Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Pháp Giới

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM PHÁP GIỚI  

Bấy giờ Thế Tôn từ lưỡi phóng ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, lại chiếu đến Quốc Độ của Chư Phật ở mười phương, bốn phương góc, phương Trên, phương Dưới đều được chiếu sáng. Ánh sáng ấy lại chiếu sáng đến tận tám mươi bốn ức hằng hà sa cõi về phương Đông.

Chư Phật ở nơi ấy luôn giảng về hạnh Bồ Tát thù thắng, không có pháp nhị thừa, phân biệt Thế Giới, mỗi Thế Giới theo thứ bậc. Đức Phật cũng từ Thế Giới đó đến Cõi Nhẫn, do vậy nên phát nguyện tìm đạo không sai loạn.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Ta nay tự nhớ lúc ở trong chúng của Chư Phật ấy, Chư Phật nhất tâm đồng thời nhập diệt. Ta là vị đứng đầu trong chúng ở Thế Giới ấy.

Từ Thị lúc đó có hiệu là Kết Sư Tử, có trí tuệ dõng mãnh, đức độ truyền xa mọi người đều nghe tiếng, sắc mặt vàng chói huyền tịch bảo hùng, tâm luôn từ bi, thệ nguyện trong sạch, cũng như Chư Phật Như Lai nhất tâm đồng thời nhập diệt, đúng thời thích hợp đến cõi nhẫn.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng và chúng hội: Thế Giới của Chư Phật không thể nghĩ bàn, phương tiện quyền xảo biến hóa thay đổi hình tướng vô cùng.

Có phải các ông cho rằng Bồ Tát Từ Thị đang tu tập hạnh Bồ Tát không?

Chớ có nghĩ như vậy. Bởi vì Đức Từ Thị tích lũy công hạnh hằng sa số kiếp, trước kia đã thệ nguyện thành Đẳng Chánh Giác. Ta cùng tu hành mà ở sau vị ấy. Vị ấy hoặc thị hiện tu khổ hạnh, hoặc thị hiện tướng sáng, hoặc thị hiện thân trẻ con làm đệ tử của Bồ Tát, tùy theo bổn hạnh của người mà vì họ nói pháp. Đức Bồ Tát Từ Thị đang ngồi trên kia.

Đức Phật bảo Ngài Di Lặc: Ông hãy hiện tướng sáng của Phật và bao nhiêu số đồ chúng tùy tùng. Khi đó Ngài Di Lặc ẩn thân Bồ Tát hiện trở lại thân Phật và cảnh giới Phật Quốc, số đệ tử Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Các vị trong hội thấy như vậy đều vui mừng chưa từng có.

Pháp vô hình tự nhiên, sắc tướng tự nhiên, các pháp tự nhiên, tất cả Chư Phật cũng tự nhiên. Lúc đó đại chúng lại thấy ở tám mươi bốn ức hằng hà sa số Thế Giới vắng lặng về phương Đông, Chư Phật Thế Tôn đang giảng luận về hạnh thù thắng của Bồ Tát gồm một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu.

Một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu đó là gì?

Bồ Tát tu tập pháp môn Bổn tịnh. Người đạt được pháp môn này không nghĩ rằng mình có chứng đắc pháp bổn tế.

Lại có pháp môn Vô ngôn thuyết, Bồ Tát đắc pháp môn này dạo cõi hư không mà không ai có thể hay biết.

Lại có pháp môn Vô sở đắc, Bồ Tát đắc pháp môn này tuy độ chúng sanh mà không thấy độ.

Lại có pháp môn Vô sở trì, Bồ Tát đắc pháp môn này biết rõ bổn tịnh, trong ngoài không có chủ tể.

Lại có pháp môn Danh Hiệu, Bồ Tát đắc pháp môn này thấy tất cả các pháp là hư giả không thật.

Lại có pháp môn Thành tựu, Bồ Tát đắc pháp môn này tuy trụ ở hữu vi mà không chấp trước hữu tưởng.

Lại có pháp môn Hóa thức, Bồ Tát đắc pháp môn này vào cõi vô hình giáo hóa chúng sanh vô hình.

Lại có pháp môn Hiện hình, Bồ Tát đắc pháp môn hiện vô số hình tướng để giáo hóa chúng sanh.

Lại có pháp môn Nhân duyên, Bồ Tát đắc pháp môn này vì chúng sanh mà tạo nhân duyên.

Lại có pháp môn pháp thanh, Bồ Tát đắc pháp môn này chúng sanh chỉ nghe âm thanh mà không thấy thân Bồ Tát.

Lại có pháp môn Ly hữu, Bồ Tát đắc pháp môn này không thấy pháp chấp đoạn sanh diệt.

Lại có pháp môn Giải thoát, Bồ Tát đắc pháp môn này không thấy Niết Bàn có hướng tịch diệt.

Lại có pháp môn Thâm áo, Bồ Tát đắc pháp môn này phân biệt Kinh Điển bí yếu của Như lai.

Lại có pháp môn Vô Sắc tượng, Bồ Tát đắc pháp môn này nhập định Vô Sắc mà giáo hóa chúng sanh.

Lại có pháp môn Vô quán hạnh, Bồ Tát đắc pháp môn này nhập định Vô Sắc mà giáo hóa chúng sanh.

Lại có pháp môn Vô quán hạnh, Bồ Tát đắc pháp môn này không giảng dạy Phật pháp cũng không trụ xứ sở.

Lại có pháp môn Sổ tức, Bồ Tát đắc pháp môn này không tính đếm các pháp, ngộ rõ tức vô tức. Như vậy, này Tối Thắng, có một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu của Đại Bồ Tát như thế.

Khi ấy chúng hội nghe Chư Phật đó giảng nói pháp môn vi diệu, tất cả đều ở ngay chỗ ngồi đạt được Tận tín pháp nhẫn, vô số chúng sanh theo tiểu thừa đều phát tâm đạo vô thượng bình đẳng.

Bấy giờ Thế Tôn và Ngài Di Lặc thâu nhiếp tướng ánh sáng trở về trong nhan diện. Tâm thương xót của Như Lai vòi vọi như thế, khai hóa chúng sanh không thể tính lường, độ cho mỗi người đều có chí hướng lập tâm kiên cố.

Lúc đó chúng hội lại khởi niệm nghĩ: Các nhân giả, chúng ta cùng nhau đều thấy Thế Giới vắng lặng kia nhưng nay đột nhiên đều không còn.

Đó chẳng phải là ảo hóa như ngựa hoang, bóng nước hay sao. Chẳng phải là cảnh mộng, ảnh trong gương mờ ảo không thật hay sao.

Khi ấy Thế Tôn biết tâm niệm của chúng hội liền bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thế nào Xá Lợi Phất, ông đã từng được nghe Như Lai vì ông mà giảng nói hạnh Thanh Văn là pháp hữu vi, là pháp vô vi, là pháp hữu lậu, là pháp vô lậu, là pháp chân thật, là pháp chẳng chân thật, là hiện pháp, là chẳng phải hiện pháp, là pháp trần lao, là pháp chẳng phải trần lao, là pháp hữu số, là pháp vô số, là pháp có chấp trước, là pháp chẳng có chấp trước.

Là pháp hữu tập, là pháp vô tập, là pháp sân hận, là pháp chẳng sân hận, là pháp đáng xả, là pháp chẳng xả, là pháp phàm phu, là pháp chẳng phải phàm phu, là pháp Hiền Thánh, là pháp chẳng phải Hiền Thánh, là pháp ý chỉ thần túc, là pháp chẳng phải ý chỉ thần túc. Là pháp căn, lực, giác đạo. Là pháp chẳng phải căn, lực, giác đạo.

Là pháp học, là pháp chẳng học, là pháp Thanh Văn, là pháp chẳng phải Thanh Văn, là pháp Duyên Giác, là pháp chẳng phải Duyên Giác, là pháp Bồ Tát, là pháp chẳng phải Bồ Tát, là pháp Phật, là pháp chẳng phải Phật hay không?

Thế nào Xá Lợi Phất, ông từng được nghe Như Lai giảng nói ngôn giáo đó hay không?

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn, chẳng có.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Ta nay vẫn còn chúng Thanh Văn ở đây nên không giảng nói pháp đoạn trừ lậu có duyên tưởng chấp trước huống chi phải diễn nói pháp bí tạng. Việc ấy chẳng phải như vậy. Nói pháp, luận giảng đều không có chỗ trụ, không nói, không dạy cũng không có pháp tưởng.

Pháp mà phát ra âm thanh phải chăng là pháp hiện hữu?

Thế nào Xá Lợi Phất, Ta nay sẽ nói ví dụ. Người trí do ví dụ mà tự biết. Vì như kẻ sĩ phu dõng mãnh quán cõi hư không đều biết là vô hình, nhưng lại có người có ý mưu toan dùng các màu sắc để vẽ trên hư không, hoặc vẽ hình Chư Thiên, hoặc vẽ hình người, hoặc vẽ hình rồng, quỷ, thần, hình Chiên Đà La, hoặc vẽ hình súc sanh, côn trùng bay nhảy.

Thế nào Xá Lợi Phất, người đó có ý như vậy có thể được không?

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.

Rất khó! Rất khó! Việc đó chưa từng có.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Phương tiện giáo hóa của Như Lai không thể nghĩ bàn. Ngôn giáo thi thiết còn khó hơn điều đó.

Vì sao như vậy?

Tất cả các hành pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp đạo, pháp thế gian, mười hai nhân duyên và sáu thức thân, bốn pháp ý chỉ, bốn pháp ý đoạn, bốn pháp thần túc, năm căn, năm lực, bảy pháp giác ý.

Chư Phật ở quá khứ, tương lai, hiện tại đều không có hình tượng, không thể thấy được, không thủ xả cũng không tụ tán, không thể nắm bắt nên không thể đắc. Cảnh giới hư không không tịch không hai.

Chư Phật Thế Tôn đến cõi nước các phương vì tất cả chúng sanh giảng nói ngôn giáo, thật không có danh hiệu mà tạm gọi là danh hiệu, thật không có văn tự mà tạm gọi là văn tự, thật không có pháp tánh nhưng tạm nói là pháp tánh.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất, Đại Bồ Tát dùng quyền phương tiện thích ứng với chúng sanh, tùy theo căn tánh thuở trước của chúng sanh, điều đó mới thật là khó.

Nếu có Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di trọn lòng tin pháp hư vô tịch tĩnh như thế, đầy đủ các hạnh thì có thể thành tựu tướng tốt của Như Lai, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia theo hầu cận, cúng dường Chư Phật Thế Tôn, lại ở chỗ các Đức Phật đó đắc được pháp Cường ký Tổng Trì cũng thông đạt nghĩa lý thâm diệu đó.

Lại chuyển pháp luân diễn nói pháp để mọi người đều nghe hiểu. Đại Bồ Tát phải nhớ nghĩ đầy đủ bảy pháp không chấp trước.

Bảy pháp đó là gì?

Ngộ rõ tất cả hiện hữu đều vô sở hữu, không nhiễm chấp hữu cũng không thấy có hiện hữu. Thân tướng hiện tại của mình cũng không có sắc tướng. Thân vô hữu của Phật cũng như vậy, huống gì lại có sắc tướng. Tất cả Thế Giới không có đầu mối há lại có căn gốc để có thể tìm cầu.

Căn tánh của chúng sanh vô cùng vô tận, ai có thể khởi ý đo lường hạnh đó. pháp tựp nhiên sanh, pháp tự nhiên diệt, lại cũng không thấy có sanh, có diệt. Các pháp như hóa, các pháp như ảo, lại cũng không thấy pháp ảo hóa như ngựa hong. Các pháp tự nhiên, các pháp vô sanh, lại cũng không thấy sanh diệt, trước đoạn.

Này Xá Lợi Phất, đó gọi là Đại Bồ Tát thành tựu bảy pháp không chấp trước thì có thể đầy đủ tất cả các hạnh, dần dần thành tựu địa vị Bồ Tát, ngồi tại cội Phật thọ hàng phục ma oán, tích lũy công đức, đầy đủ tướng sáng.

Bồ Tát từ đệ nhất trụ địa đến Thập Trụ địa, trong khoảng thời gian ấy tâm chưa từng thoái chuyển, luôn được Chư Phật hiện thân ủng hộ.

Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lau La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc cúng dường hương hoa, trổi xướng kỹ nhạc, dựng treo phướn lọng giúp Bồ Tát thêm công đức, sức oai thần tiếp độ tự thăng đạt đạo vô thượng chí chân.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Ta nhớ khi xưa tu Bồ Tát đạo, ta hoặc làm thân trẻ con, hoặc làm thân Phạm Thiên, có khi xuất gia tu tập luật pháp Sa Môn, đã cúng dường hằng hà sa số Chư Phật Thế Tôn.

Ta dùng đầu mắt, quốc tài, vợ con, hoặc dùng tứ sự: Thuốc men… cúng dường, chỉ nghe Chư Phật luận giảng nghĩa khổ, không, phi thân vô ngã. Hoặc nói sáu pháp Ba la mật, pháp không, vô tướng, vô nguyện. Hoặc nói pháp cấm giới học đạo, hoặc giảng dạy pháp nhẫn nhục nhân hòa. Ta có khi ẩn thân suốt kiếp không xuất hiện, hoặc nhập thiền định, toàn thân không lay động đều do nội pháp chưa thành tựu.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Xưa kia Ta từ Thế Giới vắng lặng tịch tĩnh của Chư Phật Thế Tôn đã được nghe pháp thâm diệu đó. Các vị Bồ Tát tụ họp đến đúng thời đều đạt được Nhu thuận pháp nhẫn. Khi ấy có hai vạn bốn ngàn chúng sanh ngồi tại Pháp Hội ngay lúc đó liền đắc Bất khởi pháp nhẫn.

Chư Phật quá khứ, vị lai và Chư Phật hiện tại cùng tuyên dương, truyền giảng pháp thâm diệu không chỗ trụ, lại cũng không thấy ngã, nhân, thọ mạng.

Quán sát chúng sanh có căn tánh thuần thục, chúng sanh có tưởng thì dùng pháp vô tưởng để giảng dạy, chúng sanh có niệm thì dùng pháp vô niệm để giáo giới.

Nếu có vị thiện nam, thiện nữ tụng đọc, khéo giữ gìn pháp thâm áo này, lại truyền dạy cho người khác thì phước đức, công đức của người ấy không thể xưng lường.

Nếu có người tu học đạo Bồ Tát, tâm từ, bi, hỷ, hộ xả thương xót tất cả chúng sanh, muốn họ thành tựu lên đến Bồ Tát vị thì phải tu trì pháp tạng thâm áo này.

Nếu có vị thiện nam, thiện nữ đầy khắp ba ngàn Thế Giới thọ trì năm giới, tu tập đầy đủ mười thiện hạnh, bốn thiền, bốn đẳng tâm, bốn pháp không thì không bằng một người được nghe pháp thâm áo này.

Nếu vị ấy không thể tư duy nhiều thì cũng trong vòng bảy ngày, nếu không thể trong vòng bảy ngày thì trong sáu, năm, bốn, ba cho đến một ngày.

Nếu không thể trong vòng một ngày thì chỉ trong khoảnh khắc khảy móng tay có thể đạt đạo.

Thế nào Xá Lợi Phất, nếu hàng Thanh Văn của ông đầy khắp mười phương Thế Giới cúng dường tứ sự: y phục, thức ăn uống, đồ nằm giường chiếu và thuốc men trị bệnh suốt trong ức ức kiếp, lại hơn ức ức kiếp đó nữa thì cũng không bằng một người nghe pháp thâm áo này.

Vì sao như vậy?

Vì pháp đó là pháp tập hợp tất cả pháp tạng trân bảo của Bồ Tát. Nếu diễn nói nghĩa một câu, nghĩa của vô thường, khổ, không, phi thân vô ngã, ba pháp môn giải thoát và bốn pháp minh tuệ. Pháp không, vô tướng, vô nguyện. Hạnh hư tịch, tất cả các hạnh không sanh, không khởi, không diệt.

Bậc Đại Bồ Tát như thế thì được an ổn, được vô lượng đức hạnh, phước không thể hạn lượng, không gì có thể ví dụ so sánh được.

Nếu có Bồ Tát dùng thân không ngăn ngại giới hạn tu tập pháp hữu vi, giáo hóa chúng sanh khiến họ được mãn nguyện, nhưng các loại chúng sanh đó chưa từng được nghe đạo pháp vô vi, muốn đạt được pháp thâm áo của Bồ Tát thì việc đó không thể có.

Nếu có Bồ Tát nhập định ý chánh thọ từ vô lượng pháp tuyên duyên truyền bá Kinh Pháp thâm áo để chúng sanh nghe pháp vô vi, các pháp hư không đều vô sở hữu thì mới chính là nghĩa lý sâu xa, không pháp nào có thể sánh bằng.

Cho nên Bồ Tát nếu muốn đầy đủ nguyện của chúng sanh, muốn nói nghĩa lý này cho người khác, lại muốn tuyên xướng pháp bí yếu của Bồ Tát Như Lai, muốn khiến chúng sanh thành tựu chứng đắc Tứ Quả thì phải luôn nhớ nghĩ học tập pháp thâm yếu này.

Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thuở xưa ta vì thực hành Bồ Tát đạo nên đi khắp nơi tham học, luôn tu tập sáu pháp Ba la mật, bốn pháp đẳng tâm, tâm đại từ thương tưởng chúng sanh, diễn nói pháp nghĩa vị cam lộ, hoặc diễn nói ngôn giáo, hoặc im lặng như Hiền Thánh, hoặc hiện thần túc.

Hoặc dùng pháp quyền phương tiện khéo léo, hoặc dùng năm đạo thần thông, hoặc dùng đạo nhất thừa đi khắp nơi truyền giảng, hoặc hiện thân Bích Chi mang bát bay lên hư không, hiện thân Thanh Văn nhận lãnh ngôn giáo, hoặc hiện thân trẻ con như thể không biết gì.

Xá Lợi Phất nên biết, Bồ Tát giáo hóa dùng phương tiện hiện hóa khắp nơi không thể cùng tận, tùy theo tập tục thế gian, tùy theo tánh loại mà vào, thể nhập tánh của đất cũng thể nhập tánh của nước, thể nhập tánh của lửa cũng thể nhập tánh của gió.

Bồ Tát phân biệt nguồn gốc của bốn đại đều không có chủ tể, phân biệt trong ngoài địa giới là hư tịch. Thủy, hỏa, phong, giới cũng như vậy.

Bồ Tát lại quán chúng sanh có dâm, nộ, si hay không có dâm, nộ, si. Có tâm ái dục hay không có tâm ái dục, có ý kiêu mạn hay không có ý kiêu mạn, có tâm định hay không có tâm định, có tâm loạn hay không có tâm loạn.

Bồ Tát đều phân biệt rõ, hoặc dùng pháp ấn ban thủ ý, hoặc dùng pháp quán ác lộ bất tịnh, hoặc dùng pháp Niết Bàn diệt tận, hoặc dùng pháp hữu vi, vô vi. Hoặc dùng pháp hữu lậu, vô lậu. Hoặc dùng pháp thế gian, hoặc dùng pháp đạo, hoặc dùng đạo thần thông lậu tận để giáo hóa họ.

Ta từng đến, ở tại Thế Giới thông tuệ vì một chúng sanh nhập thiền định thân tâm bất động, không màng khổ khó chờ đợi để giáo hóa. Chúng sanh đó đâu phải ai khác. Ông chớ có nghĩ khác.

Ông muốn biết người đó thì nay chính là Bồ Tát Tối Thắng. Bồ Tát Tối Thắng ở Thế Giới Thông Tuệ sanh vào nhà giàu sang, do công đức tích lũy từ xưa nên không sanh vào nhà nghèo túng khốn khó, một đời, hai đời cho đến trăm ngàn đời, cho đến mười hai trung kiếp khi sanh luôn ở tại nhà giàu sang, không ở chỗ thấp hèn.

Ta cũng ở cách đó không xa, nhập định quán tâm ý mình suốt trăm ngàn kiếp mà không ngộ được một câu pháp thâm áo.

Sau đó Ta mới có thể tự ngộ, tâm hoát nhiên khai ngộ, tự trở về tự thân, mong được nghe vô lượng Kinh Pháp thâm diệu, rồi vì chúng sanh nói pháp tạng bí yếu vô tận, gọi là pháp tạng vô tận phân biệt âm thanh, hoặc dùng một âm thanh làm vang khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, hoặc dùng một câu mà ứng hợp với tâm niệm tất cả chúng sanh, âm thanh từ ngôn giáo phát ra vượt hơn cả Phạm âm.

Lại có pháp lục thông vô tận tạng, đến cõi nước Chư Phật mười phương thừa sự, cúng dường các Đức Như Lai Thế Tôn, nhận lãnh pháp thâm diệu khó có, tu tập các khổ hạnh, hơn thế nữa còn tinh tấn trì giới, nhẫn nhục.

Tinh tấn tu tập pháp thiền định nhất tâm, pháp trí tuệ phương tiện khéo léo. Lại có pháp tạng vô tận khéo đạt được bốn pháp ý chỉ. Bốn pháp ý chỉ là pháp hạnh vô lậu. Pháp ý chỉ là con đường tắt đưa đến Niết Bàn.

Ngoài ra, pháp tu tập của phàm phu còn có bốn pháp ý đoạn, bốn pháp thần túc, năm căn, năm lực, bảy pháp giác ý, tám đạo Hiền Thánh, quả chứng báo ứng đều vô sở hữu cũng không thấy có. Đó gọi là pháp tạng vô tận của Bồ Tát.

Pháp nào là pháp rốt ráo ánh sáng bình đẳng, khéo giảng bổn tánh là pháp rốt ráo?

Tu tập pháp tánh tướng là pháp rốt ráo?

Tâm tư duy là pháp rốt ráo?

Tư duy năm ấm là pháp rốt ráo?

Thấy rõ mười hai nhân duyên là pháp rốt ráo?

Biết trong ngoài bốn đại là pháp rốt ráo?

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn, chẳng phải. Các pháp mà Như Lai vừa nói chẳng phải là pháp rốt ráo.

Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Lại có bốn Pháp Sự giáo hóa vô tận, là pháp môn biện tài.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là phân biệt trí tuệ vô tận.

Hai là phân biệt trí tuệ sáng vô tận.

Ba là tư duy nhớ rõ pháp Tổng Trì.

Bốn là phân biệt biện tài không ngoài.

Này Xá Lợi Phất, đó gọi là bốn pháp tạng vô tận mà Bồ Tát phải tu hành.

Lại có bốn pháp tạng vô tận không thể thọ trì.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là tâm tánh khó giữ gìn, phóng dật không an trụ.

Hai là tâm đạo khó giữ gìn, bổn tánh rất sâu xa.

Ba là thể nhập các pháp bổn tế tu tập không rốt ráo.

Bốn là thể nhập tâm ý chúng sanh biết rõ pháp vô.

Đó gọi là tạng vô tận của Đại Bồ Tát.

Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Bồ Tát lại có bốn pháp tạng vô tận, là pháp môn biện tài.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là chí nguyện kiên cố không chấp trước theo tà giáo.

Hai là bổn hạnh thanh tịnh không khởi trần lao.

Ba là theo ngôn giáo của Chư Phật quá khứ an lập tâm nhẫn vô hại.

Bốn là tùy duyên tạo hạnh không mất thệ nguyện của mình.

Đó gọi là pháp môn biện tài, pháp tạng vô tận mà Đại Bồ Tát ở dưới cội đạo thọ hàng phục ma oán, ý không khiếp nhược.

Lại có bốn pháp tạng vô tận là pháp môn vận chuyển bánh xe chánh pháp.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là lời nói chí thành không hủy báng người khác.

Hai là ngộ rõ rốt ráo pháp duyên khởi, biết rõ các pháp từ đâu sanh.

Ba là giáo huấn chúng sanh trọn không có tâm mệt mỏi lười chán.

Bốn là phân biệt trí tuệ sáng thăng lên Bồ Tát vị.

Đó gọi là pháp tạng vô tận không hủy pháp giới của Bồ Tát, là pháp Đại Bồ Tát luôn tu tập thực hành.

Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát lại có bốn pháp tạng vô tận thành tựu pháp giới.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là ngộ rõ pháp giới, thông đạt đường qua lại.

Hai là ngộ rõ pháp tánh biết rõ là vô sở hữu.

Ba là phân biệt nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn.

Thế nào là nhục nhãn?

Quán thấy hình sắc không khởi nhãn thức.

Thế nào là thiên nhãn?

Thiên nhãn là nhìn hình sắc của Chư Thiên không thấy báo ứng. Tuệ Nhãn phân biệt không thấy trần lao. Pháp nhãn thanh tịnh đầy đủ sáu pháp Ba la mật. Phật nhãn quán thấy thông đạt rõ ràng tướng, vô tướng. Bốn là ngộ rõ báo ứng, không chấp trước ba cõi. Đó gọi là pháp tạng vô tận thành tựu pháp giới của Đại Bồ Tát.

Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát lại có bốn pháp tạng vô tận.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là tinh tấn nhưng tâm ý không định.

Hai là có tâm cầu trí tuệ hay không có tâm cầu trí tuệ.

Ba là ý hữu tận hay ý vô tận.

Bốn là hữu đắc ý hay vô đắc ý.

Bồ Tát đều phân biệt trong ngoài đều vô sở hữu. Cho nên, này Xá Lợi Phất, Bồ Tát thực hành phương tiện đi khắp nơi giáo hóa phải lấy hạnh tinh tấn làm đầu, tu hành cấm giới, lấy sức tinh tấn làm gốc, từ Chư Phật Thế Tôn cầu tích lũy công đức, nghe pháp hoan hỷ tập hợp trí tuệ sáng, truyền bá Đạo Giáo nhưng cũng không thấy có ngôn giáo, các pháp tương lai, quá khứ hay hiện tại.

Trí tuệ quán kiên cố mới là giáo hóa chân thật. Như Lai giảng nói không dùng văn tự. Văn tự thanh tịnh thì nói pháp cũng thanh tịnh. Đó là tích lũy công đức trí tuệ, thành tựu tâm nhẫn nhục kiên cố, tâm an trụ không thoái chuyển.

Này Xá Lợi Phất, đó gọi là không vì tham sắc cũng không nương tựa sắc, chẳng phải không có sắc, ngộ rõ sắc Vô Sắc. Vì vậy gọi là pháp tánh.

Giả sử chúng sanh ở ba ngàn Đại Thiên Thế Giới xông hương, mang phướn lọng, lụa gấm láng mịn đến cúng dường, Bồ Tát cũng không vì thế khởi niệm vui mừng mà xa lìa, tâm giải đãi, không có tâm khiếp sợ, trừ bỏ niệm tham loạn và sân khuể, thành tựu tâm Chánh Giác bình đẳng, truyền giảng pháp bí yếu thì mới thành tựu Phật Quả.

Bồ Tát xả bỏ thân mạng, an lập tâm hoằng thệ thay chúng sanh nhận lãnh khổ não cho họ, siêng năng vui với pháp, hướng dẫn chúng sanh đi vào nhà chánh pháp tu tập đạo. Chư Thiên chứng minh.

Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và Phi Nhân đều đến cúng dường.

Các vị thiện năm, thiện nữ phụ tá khuyến trợ Bồ Tát thành Phật, phát trọng nguyện kiên cố thành tựu trí tuệ không thoái chuyển, độ những kẻ có nhân duyên rơi vào ba đường ác, không nhận thức phân biệt, không giác ngộ cũng không đạt pháp rốt ráo.

Này Xá Lợi Phất, đó gọi là Đại Bồ Tát tu tập pháp vô tưởng niệm, tu tập pháp không có ngôn giáo nên mới đạt được Thánh Giáo của Như Lai. Bấy giờ các vị ngồi trong hội nghe pháp sâu xa nay đều phát tâm Vô Thượng bất thối chuyển địa.

Khi ấy Ngài Xá Lợi Phất ở trước Đức Phật thưa: Các vị ngồi trong hội nghe pháp, các vị ấy phải chăng rất lâu nữa mới được thành Phật?

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Các vị đó trong hai trăm vô ương số kiếp nữa sẽ thành Phật, đều đồng một hiệu là Vô Cấu Siêu Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Thế Tôn.

Thế Giới tên là Thanh Tịnh, kiếp tên là Nan Độ. Thế Giới của các Đức Phật ấy chỉ có Nhất Thừa, không có tên Thanh Văn, Bích Chi Phật, thường luận giảng về vô lượng đức hạnh của Bồ Tát. Cõi ấy đất đai bằng phẳng, không có núi sông, gò nổng, suối khe, hang lạch.

Có vô số loại màu sắc như y Cõi Trời, không dùng ánh sáng của mặt trời, mặt trăng mà tự soi sáng bằng ánh sáng trên thân tướng phản chiếu lẫn nhau. Chúng sanh có công đức rộng lớn, niệm nghĩ vô số tưởng.

Vì sao như thế?

Là vì pháp giới ấy không có sai biệt, trái nghịch. Chúng sanh ở Cõi Phật đó ăn Cam Lộ tự nhiên, vận y kiếp ba, ở chỗ an lạc như Chư Thiên ở Cõi Trời thứ sáu.

Đất đai màu mỡ, ngũ cốc đầy ngập, có đầy đủ bảy loại báu: vàng, bạc, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách. Có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên Bạch Vũ Hoa, có bảy thứ báu đi theo.

Bảy thứ báu đó: Một là bánh xe báu. Bánh xe báu này ngang dọc mười bốn khuỷu tay, toàn bằng bảy báu. Bánh xe có ngàn tăm. Mỗi cây tăm đều liên kết với nhau. Ý của Vua muốn sang phương Đông, bánh xe liền đi trước.

Hai là voi báu. Voi báu này màu sắc như tuyết trắng, miệng có sáu ngà. Mỗi ngà đều liên kết với nhau. Vua muốn cưỡi voi dạo xem Thế Giới, trong khoảnh khắc khảy móng tay liền đến ngay Thế Giới đó không khó khăn.

Ba là ngựa báu. Ngựa báu này thân màu xanh biếc, lông đuôi màu đỏ, chạy trên không chân không chạm đất. Ngựa này hí một tiếng thì Thế Giới chấn động, mọi loài đều nghe. Ý Vua muốn cưỡi ngựa đi về bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc thì trong khoảnh khắc khảy móng tay đều đi khắp nơi.

Bốn là ngọc nữ báu. Ngọc nữ báu này, thân tỏa mùi hương của hoa sen Ưu Bát, miệng tỏa mùi hương Ngưu Đầu Chiên Đàn.

Thân toàn là thịt không có xương, thân tướng đoan chánh, không mập, không ốm, không cao, không thấp, không trắng, không đen, có đầy đủ dáng thùy mị nữ tính và sáu mươi bốn pháp biến hóa. Ý vua muốn gần gũi thì ngọc nữ liền hiện trước mặt.

Năm là ngọc báu. Ngọc báu này ngang ba nhận, cao bảy nhận. Ý vua muốn thử ngọc báu này nên lúc đêm tối không người triệu tập bốn loại binh mã đến, treo ngọc báu này trên đài cao vạn trượng. Ánh sáng của ngọc đó soi sáng khắp Thế Giới, không nơi nào không sáng. Ngọc ấy tự do qua lại theo ý niệm của Vua.

Sáu là vị thần báu cai quản kho tàng. Khi đó Chuyển Luân Thánh Vương có ý muốn đi dạo các nơi trên Thế Giới.

Trên đường đi băng qua một biển rộng sâu không đáy, ý Vua muốn thử vị bảo thần cai quản kho báu liền truyền lệnh dừng ngay giữa biển: Ta muốn tạm nghỉ ngơi, rồi lệnh cho vị bảo thần: Nay ta muốn vật báu vàng, bạc, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, thủy tinh, lưu ly.

Khanh có thể làm được không?

Vị bảo thần cai quản kho tàng liền quỳ ngay trên mặt nước, dùng móc câu dưới nước lên tùy theo ý niệm bảy báu tự đến. Bảy là vị bảo thần thống lãnh quân đội.

Nói về vị bảo thần thống lãnh quân đội, khi đó ý Vua muốn tập hợp bốn loại quân binh liền bảo vị bảo thần thống lãnh quân đội: Ta muốn kiểm tra bốn loại quân binh. Ngay lập tức vị bảo thần ấy không dời chuyển mà có thể làm được ngay.

Vị bảo thần lại tâu Vua: Không rõ ý Thánh Vương muốn bao nhiêu binh?

Vua nói: Ta cần trước, sau, phải, trái, mỗi phía đều có một vạn hộc binh. Khi ấy vị bảo thần thống lãnh quân đội theo lệnh Vua, như lời Vua nói, truyền bốn loại binh tập hợp. Bốn loại binh đó là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh. Mỗi loại quân binh đều sắp theo hàng mười. Bốn loại quân binh đều như thế.

Bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng và chúng hội: Vị Chuyển Luân Thánh Vương lúc đó đâu phải ai khác. Chớ có nghĩ khác.

Vì sao?

Vì đó chính là thân của Bồ Tát Tối Thắng hiện nay. Lúc đó Chuyển Luân Thánh Vương có sức thần biến hóa, lời nói êm dịu, nhân dân đều vâng theo pháp âm tâm vắng lặng đạm bạc.

Vua giảng nói pháp Ba La Mật, pháp bốn ân, bốn đẳng âm, sáu trọng pháp, pháp quyền phương tiện khéo léo nhập diệt tận định, pháp lìa dục không cấu nhiễm.

Pháp không, vô tướng, vô nguyện. Pháp không sanh diệt, pháp không chấp trước. Nếu có chúng Chư Thiên, người thế gian ở trong cõi đó còn mê mờ, Vua phân biệt thánh tuệ đạo căn vô lậu, hoặc dùng thanh âm truyền dạy pháp sáng, hoặc dùng pháp khổ đế truyền dạy đưa họ vào pháp luật, hoặc dùng thần túc biến hóa ánh sáng để truyền dạy, muốn đưa chúng sanh dần dần đạt đến rốt ráo.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Tất cả chúng sanh đều không có tướng ngã, nhân. Các pháp vốn thanh tịnh, các pháp không hình tướng. Không chấp đoạn pháp thì các pháp không hoại. Quán rõ Cõi Phật đều không sở hữu.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất, mười hai nhân duyên, năm ấm, sáu suy đều không hình tượng. Tám loại âm thanh của Như Lai không phải thanh âm của nam, không phải thanh âm của nữ, không phải thanh âm mạnh to, không phải thanh âm nhẹ nhàng, không phải thanh âm trong trẻo, không phải thanh âm khàn đục, không phải thanh âm hùng tráng, không phải thanh âm lả lướt.

Đó là do Như Lai thọ pháp đàn độ nên chứng được thật quả, ngộ biết thanh tịnh chiếu khắp pháp giới. Như Lai hoặc dùng một âm mà vang khắp ba ngàn Thế Giới mười phương. Ta từng đến trụ tại Thế Giới Dã Mã cách đây bảy mươi hai ức hằng hà sa số các Cõi Phật.

Ở nơi đó, Đức Như Lai phát ra âm thanh lớn vang khắp Cõi Phật. Trăm ức chúng sanh nghe được âm thanh đó đều an lập tâm không thoái chuyển, đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân.

Khi ấy vị đệ tử của Ta tên Mục Liên, đứng đầu về thần túc, lên trên một ngọn núi Tu Di, lại lên trên một ngọn núi Tu Di nữa. Như thế trải qua nhiều kiếp chân vị ấy không chạm đất. Lúc đó Mục Kiền Liên ở Thế Giới Dã Mã phát ra âm thanh lớn vang khắp ba ngàn Thế Giới mười phương.

Trong âm thanh đó diễn nói như vậy: Như Lai nói pháp hạnh chưa từng có cũng không thấy hạnh, chẳng phải không có hạnh. Ngộ rõ hạnh, vô hạnh nên gọi là thanh tịnh. Các pháp không hình tượng cũng không có âm vang. Đức Như Lai lại nói pháp Tứ Đế pháp tánh như thị, giải rõ khổ, vô khổ, không trụ khổ.

Trí thể nhập như thế gọi là khổ trí. Nhân tập nên giải rõ nguồn gốc của tập, vô tập. Do không thấy có tập nên gọi là tập trí. Biết nơi chốn của tận, do tận mà sanh, do tận mà diệt, cũng không thấy tận. Đó gọi là tận trí. Đạo vô vi là không thấy chỗ trụ, là pháp được Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai ca ngợi.

Pháp của Đức Phật hiện tại nói không có đạo. Pháp của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng như thế. Đạo không có hình tượng, không thể nhìn thấy. Ngộ rõ đạo, vô đạo nên gọi là đạo trí. Đó gọi là đại Bồ Tát phân biệt nghĩa của đạo. Lúc ấy tất cả loài chúng sanh ở Thế Giới Dã Mã đó chỉ nghe âm thanh mà không thấy thân tướng.

Đại chúng đó đều ngạc nhiên tự nghĩ: Đây là người nào mà phát ra âm thanh chấn động Thế Giới, lại còn diễn nói nghĩa lý thâm áo?

Lúc ấy Đức Như Lai đó biết tâm niệm của chúng sanh liền bảo Mục Liền: Ông hãy xả thần túc, hiện lại thân tướng ở trước chúng sanh kia. Mục Kiền Liên liền nhập như kỳ tượng đột nhiên hiện thân trở lại trong đại chúng. Các vị Bồ Tát ở đó, thân cao tám vạn bốn ngàn do tuần. Thân Phật cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần.

Chúng hội trông thấy Mục Liên thân vận y, mang bát, tướng trạng giống như các vị Sa Môn, ngạc nhiên, lạ lùng chưa từng có tự hỏi:

Đây là thân tướng gì?

Là súc sanh hay là người?

Lúc đó Đức Phật ấy biết tâm niệm của chúng hội liền nói với chúng hội: Các ông chớ sanh tâm đó!

Vì sao như vậy?

Cách đây bảy mươi hai ức Hằng Hà Sa số Cõi Phật có Cõi Phật tên là Nhẫn. Cõi đó có Đức Phật tên là Thích Ca Văn Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở trong đời ngũ trược xuất hiện thế gian, luôn dùng văn tự truyền dạy cho chúng sanh.

Con người thọ trăm tuổi, quá hơn nữa không có bao nhiêu. Đức Phật đó dùng pháp Tứ Đế chí chân phân biệt nghĩa lý nên giảng nói pháp trí tuệ không trụ xứ, không chấp trước. Tỳ Kheo Mục Liên là vị đệ tử bậc nhất thần thông của Đức Phật đó.

Đức Phật ấy lại bảo Mục Liên: Ông hãy hiện thần túc. Đại chúng trong hội này có ý muốn xem. Khi ấy Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật rồi đột nhiên biến mất, nhập vô ngại tam muội định ý, đỡ lấy toàn bộ cõi nước của Chư Phật ở mười phương đặt trên bàn tay phải, tay trái lấy Cõi Phật đó treo giữa hư không.

Mỗi vị trong hội đều thấy thần túc của Mục Liên, muốn thấy thân tướng của Mục Liên nhưng không thể thấy được. Bấy giờ các vị Bồ Tát đó suy nghĩ nên tự đến quy mạng Đức Phật Thế Tôn kia, cầu mong Đấng Thiên Sư sẽ hiện cứu tế. Đức Phật bảo không khổ thì hoàn toàn không có tổn giảm.

Khi đó Đức Phật ấy bảo Mục Liên: Mục Liên hãy dừng lại! Hãy xả thần túc đó để thô thức của các Bồ Tát này trở về đạo tích. Lúc ấy Mục Liên vâng lời dạy của Đức Phật liền xả thần túc trở lại chỗ ngồi như trước.

Các vị Bồ Tát đó ở trước Đức Phật thưa: Đức Phật Thích Ca Văn ở cõi nhẫn kia dùng giáo pháp gì để hóa độ?

Nói pháp như thế nào?

Lại dùng đạo gì để giáo huấn chúng sanh?

Dùng quyền trí gì để qua lại dạo khắp?

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Chúng sanh cõi đố tánh cang cường khó hóa độ, luôn tranh luận phải trái với nhau, mỗi người đều tự cho mình là tôn quý. Do đó Đức Như Lai dùng giáo lý khổ để đưa họ vào cửa đạo.

Giống như rồng chúa và ác thú ngang ngạnh không thuần phải dùng gậy đánh khiến chúng biết khổ đau, sau đó chúng mới thuần hòa chịu để cho voi cưỡi.

Chúng sanh ở Quốc Độ đó cũng như vậy, Đức Phật dùng vô số ngôn giáo để độ thoát cho họ, hoặc dùng khổ âm nói âm thanh khổ. Tập, tận, đạo cũng như vậy.

Bấy giờ các Bồ Tát khen là việc chưa từng có: Lành thay! Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, hạnh tinh tấn khổ khó của Đức Phật Như Lai ấy thật là khổ khó, ở trong đời nhiệt não như năm đỉnh nước sôi có thể giáo hóa chúng sanh, truyền giảng đạo lớn, là pháp diệt tận, vắng lặng khiến chúng sanh đều quy về giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần