Phật Thuyết Kinh Tứ đồng Tử Tam Muội - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH
TỨ ĐỒNG TỬ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN BỐN
Phật ở giữa đại chúng
Sáng như Trăng đêm rằm
Nói diệu pháp cho chúng
Chúng không còn thấy nữa.
Chúng Tỳ Kheo bao quanh
Như đỉnh núi Đế Thích
Từ nay không còn vào
Những thành thị đẹp lớn.
Bậc chí tôn Trời người
Là trống pháp tối thắng
Phát ra làm chúng vui
Chúng con không còn nghe.
Vô ngã, không tạo tác
Như Lai nói pháp ấy
Nay sắp nhập Niết Bàn
Giữa Ta La Song Thọ.
Sau khi Bồ Tát Vô Phan Duyên nói kệ này, một ngàn đồ chúng trong thành Ba La Nại nói như vậy: Vị Đồng Tử này thật kỳ lạ hiếm có, trí tuệ biện tài, thâm nhập vô úy, vừa mới sinh ra mà đã nhớ biết những việc đời trước, lại còn nói những bài kệ vi diệu rành mạch.
Chính vì có trí tuệ đại lực như vậy nên không sợ những điều khó điều phục, thật là biện tài thanh tịnh vi diệu. Nguyện cho chúng ta được trí tuệ giống như vị Đồng Tử này.
Khi ấy, Đồng Tử Vô Phan Duyên muốn đại chúng nhập vào địa bất thoái, pháp thế gian không có được, vô lượng vô biên sự hy hữu khó đắc cũng khiến họ được thể nhập và còn tạo cơ hội cho họ nhập pháp nhẫn vô sinh.
Đại chúng thưa Đồng Tử: Thật quý thay Đồng Tử, nay chúng tôi đi theo Đồng Tử đến nơi đó để cúng dường và chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.
Thế rồi, Đại Bồ Tát Vô Phan Duyên cùng đồ chúng quyến thuộc cả trăm ngàn người cung kính đi theo. Đồng Tử đi trước, cùng ra khỏi thành Ba La Nại và theo đường tắt đến chỗ Đức Phật vì muốn cúng dường và chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.
Trong sát na cách đây về phương Bắc có hơn sáu vạn bốn trăm ngàn ức Cõi Phật, có Phật Hiệu Trụ Bồ Đề Phần Chuyển Như Lai, đầy đủ mười hiệu.
Cõi Phật đó có Bồ Tát tên Khai Phu Thần Thông Đức. Từ Cõi Phật đó qua đời, Bồ Tát sinh trong Diêm Phù Đề, trong nhà đại tướng Sư Tử thuộc đại thành Tỳ Xá Ly. Trong nhà, ông ta bỗng nhiên hóa sinh.
Sau khi vừa sinh, Đại Bồ Tát Khai Phu Thần Thông Đức nói kệ:
Nếu nghe Phật Thế Tôn
Nhà họ Thích tăng trưởng
Độ thoát các ách nạn
Vô lượng trăm ngàn ức.
Nếu nghe Phật Thế Tôn
Được biển trí vô biên
Tinh tấn và thiền định
Đạt rốt ráo bờ kia.
Như Lai nhổ tên độc
Đắc tâm nhẫn, hòa nhã
Thường giảng pháp cho chúng
Mà không vướng tướng pháp.
Nếu nghe Phật Thế Tôn
Thì không vướng ba cõi
Thế gian làm hay không
Trí tuệ đều biết cả.
Cõi Dục và Cõi Sắc
Cho đến Cõi Vô Sắc
Có thể dùng trí tính
Mắt sáng ấy còn không.
Khi ấy, nhà đại tướng có một Thiên Nữ tên Chuyển Bồ Đề Phần hóa làm người đứng trước Đồng Tử dùng kệ đáp lại:
Thế Tôn trụ một kiếp
Hoặc quá hơn một kiếp
Sau này ông gặp Phật
Nay thọ đủ năm dục.
Hưởng phước lộc tốt đẹp
Giống như Đại Vương gia
Những âm thanh vi diệu
Ca múa và xướng hát.
Đồng Tử biết rõ Như Lai đã làm lợi ích cho chúng sinh, căn lành của các Trời người đều được thành tựu, dùng kệ nói với Thiên Nữ:
Chúng sinh ngu si kia
Ưa thích năm dục lạc
Không nghe Chánh Biến Tri
Và giáo pháp của Phật.
Tôi không thọ năm dục
Năm dục không lâu bền
Năm dục như đao kiếm
Nếu ai tin năm dục.
Heo chó và dã can
Lừa, ngựa, trâu, lạc đà
Bọn này tham năm dục
Chư Phật, Thanh Văn trách.
Đui mù, căn tàn tật
Xấu xí và lệch què
Những tham dục như vậy
Chư Phật, Thanh Văn trách.
Kiến càng, bướm, ruồi, lằn
Câu chi la, khổng tước
Là những loài hành dục
Ta hơn họ nên trách.
Ví như hầm lửa lớn
Cháy rực khắp Diêm Phù
Bọn mù kia rớt xuống
Năm dục cũng như vậy.
Các dục: Vô thường, khổ
Bị người trí quở trách
Nếu ai không biết lỗi
Bọn này bị dục chuyển.
Tôi không thọ năm dục
Thế Tôn đã chứng tri
Ai nghe ý nghĩa này
Nên biết họ như Phật.
Tôi ở bên Phật nghe
Núi chúa Tu Di kia
Phật ấy vào nửa đêm
Sẽ nhập vào diệt độ.
Chúng ta mau đến đó
Ai đoạn sạch các sử
Ai muốn gặp hãy đi
E Thế Tôn diệt độ.
Chuyển tâm ý Bồ Đề
Bậc Tối thắng đã nói
Trong trăm ngàn ức kiếp
Khó gặp trồng căn lành.
Nếu chiêm ngưỡng Thích Tôn
Vào lúc nhập Niết Bàn
Nghe pháp Thích Sư Tử
Sẽ sinh chủng tử lành.
Nếu Trời, Người, Dạ Xoa
Đến chỗ Đức Như Lai
Ưa thích chủng tử Thích
Mau gặp đại danh xưng.
Đại Bồ Tát Đồng Tử Khai Phu Thần Thông Đức nói kệ xong, cùng vô lượng vô biên chúng sinh ra khỏi thành Tỳ Xá Ly, theo đường tắt đi đến chỗ Phật để mong chiêm ngưỡng cúng dường lễ bái Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang nằm nghiêng hông phải trên giường Sư Tử thì bốn Đồng Tử từ bốn phương đi tới. Mỗi vị đều có đại chúng đi theo xung quanh và thống lãnh đại chúng đều bình đẳng.
Trí tuệ, Thần Thông, oai đức, pháp hành không sai khác, không trái mảy may nào cả. Tất cả đều đến đứng trước Đức Phật cung kính chắp tay. Khi bốn Đồng Tử đi đến bên Đức Phật thì quyến thuộc của thành ấp nào đứng theo vị trí nấy.
Còn tất cả Trời người, trăm ngàn chúng sinh đủ tầng lớp, đều đứng chắp tay giữ tâm thanh tịnh, vui mừng khôn xiết và cúi mình chiêm ngưỡng hướng về bốn Đồng Tử.
Trong lúc bốn Đồng Tử đang tiến tới thì bốn phương khắp một do tuần có các Trời tuôn mưa hoa Trời đầy cả mặt đất, trỗi nhạc Trời cả trăm ngàn điệu, các Trời ca ngâm khen ngợi không thể tả.
Khi ấy, Đức Như Lai tự nhiên hiện ra bốn tòa Sư Tử ở bốn phía.
Tôn Giả A Nan dùng kệ bạch Phật:
Bạch Đức Phật vì sao
Bốn bên Nhất thiết trí
Hông phải hiện bốn tòa
Trải tòa Sư Tử rộng.
A Nan vừa nói xong, Đức Phật dạy: Này A Nan! Ông có thấy bốn Đồng Tử này không?
Vị từ phương Tây đến, mặt như Trăng rằm sáng hơn ánh sáng mặt trời, che khắp bốn thiên hạ, oai đức thù diệu, mặt mày sáng rỡ, tỏa ánh sáng trí tuệ, đắc đại tinh tấn, thể nhập vào trí thâm sâu, thành tựu các công đức.
Tri thức trí tuệ thông suốt, có lòng tin sâu sắc, biết khiêm nhường hổ thẹn, hạnh nghiệp đầy đủ, sự hiểu biết sâu sắc, đắc chánh niệm định, trí tuệ lanh lợi, có đại phương tiện đệ nhất tổng trì, tùy theo căn cơ chúng sinh mà giảng pháp để họ tăng trưởng căn lành, đã từng trồng các căn lành với vô lượng ức trăm ngàn Đức Phật.
Họ ở bốn phương từ Cõi Phật của mình nghe ta sắp nhập Niết Bàn, nên từ Cõi Phật đó đến đây xin hỏi để sinh vào cõi này, muốn nghe thấy ta và danh xưng ta nói pháp làm lợi ích cho những công đức, để nhìn Như Lai vào cuối đêm nay ở giữa Song Thọ rừng Ta La trong vùng đất Lực sĩ nhập vào Niết Bàn vô dư, Niết Bàn không thể nghĩ bàn.
Niết Bàn Nhất thiết thế gian vô đẳng, Niết Bàn Nhất thiết thế gian hy hữu, Niết Bàn Nhất thiết thế gian đoạn ly chư thú thanh tịnh. Như Lai sắp vào Niết Bàn vi diệu tối thượng như vậy.
Này A Nan! Đồng Tử từ phương Đông đến, dung nhan đẹp đẽ, đầy đủ đại công đức, đoan nghiêm dễ mến, ánh sáng chiếu khắp nơi, oai đức vời vợi giống như trăng mùa thu tỏa tràn ánh sáng với trăm ngàn đồ chúng đi theo và được chúng Trời mưa cúng hoa Trời. Họ đến chỗ Như Lai là muốn cúng dường Phật.
Này A Nan! Đồng Tử này từ cõi Sư Tử Âm Minh Thanh Như Lai, đã từng làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh ngàn Thế Giới và đủ quyền lực, được Chư Thiên, người cúng dường.
Khi trị vì thì luôn giảng pháp cho Cõi Dục, trên Trời và nhân gian để họ thọ trì cú nghĩa, giảng nói cho vô số chúng sinh về ý nghĩa vi diệu, dạy họ trồng các căn lành, đắc các thần thông và hiểu rõ pháp hành.
Chúng Thánh học hỏi vô biên không đoạn, tối thượng vi diệu được sức vô úy, thể nhập sâu vào pháp tướng, thành tựu biện tài, trí tuệ lanh lợi đạt đến trí tuệ vô biên ở bờ bên kia. Đầy đủ các pháp hành như vậy rồi, suốt mười tám ức năm trị vì giáo hóa như pháp, vị ấy không dùng dao gậy đánh đập não loạn chúng sinh, không vì ái dục mà tham lam ngôi Vua.
Mười tám ức năm ấy làm thành thục được tám mươi na do tha chúng sinh trụ vào Bồ Đề Vô Thượng. Với pháp Bồ Tát đó nên Vua đắc được địa vị Bất thoái.
Thiện Nam ấy từ lúc mới phát tâm đắc được địa vị bất thoái cho đến thành tựu rốt ráo bồ đề vô thượng. Một thời gian sau, Vua cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa bỏ nhà làm người xuất gia, suốt tám mươi mốt ức năm tu hành phạm hạnh.
Từ khi xuất gia chưa bao giờ ngồi nằm huống chi ngủ nghỉ. Trong tám mươi mốt ức năm ấy, thậm chí không khởi một niệm tưởng dục và tâm sân hận nào, huống chi là có tâm sát hại não loạn, không tạo việc bất thiện và tư tưởng yêu ghét, cũng không nghĩ tu hành tưởng không tu hành.
Thường trụ vào hai pháp: Một là mặc dầu đắc nhục nhãn nhưng không có tưởng về nhục nhãn, hai là mặc dầu biết rất rõ về các pháp tụ nhưng không có tư tưởng chấp pháp tụ.
Trong tám mươi mốt ức năm, vị ấy không bàn chuyện không lợi ích hay tưởng về những việc khác như tưởng về địa, tưởng về thủy, tưởng về hỏa, tưởng về phong, tưởng về hư không, tưởng về thức, tưởng đến vợ con, tưởng đến đói khát, tưởng đến xóm làng, tưởng nơi thanh vắng, tưởng đến thành ấp, tưởng về sự trái nghịch.
Tưởng về sự không trái nghịch, tưởng về viễn ly, tưởng thiền định, tưởng tự ngã, tưởng ngã người khác, tưởng sắc, tưởng vô sắc, tưởng một bên, tưởng chính giữa, tưởng sinh tưởng diệt, tưởng ít tưởng nhiều. Các loạn tưởng như vậy đều được tịch tĩnh không có phân biệt, chỉ trừ hai mươi hòm chứa tạng pháp, để tư duy tu tập.
Trong khoảng thời gian ấy đã thành thục được tám vạn na do tha chúng sinh, nhất định chứng bồ đề vô thượng. Những chúng sinh ấy đều mới phát tâm ở cõi này, trong khoảng sát na ở Cõi Phật ấy đi ra một cách tự tại.
Mỗi vị đi riêng đến Cõi Phật để phụng thờ chiêm ngưỡng Thế Tôn ở Cõi Phật đó. Mỗi Thế Giới có một Đức Phật. Mỗi thân đến từng mỗi thân Phật làm mỗi việc xen lẫn nhau. Chư Phật của mỗi Quốc Độ đều giống nhau.
Trong sát na nằm nghiêng hông bên phải, vào cuối đêm nay đều sẽ nhập Niết Bàn giữa cây Song Thọ rừng Ta La thuộc vùng đất lực sĩ giống như Như Lai. Hết thảy Chư Phật ấy đều một hiệu Thích Ca Mâu Ni, đầy đủ mười tôn hiệu. Chư Phật ấy cũng đồng xuất hiện ở cõi ác năm trược.
Này A Nan! Dùng nhục nhãn vô lượng vô biên vô ngại chánh tri, chánh kiến như Thanh Văn, Phật Bích Chi thì không thể nhập được, bởi vì chẳng phải cảnh giới của họ.
Này A Nan! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào nghe pháp môn này sinh lòng tin ưa thích trí nhục nhãn chánh tri chánh kiến của ta, muốn đạt được trí ấy cho đến đầy đủ nhất thiết chủng trí và phát nhất niệm chánh tín liên tục không xả bỏ, thì vừa mới phát tâm liền sinh vô lượng công đức, huống chi đạt được vô lượng vô biên đại công đức.
Này A Nan! Nếu có thiện nam, thiện nữ đi đến tám mươi na do tha chư Như Lai, lại trải qua tám mươi na do tha ức năm đem tất cả vật cụ cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, đích thân phụng thờ chư Như Lai ấy. Đối với thời gian tám mươi na do tha năm tuy được vô lượng công đức nhưng không bằng nghe pháp môn này mà phát tâm ham thích thì công đức vô biên sẽ không có gì so sánh được.
Này A Nan! Đồng Tử này ở trong pháp của ta trong một ngày đêm đã giáo hóa làm lợi ích vô lượng vô biên chúng sinh, huống gì làm lợi ích trong thời gian lâu.
Nếu Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và các Thanh Văn khác dù có nghe cũng không thể làm lợi ích độ thoát vô lượng chúng sinh như vậy.
Này A Nan! Giả sử đem hết tuổi thọ của các ông để nói pháp giáo hóa chúng sinh, không nghĩ đến việc nào khác và không bao giờ dừng nghỉ, mặc dầu giáo hóa làm lợi ích như vậy nhưng trong pháp của ta, bản thân các ông không thể gánh vác gánh nặng pháp Phật, giống như Đồng Tử này đã gánh vác được thấy hôm nay.
Phật lại dạy: Này A Nan! Đồng Tử này làm lợi ích lớn và đầy đủ tâm từ bi với chúng sinh, nhớ nghĩ đến chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh, cho nên Đồng Tử này có vô lượng công đức.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba