Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh điển Tôn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
KINH ĐIỂN TÔN
PHẦN HAI
Đại Điển Tôn sau khi thấy bèn nói bài tụng rằng:
Đây là thiên tượng gì,
Ở ngay giữa hư không,
Sáng chói cả bốn phương,
Như đống củi cháy hực?
Phạm Đồng Tử đáp lại bằng bài kệ:
Duy Chư Thiên Cõi Phạm
Biết ta Phạm Đồng Tử.
Những người khác bảo ta
Thờ tự bởi thần lửa.
Đại Điển Tôn đáp bằng bài kệ:
Nay tôi sẽ thưa hỏi,
Vâng dạy vâng dạy, rất thành kính.
Dọn các thứ thượng vị,
Nguyện Trời biết lòng tôi.
Phạm Đồng Tử lại nói kệ:
Nay dọn cúng dường này,
Điển Tôn, ngươi tu gì?
Muốn gì, chí cầu gì?
Ta sẽ trao cho ngươi.
Lại bảo Điển Tôn: Ngươi muốn hỏi gì tùy ý hỏi. Ta sẽ nói cho.
Đại Điển Tôn thầm nghĩ: Ta nên hỏi việc hiện tại chăng?
Hay việc vị lai?
Rồi lại tự nghĩ: Việc hiện tại đời này cần gì nữa hỏi. Ta hãy hỏi việc u minh chưa tỏ.
Liền hướng đến Phạm Đồng Tử nói bài kệ:
Tôi xin hỏi Phạm Đồng,
Nhờ giải quyết mối nghi,
Học và trụ pháp gì,
Được sanh lên Phạm Thiên?
Phạm Đồng Tử đáp:
Dứt ý tưởng ta, người,
Độc cư, tu từ tâm,
Trừ dục, không xú uế,
Được sanh lên Phạm Thiên.
Đại Điển Tôn nghe xong bài kệ, liền suy nghĩ: Phạm Đồng Tử thuyết kệ là nên trừ xú uế. Ta không hiểu điều này. Vậy cần hỏi thêm nữa.
Bèn nói kệ:
Phạm kệ nói xú uế,
Xin giải rõ tôi hay,
Ai mở cửa thế gian,
Đọa ác, không sanh Thiên?
Phạm Đồng Tử đáp bằng bài kệ:
Dối trá và tật đố,
Ngã mạn, tăng thượng mạn
Tham dục, sân nhuế, si
Mặc tình chứa đầy tâm,
Là thế gian xú uế,
Ta nói cho ngươi rõ.
Nó mở cửa thế gian,
Đọa ác, không sanh Thiên.
Nghe xong, Đại Điển Tôn thầm nghĩ: Theo lời của Đồng Tử, bây giờ ta đã hiểu nghĩa chữ xú uế. Nhưng tại gia thì không thể dứt trừ được.
Tốt hơn ta có nên bỏ đời, xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, tu đạo chăng?
Khi ấy Phạm Đồng Tử biết được ý nghĩ của ông, bèn nói bài kệ:
Nếu ngươi hay dũng mãnh,
Chí đó thật tuyệt vời
Là hành vi bậc trí
Chết tất sanh Phạm Thiên.
Thế rồi Phạm Đồng Tử bỗng nhiên biến mất.
Bấy giờ, Đại Điển Tôn trở về, đi đến bảy Vua, tâu rằng: Tâu Đại Vương, mong Ngài đem sức thần mà xử lý Quốc Sự. Nay tôi có ý xuất gia, bỏ đời, mặc pháp phục tu đạo.
Vì sao vậy?
Tôi thân nghe từ Phạm Thiên nói đến sự xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao loại trừ được nó.
Bảy Quốc Vương thầm nghĩ: Bọn Bà La Môn thường hay tham tài bảo, có lẽ ta nên mở rộng kho tàng cho ông ta cần dùng gì tùy ý, để đừng xuất gia.
Rồi vời Đại Điển Tôn đến bảo: Ngươi muốn cần dùng gì ta đều cấp cả, không cần xuất gia.
Đại Điển Tôn tâu đáp: Tôi đã được Vua ân tứ rồi. Tôi cũng có nhiều tài bảo. Nay xin để lại hết dâng Đại Vương. Xin cho tôi được thỏa chí nguyện xuất gia thôi.
Bảy Quốc Vương lại thầm nghĩ: Những người Bà La Môn thường ham mỹ sắc, có lẽ ta đem thể nữ trong cung cấp cho vừa ý, để khỏi xuất gia.
Rồi nói với Đại Điển Tôn: Nếu cần thể nữ ta cấp hết cho ngươi. Không cần xuất gia nữa.
Đại Điển Tôn đáp: Nay tôi đã được Vua ân tứ rồi. Nhưng trong nhà tôi thể nữ có nhiều nay cho về hết. Tôi chỉ mong lìa ân ái để xuất gia hành đạo vì tôi thân nghe Phạm Đồng Tử nói điều xú uế mà lòng nhàm ghét. Nếu tại gia thì không sao trừ được.
Rồi Đại Điển Tôn nói bài kệ cho Vua Từ Bi nghe:
Vua hãy nghe tôi nói
Vua là bậc nhân tôn,
Cho tài bảo, thể nữ
Thứ ấy phi sở thích.
Vua Từ Bi đáp bằng bài kệ:
Thành Đàn Đặc, Già Lăng.
Thành A Bà, Bố Hòa.
Thành A Bàn, Đại Thiên.
Thành Ương Già, Chiêm Bà.
Số Di, Tát La thành
Tây Đà, Lộ Lâu thành
Thành Bà La, Già Thi.
Thảy do Điển Tôn Dựng.
Có bao nhiêu ngũ dục,
Ta sẽ cùng cho ngươi
Hãy cùng trông việc nước
Chớ bỏ mà xuất gia.
Điển Tôn trả lời bằng bài kệ:
Ngũ dục, tôi không thiếu.
Chỉ không ham thế gian.
Sau khi nghe Trời nói,
Không còn muốn tại gia.
Vua Từ Bi đáp lại bằng bài kệ:
Lời Đại Điển Tôn nói,
Được nghe từ Trời nào,
Mà dứt bỏ ngũ dục?
Nay hỏi, mong trả lời.
Đại Điển Tôn nói kệ:
Xưa tôi ở chỗ vắng,
Một mình, tự suy tư.
Rồi Phạm Thiên Vương đến,
Tỏa hào quang rực sáng.
Tôi nghe được từ Ngài
Không còn ham thế gian.
Vua từ bi nói kệ:
Hãy chờ, Đại Điển Tôn.
Để cùng hoằng thiện pháp
Rồi sau cùng xuất gia.
Khanh là thầy của ta.
Ví như trong hư không,
Thanh tịnh, đầy lưu ly
Nay ta tín thanh tịnh,
Đầy khắp trong Phật Pháp.
Rồi Đại Điển Tôn lại làm bài tụng:
Chư Thiên và người đời,
Đều nên xả ngũ dục,
Chùi sạch các ô uế,
Mà tịnh tu phạm hạnh.
Bấy giờ bảy vị Quốc Vương nói với Đại Điển Tôn: Ngươi nên hoãn lại bảy năm để cùng nhau vui thú ngũ dục. Sau đó chúng ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em, cùng xuất gia.
Há không hay hơn sao?
Những gì ngươi sở đắc, chúng ta cũng đồng.
Đại Điển Tôn đáp: Thế gian vô thường, mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn.
Nay hoãn đến bảy năm chẳng quá lâu lắm sao?
Bảy Vua nói: Bảy năm lâu thì sáu, năm… hoặc một năm cũng được. Chúng ta lưu lại trong tĩnh cung để cùng chung vui hưởng ngũ dục tuyệt thế.
Sau đó chúng ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em, cùng xuất gia.
Há không hay hơn sao?
Những gì ngươi sở đắc, chúng ta cũng đồng.
Đại Điển Tôn vẫn đáp: Thế gian vô thường, mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn. Nên dầu cho một năm vẫn còn lâu, thậm chí bảy tháng, hay một tháng cũng không thể được.
Bảy Vua nói tiếp: Thôi hoãn bảy ngày.
Đại Điển Tôn đáp: Bảy ngày không lâu, có thể hoãn được. Xin Đại Vương chớ sai lời. Quá bảy ngày nếu Vua không xuất gia thì tôi xuất gia một mình.
Rồi Đại Điển Tôn lại đến bảy cư sĩ, bảo họ: Mỗi người hãy tự lo lấy công việc của mình. Tôi muốn xuất gia, tu đạo vô vi.
Vì sao vậy?
Ta thân nghe từ Phạm Thiên, nói đến sự xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao dứt trừ được.
Bảy Cư Sĩ đáp Đại Điển Tôn: Lành thay, chí hướng ấy. Hãy làm những gì thích hợp. Chúng tôi cũng muốn cùng xuất gia theo. Những gì ông sở đắc, chúng tôi cũng nên đồng.
Đại Điển Tôn lại đến nói với bảy trăm Phạm Chí: Các ngươi hãy siêng năng phúng tụng, tìm rộng đạo nghĩa, rồi dạy bảo lẫn nhau. Ta muốn xuất gia tu đạo vô vi.
Vì sao?
Ta thân nghe từ Phạm Thiên nói đến xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không thể dứt trừ được.
Bấy giờ bảy trăm Phạm Chí nói với Đại Điển Tôn: Đại Sư, chớ xuất gia. Sống gia đình thì an vui, hưởng thụ ngũ dục, có nhiều người hầu hạ, tâm không ưu khổ. Người xuất gia sống một mình ở chỗ hoang vắng, muốn gì đều không có, chẳng ham lấy được gì.
Đại Điển Tôn đáp: Nếu ta cho tại gia là vui, xuất gia là khổ, hẳn ta không xuất gia. Nhưng ta đã cho tại gia là khổ, xuất gia là vui, nên ta xuất gia.
Các Phạm Chí nói: Đại Sư xuất gia, chúng tôi cũng xuất gia. Đại Sư làm gì, chúng tôi làm theo cả.
Đại Điển Tôn lại đến nói với các bà vợ: Nay các ngươi được tùy nghi. Ai muốn ở thì ở. Ai muốn về thì về. Nay ta muốn xuất gia cầu đạo vô vi. Rồi kể hết sự việc như trên và nói rõ ý muốn xuất gia.
Các Phu Nhân đáp: Đại Điển Tôn nếu còn ở nhà, thì vừa là chồng cũng vừa như cha chúng tôi. Nay nếu xuất gia, chúng tôi sẽ xin đi theo. Việc gì Đại Điển Tôn làm, chúng tôi cũng sẽ làm.
Sau bảy ngày, Đại Điển Tôn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, bỏ nhà mà đi. Đồng thời, bảy Quốc Vương, bảy cư sĩ, bảy trăm Phạm Chí, bốn mươi phu nhân, cũng lần lượt xuất gia. Lần hồi lên tới tám vạn bốn ngàn người, đồng thời theo Đại Điển Tôn xuất gia.
Đại Điển Tôn thường cùng đại chúng dạo qua các nước, hóa độ rộng rãi, đem lại ích lợi cho nhiều người.
Bấy giờ Phạm Vương bảo với Thiên Chúng: Các ngươi chớ nghĩ Đại Thần Điển Tôn lúc đó là ai đâu khác. Chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca hiện nay vậy. Thế Tôn vào lúc ấy, sau bảy ngày, xuất gia tu đạo, dẫn các đại chúng du hành các nước, hóa độ rộng rãi, làm lợi ích cho nhiều người. Nếu có nghi lời ta nói, các ngươi hãy đến Ðức Thế Tôn hiện ngự tại núi Kỳ Xà Quật để hỏi. Như những gì Phật dạy, hãy gắng nhớ lấy.
Nhạc thần Ban Giá Dực bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ đó nên hôm nay con đến đây.
Bạch Thế Tôn, Đại Điển Tôn kia chính là Thế Tôn đó phải không?
Thế Tôn qua bảy ngày thì xuất gia tu đạo, cùng với bảy Quốc Vương, cho đến tám vạn bốn ngàn người đồng thời xuất gia, cùng chúng du hành các nước, giáo hóa rộng rãi, làm lợi ích cho nhiều người phải không?
Phật đáp Ban Giá Dực: Đại Điển Tôn lúc đó là ai khác chăng?
Chớ nghĩ như vậy!
Chính là thân ta đó!
Lúc bấy giờ, gái trai cả nước mỗi khi đi lại, cử động, có điều gì nguy khốn, họ liền cất tiếng niệm: Nam Mô Đại Điển Tôn, vị Tể Tướng của bảy Vua. Nam Mô Đại Điển Tôn, vị Tể Tướng của bảy Vua. Niệm đến ba lần như vậy.
Này Ban Giá Dực! Đại Điển Tôn lúc đó tuy có oai đức lớn, nhưng không thể vì đệ tử giảng nói đạo cứu cánh, không thể khiến đệ tử được cứu cánh phạm hạnh, không thể khiến đến được chỗ cứu cánh an lạc.
Pháp của Đại Điển Tôn nói ra, nếu đệ tử nào thực hành thì khi thân hoại mệnh chung chỉ được sanh lên cõi Phạm Thiên.
Người nào thực hành cạn hơn thì sanh lên Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Thứ nữa sanh Hóa Tự Tại, Đâu Suất Đà, Diệm Ma, Đao Lợi, Tứ Thiên Vương, hoặc Sát Lỵ, Bà La Môn, Cư Sĩ tại gia. Muốn gì cũng được vừa ý.
Này Ban Giá Dực! Đệ tử của Đại Điển Tôn đều là kẻ xuất gia không phải ngu si. Có quả báo, có giáo giới, nhưng chưa phải là đạo cứu cánh, chẳng khiến đệ tử chứng được cứu cánh phạm hạnh, chẳng đưa đệ tử đến chỗ an ổn hoàn toàn.
Chỗ cao tột của đạo kia chỉ đến cõi Phạm Thiên là cùng. Còn nay giáo pháp của ta dạy cho đệ tử có thể khiến họ chóng được đạo cứu cánh, được cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn và cuối cùng thì vào Niết Bàn.
Pháp của ta nói, nếu đệ tử nào thực hành thì xả bỏ hữu lậu mà thành vô lậu, ngay trong đời này mà tự mình chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
Người nào thực hành cạn hơn thì đoạn được năm kết sử hạ giới và có thể nhập Niết Bàn tại Thiên Giới, chứ không trở lại cõi này. Thứ nữa thì đoạn ba kiết sử, dâm, nộ, si mỏng, chỉ phải một lần sanh vào cõi này nữa là sẽ nhập Niết Bàn.
Và thứ nữa thì đoạn được ba kiết sử, chứng quả Tu Đà Hoàn, không còn bị đọa vào ác đạo, nhiều lắm là bảy lần sanh đến cõi này nữa là chắc chắn được Niết Bàn.
Này Ban Giá Dực! Các đệ tử ta xuất gia không phải ngu si, có quả báo, có giáo giới, được cứu cánh đạo pháp, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn và cuối cùng vào Niết Bàn. Ban Giá Dực nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Sáu - Sự Sai Khác Của Lục Giới - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Trời Tịnh Cư Thỉnh Phật Tắm
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Bồ đề Tâm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười Một - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhì - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Năm - Phẩm Luận Nghĩa