trước đã có tam muội chẳng cần tu tập, lời này cũng chẳng phải.
Vì nói tam muội đây, là nói thiện tam muội, thật ra tất cả chúng sanh chưa có sao lại nói rằng chẳng cần tu tập?
Do trụ trong thiện tam muội như vậy mà quan sát tất cả pháp thời gọi là tướng thiện trí huệ. Chẳng thấy tướng tam muội cùng tướng trí huệ sai khác nhau thời gọi là tướng xả.
Lại này thiện nam tử! Nếu chấp tướng sắc, không thể quan sát tướng thường tướng vô thường của sắc thời gọi là tam muội. Nếu có thể quan sát tướng thường và tướng vô thường của sắc thời gọi là tướng trí huệ. tam muội cùng trí huệ đồng quan sát tất cả pháp thời gọi là tướng xả.
Này thiện nam tử! Như người đánh xe bốn ngựa giỏi, điều khiển chậm mau phải lúc. Bồ Tát cũng như vậy, nếu tam muội nhiều thời tu tập trí huệ, nếu trí huệ nhiều thời tu tập tam muội. tam muội cùng trí huệ đồng nhau thời gọi là xả.
Này thiện nam tử! Thanh Văn và Duyên Giác sức tam muội nhiều sức trí huệ ít, do đây nên chẳng thấy Phật Tánh. Thập Trụ Bồ Tát sức trí huệ nhiều sức tam muội ít, nên thấy Phật Tánh chẳng rõ ràng.
Chư Phật Thế Tôn vì tam muội cùng trí huệ đồng, nên thấy Phật Tánh rõ ràng không chướng ngại như xem trái Am Ma Lặc trong bàn tay. Thấy Phật Tánh gọi đó là tướng xả.
Này thiện nam tử! Xa Ma Tha gọi là hay dứt trừ, vì hay dứt trừ tất cả phiền não.
Lại xa ma tha gọi là hay điều phục, vì hay điều phục những căn ác chẳng lành.
Lại xa ma tha gọi là tịch tịnh, vì có thể làm cho thân, khẩu, ý đều tịch tịnh.
Lại xa ma tha gọi là viễn ly, vì có thể làm cho chúng sanh xa lìa ngũ dục.
Lại xa ma tha gọi là hay lóng trong, vì hay lóng trong ba pháp nhơ đục tham dục, sân khuể, ngu si. Do những nghĩa này nên gọi là tướng chánh định.
Tỳ Bà Xá Na gọi là chánh kiến, cũng gọi là liễu kiến, năng kiến, biến kiến, thứ đệ kiến, biệt tướng kiến, đây gọi là trí huệ.
Ưu Tất Xoa gọi là bình đẳng, cũng gọi là vô tránh, vô quán, vô hành, đây gọi là xả.
Này thiện nam tử! Có hai thứ Xa Ma Tha:
Thế gian và xuất thế gian.
Lại có hai thứ:
Chẳng thành tựu và thành tựu.
Chẳng thành tựu là nói Thanh Văn cùng Bích Chi Phật.
Thành tựu là nói Chư Phật và Bồ Tát.
Lại có ba thứ:
Hạ, trung, và thượng.
Hạ là nói hàng phàm phu.
Trung là nói Thanh Văn và Duyên Giác.
Thượng là nói Chư Phật và Bồ Tát.
Lại có bốn thứ:
Một là thối, hai là trụ, ba là tấn, bốn là có thể lợi ích lớn.
Lại có năm thứ chính là năm trí tam muội:
Một là vô thực tam muội.
Hai là vô quá tam muội.
Ba là thân ý thanh tịnh nhất tâm tam muội.
Bốn là nhân quả câu lạc tam muội.
Năm là thường niệm tam muội.
Lại có sáu thứ:
Một là quán cốt tam muội.
Hai là từ tam muội.
Ba là quán thập nhị nhân duyên tam muội.
Bốn là xuất tức nhập tức tam muội.
Năm là chánh niệm giác quán tam muội.
Sáu là quán sanh trụ dị diệt tam muội.
Lại có bảy thứ chính là bảy giác chi:
Một là niệm xứ giác chi.
Hai là trạch pháp giác chi.
Ba là tinh tấn giác chi.
Bốn là hỉ giác chi.
Năm là trừ giác chi.
Sáu là định giác chi.
Bảy là xả giác chi.
Lại có bảy thứ:
Một là Tu Đà Hoàn tam muội.
Hai là Tư Đà Hàm tam muội.
Ba là A Na Hàm tam muội.
Bốn là A La Hán tam muội.
Năm là Bích Chi Phật tam muội.
Sáu là Bồ Tát tam muội.
Bảy là Như Lai giác tri tam muội.
Lại có tám thứ:
Chính là tám môn giải thoát tam muội:
Một là trong có sắc tướng, ngoài quán sắc giải thoát tam muội.
Hai là trong không sắc tướng, ngoài quán sắc giải thoát tam muội.
Ba là tịnh giải thoát thân chứng tam muội.
Bốn là không xứ giải thoát tam muội.
Năm là thức xứ giải thoát tam muội.
Sáu là Vô sở hữu xứ giải thoát tam muội.
Bảy là phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ giải thoát tam muội.
Tám là diệt tận định xứ giải thoát tam muội.
Lại có chín thứ chính là cửu thứ đệ định:
Tứ thiền, tứ không và diệt tận định tam muội.
Lại có mười thứ chính là mười nhất thiết xứ tam muội:
Một là địa nhất thiết xứ tam muội.
Hai là thủy nhất thiết xứ tam muội.
Ba là phong nhất thiết xứ tam muội.
Bốn là thanh nhất thiết xứ tam muội.
Năm là huỳnh nhất thiết xứ tam muội.
Sáu là xích nhất thiết xứ tam muội.
Bảy là bạch nhất thiết xứ tam muội.
Tám là không nhất thiết xứ tam muội.
Chín là thức nhất thiết xứ tam muội.
Mười là Vô sở hữu nhất thiết xứ tam muội.
Lại có vô số thứ chính là Chư Phật và Bồ Tát. Đây gọi là tướng tam muội.
Này thiện nam tử!
Huệ có hai thứ: Thế gian và xuất thế gian.
Lại có ba thứ:
Bát Nhã, Tỳ Bà Xá Na và Xà Na.
Bát Nhã gọi là tất cả chúng sanh.
Tỳ Bà Xá Na là tất cả Thánh Nhân. Xà Na là Chư Phật và Bồ Tát.
Lại Bát Nhã gọi là biệt tướng, Tỳ Bà Xá Na gọi là tổng tướng, Xà Na gọi là phá tướng.
Lại có bốn thứ huệ, chính là quán tứ Chân Đế.
Này thiện nam tử! Vì ba việc mà tu Xa Ma Tha: Một là vì chẳng phóng dật, hai là vì trang nghiêm đại trí, ba là vì được tự tại.
Lại vì ba việc mà tu Tỳ Bà Xá Na:
Một là vì quán quả báo ác của sanh tử.
Hai là vì muốn tăng trưởng các căn lành.
Ba là vì phá tất cả phiền não.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Như trong Kinh nói nếu Tỳ Bà Xá Na có thể phá phiền não cớ gì lại tu tập Xa Ma Tha?
Phật nói: Này thiện nam tử! Ông nói Tỳ Bà Xá Na phá phiền não, lời này không đúng. Vì lúc có trí huệ thời không phiền não, lúc có phiền não thời không trí huệ.
Sao lại nói rằng Tỳ Bà Xá Na có thể phá phiền não?
Ví như lúc sáng thời không tối, lúc tối thời không sáng. Nếu nói rằng sáng có thể phá tối, thời không đúng.
Này thiện nam tử! Ai có trí huệ? Ai có phiền não?
Sao lại nói rằng trí huệ có thể phá phiền não. Nếu phiền não là không thời không chỗ phá.
Này thiện nam tử! Nếu nói trí huệ có thể phá phiền não, là đến mà phá, hay chẳng đến mà phá?
Nếu chẳng đến mà phá thời lẽ ra phàm phu cũng phá được. Nếu đến mà phá thời niệm ban đầu lẽ ra đã phá. Nếu niệm ban đầu chẳng phá thời niệm sau cũng chẳng phá. Nếu niệm ban đầu đến bèn đã phá đây thời là chẳng đến.
Sao lại nói rằng trí huệ hay phá phiền não?
Nếu nói rằng đến cùng chẳng đến mà có thể phá đó thời không đúng nghĩa.
Lại Tỳ Bà Xá Na phá phiền não đó, là đơn độc có thể phá hay là có bạn mới phá?
Nếu đơn độc có thể phá cớ gì Bồ Tát tu bát chánh đạo?
Nếu có bạn mới phá thời nên biết rằng đơn độc chẳng phá được. Nếu đơn độc chẳng phá được thời bạn cũng chẳng phá được. Như một người mù chẳng thấy được màu sắc, dầu dắt cả lũ bạn mù cũng chẳng thấy được. Tỳ Bà Xá Na cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Như địa đại thời tánh chất là cứng, hỏa đại tánh chất là nóng, thủy đại tánh chất là ướt, phong đại tánh chất là động. Tánh chất cứng của địa đại nhẫn đến tánh chất động của phong đại, chẳng phải nhân duyên làm ra, tánh của nó tự như vậy.
Như tánh chất của Tứ Đại, phiền não cũng vậy, tánh của nó là tự phải dứt mất. Nếu là tự dứt mất sao lại nói rằng trí huệ hay dứt. Do nghĩa này nên biết rằng Tỳ Bà Xá Na quyết định chẳng thể phá các phiền não.
Này thiện nam tử! Như chất muối là mặn làm cho vật khác mặn. Chất mật là ngọt làm cho vật khác ngọt, chất nước là ướt làm cho vật khác ướt. Tánh của trí huệ là diệt làm cho các pháp diệt, nghĩa này chẳng đúng. Vì nếu pháp không diệt thời trí huệ làm thế nào diệt được.
Nếu nói muối mặn làm cho vật khác mặn, tánh trí huệ là diệt cũng làm cho pháp khác diệt, lời này cũng chẳng đúng. Vì tánh của trí huệ niệm niệm diệt. Nếu niệm niệm diệt thời đâu có thể diệt pháp khác. Do nghĩa này nên biết rằng tánh trí huệ chẳng phá phiền não.
Này thiện nam tử! Tất cả các pháp có hai thứ diệt: Một là tánh diệt, hai là rốt ráo diệt. Nếu là tánh diệt sao lại nói rằng trí huệ có thể diệt.
Nếu nói trí huệ có thể diệt phiền não như lửa đốt cháy đồ vật, nghĩa này chẳng đúng. Vì như lửa đốt cháy đồ vật thời có tro tàn, trí huệ nếu như vậy thời lẽ ra cũng còn có tàn dư.
Như búa chặt cây, chỗ bị chặt có thể thấy được, trí huệ nếu như vậy thời có gì là có thể thấy được?
Trí huệ nếu có thể làm cho phiền não rời lìa đó, thời phiền não kia lẽ ra hiện ra chỗ khác. Như các ngoại đạo rời sáu thành lớn mà hiện đến ở nơi thành Câu Thi Na. Nếu phiền não này chẳng hiện ra nơi khác, thời biết rằng trí huệ chẳng có thể làm cho phiền não rời lìa.
Này thiện nam tử! Tất cả các pháp nếu tánh nó tự không, thời ai có thể làm cho nó sanh?
Ai có thể làm cho nó diệt?
Sanh khác diệt khác, không ai tạo tác. Nếu người tu tập chánh định thời được biết được thấy chân chánh như vậy.
Do nghĩa này nên trong Kinh ta nói: Nếu có Tỳ Kheo tu tập chánh định, thời có thể thấy tướng sanh diệt của ngũ ấm.
Này thiện nam tử! Nếu chẳng tu tập chánh định, thời việc thế gian còn không thể rõ biết huống là ở nơi đạo xuất thế.
Nếu người không có chánh định, thời té ngã nơi đất bằng, tâm duyên pháp khác, miệng nói lời khác, tai nghe tiếng khác, ý hiểu nghĩa khác, muốn đọc chữ khác, tay biên văn khác, muốn đi đường khác thân bước nẻo khác. Nếu người có tu tập tam muội chánh định thời được lợi ích lớn nhẫn đến được vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát đầy đủ hai pháp thời có lợi ích lớn: Một là định, hai là trí.
Này thiện nam tử! Như cắt cỏ ống nếu kéo mạnh quá thời đứt. Đại Bồ Tát tu tập hai pháp này cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Như nhổ cây cứng, trước dùng tay lay động, lúc sau nhổ lên dễ. Bồ Tát cũng như vậy, trước dùng định để động, rồi sau dùng trí để nhổ.
Này thiện nam tử! Như giặt y dơ, trước dùng nước tro, sau dùng nước trong, thời y được sạch sẽ. Định huệ của Bồ Tát cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Như trước đọc tụng rồi sau hiểu nghĩa. Định huệ của Bồ Tát cũng như vậy.
Như người dũng kiện trước dùng khôi giáp đao trượng để tự võ trang, rồi sau ra trận có thể phá tan quân địch. Định huệ của Đại Bồ Tát cũng như vậy.
Như người thợ dùng kềm cùng khuôn để gắp và đựng vàng tự tại theo ý muốn: Khuấy trộn đốt cháy. Định huệ của Bồ Tát cũng như vậy. Ví như gương sáng chói rõ mặt mắt. Định huệ của Bồ Tát cũng như vậy.
Như trước dọn đất rồi sau mới gieo giống, trước theo thầy học rồi sau mới suy nghĩ nghĩa lý. Định huệ của Bồ Tát cũng như vậy.
Do những nghĩa trên đây, nên Đại Bồ Tát tu tập hai pháp này thời được lợi ích rất lớn.
Đại Bồ Tát tu tập hai pháp định huệ này, điều nhiếp năm căn, kham nhẫn các sự khổ: Đói, khát, lạnh, nóng, đánh đập, mắng nhục, thú dữ cắn, muỗi mòng chích, thường nhiếp tâm mình chẳng cho phóng dật, chẳng vì lợi dưỡng mà làm việc phi pháp, khách trần phiền não chẳng nhiễm ô được, chẳng bị những thuyết tà ngoại làm mê lầm, thường có thể xa lìa những ác giác quán, chẳng bao lâu sẽ thành tựu vô thượng bồ đề, vì muốn thành tựu lợi ích tất cả chúng sanh.
Đại Bồ Tát tu hai pháp định huệ này thời bốn luồng gió dữ tứ đảo chẳng thể thổi động, như núi Tu Di. Các tà ma dị thuật chẳng thể phỉnh lầm. Thường hưởng thọ sự vui vi diệu thứ nhất. Có thể hiểu nghĩa bí mật rất sâu của Như Lai. Được vui chẳng mừng gặp khổ chẳng buồn.
Chư Thiên và người đời cung kính tán thán. Thấy rõ sanh tử và chẳng sanh tử. Có thể rõ biết pháp giới, Pháp Tánh, Pháp Thân thường, lạc, ngã, tịnh, đây thời gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Định tướng gọi là không tam muội. Huệ tướng gọi là vô nguyện tam muội. Xả tướng gọi là vô tướng tam muội.
Này thiện nam tử! Nếu có Đại Bồ Tát biết rành thời gian định, thời gian huệ, thời gian xả, và biết phi thời, đây gọi là Đại Bồ Tát thật hành đạo bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát biết thời cùng phi thời?
Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát vì hưởng thọ sự vui mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì Sông Hằng mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì tinh tấn mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì hiểu nghĩa vấn đáp giỏi mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì gần bạn ác mà sanh lòng kiêu mạn.
Hoặc vì bố thí nhiều mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì có công đức lành thế gian mà sanh lòng kiêu mạn, hoặc vì được người giàu sang cung kính mà sanh lòng kiêu mạn, nên biết những lúc như vậy chẳng nên tu tập trí huệ, mà phải tu tập chánh định, đây gọi là Bồ Tát biết thời cùng phi thời.
Nếu có Bồ Tát tinh tấn tu hành chưa được quả Niết Bàn an lạc, vì chẳng được mà sanh lòng hối hận, vì độn căn nên chẳng điều phục được ngũ căn, vì thế lực phiền não thạnh, vì tự nghi giới luật có kém tổn, nên biết rằng lúc như vậy chẳng nên tu chánh định, mà phải tu tập trí huệ, đây gọi là Bồ Tát biết thời và phi thời.
Nếu có Bồ Tát hai pháp định huệ chẳng bình đẳng, nên biết lúc như vậy chẳng nên tu hạnh xả, lúc định huệ bình đẳng thời nên tu hạnh xả, đây gọi là Bồ Tát biết thời và phi thời.
Nếu có Bồ Tát lúc tu tập định huệ nếu có phiền não khởi lên, nên biết lúc như vậy chẳng nên tu hạnh xả, mà phải đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai Bộ Kinh, niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm Thiên, niệm thí xả, đây gọi là tu xả.
Nếu có Bồ Tát tu tập ba pháp tướng như vậy, do nhân duyên này đặng vô tướng Niết Bàn.
Bạch Thế Tôn! Vì không mười tướng gọi là Đại Niết Bàn là vô tướng.
Lại do nhân duyên gì gọi là vô sanh, vô xuất, vô tác, là nhà cửa, cồn bãi, chỗ về, là an ổn, diệt độ Niết Bàn, tịch tịnh không các bệnh khổ, là không chỗ có?
Này thiện nam tử!
Vì không nhân duyên nên gọi là vô sanh, vì vô sanh nên gọi là vô xuất.
Vì không tạo nghiệp nên gọi là vô tác.
Vì chẳng vào năm thứ tà kiến nên gọi là nhà cửa.
Vì rời lìa bốn dòng nước mạnh nên gọi là cồn bãi.
Vì điều phục chúng sanh nên gọi là quy y.
Vì phá hoại giặc phiền não nên gọi là an ổn.
Vì lửa kiết sử tắt nên gọi là diệt độ.
Vì lìa giác quán nên gọi là Niết Bàn.
Vì xa ồn náo nên gọi là tịch tịnh.
Vì dứt hẳn sanh tử nên gọi là không bệnh tử.
Vì tất cả không có nên gọi là không chỗ có.
Nếu Đại Bồ Tát quan sát như vậy thời đặng thấy rõ Phật Tánh.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thành tựu bao nhiêu pháp thấy được vô tướng Niết Bàn như vậy nhẫn đến không chỗ có.
Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp thời thấy rõ Niết Bàn vô tướng, nhẫn đến không chỗ có: Một là tín tâm đầy đủ, nghĩa là thâm tín Phật, Pháp, và Tăng là thường trụ, thập phương Chư Phật phương tiện thị hiện. Tất cả chúng sanh và nhất xiển đề đều có Phật Tánh. Chẳng tin Đức Như Lai là sanh lão bệnh tử và tu khổ hạnh.
Chẳng tin Đề Bà Đạt Đa là thật phá Tăng làm thân Phật ra máu. Chẳng tin Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chánh định diệt hết. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ tín tâm.
Hai là đầy đủ tịnh giới: Nếu có Bồ Tát tự nói rằng giới thanh tịnh, dầu chẳng cùng với người nữ kia hòa hiệp, lúc thấy người nữ hoặc cùng nhau nói chuyện cợt đùa cười giỡn Bồ Tát như vậy thành dục pháp hủy phá tịnh giới ô nhục phạm hạnh khiến giới tạp uế chẳng được gọi là đầy đủ tịnh giới.
Lại có Bồ Tát tự nói giới thanh tịnh, dầu chẳng cùng người nữ hòa hiệp cợt đùa giỡn cười nhưng cách vách nghe những tiếng vòng vàng chuỗi ngọc của người nữ khua động, trong lòng sanh niệm ái trước, Bồ Tát như vậy, làm thành dục pháp hủy phá giới thanh tịnh, ô nhục phạm hạnh, làm cho giới tạp uế chẳng được gọi là đầy đủ tịnh giới.
Lại có Bồ Tát tự nói giới thanh tịnh, dầu chẳng cùng người nữ hòa hiệp cợt đùa giỡn cười nghe tiếng khua động, nhưng lúc thấy người nam đi theo người nữ, hoặc lúc thấy người nữ đi theo người nam, bèn sanh niệm tham đắm.
Bồ Tát như vậy làm nên pháp dục, hủy phá tịnh giới, ô nhục phạm hạnh khiến giới tạp uế, chẳng được gọi là đầy đủ tịnh giới.
Lại có Bồ Tát tự nói giới thanh tịnh, dầu chẳng cùng người nữ hòa hiệp cợt đùa nghe tiếng khua thấy nam nữ theo nhau, nhưng lại muốn sanh Cõi Trời thọ vui ngũ dục.
Bồ Tát như vậy làm nên pháp dục, hủy phá tịnh giới ô nhục phạm hạnh khiến giới tạp uế, chẳng được gọi là đầy đủ tịnh giới.
Này thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát trì giới thanh tịnh mà chẳng vì giới, chẳng vì Thi La Ba la mật, chẳng vì chúng sanh, chẳng vì lợi dưỡng, chẳng vì Niết Bàn, chẳng vì Bồ Đề, chẳng vì Thanh Văn và Bích Chi Phật, chỉ vì đệ nhất nghĩa tối thượng mà hộ trì cấm giới, đây gọi là Bồ Tát đầy đủ tịnh giới.
Ba là gần gũi thiện tri thức: Nếu có người có thể nói tín, giới, đa văn, bố thí, trí huệ, làm cho mọi người thọ trì thật hành, đây gọi là Bồ Tát thiện tri thức vậy.
Bốn là ưa thích nơi tịch tịnh, nghĩa là thân tâm tịch tịnh quan sát pháp tánh thậm thâm của các pháp.
Năm là tinh tấn: Nghĩa là nhiếp tâm quán bốn Chân Đế, giả sử lửa cháy trên đầu cũng chẳng buông bỏ.
Sáu là đầy đủ chánh niệm: Nghĩa là niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm Thiên, niệm thí xả.
Bảy là nhuyến ngữ: Nghĩa là lời nói chân thật, lời nói hòa dịu, hỏi thăm trước, nói phải thời, nói chân chánh.
Tám là Hộ Pháp: Nghĩa là mến thích chánh pháp, thường ưa diễn thuyết, đọc tụng, biên chép, tư duy ý nghĩa, tuyên dương sâu rộng làm cho chánh pháp được lưu bố, nếu thấy người khác biên chép giải thuyết đọc tụng, tán thán tư duy ý nghĩa, vì sanh sống mà cúng dường y phục, ẩm thục, đồ nằm thuốc men, vì hộ pháp nên chẳng tiếc thân mạng.
Chín là Đại Bồ Tát thấy có bạn đồng học đồng giới thiếu thốn đồ cần dùng, như y phục, thuốc men, đồ uống ăn, phòng nhà v.v…, thời đi khất xin người khác để cung cấp các vị ấy.
Mười là đầy đủ trí huệ: Nghĩa là quan sát nơi Đức Như Lai thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, quan sát hai tướng không và bất không của các pháp, thường cùng vô thường, lạc cùng vô lạc, ngã cùng vô ngã, tịnh cùng bất tịnh, pháp khác có thể dứt, pháp khác chẳng thể dứt, pháp khác từ duyên sanh, pháp khác từ duyên thấy, pháp khác từ duyên thành quả, pháp khác chẳng phải duyên thành quả, đây gọi là đầy đủ trí huệ.
Này thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ mười pháp, có thể thấy rõ Niết Bàn vô tướng.
Bạch Thế Tôn! Như trước kia Đức Phật bảo Thuần Đà: Nay ông đã được thấy Phật Tánh, được Đại Niết Bàn, thành vô thượng bồ đề, lời đó nghĩa thế nào?
Bạch Thế Tôn! Như trong Kinh nói: Nếu bố thí cho súc sanh thời được phước báu trăm lần hơn bố thí cho nhất xiển đề được phước báo ngàn lần hơn, bố thí cho người trì giới được phước báo trăm ngàn lần hơn, bố thí cho người ngoại đạo dứt phiền não được phước báo vô lượng.
Dâng cúng cho bậc Tứ Hướng nhẫn đến bậc Tứ Quả cùng Bích Chi Phật thời được phước báo vô lượng, dâng cúng cho bậc Bất Thối Bồ Tát, bậc Đại Bồ Tát thân rốt sau, Chư Phật Thế Tôn, thời đặng phước báo vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm.
Bạch Thế Tôn! Nếu ông Thuần Đà hưởng thọ vô lượng như vậy, phước báo này vô tận, thời chừng nào ông sẽ được vô thượng bồ đề?
Bạch Thế Tôn! Trong Kinh lại có nói nếu có người do tâm ân trọng mà tạo nghiệp thiện nghiệp ác, chắc chắn được quả báo: Hoặc hiện đời, hoặc đời kế hoặc đời sau. Nay ông Thuần Đà do tâm ân trọng mà tạo nghiệp thiện, quyết định được phước báo.
Nếu quyết định được phước báo thời thế nào chứng được vô thượng bồ đề?
Thế nào lại được thấy Phật Tánh?
Bạch Thế Tôn!
Trong Kinh lại nói: Bố thí cho ba hạng người thời được phước báo vô tận:
Một là người bệnh.
Hai là cha mẹ.
Ba là Chư Phật Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Và lại trong Kinh Đức Phật bảo A Nan: Tất cả chúng sanh nếu không có nghiệp cõi dục thời được vô thượng bồ đề không có nghiệp Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc cũng như vậy.
Bạch Thế Tôn!
Như bài kệ trong Kinh Pháp Cú:
Chẳng phải hư không, trong biển cả.
Chẳng phải vào núi, trong kẹt đá,
Tất cả mọi nơi, tất cả chỗ,
Không chỗ nào thoát khỏi quả báo.
Lại thuở kia A Nậu Lâu Đà bạch Phật: Tôi nhớ đời trước nhờ bố thí một bữa ăn mà trong muôn kiếp chẳng đọa ác đạo.
Bạch Thế Tôn! Bố thí một bữa ăn còn được phước báo như vậy, huống là Thuần Đà do tâm kính tin mà cúng dường Phật thành tựu đầy đủ Đàn Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu phước báo lành là vô tận, thời hủy báng Đại Thừa phạm tội ngũ nghịch phá bốn giới trọng, tội nhất xiển đề thế nào hết được?
Nếu chẳng hết được thời thế nào có thể được thấy Phật Tánh, thành vô thượng bồ đề?
Phật nói: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Chỉ có hai hạng người có thể được vô lượng vô biên công đức chẳng thể tính đếm chẳng thể tính nói, có thể cạn giòng sông sanh tử, hàng phục ma oán, vô ngã tràng ma, có thể Chuyển Pháp Luân vô thượng: Một là người khéo hỏi, hai là người khéo đáp.
Này thiện nam tử! Trong mười trí lực của Phật, nghiệp trí lực là rất sâu hơn cả.
Có những chúng sanh ở trong nghiệp duyên lòng khinh dể chẳng tin, vì độ họ mà Phật nói như vậy: Tất cả nghiệp gây tạo ra, có nghiệp nhẹ, có nghiệp nặng.
Hai nghiệp lại đều có hai: Một là quyết định, hai là bất định.
Này thiện nam tử! Hoặc có người cho rằng ác nghiệp không quả, nếu nói ác nghiệp quyết định có quả báo, tại sao Khí Hứ Chiên Đà La mà được sanh lên trời?
Ươn Quật Ma La được quả giải thoát?
Do đây nên biết tạo nghiệp có quyết định được quả báo và chẳng quyết định được quả báo.
Ta vì trừ tà kiến này, nên trong Kinh ta nói rằng tất cả nghiệp tạo ra không nghiệp nào chẳng có quả báo.
Này thiện nam tử! Hoặc có nghiệp nhẹ có thể làm cho nặng. Chẳng phải tất cả người chỉ có ngu và trí. Do đây nên biết chẳng phải tất cả nghiệp đều quyết định có quả, dầu chẳng quyết định có quả nhưng cũng chẳng phải là chẳng có.
Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh có hai hạng: Người trí và kẻ ngu. Người trí nhờ sức trí huệ có thể làm cho nghiệp địa ngục rất nặng trở thành quả báo nhẹ hiện đời. Người ngu si thời hoặc lại làm cho nghiệp nhẹ hiện đời trở thành quả báo nặng nơi địa ngục.
Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thời chẳng nên cầu phạm hạnh thanh tịnh cùng quả giải thoát.
Này thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp quyết định có quả thời chẳng nên cầu phạm hạnh giải thoát. Vì nghiệp bất tịnh nên phải tu phạm hạnh và quả giải thoát.
Nấy thiện nam tử! Nếu xa lìa được tất cả nghiệp ác thời được quả lành. Nếu xa lìa nghiệp lành thời mang quả báo ác. Nếu tất cả nghiệp quyết định có quả, thời chẳng nên cần tu tập Thánh đạo, nếu chẳng nên tu Thánh đạo thời không được giải thoát.
Tất cả Thánh Nhân sở dỉ tu tập Thánh đạo vì để phá hoại định nghiệp thành quả báo nhẹ và làm cho nghiệp bất định không có quả báo.
Nếu tất cả nghiệp quyết định có quả, thời chẳng nên cầu tu tập Thánh đạo.
Nếu ai xa lìa Thánh đạo thời không bao giờ được giải thoát. Chẳng được giải thoát thời không được Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Nếu tất cả nghiệp quyết định có ngã, thời một đời tạo nghiệp thuần thiện lẽ ra phải mãi mãi thường hưởng thọ quả an vui. Một đời gây tạo tội ác rất nặng lẽ ra cũng mãi mãi chịu quả khổ lớn.
Nếu nghiệp quả như vậy thời không có sự tu Thánh đạo cùng giải thoát và Niết Bàn, người làm người thọ: Bà La Môn làm Bà La Môn thọ. Nếu như vậy thời lẽ ra chẳng có giòng hạ tiện người hạ tiện. Người lẽ ra luôn luôn là người, Bà La Môn lẽ ra mãi mãi là Bà La Môn.
Lúc nhỏ tạo nghiệp lẽ ra lúc nhỏ thọ báo chẳng nên đến lúc trung niên và lúc già mới thọ. Lúc già tạo nghiệp ác khi sanh vào trong địa ngục, thân địa ngục lúc trẻ lẽ ra chẳng chịu khổ.
Nếu lúc già chẳng sát sanh chẳng nên thuở tráng niên được sống còn, nếu thuở tráng niên chẳng sống còn thời thế nào có tuổi già, vì nghiệp không mất, nếu nghiệp không mất thế nào mà có tu hành Thánh đạo đến quả Niết Bàn.
Này thiện nam tử!
Có hai thứ nghiệp: Định và bất định.
Định nghiệp có hai: Báo định và thời định.
Hoặc có báo định mà thời gian bất định, lúc duyên hiệp thời thọ báo, hoặc ba thời gian thọ báo nghĩa là đời hiện tại thọ, đời kế thọ, đời sau thọ.
Này thiện nam tử! Nếu định tâm làm những nghiệp lành, nghiệp ác, làm rồi sanh lòng rất tin vui mừng, nếu phát nguyện cúng dường Tam Bảo, đây gọi là định nghiệp.
Này thiện nam tử! Người trí căn lành sâu chắc khó lay động nên có thể làm cho nghiệp nặng thành nhẹ. Người ngu si điều bất thiện sâu dày nên có thể làm cho nghiệp nhẹ trở thành quả báo nặng. Do nghĩa này nên tất cả nghiệp chẳng gọi là quyết định. Đại Bồ Tát không có nghiệp địa ngục, vì chúng sanh mà phát nguyện sanh trong địa ngục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba