Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh đại Bản - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH ĐẠI BẢN  

PHẦN BA  

Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo!

Thái Tử nhân thấy người già, bệnh mà thấu rõ cõi đời là khổ não. Nhân thấy người chết mà lòng tham luyến thế gian tiêu tan.

Nhân thấy vị Sa Môn mà tâm được hoát nhiên đại ngộ. Trong khi Thái Tử xuống xe bước đi, cứ mỗi bước tiến tới là mỗi bước rời xa triền phược. Thế ấy là chân xuất gia, chân viễn ly.

Bấy giờ, nhân dân trong nước nghe Thái Tử đã cạo bỏ râu tóc, mang y cầm bát, xuất gia hành đạo, họ bảo nhau rằng: Đạo ấy chắc là đạo chân chính, mới khiến Thái Tử từ bỏ vương vị vinh hoa cùng mọi sự quý trọng để đi theo. Lúc ấy có tới tám vạn bốn ngàn người trong nước đến xin Thái Tử cho làm đệ tử xuất gia tu đạo.

Lựa chọn pháp thâm diệu,

Nghe xong liền xuất gia,

Thoát khỏi ngục ân ái,

Không còn các trói buộc.

Thái Tử bèn thâu nhận, cho cùng đi theo giáo hóa khắp nơi, từ thôn này sang thôn khác, từ nước nọ đến nước kia. Họ đến chỗ nào cũng được cung kính, cúng dường tứ sự.

Bồ Tát nghĩ rằng: Ta cùng đại chúng thường đi qua các nước, chỗ nhân gian ồn ào, việc này không thích hợp với ta lắm.

Lúc nào ta mới xa được đám đông này ở chỗ nhàn tịnh mà suy tầm đạo lý?

Ngài liền theo ý nguyện đi đến chỗ nhàn tịnh, chuyên tinh tu đạo.

Ngài lại suy nghĩ: Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong hôn ám, thọ thân nguy khốn, mong manh, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết, đủ mọi thứ khổ não.

Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo cái khổ ấm đó mà trôi nổi không biết bao giờ cùng.

Ta lúc nào mới có thể thấu triệt khổ ấm, diệt hết sanh già chết?

Ngài lại suy nghĩ rằng: Sanh tử từ đâu, duyên đâu mà có ra?

Liền dùng trí tuệ quán sát nguyên do, thấy rằng do sanh mà có già và chết.

Sanh là duyên của già chết.

Sanh lại do hữu mà có, hữu là duyên của sanh.

Hữu do thủ mà có, thủ là duyên của hữu.

Thủ do ái mà có, ái là duyên của thủ.

Ái do thọ mà có, thọ là duyên của ái.

Thọ do xúc mà có, xúc là duyên của thọ.

Xúc do lục nhập mà có, lục nhập là duyên của xúc.

Lục nhập do danh sắc mà có, danh sắc là duyên của lục nhập.

Danh sắc do thức mà có, thức là duyên của danh sắc.

Thức do hành mà có, hành là duyên của thức.

Hành do si mà có, si là duyên của hành.

Thế tức là do duyên là si có hành, do duyên là hành có thức, do duyên là thức có danh sắc, do duyên là danh sắc có lục nhập, do duyên là lục nhập có xúc, do duyên là xúc có thọ, do duyên là thọ có ái, do duyên là ái có thủ, do duyên là thủ có hữu, do duyên là hữu có sanh, do duyên là sanh có già, bệnh, chết, sầu, buồn, khổ, não.

Cái ấm thân đầy rẫy khổ não này do duyên là sanh mà có. Chính đó là sự tập khởi của khổ.

Khi Bồ Tát suy nghĩ tới cái khổ tập ấm ấy, liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng ngộ.

Bồ Tát lại suy nghĩ: Do cái gì không có thì già chết không có?

Do cái gì diệt thì già chết diệt?

Rồi bằng trí tuệ, Ngài quán sát nguyên do, biết rằng:

Do sanh không có nên già chết không có, do sanh diệt nên già chết diệt.

Do hữu không có nên sanh không có, hữu diệt nên sanh diệt.

Do thủ không có nên hữu không có, thủ diệt nên hữu diệt.

Do ái không có nên thủ không có, ái diệt nên thủ diệt.

Do thọ không có nên ái không có, thọ diệt nên ái diệt.

Do xúc không có nên thọ không có, xúc diệt nên thọ diệt.

Do lục nhập không có nên xúc không có, lục nhập diệt nên xúc diệt.

Do danh sắc không có nên lục nhập không có, danh sắc diệt nên lục nhập diệt.

Do thức không có nên danh sắc không có, thức diệt nên danh sắc diệt.

Do hành không có nên thức không có, hành diệt nên thức diệt.

Do si không có nên hành không có, si diệt nên hành diệt.

Thế tức là vì si diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết ưu bi khổ não diệt.

Khi Bồ Tát suy nghĩ về khổ ấm diệt như thế liền phát sinh trí, phát sinh nhãn, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng.

Sau khi Bồ Tát quán mười hai nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch, biết như thật, thấy như thật, ngay tại chỗ, Ngài chứng được đạo quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Phật bèn nói bài tụng:

Lời này nói giữa chúng,

Các ngươi nên lắng nghe.

Bồ Tát quá khứ quán

Mà vốn chưa từng nghe:

Già chết từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Quán sát đúng như vậy,

Biết già chết do sanh,

Sanh lại từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Suy nghĩ đúng như vậy,

Liền biết sanh do hữu,

Chấp thủ, chấp thủ rồi,

Hữu lần lượt chồng chất.

Vậy nên Như Lai dạy:

Thủ là duyên của hữu.

Như đống chứa dơ bẩn.

Gió thổi, ác tuôn chảy,

Như vậy nhân của thủ,

Do ái mà rộng sâu.

Ái do từ thọ sanh,

Nảy sinh gốc lưới khổ,

Vì nhân duyên nhiễm trước,

Cùng tương ưng khổ lạc.

Thọ vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thọ?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết thọ do xúc sanh.

Xúc vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có xúc?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết xúc từ lục nhập.

Lục nhập do duyên gì,

Nhân gì có lục nhập?

Suy nghĩ như vậy, biết,

Lục nhập do danh sắc.

Danh sắc do duyên gì,

Nhân gì có danh sắc?

Suy nghĩ như vậy biết

Danh sắc từ thức sanh.

Thức vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thức?

Suy nghĩ như vậy rồi,

Biết thức từ hành sanh.

Hành vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có hành?

Suy nghĩ như vậy rồi

Biết hành từ si sanh.

Nhân duyên như vậy đó,

Mới thật nghĩa nhân duyên.

Dùng trí tuệ phương tiện,

Quán thấy gốc nhân duyên.

Khổ không do Thánh Hiền,

Cũng không phải vô cớ.

Nên với khổ biến dịch,

Kẻ trí lo đoạn trừ.

Nếu vô minh dứt sạch,

Lúc đó không còn hành.

Nếu đã không có hành,

Thời cũng không có thức.

Nếu thức hết vĩnh viễn,

Thì danh sắc không còn.

Danh sắc đã dứt rồi,

Làm gì có lục nhập.

Nếu lục nhập trọn dứt,

Thời cũng không có xúc.

Nếu xúc đã dứt hẳn,

Thời cũng không có thọ.

Nếu thọ dứt hết rồi,

Thời cũng không có ái

Nếu ái dứt hết rồi

Thời cũng không có thủ.

Nếu thủ đã dứt rồi,

Thời cũng không có hữu.

Nếu hữu dứt hết rồi,

Thời cũng không có sanh.

Nếu sanh dứt hết rồi,

Thời không khổ già chết.

Hết thảy đều dứt sạch.

Đó lời người trí nói.

Mười hai duyên sâu xa,

Khó thấy khó hiểu biết

Duy Phật mới biết rõ,

Tại sao có, sao không.

Nếu hay tự quán sát,

Thời không còn các nhập.

Người thấu triệt nhân duyên

Không cần tìm thầy ngoài.

Đối với ấm, giới, nhập,

Lìa dục, không, nhiễm trước.

Xứng đáng nhận bố thí.

Thí chủ được báo lành.

Nếu đặng bốn biện tài,

Thành tựu quyết định chứng.

Giải trừ mọi ràng buộc,

Đoạn trừ, không buông lung.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Giống như xe cũ mục,

Quán rõ được như vậy,

Thời thành bậc Chánh Giác.

Như chim bay giữa không,

Đông tây theo ngọn gió.

Bồ Tát đoạn kết sử,

Như gió thổi áo nhẹ.

Tỳ Bà Thi tịch tịnh,

Quán sát rõ các pháp.

Già chết duyên đâu có,

Từ đâu già chết dứt,

Ngài quán như vậy rồi,

Phát sanh trí thanh tịnh,

Biết già chết do sanh

Sanh dứt, già chết dứt.

Lúc Phật Tỳ Bà Thi vừa mới thành đạo, Ngài tu tập nhiều về hai phép quán là an ẩn quán và xuất ly quán.

Phật liền dạy bài tụng:

Như Lai, bậc tối thượng,

Thường tu hai phép quán,

An ẩn và xuất ly,

Đại Tiên sang bờ kia,

Tâm Ngài được tự tại,

Đoạn trừ mọi kết sử

Lên núi nhìn bốn phương,

Nên hiệu Tỳ Bà Thi.

Ánh đại trí trừ tối,

Như gương sáng soi mình.

Trừ ưu khổ cho đời.

Dứt khổ sanh già chết.

Phật Tỳ Bà Thi, lại ở chỗ nhàn tịnh suy nghĩ như vậy: Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu là pháp khó thấy khó hiểu, tịch tĩnh, thanh tịnh, chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào hiểu thấu được. Bởi vì chúng sanh có những nhẫn dị biệt, kiến dị biệt, chấp thủ dị biệt, sở kiến dị biệt.

Dựa theo kiến thức dị biệt đó mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo tập quán của mình, cho nên đối với lý nhân duyên thâm diệu này chúng còn không thể thấu hiểu, huống chi cảnh Niết Bàn dứt hết mọi tham ái, lại càng khó hiểu gấp bội phần.

Ta dầu vì chúng mà nói ra thì chắc chúng không hiểu nổi còn trở lại gây phiền nhiễu. Suy nghĩ như thế rồi, Ngài im lặng không muốn thuyết pháp.

Lúc ấy vị Vua Trời Phạm Thiên, biết Đức Tỳ Bà Thi đã nghĩ gì, liền tự nhủ: Cõi thế gian này đang bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Đức Phật Tỳ Bà Thi vừa chứng được pháp mầu như thế mà không muốn nói ra.

Tức thì, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi tay, từ cung Phạm Thiên bỗng nhiên hiện xuống, đến trước mặt Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui một bên, rồi đầu gối mặt quỳ sát đất, chắp tay bạch rằng: Ngưỡng mong Ðức Thế Tôn kịp thời thuyết pháp.

Các chúng sanh hiện nay, trần cấu mỏng nhẹ, các căn lanh lợi nhiều, có lòng cung kính, dễ bề khai hóa. Chúng đã biết sợ những tội lỗi không ai cứu trong tương lai, biết dứt trừ điều ác, phát sinh điều lành.

Phật bảo Phạm Vương: Thật vậy, thật vậy, đúng như lời ngươi nói.

Nhưng ta ở chỗ nhàn tịnh, thầm lặng suy nghĩ: Chánh pháp ta vừa chứng được vi diệu thậm thâm, nếu đem nói cho chúng sanh, chắc họ không hiểu nổi lại sanh tâm báng bổ, nên ta mặc nhiên không muốn thuyết pháp.

Ta nhờ từ vô số A tăng kỳ kiếp cần khổ không biếng nhác tu tập những hạnh vô thượng, nay mới chứng ngộ được pháp khó chứng ngộ này, nếu vì hạng chúng sanh còn dâm, nộ, si mà nói ra, chắc chúng không làm theo, chỉ thêm luống uổng. Pháp vi diệu này trái nghịch với đời.

Chúng sanh bị dục nhiễm ngu si che ngăn không tin hiểu nổi. Này Phạm Vương, ta thấy rõ như thế, nên mặc nhiên không muốn thuyết pháp.

Khi ấy, Phạm Vương lại ân cần khẩn thiết thưa thỉnh một lần nữa, rồi một lần nữa, ân cần khẩn thiết thỉnh cầu đến ba lần rằng: Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không thuyết pháp, thì nay cõi thế gian này phải bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn, kịp thời giảng dạy, chớ để chúng sanh sa đọa đường mê.

Ðức Thế Tôn nghe Phạm Vương ba lần ân cần thưa thỉnh, liền dùng Phật nhãn soi khắp Thế Giới chúng sanh, thấy sự ô nhiễm của chúng sanh có dày có mỏng, căn tánh có lanh lợi, có chậm lụt, có kẻ dễ khai hóa, có người khó khai hóa.

Hạng người dễ khai hóa, biết sợ tội lỗi đời sau, nên gắng lo dứt trừ điều ác, làm phát sanh đường lành.

Chúng như hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lỵ, có cái vừa ra khỏi bùn nhưng chưa tới mặt nước, có cái đã ra khỏi bùn lại lên ngang mặt nước, có cái tuy lên khỏi mặt nước mà chưa nở, nhưng cái nào cũng không bị dính bẩn, mà dễ dàng nở ra. Chúng sanh trong thế gian này cũng như thế.

Ðức Thế Tôn bảo Phạm Vương: Ta vì thương tưởng các ông sẽ khai diễn pháp môn Cam Lồ là pháp thâm diệu khó hiểu, khó biết. Nay vì những người tín thọ, muốn nghe, mà nói chứ không phải vì hạng người bài báng vô ích.

Phạm Vương biết Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vui mừng hớn hở đi quanh Phật ba vòng, cúi đầu đảnh lễ rồi biến mất.

Phạm Vương đi chưa bao lâu, Đức Như Lai lại tĩnh mặc suy nghĩ: Nay ta nên nói pháp cho ai trước hết?

Rồi Ngài lại suy nghĩ: Ta hãy đi vào thành Bàn Đầu, trước hết mở cánh cửa cam lộ cho Vương Tử Đề Xá và con Đại Thần là Khiên Đồ.

Rồi thì, liền trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Thế Tôn bỗng biến mất khỏi cây đại thọ, Ngài đã đến thành Bàn Đầu, vào vườn Lộc dã của Vua Bàn Đầu, trải tọa rồi ngồi.

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Như sư tử trong rừng,

Mặc tình mà đi dạo.

Phật kia cũng như vậy,

Du hành không trở ngại.

Phật Tỳ Bà Thi bảo người giữ vườn: Ngươi hãy vào thành bảo với vương tử Đề Xá và Khiên Đồ con Đại Thần rằng: Các Ngài có biết không, Đức Phật Tỳ Bà Thi hiện ở trong vườn Lộc Dã, muốn gặp các Ngài?

Các Ngài nên biết bây giờ là phải thời. Người giữ vườn vâng mệnh tìm đến chỗ hai người trình đủ những điều Phật dạy.

Hai người nghe xong, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho họ nghe, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ.

Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh Thiên, dục là xấu ác, bất tịnh, phiền não là nguy hiểm, tán dương sự xuất ly là pháp rất vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất.

Khi Phật thấy hai người đã có một tâm ý mềm mại, hoan hỷ tin vui, đủ sức lãnh thọ chánh pháp, thì dạy tiếp về khổ Thánh đế. Phân tích, giảng giải, mở bày rành rẽ về khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế và khổ xuất yếu Thánh đế.

Bấy giờ Vương Tử Đề Xá và con trai Đại Thần là Khiên Đồ ngay tại chỗ, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu.

Lúc ấy, Địa Thần bèn xướng lên rằng: Đức Tỳ Bà Thi Như Lai ở vườn Lộc Dã, thành Bàn Đầu, chuyển pháp luân vô thượng mà các Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma, Phạm và các người thế gian khác không thể chuyển được.

Tiếng nói ấy lần lượt vang đến cõi Tứ Thiên Vương, cho đến Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, rồi trong khoảnh khắc vang đến Cõi Phạm Thiên.

Phật liền dạy bài kệ:

Tâm vui mừng hớn hở,

Xưng tán Đức Như Lai.

Tỳ Bà Thi thành Phật,

Chuyển pháp luân vô thượng.

Bắt đầu từ đạo thọ,

Đi đến thành Bàn Đầu.

Vì Đề Xá, Khiên Đồ

Chuyển pháp luân Tứ Đế.

Đề Xá và Khiên Đồ

Nghe xong lời Phật dạy

Ở trong pháp thanh tịnh

Được phạm hạnh tối cao.

Thiên chúng Trời Đao Lợi

Cho đến Thiên Đế Thích,

Vui mừng bảo lẫn nhau,

Nghe khắp cả Chư Thiên:

Phật xuất hiện thế gian,

Chuyển pháp luân vô thượng,

Tăng thêm hàng Chư Thiên,

Giảm bớt A Tu La.

Đấng Thế Tôn danh vang

Thiện trí lìa thế biên.

Tự tại đối các pháp,

Đại trí chuyển pháp luân.

Quán sát pháp bình đẳng,

Tâm dứt sạch cấu bẩn,

Để lìa ách sanh tử,

Đại trí chuyển pháp luân.

Diệt khổ lìa các ác,

Ly dục được tự tại,

Xa lìa ngục ái ân,

Đại trí chuyển pháp luân.

Đấng Chánh Giác Tối Tôn,

Đấng Điều Ngự Lưỡng Túc,

Giải thoát mọi ràng buộc,

Đại Trí chuyển pháp luân.

Đạo Sư khéo giáo hóa,

Hay uốn dẹp oán ma,

Xa lìa mọi điều ác,

Đại trí chuyển pháp luân.

Sức vô lậu hàng ma,

Các căn định, không lười,

Lậu tận, lìa ma trói,

Đại trí chuyển pháp luân.

Nếu học pháp quyết định,

Biết các pháp vô ngã,

Đó là pháp cao tột,

Đại trí chuyển pháp luân.

Không vì cầu lợi dưỡng

Cũng chẳng vì danh dự,

Chỉ vì thương chúng sanh,

Đại trí chuyển pháp luân.

Thấy chúng sanh khổ ách,

Già, bệnh, chết bức bách,

Vì ba đường ác đó,

Đại trí chuyển pháp luân.

Đoạn tham, sân nhuế, si,

Nhổ sạch gốc tham ái,

Được giải thoát bất động,

Đại trí chuyển pháp luân.

Ta thắng việc khó thắng

Thắng để tự hàng phục,

Đã thắng ma khó thắng,

Đại trí chuyển pháp luân.

Pháp luân vô thượng đó,

Chỉ Phật hay chuyển nói.

Hàng Thiên, Ma, Thích, Phạm,

Không ai chuyển nói được.

Thân cận chuyển pháp luân,

Làm ích lợi Thiên, Nhân,

Bậc Thiên Nhân Sư đó,

Đã vượt đến bờ kia.

Lúc ấy Vương Tử Đề Xá và công tử Khiên Đồ đã thấy pháp, đắc quả, chân thật không dối thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: Chúng con muốn ở trong giáo pháp của Như Lai tịnh tu phạm hạnh.

Phật nói: Hãy đến đây, Tỳ Kheo. Pháp ta thanh tịnh, tự tại, hãy tự mình tu hành để dứt trừ hết thống khổ. Ngay lúc ấy hai người liền đắc Cụ Túc giới.

Họ đăc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện ba việc: Một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới, tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu, phát sinh vô nghi trí.

Bấy giờ số đông nhân dân ở thành Bàn Đầu nghe hai người xuất gia học đạo, mang y cầm bát, tịnh tu phạm hạnh, họ nói nhau rằng: Đạo ấy chắc là đạo chân thật, mới khiến các người kia bỏ vinh vị ở đời, bỏ các thứ quý trọng để tu theo. Rồi thì, trong thành có tám vạn bốn ngàn người đi đến vườn Lộc Dã, chỗ Phật Tỳ Bà Thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.

Phật lần lượt thuyết pháp, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ, nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên. Chỉ rõ dục là xấu ác bất tịnh phiền não là nguy hiểm tán thán sự xuất ly là vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất.

Khi Ðức Thế Tôn thấy đại chúng có một tâm ý mềm mại, hoan hỷ tín thọ, đủ sức lãnh thọ chánh pháp, Ngài liền nói về khổ Thánh đế, phân tích, giảng giải, công bố khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế, khổ xuất yếu Thánh đế.

Ngay tại chỗ, cả bốn vạn tám ngàn người đều xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu.

Họ được thấy pháp chứng quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: Chúng con muốn ở trong giáo Pháp Như Lai mà tịnh tu phạm hạnh.

Phật dạy: Hãy đến đây, Tỳ Kheo! Pháp ta thanh tịnh, tự tại. Hãy theo đó tu hành để dứt trừ thống khổ. Khi đó tám vạn bốn ngàn người đều đắc Cụ Túc giới.

Đắc giới chưa bao lâu Như Lai lại thị hiện ba việc để giáo hóa: Một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới. Họ tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu, phát sinh trí Vô Nghi.

Hiện tiền có tám vạn bốn ngàn người khác, nghe Phật ở trong vườn Lộc Dã chuyển pháp luân vô thượng mà hàng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma, Phạm và các người thế gian khác không thể chuyển được, liền đến thành Bàn Đầu chỗ Phật Tỳ Bà Thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.

Phật lại nói bài tụng:

Như người cứu đầu cháy,

Nhanh chóng tìm chỗ dập,

Người kia cũng như vậy,

Vội đến trước Như Lai.

Phật cũng vì họ nói pháp như trước. Đến lúc này tại thành Bàn Đầu đã có mười sáu vạn tám ngàn vị Đại Tỳ Kheo. Tỳ Kheo Đề Xá và Tỳ Kheo Khiên Đồ ở trong đại chúng bỗng bay lên không trung, thân phóng xuất nước lửa, hiện các thần thông biến hóa, nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe.

Bấy giờ Đức Như Lai thầm nghĩ: Nay tại trong thành này đã có mười sáu vạn tám ngàn Đại Tỳ Kheo, ta nên sai đi du hóa. Chớ đi hai người một nhóm, đến khắp các nơi, đúng sáu năm lại trở về thành này để thuyết Cụ Túc giới.

Bấy giờ, Trời Thủ Đà Hội biết được tâm tư của Như Lai, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi Cõi Trời kia mà hiện đến nơi này, đến trước Ðức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, đứng lại một bên, giây lát, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thật như vậy, trong thành Bàn Đầu này có nhiều Tỳ Kheo, Ngài nên phân bố đi khắp mọi nơi, đúng sáu năm sẽ trở lại thành này để thuyết giới, con sẽ ủng hộ, khiến không ai tìm cơ hội phá khuấy các vị được.

Như Lai sau khi nghe lời ấy, làm thinh nhận lời. Trời Thủ Đà Hội thấy Phật làm thinh nhận lời, đảnh lễ Phật xong, bỗng biến trở lại Cõi Trời.

Không bao lâu sau, Phật bảo các Tỳ Kheo: Nay trong thành này Tỳ Kheo đã đông, nên mỗi người phân bố đi mỗi hướng du hành giáo hóa. Sau sáu năm hãy trở về tập họp thuyết giới. Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy, mang y cầm bát, đảnh lễ Phật rồi đi.

Phật bèn nói bài tụng:

Phật sai chúng không loạn,

Ly dục, không luyến ái,

Oai như chim Kim Sí,

Như hạc bỏ ao hoang.

Sau đó một năm, Trời Thủ Đà Hội nhắc lại các Tỳ Kheo: Các Ngài đi du hóa đã qua một năm, còn năm năm nữa, các Ngài nên nhớ trọn sáu năm rồi hãy nhóm về thành mà thuyết giới. Cứ như thế, đến năm thứ sáu.

Trời lại nhắc rằng: Sáu năm đã mãn, nên trở về thành mà thuyết giới. Các Tỳ Kheo nghe lời nhắc xong, thu xếp y bát, trở lại thành Bàn Đầu, đến Lộc dã chỗ Phật Tỳ Bà Thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lui một bên.

Phật nói bài tụng:

Như voi khéo huấn luyện,

Tùy ý sai khiến đi,

Đại chúng cũng như vậy,

Vâng lời mà trở về.

Bấy giờ, ở trước mặt đại chúng, Như Lai bay lên không trung, ngồi kiết già, giảng nói giới Kinh:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Niết Bàn là tối thượng,

Cạo tóc, não hại người,

Không phải là Sa Môn.

Trời Thủ Đà Hội lúc ấy ở cách Phật không xa, dùng bài kệ tán Phật rằng:

Như Lai đại trí,

Vi diệu độc tôn,

Chỉ, quán đầy đủ,

Thành Tối Chánh Giác.

Vì thương quần sanh,

Ở đời thành đạo.

Đem bốn chân đế

Dạy hàng Thanh Văn.

Khổ cùng khổ nhân,

Chân lý diệt khổ,

Tám Đạo Thánh Hiền,

Đưa đến an lạc.

Phật Tỳ Bà Thi

Xuất hiện thế gian,

Ở giữa đại chúng

Như ánh mặt trời.

Nói xong bài kệ, bỗng nhiên biến mất.

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Ta nhớ lại, thuở xưa, khi ở tại núi Kỳ Xà Quật, thành La Duyệt, có một lần sinh tâm nghĩ rằng: Chỗ ta sinh ra, đâu đâu cũng có, duy trừ Cõi Trời Thủ Đà Hội. Giả sử ta sanh Cõi Trời kia, thời đã không trở lại đây.

Này các Tỳ Kheo, khi ấy ta lại nghĩ rằng: Khi ta muốn đến Cõi Trời Vô Tạo, tức thì trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, ta biến mất ở đây mà hiện ở kia.

Chư Thiên lúc đó thấy ta đến, liền đảnh lễ, đứng lại một bên, bạch với ta rằng: Chúng con đều là đệ tử Đức Phật Tỳ Bà Thi. Chúng con nhờ sự giáo hóa của Ngài mà được sanh đến cõi này. Rồi họ kể đủ nhân duyên gốc ngọn của Đức Phật Tỳ Bà Thi.

Họ lại nói: Các Đức Phật Thi Khí, Tỳ Xá Bà, Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni, thảy đều là thầy của con. Con chịu sự giáo hóa ấy mà sinh ở đây. Họ cũng nói nhân duyên bản mạt Chư Phật. Cho đến Chư Thiên ở Cõi Trời A Ca Nị Trá, cũng kể với ta như thế.

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Ví như lực sĩ,

Co duỗi cánh tay

Ta, bằng thần thông,

Đến Trời Vô Tạo.

Đại Tiên thứ bảy,

Hàng phục hai ma,

Vô nhiệt vô kiến

Chắp tay kính lễ.

Như cây trú đạc

Tiếng đồn Thích Sư,

Tướng tốt đầy đủ,

Đến Trời Thiện Kiến.

Ví như hoa sen,

Không bị dính nước.

Thế Tôn vô nhiễm,

Đến Đại Thiện Kiến.

Mặt Trời mới mọc,

Không chút bụi che,

Sáng như Trăng thu,

Đến Nhất cứu cánh.

Năm Tịnh Cư này,

Chúng sanh hành tịnh,

Tâm tịnh nên đến

Trời không phiền não.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Xả ly nhiễm thủ,

Vui nơi vô thủ,

Thấy pháp quyết định,

Đệ tử Tỳ Bà Thi.

Tịnh tâm mà đến

Với Đại Tiên Nhân.

Đệ tử Thi Khí

Vô cấu, vô vi.

Tịnh tâm mà đến

Với Đấng Ly Hữu.

Đệ tử Tỳ Xá,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến ta,

Như mặt trời chiếu.

Con Câu Lưu Tôn,

Xả ly các dục.

Tịnh tâm đến ta,

Sáng mầu rực ánh.

Đệ tử Câu Na Hàm,

Vô cấu vô vi.

Tịnh tâm đến ta,

Sáng như Trăng đầy.

Đệ tử Ca Diếp,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến ta,

Như bắc thiên niệm

Đại Tiên bất loạn.

Thần túc bậc nhất,

Bằng tâm kiên cố,

Làm đệ tử Phật.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật,

Kính lễ Như Lai,

Kể rõ Chí Tôn,

Chỗ sinh, thành đạo,

Danh tánh, chủng tộc,

Tri kiến thâm pháp,

Thành đạo vô thượng.

Tỳ Kheo nơi vắng,

Xa lìa bụi dơ,

Siêng năng không lười.

Đoạn chư hữu kết

Ầy là nhân duyên,

Sự tích Chư Phật,

Mà được diễn giải,

Bởi Đức Thích Ca.

Phật nói Kinh Đại Nhân duyên xong. Các Tỳ Kheo nghe những điều Phật nói hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường