Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH DU HÀNH  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, thành La Duyệt cùng với Chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A Xà Thế, Vua nước Ma Kiệt, muốn chinh phạt nước Bạt Kỳ, mới tự nghĩ: Nước ấy tuy mạnh, dân chúng giàu mạnh, nhưng lấy sức ta để thắng họ không phải là khó.

Rồi Vua A Xà Thế sai Đại Thần Bà La Môn Vũ Xá: Khanh hãy đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ Ðức Thế Tôn, nhân danh ta đảnh lễ dưới chân Thế Tôn và thăm hỏi Ðức Thế Tôn, Ngài đời sống thường nhật có thoải mái không, đi đứng có khỏe mạnh không.

Sau đó lại bạch Ðức Thế Tôn, người nước Bạt Kỳ tự ỷ hùng cường, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục ta. Ta muốn chinh phạt chúng.

Không hiểu Ðức Thế Tôn có dạy bảo gì không?

Nếu Ngài có dạy thế nào, ngươi hãy nhớ cho kỹ, chớ để quên sót, hãy nói lại cho ta hay những gì khanh đã nghe. Những điều Như Lai nói không bao giờ hư dối.

Đại Thần Vũ Xá lãnh mạng, cưỡi xe báu đi đến núi Kỳ Xà Quật.

Đến chỗ phải dừng, ông xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi xong, ngồi lại một bên, bạch Ðức Thế Tôn rằng: Vua nước Ma Kiệt là A Xà Thế cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật và ân cần kính hỏi Ngài, đời sống thường nhật có thoải mái chăng, lui tới có được mạnh khỏe không?

Ông lại thưa tiếp: Người nước Bạt Kỳ tự thị dũng mãnh, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục nhà Vua, nên Nhà Vua muốn chinh phạt.

Chẳng hay Ðức Thế Tôn có dạy bảo gì không?

Lúc đó, A Nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật.

Phật hỏi A Nan: Ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh không?

A Nan đáp: Con có nghe.

Phật nói với A Nan: Nếu được như thế, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng, nước ấy sẽ an ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan, ngươi có nghe người nước Bạt Kỳ Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?

Con có nghe. Nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan, ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?

Con có nghe. Này A Nan, nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận Sư Trưởng không?

Con có nghe.

Này A Nan! Nếu vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần không?

Con có nghe.

Này A Nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan, ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?

Con có nghe.

Này A Nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Này A Nan, ngươi có nghe dân nước Bạt Kỳ tôn thờ Sa Môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác không?

Con có nghe.

Này A Nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Bấy giờ, Đại Thần Vũ Xá liền bạch Phật: Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.

Phật nói: Nên biết thời giờ. Vũ Xá liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi vái chào mà lui.

Vũ Xá đi chưa bao lâu, Phật bảo A Nan: Ngươi hãy truyền cho các Tỳ Kheo ở chung quanh thành La Duyệt Kỳ nhóm hết lại giảng đường. A Nan vâng lệnh đi đến thành La Duyệt Kỳ tập họp hết các Tỳ Kheo lại giảng đường xong.

Bạch Phật: Bạch Thế Tôn, các Tỳ Kheo đã nhóm đủ, kính mong Đức Thánh biết thời.

Bấy giờ, Thế Tôn liền đứng dậy đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn, bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, ta sẽ giảng cho các thầy bảy pháp bất thối. Các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ.

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Kính vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con muốn nghe.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, bảy pháp bất thối là:

1. Thường hội họp luận bàn nghĩa lý chân chính, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

2. Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

3. Trọng pháp, hiểu điều cấm kỵ, không trái qui chế, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

4. Nếu có Tỳ Kheo nào có năng lực hộ chúng, có nhiều tri thức, nên được kính thờ, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

5. Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

6. Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo trạng thái dục, thời lớn nhỏ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

7. Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận mà chánh pháp không bị suy thoái.

Này các Tỳ Kheo, lại có bảy pháp làm cho chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm:

1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc, thời chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.

2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.

3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.

4. Không tụ họp nói việc vô ích.

5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức.

6. Không kết bè bạn với người xấu ác.

7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.

Này Tỳ Kheo, được như vậy, thời chánh pháp sẽ được tăng trưởng, không bị tổn giảm.

Này các Tỳ Kheo!

Lại có bảy pháp làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm:

1. Có tín tâm, tin Đức Như Lai, Chí Chân, Chánh Giác, đủ mười Đức Hiệu.

2. Có tàm, biết hổ với điều thiếu sót của mình.

3. Có quý, biết thẹn với việc ác mình đã làm.

4. Đa văn, những điều đã được thọ trì đều tốt ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, nghĩa và vị thâm áo, thanh tịnh không bẩn, phạm hạnh đầy đủ.

5. Siêng năng cần khổ, bỏ ác tu lành, chuyên tâm tập luyện mãi không ngừng.

6. Điều đã học tập được, ghi nhớ mãi không quên.

7. Tu tập trí tuệ, biết pháp sanh diệt, hướng đến Hiền Thánh, dứt hết gốc khổ.

Với bảy pháp như thế thời chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Này các Tỳ Kheo!

Lại có bảy pháp làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:

1. Kính Phật.

2. Kính pháp.

3. Kính Tăng.

4. Kính giới luật.

5. Kính thiền định.

6. Kính thuận cha mẹ.

7. Kính pháp không buông lung.

Bảy pháp như vậy làm cho chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn.

Này các Tỳ Kheo!

Lại có bảy pháp làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:

1. Quán thân bất tịnh.

2. Quán đồ ăn bất tịnh.

3. Chẳng mê đắm thế gian.

4. Thường suy niệm về sự chết.

5. Suy niệm về vô thường.

6. Suy niệm về vô thường tức khổ.

7. Suy niệm khổ tức vô ngã.

Bảy pháp như vậy làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Này các Tỳ Kheo!

Lại có bảy pháp làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:

1. Tu về niệm giác ý, nhàn tịnh, vô dục, xuất ly, vô vi.

2. Tu về pháp giác ý.

3. Tu về tinh tấn giác ý.

4. Tu về hỷ giác ý.

5. Tu về ỷ giác ý.

6. Tu về định giác ý.

7. Tu về hộ giác ý.

Bảy pháp như vậy làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Này các Tỳ Kheo: Có sáu pháp bất thối làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

1. Thân thường hành xử từ ái, không hại chúng sanh.

2. Miệng nói nhân từ, không diễn lời dữ.

3. Ý niệm từ tâm, không ôm lòng thêm bớt.

4. Được vật lợi dưỡng hợp lẽ, chia cùng chúng hưởng, bình đẳng như nhau.

5. Giữ giới Thánh Hiền không để khuyết lậu, cũng không cấu uế, nhất định không dao động.

6. Thấy đạo Thánh Hiền để dứt hết thống khổ.

Sáu pháp như vậy làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Này các Tỳ Kheo, lại có sáu pháp bất thối làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn:

1. Niệm Phật.

2. Niệm pháp.

3. Niệm Tăng.

4. Niệm giới.

5. Niệm thí.

6. Niệm Thiên.

Sáu niệm ấy làm cho chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở La Duyệt Kỳ, Ngài bảo A Nan rằng: Các thầy hãy sẵn sàng, ta muốn đi đến Trúc Viên.

Đáp: Thưa vâng.

Rồi Ngài sửa soạn y bát, cùng đại chúng thị tùng, Thế Tôn theo ngả đường từ Ma Kiệt đi đến Trúc Viên. Sau khi lên giảng đường an tọa, Phật dạy các Tỳ Kheo về giới, định, huệ, tu giới đắc định, được quả báo lớn, tu định đắc trí, được quả báo lớn.

Tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn, dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát liền phát sanh trí về sự giải thoát, sanh tử dứt hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Trúc Viên, Ngài bảo A Nan: Các thầy hãy sửa soạn, hãy đi đến thành Ba Lăng Phất.

Đáp: Kính vâng.

Rồi Ngài sửa soạn y bát cùng với đại chúng theo hầu, Thế Tôn từ Ma Kiệt đi đến thành Ba Lăng Phất và ngồi ở gốc cây Ba Lăng.

Lúc ấy các Thanh Tín Sĩ tại đó nghe Phật cùng đại chúng từ xa đến nghỉ dưới cây Ba Lăng, bèn cùng nhau ra khỏi thành, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Ba Lăng dung mạo đoan chính.

Các căn vắng lặng, nhu thuận tột bực, như con rồng lớn, như nước đứng trong, không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực.

Thấy rồi, ai nấy hoan hỷ, lần đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Ðức Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp, khai tỏ, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường