Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Năm - Thiên đại Phẩm - Chương Ba - Tương ưng Niệm Xứ - Phẩm Ambapali - Phần Sáu - Con Chim ưng sakunagghi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP NĂM
THIÊN ĐẠI PHẨM
CHƯƠNG BA
TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ
PHẨM ABAPÀLI
PHẦN SÁU
CON CHIM ƯNG SAKUNAGGHI
Thuở xưa, này các Tỳ Kheo, một con chim ưng cái thình lình vồ xuống và chụp lấy một con chim cút.
Rồi này các Tỳ Kheo, con chim cút bị con chim ưng cái bắt, than khóc như sau:
Như thế này, thật bất hạnh cho tôi!
Thật thiếu công đức cho tôi!
Vì rằng tôi đã đi không phải chỗ hành xứ của mình, đi vào cảnh giới của người khác. Nếu tôi đi trong chỗ hành xứ của tôi, trong cảnh giới của cha mẹ tôi, thời con chim ưng này không thể hơn tôi, nếu phải đánh nhau.
Này chim cút, thế nào là chỗ hành xứ của ngươi, thế nào là cảnh giới của cha mẹ ngươi?
Là vạt đất được lưỡi cày xới lên.
Rồi này các Tỳ Kheo, con chim ưng cái không có siết mạnh sức mạnh của mình, không có bóp chặt sức mạnh của mình, thả con chim cút rồi nói: Hãy đi, này chim cút. Sau khi đi tại chỗ ấy, ta sẽ không thả cho ngươi.
Rồi này các Tỳ Kheo, con chim cút đi đến vạt đất được lưỡi cày xới lên, leo lên một hòn đất lớn, đứng trên ấy và nói với con chim ưng:
Này, hãy đến ta, Chim ưng!
Này, hãy đến ta, này Chim ưng!
Rồi này các Tỳ Kheo, con chim ưng cái siết mạnh sức mạnh của mình, bóp chặt sức mạnh của mình, xếp cả hai cánh, thình lình vồ lấy con chim cút.
Này các Tỳ Kheo, khi con chim cút biết được: Con chim ưng này đang vồ mạnh xuống ta, liền nấp sau hòn đất ấy.
Này các Tỳ Kheo, ở đây, con chim ưng bị bể ngực. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với ai đi tới chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác. Do vậy, này các Tỳ Kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác.
Này các Tỳ Kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời ác ma nắm được cơ hội, ác ma nắm được đối tượng.
Này các Tỳ Kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỳ Kheo?
Chỗ nào là cảnh giới của người khác?
Chính là năm dục công đức.
Thế nào là năm?
Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức, có các hương do mũi nhận thức, có các vị do lưỡi nhận thức, có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này các Tỳ Kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỳ Kheo, chỗ cảnh giới của người khác.
Này các Tỳ Kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.
Này các Tỳ Kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình, thời ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.
Và này các Tỳ Kheo, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỳ Kheo?
Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ?
Chính là Bốn Niệm Xứ.
Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Trú, quán thọ trên các thọ.
Trú, quán tâm trên tâm.
Trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này các Tỳ Kheo, đây là chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba