Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Một - Phẩm Tứ Lợi - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM MỘT

PHẨM TỨ LỢI  

TẬP MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca Lan Đà thuộc thành Vương Xá cùng với đông đủ chúng đại Tỳ Kheo. Bấy giờ, Đức Thế Tôn được vô số trăm ngàn vạn chúng cung kính vây quanh nghe thuyết pháp.

Trong chúng hội ấy có một Đại Bồ Tát tên Trì Thế, vì các Đại Bồ Tát với vô lượng công đức trang nghiêm mà phát tâm muốn biết rõ về tất cả pháp Ba la mật, muốn biết rõ việc phát khởi vô lượng nguyện, đầy đủ vô lượng trang nghiêm.

Muốn thông suốt về tướng quyết định của vô lượng các pháp, muốn phát khởi vô lượng nguyện trang nghiêm nơi chỗ hành của tâm sâu xa thanh tịnh, muốn biết rõ về bố thí được tròn đầy thanh tịnh, muốn biết rõ về trì giới thanh tịnh rốt ráo.

Muốn biết rõ về tâm nhẫn nhục nhu hòa tròn đủ, muốn biết rõ về tinh tấn thanh tịnh, muốn biết rõ về thiền định thanh tịnh, muốn thông suốt về trí tuệ Ba la mật, vì vô lượng công đức như vậy nên rời khỏi tòa ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, chắp tay hướng về Phật.

Bạch: Kính bạch Thế Tôn! Con xin phép được thưa hỏi Thế Tôn, vì muốn tạo lợi ích, an vui cho tất cả chúng sinh và các Đại Bồ Tát không đoạn mất giống Phật, chốn hành hóa đầy đủ uy nghi, không vướng mắc vào việc trì giới, thọ giới và hành dụng đại pháp tròn đủ thanh tịnh, khéo biết nắm giữ vô lượng hành xứ nơi đạo pháp, vì các Bồ Tát này nên nay con xin thưa hỏi Đức Thế Tôn.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát khéo biết về thật tướng của cac pháp, cũng khéo phân biệt về tướng của các pháp, cũng có thể chứng đắc niệm lực, cũng phân biệt rõ về chương cú nơi tất cả các pháp?

Thế nào là Đại Bồ Tát khi chuyển thân luôn thành tựu chánh niệm, cho đến khi đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Trì Thế: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Trì Thế! Ông đã có thể vì các Đại Bồ Tát nên thưa hỏi Như Lai những việc như vậy.

Tức biết, ông vì thương xót thế gian nên làm nhiều việc an ổn cho chúng sinh, tạo lợi ích an vui cho Chư Thiên và người đời, cũng làm ánh sáng lớn cho các Bồ Tát nơi đời này và đời sau. Công đức của ông là không thể hạn lượng, nên mới có thể thưa hỏi Như Lai những việc như thế.

Ông chắc chắn muốn dứt trừ những sự nghi ngờ cho hết thảy chúng sinh, thương giúp tất cả chúng sinh nên làm ánh sáng lớn, muốn chỉ dạy những điều lợi ích, có ý nghĩa cho tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh có thể vượt qua con đường hiểm, muốn làm người cứu hộ, làm hải đảo, làm nhà cửa, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh.

Muốn cứu chúng sinh ra khỏi ba đường ác, muốn đặt yên chúng sinh nơi đạo vô thượng, muốn giải thoát chúng sinh ra khỏi sinh lão bệnh tử, ưu bi khổ não, muốn ban cho chúng sinh niềm vui Niết Bàn vô thượng.

Ông muốn giữ gìn Chánh Pháp nơi đời sau, muốn độ chúng sinh nơi đời ác trược đầy những sợ hãi sau này.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ông nay hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giải thích rõ việc này cho ông.

Xin vâng, kính bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát vì thấy rõ bốn việc lợi ích nên siêng tu tập về thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ về văn nghĩa của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Phải đạt được niệm tròn đủ.

2. Phải đạt được niệm không gián đoạn.

3. Phải dùng tuệ an ổn để tự tăng trưởng.

4. Niệm thường tại tâm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát thấy rõ bốn việc lợi ích nên siêng năng tu tập thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ về văn nghĩa của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn việc lợi ích nên siêng tu tập thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Phải khéo nhận biết nghĩa quyết định của các pháp.

2. Phải khéo nhận biết nghĩa của các pháp.

3. Phải khéo nhận biết vô số nhân duyên của các pháp.

4. Phải khéo nhập vào pháp môn như thật của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn việc lợi ích nên siêng năng tu tập thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Phải khéo biết tướng của vô lượng pháp.

2. Phải khéo biết tu tập vô lượng pháp quyết định.

3. Phải nên hành vô lượng công đức để tự tăng trưởng.

4. Phải thấy biết tướng sinh diệt của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn việc lợi ích nên siêng tu tập thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Cần phải gần gũi Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

2. Phải mau chóng đầy đủ các pháp trợ bồ đề.

3. Phải biết rõ các pháp phương tiện mà không theo lời nói của người khác.

4. Phải biết rõ tất cả trí tuệ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn pháp lợi ích nên siêng năng tu tập thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Bồ Tát vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh nên tâm không keo kiệt.

2. Thường hành giới thanh tịnh, vì an trú nơi Tỳ Lê Da Ba la mật.

3. Phát khởi hạnh tinh tấn dũng mãnh không ngừng.

4. Vì chánh tư duy nên khéo hành trí tuệ Ba la mật.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên siêng năng tu tập thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Thành tựu đầy đủ tâm sâu xa và nguyện thanh tịnh.

2. Thành tựu đầy đủ công đức của đối tượng hành hóa thanh tịnh.

3. An trụ nơi công đức nhu hòa, nhẫn nhục.

4. Phân biệt được ánh sáng nơi thật tướng của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên siêng tu tập thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt rõ chương cú các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Vì dốc sức muốn cầu đạt nhất thiết trí.

2. Khéo biết phân biệt rõ các tam muội của thiền định giải thoát để phát sinh sự mong muốn lớn.

3. Vì muốn được tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả nên tạo phương tiện hành hạnh thanh tịnh.

4. Khéo tu tập nghĩa quyết định.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên siêng tu tập thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Bốn pháp đó là:

1. Đầy đủ tuệ hạnh.

2. Cũng cầu đạt nơi chốn của trí hạnh thanh tịnh.

3. Ưa thích trí vô ngại.

4. Thường không xa lìa nguyện của nhất thiết trí.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát có bốn pháp nên siêng tu tập thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt rõ chương cú của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát thấy rõ bốn việc lợi ích nên hay cầu niệm lực.

Bốn việc đó là:

1. Tu tập đầy đủ niệm căn.

2. Hành tập tuệ an ổn.

3. Thường đầy đủ niệm không gián đoạn.

4. Nên tu tập đầy đủ bốn niệm xứ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn thứ lợi ích nên có thể cầu đạt niệm lực.

Bốn pháp đó là:

1. Hành đầy đủ các pháp trợ bồ đề, nên niệm luôn ở nơi tâm.

2. Nhờ niệm căn bén nhạy nên khéo biết sự tu tập ở đời trước.

3. Vì trí tuệ thanh tịnh tròn đủ nên mau được niệm không gián đoạn.

4. Gieo trồng nhân duyên về nhất thiết trí.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại thấy rõ bốn việc lợi ích nên hay cầu niệm lực.

Bốn việc đó là:

1. Tu tập đầy đủ phương tiện tư duy.

2. Tu tập trí tuệ như thật.

3. Siêng phát khởi tinh tấn để được pháp của Chư Phật.

4. Không quên nhớ nghĩ để chứng đắc niệm lực không gián đoạn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp gọi là đạt được niệm lực.

Bốn pháp đó là:

1. Niệm tuệ an ổn do thường siêng năng tinh tấn không ngừng nghỉ.

2. Thường nhất tâm vì chứng đắc thật tướng của các pháp.

3. Thường không buông lung do chánh niệm các pháp.

4. Thường hộ trì các căn nhờ chánh tư duy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp gọi là chứng đắc niệm lực.

Bốn pháp đó là:

1. An trụ nơi sự trì giới thanh tịnh.

2. Thành tựu hành xứ oai nghi thanh tịnh.

3. Trừ bỏ năm thứ ngăn che nơi tâm.

4. Không bị pháp thế gian làm nhiễm ô, xa lìa nghiệp chướng, phiền não chướng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp gọi là chứng đắc niệm lực.

Bốn pháp đó là:

1. Dùng tâm không tán loạn cầu pháp thiện.

2. Siêng năng tu tập tướng nhất tâm.

3. Khéo nhận biết các pháp môn chánh nhập.

4. Xa lìa gia đình, không thích sự náo nhiệt.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp gọi là chứng đắc niệm lực.

Đó là:

1. Gần gũi tri thức thiện.

2. Thường tu tập pháp sâu xa.

3. Thường thích đến chỗ Chư Phật và Bồ Tát.

4. Thường thích thỉnh vấn pháp tu tập trí tuệ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát thấy rõ bốn pháp nên gọi là chứng đắc niệm lực.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát thấy rõ bốn việc lợi ích nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt chương cú.

Đó là:

1. Khéo biết rõ thật tướng của tất cả pháp.

2. Phân biệt nhân của tất cả pháp.

3. Biết nghĩa quyết định của các pháp.

4. Khéo biết ngôn ngữ, chương cú của tất cả pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại thấy bốn pháp lợi ích nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Đó là:

1. Khéo biết rõ thứ lớp tùy nghi của các pháp.

2. Khéo biết rõ phương tiện nhân duyên của tất cả pháp.

3. Tu tập đầy đủ phương tiện của tất cả pháp.

4. Phân biệt, biết rõ Kinh liễu nghĩa, Kinh chưa liễu nghĩa.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại thấy bốn pháp lợi ích nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Đó là:

1. Khéo học hỏi trí tuệ là đạo, là phi đạo.

2. Nên đạt được lực thuyết giảng về nghĩa của tất cả pháp.

3. Mau chứng được hành xứ của trí tuệ thanh tịnh.

4. Tu tập Trí tuệ Ba la mật tròn đủ.

Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát thấy rõ bốn pháp lợi ích nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Đó là:

1. Khéo biết tu tập tướng tập của các pháp.

2. Khéo biết tướng nhân của các pháp.

3. Khéo biết tướng duyên của các pháp.

4. Có thể nhập nơi phương tiện của nhân duyên.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Đó là:

1. Biết rõ về khổ của các pháp.

2. Biết rõ về tập của các pháp.

3. Biết rõ về diệt của các pháp.

4. Biết rõ về đạo của các pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Đó là:

1. Khéo biết các pháp hợp tan.

2. Tạo phương tiện để đạt được lực của nhân trước.

3. Khéo biết chỗ thích nghi của các pháp.

4. Khéo biết phân biệt về văn tự, chương cú.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp nên có thể tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Bốn pháp đó là:

1. Biết rõ về Kinh không liễu nghĩa.

2. Ở trong Kinh liễu nghĩa, không theo ngôn thuyết của kẻ khác.

3. Biết rõ tướng ấn của tất cả pháp.

4. Cũng khéo an trụ trong trí vô tướng của tất cả pháp.

Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát có bốn pháp nên hay tu tập tất cả tuệ phân biệt văn nghĩa.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát có bốn pháp chuyển thân thường được niệm không gián đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đó là:

1. Hiểu rõ về pháp thiện, bất thiện.

2. Thành tựu an tuệ của niệm đệ nhất.

3. Có thể xa lìa năm thứ ngăn che nơi tâm.

4. Tâm luôn nhớ nghĩ đến đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần