Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
KINH DU HÀNH
PHẦN NĂM
Bấy giờ, Thế Tôn đứng dậy, đi về phía trước được một quãng ngắn, đến dưới một gốc cây, lại bảo A Nan: Ta đau lưng quá, hãy sửa chỗ ngồi.
A Nan đáp: Vâng. Rồi dọn một chỗ ngồi. Như Lai nghỉ ngơi. A Nan lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên.
Lúc đó, có người đệ tử A La Hán tên là Phúc Quý, đi từ thành Câu Thi Na Kiệt nhắm đến thành Ba Bà, khi vừa đến giữa đường, trông thấy Phật tại bên gốc cây, dung mạo đoan chính, các căn tịch tịnh, tâm ý nhu thuận trong cảnh tịch diệt tuyệt đối, ví như con rồng lớn, như hồ nước đứng trong không chút cáu bợn.
Sau khi thấy, ông phát sinh thiện tâm hoan hỷ, đi đến gần Phật, đảnh lễ rồi ngồi lại một bên và bạch Phật rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, người xuất gia, ở tại chỗ thanh tịnh, ưa thích sự nhàn cư, thật hy hữu thay, dẫu cả một đoàn xe có những năm trăm cỗ đi ngang qua một bên mà vẫn không hay biết.
Thầy tôi có lần ngồi tĩnh tọa dưới một gốc cây bên đường thuộc địa phận giữa hai thành Câu Thi và Ba Bà. Lúc đó có đoàn xe năm trăm cỗ đi ngang qua một bên. Tiếng xe cộ rầm rầm. Tuy thức tỉnh nhưng không nghe thấy.
Sau đó có người đến hỏi: Có thấy đoàn xe vừa đi qua đây không?
Đáp: Không thấy.
Lại hỏi: Có nghe không?
Đáp: Không nghe.
Lại hỏi: Nãy giờ ông ở đây hay ở chỗ khác?
Trả lời: Ở đây.
Lại hỏi: Nãy giờ ông tỉnh hay mê?
Trả lời: Tỉnh.
Lại hỏi: Nãy giờ ông thức hay ngủ?
Trả lời: Không ngủ.
Người kia thầm nghĩ: Đây thật là hy hữu. Người xuất gia chuyên tinh mới như thế. Cho dẫu tiếng xe rầm rộ, thức mà vẫn không hay.
Rồi nói với thầy tôi rằng: Vừa có năm trăm cỗ xe rầm rộ đi qua con đường này, tiếng xe chấn động mà còn không nghe thấy, có đâu lại nghe thấy chuyện khác. Rồi người kia làm lễ, hoan hỷ từ tạ.
Phật nói: Này Phúc Quý.
Nay ta hỏi ngươi. Hãy tùy ý trả lời. Đoàn xe rầm rộ đi qua, tuy thức nhưng không nghe và sấm sét vang động đất Trời, tuy thức nhưng không nghe.
Trong hai điều đó, điều nào khó hơn?
Phúc Quý thưa: Tiếng động của ngàn chiếc xe đâu sánh bằng tiếng sấm sét. Không nghe tiếng xe còn dễ chứ không nghe sấm sét ấy mới thật là rất khó.
Phật nói: Này Phúc Quý, ta có một lần ở tại một thảo lư trong thôn A Việt, lúc đó có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rền dữ dội làm chết hết bốn con trâu và hai anh em người đi cày, thiên hạ xúm tới chật ních. Lúc ấy ta đang ra khỏi thảo lư, đi kinh hành thong thả.
Một người từ đám đông kia đi lại chỗ Ta, đầu mặt lễ sát chân, rồi theo sau ta kinh hành.
Dẫu biết nhưng ta vẫn hỏi: Đám đông kia đang tụ tập để làm gì vậy?
Người kia liền hỏi lại ta rằng: Nãy giờ Ngài ở đâu, thức hay ngủ?
Ta trả lời: Ở đây, không ngủ. Người kia tán thán cho là hy hữu, chưa thấy ai đắc định như Phật. Sấm chớp vang rền cả Trời Đất thế mà riêng mình tịch tịnh, thức mà không hay.
Rồi người ấy bạch Phật: Vừa rồi có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rền dữ dội làm chết hết bốn con trâu và hai người đi cày. Đám đông tụ tập chính là vì chuyện ấy. Người ấy trong lòng vui vẻ, liền được pháp hỷ, lễ Phật rồi lui.
Lúc đó Phúc Quý đang khoác hai tấm vải màu vàng, trị giá cả trăm ngàn, rời chỗ ngồi đứng dậy, rồi quỳ xuống, chắp tay bạch Phật: Nay con đem tấm vải này dâng Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nạp thọ.
Phật bảo Phúc Quý: Ngươi để một tấm cho ta và một tấm cho A Nan. Phúc Quý vâng lời. Một tấm dâng Phật, một tấm cho A Nan.
Phật thương tưởng ông cho nên nhận. Phúc Quý đảnh lễ Phật và ngồi lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho ông, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ.
Ngài giảng về bố thí, trì giới, sinh Thiên, dục là đại hoạn, bất tịnh, ô uế, phiền não ô nhiễm là pháp chướng đạo, xuất yếu là tối thắng.
Khi Phật biết tâm ý Phúc Quý đã hoan hỷ, nhu nhuyến, không bị triền cái trùm lấp, rất dễ khai hóa, như thường pháp của Chư Phật, Ngài giảng cho Phúc Quý về khổ thánh đế, khổ tập, khổ diệt và khổ xuất yếu Thánh đế.
Phúc Quý liền phát tín tâm thanh tịnh, ví như tấm vải sạch rất dễ nhuốm màu, ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, phát sinh pháp nhãn, thấy pháp, chứng pháp, an trú quyết định chánh tánh, không còn bị sa đọa ác đạo, thành tựu vô úy, bèn bạch Phật: Con nay quy y Phật, Pháp, Tăng.
Cúi mong Thế Tôn nhận con làm một Ưu Bà Tắc trong chánh pháp. Từ nay cho đến trọn đời con nguyện không sát, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn nhận con là Ưu Bà Tắc ở trong chánh pháp.
Lại bạch Phật: Lúc nào Phật đến giáo hóa tại thành Ba Bà xin Ngài hạ cố đến khóm nhà nghèo của con. Bởi vì con muốn đem hết những vật thực sàng tọa, y phục, thuốc thang sẵn có trong nhà để dâng cúng Thế Tôn. Thế Tôn lãnh thọ cho thì nội gia con được an lạc.
Phật nói: Ngươi nói rất phải. Rồi Thế Tôn lại nói pháp cho Phúc Quý. Chỉ bày, giáo huấn, khiến cho được lợi ích, hoan hỷ. Phúc Quý đảnh lễ Phật rồi đi.
Phúc Quý đi chưa bao lâu, A Nan liền đem tấm vải vàng của mình dâng Phật. Phật do tâm từ mẫn nhận lãnh và khoác lên trên mình.
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn hiện ra một dung mạo thung dung, oai quang rực rỡ, các căn thanh tịnh, sắc diện tươi vui.
A Nan trông thấy, âm thầm suy nghĩ: Ta được hầu gần Phật hai mươi lăm năm nay chưa khi nào thấy Phật có một sắc diện tươi sáng như ngày nay.
Bèn đứng dậy, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hỏi Phật: Từ khi con được hầu Phật, đã hai mươi lăm năm nay, chưa từng thấy sắc diện Phật như hôm nay.
Chẳng hiểu do duyên gì?
Con mong nghe được ý Phật.
Phật bảo A Nan: Có hai duyên cớ mà sắc diện Như Lai tươi sáng khác lúc bình thường: Một là lúc Phật mới thành ngôi Chánh Giác, hai là lúc Phật xả bỏ thọ mạng sắp vào Niết Bàn.
A Nan, do hai duyên ấy mà sắc diện khác thường.
Rồi Thế Tôn nói bài tụng:
Y màu vàng sáng vui,
Mịn, mềm, rất tươi sạch,
Phúc Quý dâng Thế Tôn,
Hào quang trắng như tuyết.
Phật bảo: A Nan, ta đang khát. Ta muốn uống nước. Ngươi hãy đi lấy nước đem đến đây.
A Nan thưa: Vừa rồi có năm trăm cỗ xe lội qua khúc trên sông làm nước đục cả. Chỉ có thể dùng rửa chân, không thể dùng uống được. Phật nói đến ba lần như thế.
A Nan thưa: Hiện chỉ có sông Câu Tôn cách đây không xa, là có nước trong mát. Uống hay tắm rửa đều được.
Lúc đó có một vị thần ở tại núi Tuyết, vốn dốc lòng tin Phật Đạo, lấy bát đựng nước quý tịnh đủ tám công đức đem đến dâng Phật.
Phật thương xót lãnh thọ và đọc bài tụng:
Phật bằng tám thứ âm,
Bảo A Nan lấy nước:
Ta khát, nay muốn uống.
Uống xong đến Câu Thi.
Ấm êm dịu, hòa nhã,
Ai nghe cũng vui lòng.
Hầu hạ hai bên Phật,
Liền bạch Thế Tôn rằng:
Vừa có năm trăm xe,
Lội sông sang bờ kia,
Đã làm đục dòng nước,
Uống chắc không thể được.
Sông Câu Lưu không xa,
Nước tốt, rất trong mát,
Có thể lấy nước uống,
Cũng có thể tắm rửa.
Tuyết Sơn có quỷ thần,
Đem nước dâng Như Lai.
Uống xong, uy dũng mãnh.
Đấng Sư Tử bước đi.
Nước ấy có rồng ở,
Trong sạch không đục dơ.
Thánh nhan như Tuyết Sơn
Thong thả qua Câu Tôn.
Rồi Thế Tôn đi đến sông Câu Tôn, lấy nước uống và rửa xong rồi, cùng đại chúng lần đi nữa.
Giữa đường, Phật dừng lại tại dưới một gốc cây và bảo Châu Na: Ngươi lấy Y Tăng Già Lê gấp làm tư rồi trải cho ta nằm. Ta đau lưng. Muốn tạm nghỉ tại đây. Châu Na vâng lời, trải chỗ xong, Phật ngồi lên chỗ đó.
Châu Na lễ Phật rồi ngồi lại một bên mà thưa rằng: Con muốn nhập Niết Bàn. Con muốn nhập Niết Bàn.
Phật dạy: Nên biết phải thời.
Châu Na liền nhập Niết Bàn ở ngay trước Phật.
Phật bèn nói bài tụng:
Phật đến sông Câu Tôn,
Trong mát, không đục dơ.
Đấng Chí Tôn xuống nước,
Tắm rửa, sang bờ kia.
Vị đứng đầu đại chúng,
Sai khiến bảo Châu Na:
Ta nay thân mỏi mệt,
Ngươi trải ngọa cụ nhanh.
Châu Na liền vâng lời,
Gấp tư y mà trải.
Như Lai đã nghỉ ngơi
Châu Na ngồi phía trước
Tức thì bạch Thế Tôn:
Con muốn nhập Niết Bàn,
Vào chốn không yêu, ghét.
Con nay đến chỗ đó,
Biển công đức vô lượng.
Đấng Tối Thắng trả lời:
Phận sự ngươi đã xong,
Nên biết thời thích hợp.
Được Phật hứa khả rồi,
Châu Na càng tinh tấn.
Diệt hành, vô hữu dư.
Như hết củi, lửa tắt.
Bấy giờ A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?
Phật bảo A Nan: Ông hãy im lặng. Hãy lo nghĩ đến công việc của mình. Việc ấy đã có các Thanh Tín Sĩ vui vẻ lo liệu.
A Nan hỏi đến ba lần: Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?
Phật dạy: Muốn biết phép tẩn táng thế nào thì nên làm theo cách tẩn táng Chuyển Luân Thánh Vương.
A Nan lại hỏi: Phép tẩn táng Chuyển Luân Thánh Vương như thế nào?
Phật nói: Về phép tẩn táng Chuyển Luân Thánh Vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, lấy vải bông mới quấn thân thể, dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, rồi đặt thân vào Kim Quan.
Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt Kim Quan trong một cái quách thứ hai lớn, bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương Chiên Đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà tỳ.
Trà Tỳ xong lượm lấy Xá Lợi, dựng Tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy Tháp của pháp Vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của Vua, đã làm lợi ích cho nhiều người.
A Nan, ngươi muốn tẩn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể. Lấy vải bông mới quấn thân thể, dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào Kim Quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt Kim Quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương Chiên Đàn.
Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà tỳ. Trà tỳ xong lượm lấy Xá Lợi, dựng Tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy Tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của pháp Vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh Thiên.
Rồi Thế Tôn muốn trùng tuyên lại ý nghĩa này, Ngài thuyết bằng bài kệ:
A Nan rời chỗ ngồi,
Quỳ chắp tay bạch Phật:
Như Lai diệt độ rồi,
Phép tẩn táng thế nào?
A Nan, hãy im lặng,
Hãy lo phận sự mình.
Các Thanh tín trong nước
Sẽ vui vẻ lo liệu.
A Nan ba lần hỏi.
Phật giảng táng Luân Vương.
Muốn tẩn táng thân Phật,
Quấn thân, đặt vào quách.
Dựng Tháp ngã tư đường,
Vì lợi ích chúng sanh.
Những ai đến kính lễ
Đều được phước vô lượng.
Phật bảo A Nan: Trong thiên hạ có bốn hạng người nên dựng Tháp và cúng dường hương hoa, phướn lụa, âm nhạc.
Đó là những ai?
Là Như Lai, Bích Chi Phật, Thanh Văn và Chuyển Luân Vương.
Này A Nan, bốn hạng người này nên được dựng Tháp và dùng hương, hoa, phướn lụa, âm nhạc để cúng dường.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:
Thứ nhất là Tháp Phật,
Bích Chi Phật, Thanh Văn,
Và Chuyển Luân Thánh Vương,
Chủ tể trị bốn phương:
Bốn nơi đáng cúng này,
Được Như Lai chỉ dạy:
Phật, Bích Chi, Thanh Văn,
Và Tháp Chuyển Luân Vương.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A Nan hãy cùng đi đến thành Câu Thi, tới giữa đám cây Song Thọ của dòng họ Mạt La.
A Nan đáp vâng! Rồi cùng với đại chúng đi theo Thế Tôn mà lên đường.
Có một người Phạm Chí từ thành Câu Thi đi đến thành Ba Bà, giữa đường, từ xa trông thấy Thế Tôn dung mạo đoan chính, các căn tịch định.
Thấy vậy, tự nhiên sanh tâm hoan hỷ, liền đi đến trước Phật, thăm hỏi rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng: Thôn tôi ở cách đây không xa. Kính mong Đức Cù Đàm đến đó nghỉ đêm. Sáng mai thọ thực xong hãy đi.
Phật nói: Thôi đủ rồi, Phạm Chí. Ngươi nay đã cúng dường ta rồi đó.
Phạm Chí ân cần thưa thỉnh tới ba lần, Phật vẫn đáp như trước, lại bảo Phạm Chí: A Nan đàng sau kia, người đến đó tỏ ý.
Phạm Chí nghe Phật bảo liền đến gặp Ngài A Nan, thăm hỏi xong, đứng sang một bên, thưa rằng: Thôn tôi ở cách đây không xa. Tôi muốn thỉnh Đức Cù Đàm đến đó nghỉ đêm. Sáng mai thọ thực xong hãy đi.
A Nan đáp: Thôi đủ rồi, Phạm Chí. Ngươi nay đã cúng dường rồi đó.
Phạm Chí ân cần thưa thỉnh tới ba lần.
A Nan đáp: Trời đã nóng bức, thôn kia lại xa, mà Ðức Thế Tôn thì quá nhọc, không thể đến được đâu.
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi quán sát ý nghĩa này, bèn nói bài kệ:
Đấng Tịnh Nhãn tiến bước,
Mệt nhọc, hướng Song Thọ.
Phạm Chí xa thấy Phật,
Vội bước đến, cúi đầu:
Thôn tôi hiện gần đây,
Xin thương, lưu một đêm.
Sáng mai, cúng dường nhỏ,
Rồi hãy đến thành kia.
Phạm Chí, thân ta mệt,
Đường xa không thể qua.
Người hầu ta đi sau.
Hãy đến mà hỏi ý.
Vâng lời Phật dạy thế,
Bèn đến chỗ A Nan:
Xin mời đến thôn tôi,
Sáng mai, ăn rồi đi.
A Nan ngăn: Thôi, thôi.
Trời nóng, không đi được.
Ba lần mời không toại,
Vẻ buồn rầu không vui.
Quái thay, hữu vi này,
Đổi dời mãi không thôi,
Nay giữa cây Song Thọ,
Dứt ta, thân vô lậu.
Phật, Bích Chi, Thanh Văn
Hết thảy đều quy diệt,
Vô thường không chọn lựa,
Như lửa đốt núi rừng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
TÔN GIẢ ÐẠI BÀN - ÐẶC CÓ CÒN THAM, SÂN KHÔNG?
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Hai - Phẩm đế Thích
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hiềm Trách
Phật Thuyết Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế âm Bồ Tát Mẫu đà La Ni Thân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Na đề Ca - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Hành Tướng - Phần Hai