Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Vô úy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TU CHÂN THIÊN TỬ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM
PHẨM NÓI VỀ VÔ ÚY
Bấy giờ, Thiên Tử Tu Chân lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát căn cứ vào cái gì mà phát tâm bồ đề?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát dựa theo tất cả dục mà phát tâm bồ đề.
Vì sao Ngài nói như vậy?
Này Thiên Tử! Bồ Tát ở trong ái dục, luôn cùng với dục mà hành hóa nhưng không bị lệ thuộc nơi ái dục, nên mới thành tựu đạo quả, nếu không tùy thuận ái dục thì Bồ Tát duyên dựa vào gì để phát khởi tâm bồ đề?
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tâm nhờ vào đâu mà trụ vững nơi đạo?
Này Thiên Tử! Do ở trong các pháp của Chư Phật mà giữ vững tâm bồ đề.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Vì gốc của tâm bồ đề là từ nơi pháp của Chư Phật mà phát sinh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Các pháp của Chư Phật từ đâu sinh ra?
Này Thiên Tử! Các pháp của Chư Phật vốn là không, không có nơi chôn dấy khởi.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Như hư không vốn là không. Từ nơi gốc hư không sinh ra tất cả pháp của Phật.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Phật nhiều lắm chăng, có thể nhận biết được số lượng không?
Này Thiên Tử! Giống như tất cả các pháp, pháp của Phật cũng vậy.
Vì sao?
Vì Như Lai từ nơi các pháp mà có sự hiểu biết đúng đắn hơn hết.
Như thế, này Thiên Tử! Cũng như các pháp, số lượng pháp của Phật cũng vậy.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao dâm dục, sân hận, ngu si lại là pháp của Phật?
Đúng vậy, này Thiên Tử! Tham dâm, giận dữ, ngu si chính là pháp của Phật.
Vì sao?
Vì ái dục là không hiểu biết, do đó phải đem đạo để giáo hóa, trao truyền.
Thiên Tử hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Nắm giữ tánh không của tất cả các pháp thì sẽ được thành Phật chăng?
Này Thiên Tử! Tất cả chúng sinh đều sẽ được thành Phật, xét kỹ là như thế, ông chớ nghi ngờ.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Vì tất cả đều sẽ đạt được đạo quả của Như Lai.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao đều được thành Phật?
Này Thiên Tử! Vì đã hội nhập vào nẻo không và tịch tĩnh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để hiểu được tịch tĩnh và không?
Này Thiên Tử! Nếu không chứng đắc pháp không thì từ cái gì mà đạt được giác ngộ?
Vì pháp không không có đối đãi, không mạnh, không yếu.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như Lai thấu tỏ pháp không nên đã chứng đắc đạo quả chăng?
Đúng vậy, này Thiên Tử! Đúng như lời ông nói. Pháp không tức là đạo. Phật dạy, hiểu rõ lý không tức là hội nhập nơi đạo.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Làm thế nào để hành theo pháp không?
Này Thiên Tử! Không tham muốn sắc là hành theo pháp không, ở nơi Cõi Dục không hành theo các trần, không hành theo hương, cũng không hành theo Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, cũng không hành theo thân, cũng không hành theo tâm.
Vì sao?
Vì không hành là hành, đó cũng là không.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như Lai chẳng hành vốn là hành theo không chăng?
Này Thiên Tử! Pháp không của Như Lai cũng là không, pháp ấy không thật có, đối với ngã cũng vậy. Như không chỗ hành tức là hành của Như Lai.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đã không thật có thì làm sao để hành?
Này Thiên Tử! Như không thật có thì hành theo chỗ không thật có, chẳng hành theo người khác, cho đến đối với người khác cũng không thật có, hành như thế cũng không thật có.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Giả như không thật có thì giữ lại những gì?
Này Thiên Tử! Cho đến ở nơi dâm dục mà xa lìa dâm dục, gọi là không thật có. Ở trong dâm dục, tập không thật có. Tham, sân, si, dục, vô dục đều gọi là không thật có. Đối với dục mà không dựa theo gọi là không thật có. Dùng thân ngã và ngã sở mà trụ nơi hành không thì gọi là không thật có. Noi theo cái không thật có ấy cũng là không thật có.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao chỗ noi theo là không thật có?
Này Thiên Tử! Noi theo chỗ tịch tĩnh tức là không thật có, là không, là vắng lặng, là không sinh, không có chỗ dấy khởi. Tịch tĩnh là chỗ noi theo không thật có.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vì sao chỗ tạo tác mà gọi là noi theo?
Này Thiên Tử! Không có chỗ bị hủy hoại nên gọi là noi theo. Biết rõ các pháp thật có mà không bị cấu nhiễm, gọi là noi theo. Không có hạn lượng, bình đẳng như hư không, đó gọi là noi theo. Xa lìa kiêu mạn, thường soi sáng tất cả, đó gọi là noi theo. Không nhiều cũng không ít, đó gọi là noi theo.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là không hiểu rõ pháp cần noi theo?
Này Thiên Tử! Không nhận biết pháp cần học gọi là không hiểu rõ pháp cần noi theo.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là hiểu rõ pháp cần học hỏi?
Này Thiên Tử! Nhận biết được pháp cần học hỏi tức là hiểu pháp cần noi theo.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tâm ý không tin tưởng sai lạc thì tướng ấy như thế nào?
Này Thiên Tử! Các hành không bị ngăn ngại là tướng ấy.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tâm ý của Bồ Tát không tin tưởng sai lạc thì làm thế nào để báo đáp trọn vẹn ân đức của đàn na tín thí?
Này Thiên Tử! Tâm ý của Bồ Tát không tin tưởng sai lạc thì gọi là mắt thấy rõ tất cả các pháp, không bị lệ thuộc vào lời dạy của người khác, để có sự tin theo. Tâm ý không tin tưởng sai lạc, cũng chẳng báo đáp ân đức của tín thí.
Vì sao?
Vì từ xưa đến nay thảy đều thanh tịnh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Sao gọi là Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, không chịu vào chúng, không nghe theo lời dạy của người khác.
Đó gọi là gì?
Sẽ ứng hợp với nghĩa gì?
Này Thiên Tử! Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, không chịu vào chúng, không theo lời dạy của người khác, đó gọi là bậc cao cả nhất của thế gian.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Chỗ tạo tác nơi pháp vô vi gọi là Chúng Tăng. Bồ Tát không trụ nơi vô vi, cũng không dứt bỏ vô vi, cho nên gọi là bậc cao cả nhất của thế gian.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Giả sử Bồ Tát chỉ trụ ở vô vi thì có lỗi gì?
Này Thiên Tử! Nếu như Bồ Tát chỉ trụ nơi vô vi thì không tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, lại rơi vào thừa Thanh Văn để chọn lấy sự diệt độ. Đó là lỗi lầm.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Vô vi là thuộc về tám giải thoát, hữu vi là thuộc hàng phàm phu.
Bồ Tát trụ nơi hàng phàm phu được xem là bậc cao cả nhất của thế gian chăng?
Này Thiên Tử! Không phải vậy. Vì Bồ Tát không an trụ nơi bậc vô vi, cũng không an trụ nơi bậc hữu vi, cho nên gọi là bậc cao cả nhất của thế gian.
Vì sao?
Vì Bồ Tát phát khởi các hành để hội nhập nơi hữu vi, không trụ nơi pháp vô vi, chẳng tạo ra pháp vô vi, do đó gọi là bậc cao cả nhất trong đời. Trụ nơi hữu vi thì nhận biết được nơi chốn xấu ác. Trụ nơi vô vi lại nhận biết nơi chốn phát sinh các tuệ. Đã nhận biết về pháp hữu vi có thể tạo những xấu ác nên trụ trong ấy. Đã nhận biết về pháp vô vi phát sinh trí tuệ thì không dừng lại nơi ấy.
Này Thiên Tử! Ví như người nam có sức mạnh dồi dào, dương cung lắp tên bắn vào hư không, thì mũi tên không trụ giữa hư không, cũng không rơi xuống thấp.
Này Thiên Tử! Việc ấy có khó không?
Đáp: Hết sức khó khăn.
Này Thiên Tử! Việc làm của Bồ Tát lại càng khó hơn.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ở trong hữu vi mà không lìa bỏ, đạt được vô vi nhưng không an trụ nơi ấy, mà lại ở trong hữu vi để cứu giúp tất cả chúng sinh.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Sự sợ hãi của Bồ Tát từ pháp hữu vi mà có, hay từ pháp vô vi mà có?
Này Thiên Tử! Sự sợ hãi của Bồ Tát từ hai nhân duyên, đó là cũng từ hữu vi, cũng từ vô vi.
Vì sao?
Vì ở trong hữu vi thì lo sợ về ái dục, ở trong vô vi thì lo sợ về vô dục.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hầu như Bồ Tát không có ái dục, tại sao lại còn lo sợ?
Này Thiên Tử! ở trong ba cõi mà không bị lệ thuộc là lo sợ, không gắn bó với ba cõi là rơi vào hàng Thanh Văn.
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được vô sở úy?
Này Thiên Tử! Bồ Tát ở trong hữu vi thường hành theo trí tuệ, dùng trí tuệ thiện xảo nên không rơi vào vô vi. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Vì tất cả chung sinh nên Bồ Tát không xa lìa nẻo hữu vi, nhưng do cầu đạt pháp Phật nên không trụ vào nẻo vô vi. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát do nhân duyên tạo phước đức, bố thí nên gắn bó với pháp hữu vi, do cầu đạt trí tuệ của Phật nên không rơi vào pháp vô vi. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát trụ nơi hữu vi là đã an trụ vững nơi thiền định. An trụ nơi trí tuệ thiện xảo vì từ thiền định xuất là dẫn dắt muôn loài. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát do dùng tâm bồ đề để an trụ nên phát sinh công đức, dùng tâm đại bi bền chắc để cứu giúp tất cả chúng sinh. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát an trụ ở chỗ vắng lặng nên biết được việc làm của ma, do đó dùng phương tiện thiện xảo để hàng phục mọi thứ hành động của ma. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát dùng đại từ để an trụ nhằm thuyết pháp khắp nơi, dùng đại bi để an trụ nhằm thực hiện các loại bố thí. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát an trụ ở trong sinh tử để vun trồng gốc của Niết Bàn. Bồ Tát an trụ nơi Niết Bàn để nhận thấy rõ gốc của sinh tử. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát ở trong chỗ chẳng sinh mà làm cho sinh khởi, ở trong pháp hữu vi mà sinh ra, đối với các pháp đều nhận biết được, không tán dương năm ấm và sáu trần, thảy đều thấy chỗ tịch tĩnh nên không có đối tượng được sinh ra.
Đã vắng lặng thì không sinh khởi và tăng trưởng nên ở trong sự sinh khởi và tăng trưởng mà thấu tỏ không sinh, nhận biết ái dục nên không bị chúng làm cấu nhiễm, hàng hữu học, vô học đều đã vượt hơn, không theo con đường giải thoát của hàng Thanh Văn cho đó là kỳ lạ.
Hội nhập nơi thân người mà không từ bỏ Pháp Thân, ở trong cảnh giới của ma mà hiện thân hành hóa nơi pháp giới, tinh tấn dùng tuệ để hội nhập vào vô vi, dùng trí tuệ thiện xảo để từ vô vi mà trở lại hữu vi, đối với những việc thuận hợp hay không thuận hợp đều nên nhẫn nhục.
Đối với sự thị hiện của Đức Phật thường nhớ nghĩ, mong muốn nhìn thấy, đối với chỗ thị hiện của pháp thì không còn nghi ngờ. Đó là Bồ Tát đạt được vô sở úy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trường Trảo
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Thiện Kiến Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Hữu Vô
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Hai Mươi
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Như Huyễn