Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm đạo Trí - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
PHẨM ĐẠO TRÍ
TẬP HAI
Phật lại bảo Đại Bồ Tát: Thế nào là trí đạo?
Bồ Tát đối với mười lăm trí đạo của Dục Giới là gì?
Đó là: Ở thế gian có bảy, gồm:
Một là phỉ báng đạo.
Hai là tâm tin nơi đạo.
Ba là thọ nhận lời dạy.
Bốn là đứng vững hoặc thoái lui.
Năm là quả báo do dự.
Sáu là tâm tinh tấn, thân chướng ngại.
Bảy là mắt thấy mà không nhận biết.
Nương vào kho tạng thâm sâu của Phật thì có tám việc, đó là:
Một là Phật Pháp không hình tướng, cho có hiện tướng.
Hai là hiện tại không dừng mà chấp là thường tồn.
Ba là vì quá khứ vĩnh viễn đã qua rồi, nên cố nói là không thấy.
Bốn là vì vị lai chưa đến nên nói là không sinh diệt.
Năm là do khổ mà có hoạn nạn nên nhận chịu những nghịch duyên.
Sáu là chưa diệt tận mà nói diệt tận, rồi làm theo phương tiện ấy.
Bảy là thấy đạo rồi xả bỏ đạo, nên chẳng vượt lên.
Tám là Phật Pháp không hai, cho là sai khác.
Đó gọi là Đại Bồ Tát đối với mười lăm phiền não của trí đạo Dục Giới.
Thế nào là mười lăm phiền não của trí đạo Sắc Giới?
Đó là:
Một là ân đức thấm nhuần.
Hai là tâm không thay đổi.
Ba là đắm trước thú vui Cõi Trời.
Bốn là quên tội phước.
Năm là sống lâu.
Sáu là không cảm thọ.
Bảy là tâm bình thường.
Tám là hành bình đẳng.
Chín là do nhẫn thì không sinh khởi.
Mười là đạo không biến đổi.
Mười một là các tưởng đầy đủ.
Mười hai là tham chấp về sắc.
Mười ba là tự tại.
Mười bốn là chiếu xa.
Mười lăm là nghiệp.
Đó là Bồ Tát thích ứng đến Cõi Sắc Giới nên nhớ nghĩ xa lìa mười lăm phiền não.
Thế nào là Đại Bồ Tát đối với Hửu Tưởng Vô Tưởng và trung ấm để xa lìa bốn mươi bốn phiền não?
Bồ Tát ấy nhập vào tam muội thần thông định ý vô hình đi đến cõi khác để thuyết về bốn mươi bốn hành động do nhận thức chấp trước.
Bốn mươi bốn đó là:
Một là nhận thức về ngã không nguồn gốc.
Hai là xả bỏ sắc vô hình.
Ba là có thọ báo.
Bốn là tưởng không kiên cố.
Năm là đoạn trừ gốc ngọn các hành.
Sáu là dựa vào tuệ không.
Bảy là nhập định yên tỉnh.
Tám là không tưởng như diệt tận.
Chín là thức không loạn động.
Mười là quên ý mà chẳng phải ý.
Mười một là cũng không ở tại ý.
Mười hai là thức không ở nơi đạo.
Mười ba là cũng không ở đời.
Mười bốn là tánh không như vậy.
Mười lăm là nghe tiếng mà không hình.
Mười sáu là nghĩ đạo không tận.
Mười bảy là hoàn toàn không.
Mười tám là Niết Bàn thanh tịnh.
Mười chín là hiểu rõ cõi tịch tĩnh.
Hai mươi là ái nhiễm vô minh.
Hai mươi mốt là thay đổi thân trung ấm.
Hai mươi hai là thân trung ấm thọ hình.
Hai mươi ba là thân trung ấm lưu chuyển.
Hai mươi bốn là biết từ đâu đến.
Hai mươi lăm là thấy thân trung ấm chúng sinh luân hồi.
Hai mươi sáu là thấy chúng sinh thân trung ấm có sinh diệt.
Hai mươi bảy là tự thấy thọ thân hình ở địa ngục.
Hai mươi tám là chịu thọ hình tội hay không chịu thọ hình tội.
Hai mươi chín là thấy thọ thân Trời phước hay không phước.
Ba mươi là thấy thọ thân người có phước hay không có phước.
Ba mươi mốt là thấy thọ thân trong ngạ quỷ có bậc thượng hay bậc hạ.
Ba mươi hai là thấy thọ thân súc sanh bậc cao hay thấp.
Ba mươi ba là từ thân Trời sinh lại thân Trời, do khi chết thức không loạn.
Ba mươi bốn là từ thân Trời sinh vào thân người, do thức tuy mạnh nhưng không có trí tuệ.
Ba mươi lăm là từ thân Trời thọ thân súc sanh, do thức yếu, ý khởi loạn tưởng.
Ba mươi sáu là từ thân Trời thọ thân ngạ quỷ, do khi chết tâm tham vô cùng tận.
Ba mươi bảy là từ thân Trời thọ thân địa ngục, do đã từng phỉ báng Thánh Hiền.
Ba mươi tám là từ thân người thọ lại thân Trời, do giữ gìn giới cấm thanh tịnh.
Ba mươi chín là từ thân người thọ thân súc sanh, do hành động mà tâm ý không chuyên nhất.
Bốn mươi là từ thân người thọ thân ngạ quỷ, do hưởng thụ tốt lành cho riêng mình, không ban bố rộng khắp.
Bốn mươi mốt là từ thân người thọ thân địa ngục, do trước đã nhận hết phước nên sau nhận họa.
Bốn mươi hai là từ thân súc sanh thọ thân Trời, người, do đã tạo đủ phước tốt, không còn tạo nghiệp xấu nữa.
Bốn mươi ba là từ thân súc sanh thọ thân ngạ quỷ, địa ngục, do không được ai cứu giúp nên bị rơi vào tám nạn.
Bốn mươi bốn là có thân thì thọ thân, thần thức không mất. Đó là Đại Bồ Tát đối với Hữu Tưởng Vô Tưởng thân trung ấm xa lìa bốn mươi bốn phiền não.
Phật lại bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát nên tư duy thần thức thân trung ấm trong hư không, hoặc từ không thức sinh thức ấm, hoặc từ thức ấm thọ Bất dụng xứ ấm, hoặc từ Bất dụng xứ ấm thọ Vô Sắc Thiên ấm, hoặc từ Vô Sắc Thiên ấm thọ Lục Thiên Ấm cho đến Cứu Cánh Thiên, từ Cứu Cánh Thiên lại thọ Sắc Vô Sắc Thiên ấm.
Người thọ thân Trời, hình thể cao lớn bằng một nhận rưỡi liền mất đi không còn lưu lại. Người thọ thân người, hình thể cao lớn bằng ba khủy rưỡi tay, chậm nhất trải qua bảy ngày, hoặc sáu, năm, bốn, ba, hai, một ngày.
Người thọ thân súc sanh chậm nhất trải qua ba ngày rưỡi, hoặc hai ngày, một ngày, hoặc nửa ngày. Người thọ thân ngạ quỷ chỉ trải qua nửa bữa ăn, hoặc trong một sát na. Người thọ thân ở địa ngục, hình thể bằng ba nhận rưỡi.
Hoặc có thần thức xuất ra ngay, không trải qua một tuần, liền thọ thân khác. Đại Bồ Tát tùy người giáo hóa mà thuyết diệu pháp cho họ. Nếu người mau chứng ngộ thì không tái sinh nữa, mà nửa chừng đã chứng đạo. Súc sanh thọ thân người, hình thể bằng hai khủy rưỡi tay, chậm nhất trải qua bốn ngày, ba, hai, một ngày.
Súc sanh thọ thân Trời, hình thể bằng ba nhận rưỡi, chậm nhất một ngày rưỡi, một ngày, nửa ngày, một sát na. Súc sanh thọ thân ngạ quỷ, hình thể bằng bảy nhận, hoặc có thoát ra chậm nhất năm ngày, bốn, ba, hai, một ngày.
Súc sanh thọ thân địa ngục, hình thể bằng một nhận rưỡi, chậm nhất nửa bữa ăn hay một sát na. Ngạ quỷ thọ thân Trời, hình thể bằng nửa nhận, chậm nhất trải qua một ngày, nửa ngày, bữa ăn hoặc một sát na.
Ngạ quỷ thọ thân người, hình thể hai khủy rưỡi tay, chậm nhất bốn ngày rưỡi hoặc ba, hai, một ngày. Ngạ quỷ thọ thân súc sanh, hình thể bằng bốn nhận rưỡi, chậm nhất là mười lăm ngày, mười bốn ngày, trở xuống một ngày.
Ngạ Quỷ thọ thân ở địa ngục, hình thể bằng năm nhận rưỡi, chậm nhất chín mươi ngày, hoặc có thoát ra từ tám mươi ngày đến nột ngày cũng như vậy. Lại nữa, Đại Bồ Tát nên quán sát như vậy, chúng sinh ở địa ngục thọ thân Trời, hình thể bằng bốn nhận rưỡi, chậm nhất trải qua năm tháng đến một tháng.
Thân trung ấm ở địa ngục mà thọ thân người, hình thể bằng hai khủy rưỡi tay, chậm nhất trải qua ba tháng đến một tháng. Hoặc thân địa ngục mà thọ thân súc sanh, hình thể bằng tám khủy rưỡi tay, chậm nhất ba tháng rưỡi, hai, một tháng cũng như vậy.
Thân ở địa ngục thọ thân ngạ quỷ, hình thể bằng chín nhận, chậm nhất trải qua ba ngày. Hoặc khi ở thân Trời, đáng lẽ thọ thân người giữa chừng chưa đến lại thọ thân Trời. Những loại này lợi căn nên không trải qua những khổ não. Hoặc khi thân Trời đáng lẽ thọ thân người, bỗng nhiên bị thọ vào thân súc sanh, những loại này do phước đã hết nên nghiệp đến.
Hoặc khi thân Trời đáng lẽ thọ thân súc sanh, bỗng nhiên được sinh vào thân người, những loại này do không phá hủy cấm giới. Hoặc khi ở thân Trời, lẽ ra thọ thân ngạ quỷ, bỗng nhiên thọ thân súc sanh, những loại này do tu tập pháp đỉnh, nhẫn.
Hoặc khi thọ thân Trời, lẽ ra thọ thân ở địa ngục, bỗng nhiên thọ thân ngạ quỷ, những loại này do quả báo đã chín muồi trong loài người. Hoặc có thân người thọ thân ngạ quỷ, bỗng nhiên thọ thân Trời, những loại này nhờ định ý không loạn. Hoặc có loài lẽ ra phải thọ thân trong ba đường ác, bỗng nhiên được thọ thân Trời, người, những loại này nhờ có trí tuệ thông suốt rộng khắp.
Hoặc có loại lẽ ra thọ thân Trời Nhất cứu cánh, bỗng nhiên lại thọ thân Trời Quang Âm, loại này do nhất tâm. Hoặc có loại lẽ ra thọ thân Trời Biến Tịnh, bỗng nhiên lại thọ thân Trời Hữu Tưởng Vô Tưởng, những loại này có trí nhưng ý không thông đạt.
Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát ngồi bên gốc cây, dùng nhất thiết trí, vô ngại đẳng trí, chấp huyền thông trí, biện tài trí, liễu âm hưởng trí, vô thoái chuyển trí để quán sát khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, ai thọ hình hay không thọ hình, ai thọ thân trung ấm hay không thọ thân trung ấm, có bao nhiêu chúng sinh ở trong loài người?
Có bao nhiêu thân chúng sinh thọ thân trung ấm của loài người?
Bồ Tát lại quán chúng sinh thọ thân trung ấm loài người, thọ thân vào bốn đường đều biết rõ.
Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát quán chúng sinh thọ thân trung ấm của Cõi Trời. Lại quán chúng sinh ở Cõi Trời hướng đến bốn đường đều biết rõ. Hoặc khi Đại Bồ Tát dùng sáu thần thông không thoái chuyển trí để quán chúng sinh thọ thân súc sanh.
Có bao nhiêu chúng sinh thọ thân trung ấm súc sanh đổi chuyển thọ thân trung ấm trong bốn đường, Bồ Tát đều biết rõ. Bồ Tát lại quán chúng sinh thọ thân ngạ quỷ.
Có bao nhiêu chúng sinh thọ thân trung ấm ngạ quỷ phải thọ thân trung ấm trong bốn đường, Bồ Tát đều biết rõ. Hoặc khi Đại Bồ Tát quán chúng sinh thọ thân ở địa ngục, có bao nhiêu chúng sinh thọ thân trung ấm ở địa ngục hướng đến thọ thân trong bốn đường đều biết rõ.
Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát dùng Vô thoái chuyển trí thấy khắp trong năm đường thân trung ấm có thọ hình hay không thọ hình. Hoặc có trường hợp thân trung ấm loài người, bỗng nhiên lại được thân Trời liền diệt độ, không thọ thân Trời và thân người nữa.
Hoặc có trường hợp ở thân trung ấm Trời, bỗng nhiên thân trung ấm người liền diệt độ, không thọ thân Trời và thân người nữa. Hoặc có trường hợp ở thân trung ấm súc sanh, bỗng nhiên thọ thân trung ấm người, liền diệt độ, không thọ thân súc sanh và người nữa.
Hoặc có trường hợp ở thân trung ấm súc sanh, bỗng nhiên thọ thân trung ấm Trời liền diệt độ, không thọ thân súc sanh và thân Trời nữa. Hoặc có trường hợp ở thân trung ấm ngạ quỷ, bỗng nhiên thọ thân trung ấm người liền diệt độ, không thọ thân ngạ quỷ và thân người nữa.
Hoặc có trường hợp thân trung ấm ngạ quỷ, bỗng nhiên thọ thân trung ấm Trời, liền diệt độ, không thọ thân ngạ quỷ và thân Trời. Hoặc có trường hợp thân trung ấm địa ngục, bỗng nhiên thọ thân trung ấm cõi người, liền diệt độ, không còn thọ thân địa ngục và thân người.
Hoặc có trường hợp thân trung ấm ở địa ngục, bỗng nhiên thọ thân trung ấm Cõi Trời, liền diệt độ, không còn thọ thân địa ngục và thân Trời. Đó là Đại Bồ Tát dùng trí không thoái chuyển quán khắp tam thiên đại thiên Thế Giới chúng sinh, có thọ hình hay không thọ hình, có tội hay phước, Bồ Tát đều biết rõ.
Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng cùng với một vạn tám ngàn người, mười vạn Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay đồng thanh tán thán việc chưa từng có, rồi bạch Phật: Lành thay! Lành thay! Bạch Thế Tôn!
Thế Tôn nói rất hay về thân trung ấm là pháp vô hình, pháp không hạn lượng, không thể nghĩ bàn, mà chẳng phải làc bậc A La Hán, Bích Chi Phật có thể biết được. Chúng con nguyện muốn được thấy hình chất của thân trung ấm. Cúi xin Thế Tôn thương xót đến những chúng sinh thấp kém, nhờ đó để chúng sinh vĩnh viễn dứt trừ tâm cấu uế.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo với chúng hội: Lành thay! Lành thay! Nghĩa của câu hỏi đó rất hay, hôm nay, ta sẽ hiện thần thông cho các ông được thấy, làm cho tám bộ chúng đều được thấy hình dáng của thân trung ấm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Hai - Pháp Hội Vô úy đức Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Mười - Pankadhà
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhãn Sanh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Một - Sa Môn