Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành - Phẩm Năm - Phẩm Bố Thí

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM NĂM

PHẨM BỐ THÍ  

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên thực hành các việc thiện như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn.

Nên tư duy: Chỗ bố thí chính là ngã sở, người tại gia chẳng phải là ngã sở. Người bố thí là cần thiết, người tại gia thì không cần thiết. Người bố thí đời sau được an lạc, người tại gia đời sau chịu khổ đau. Người bố thí không hề lo sợ, người tại gia thì lo ưu sầu. Người bố thí chẳng cần sự ủng hộ, người tại gia thì mong giúp đỡ.

Người bố thí trừ sạch ái dục, người tại gia thì tăng thêm ái dục. Người bố thí không có đối tượng thọ nhận, người tại gia thì có đối tượng thọ nhận. Người bố thí không còn lo âu, người tại gia luôn lo âu. Người bố thí thành tựu Phật Đạo, người tại gia làm quyến thuộc với ma. Người bố thí là không cùng tận, người tại gia thì chẳng thường còn.

Người bố thí được an lạc, người tại gia luôn khổ đau. Người bố thí đoạn trừ dục trần, người tại gia tăng trưởng dục trần. Người bố thí vô cùng giàu sang, người tại gia luôn bần cùng. Người bố thí thực hành hạnh cao thượng, người tại gia làm theo điều thấp kém, ý không có đối tượng để niệm cũng không thọ nhận.

Người bố thí được Chư Phật khen ngợi, người tại gia bị người khác chống đối, chê bai.

Như vậy, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên thực hành bố thí như vậy. Nếu thấy người đến cầu xin thì nên khởi ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tiếp đón như bậc tri thức thiện.

Hai là khiến họ đạt được Phật Đạo.

Ba là khiến họ đời sau được giàu sang.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là trừ sạch tướng tham lam, ganh ghét.

Hai là luôn có ý niệm bố thí.

Ba là không bỏ nhất thiết trí.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tạo niềm an lạc như Đức Như Lai.

Hai là hàng phục các ma.

Ba là không mong được báo đáp.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là gặp người bần cùng khốn khổ đến cầu xin thì phải giáo hóa, dẫn dắt họ.

Hai là thực hành theo bốn ân, không bỏ các ân đức.

Ba là không có một mảy may biên vực về sự nhận chịu sinh tử.

Lại có ba ý niệm.

Một là xa lìa tưởng dâm dục.

Hai là xa lìa tưởng sân hận.

Ba là xa lìa tưởng ngu si.

Vì sao?

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia gặp người đến xin thì tham, sân, si liền được giảm bớt.

Thế nào là giảm bớt?

Là dùng tâm từ để bố thí nên không luyến tiếc, tức tham được giảm bớt. Nếu đối với người đến cầu xin mà không có tâm sân thì sân hận được giảm bớt. Nếu bố thí để nguyện cầu đạt được nhất thiết trí thì ngu si liền được giảm bớt.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia gặp người đến xin liền được đầy đủ sáu Ba la mật.

Thế nào là đầy đủ?

Nếu bố thí cho người khác mà không nghĩ có người tho nhận và có vật để cho, đó là bố thí Ba la mật. Tâm không lo buồn đối với Phật Đạo, đó là trì giới Ba la mật. Gặp người đến cầu xin mà không có tâm sân hận, không làm hại, đó là nhẫn nhục Ba la mật. Tâm không suy nghĩ nếu đem thực phẩm cho người khác thì mình sẽ bị đói khát, dù có ai muốn làm hại cũng không làm trái với tâm bố thí, đó là tinh tấn Ba la mật.

Nếu bố thí cho người đến xin mà hoan hỷ, không nhàm chán, không có tâm hối hận, luôn vui vẻ, đó là thiền định Ba la mật. Nếu bố thí mà đối với tất cả các pháp không thấy có đối tượng chấp giữ cũng chẳng có tưởng báo đáp, đó là trí tuệ Ba la mật.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên xa lìa tám pháp thế gian, không luyến tiếc tài lợi ở thế gian, như vợ con, nhà cửa, tôi tớ, của báu và các sự lợi ích khác, ý không vướng mắc, không vui mừng cũng chẳng buồn lo, đối với tất cả tài sản không hề tham tiếc, nên thực hành, tư duy về pháp.

Nên quán như vậy: Cha mẹ, vợ con, nhà cửa, tôi tớ đều từ tham dục mà có, chúng là nguyên nhân khiến cho ta khởi tưởng khổ, vui, đây chẳng phải là tài sản của ta, chẳng phải là vật dụng của ta, nguyện luôn luôn tinh tấn, nếu sử dụng những vật dụng này thì sẽ khiến các điều ác tăng trưởng.

Tuy đời hiện tại được các niềm vui nhưng đời sau phải chịu nhiều khổ đau, vì vậy ta nên mau chóng cầu những pháp khác, đó là bố thí, trì giới, trí tuệ và tinh tấn, không hề buông lung, an trú nơi Phật Đạo, đầy đủ cội gốc căn lành, đây mới chính là những tài sản của ta, tuy ta có cầu xin nhưng chỉ cầu xin những ước nguyện này mà thôi, thà mất thân mạng chứ không bao giờ vì vợ con, nam nữ mà phạm các điều ác.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia tu đạo, nếu thấy thê thiếp thì nên tư duy ba điều.

Những gì là ba?

Một là tưởng vô thường.

Hai là tưởng không thật có.

Ba là tưởng không có đối tượng để chấp giữ.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là đời này làm bạn với những điều vui thích nhưng chẳng phải là bạn ở đời sau.

Hai là luôn tinh tấn tu hành, lúc nào cũng giữ gìn tâm ý, đây là những người bạn.

Ba là, lấy những điều này làm sự an ổn, không tạo ra các khổ. Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng không trong sạch.

Hai là tưởng nhơ uế.

Ba là tưởng xấu ác.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng La Sát.

Hai là tưởng quỷ thần bước chân đi.

Ba là tưởng chỉ có sắc.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng khó giữ gìn trọn vẹn.

Hai là tưởng đọa lạc.

Ba là tưởng không đền đáp, không biết đủ.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng tri thức ác.

Hai là tưởng tham chấp.

Ba là tưởng bỏ phế phạm hạnh.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng bị đọa vào địa ngục.

Hai là tưởng bị đọa vào súc sanh.

Ba là tưởng khiến sinh vào ngạ quỷ.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng sợ hãi.

Hai là tưởng chấp có.

Ba là tưởng chấp giữ.

Lại có ba ý niệm.

Những gì là ba?

Một là tưởng vô ngã.

Hai là tưởng không chấp giữ.

Ba là tưởng xa lìa loạn động.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên khởi tưởng như vậy: Không nên tham ái đối với thê thiếp của mình, nếu có tâm thương con thì không nên nặng hơn người khác, nên dùng ba pháp sau để tự can ngăn tâm ý của mình.

Những gì là ba?

Một là, Phật Đạo là tâm bình đẳng, không có ý tà vạy, sai lệch.

Hai là, Phật Đạo là hạnh bình đẳng, không có hạnh tà vạy, sai lệch.

Ba là, Phật Đạo chỉ dùng một pháp làm hạnh, không có hạnh nào khác.

Bồ Tát nên dùng ba pháp này để tự can ngăn tâm ý mình, đối với con thì nên xem như oán thù, chẳng phải là tri thức thiện.

Vì sao?

Vì xem con như tri thức thiện khiến ta xa lìa tri thức thiện và hạt giống Phật, nên dùng tâm ý thánh thiện nhớ nghĩ đến Như Lai, đem tâm thương con để khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, đem sự ưa thích tự thân để ban bố từ bi khắp tất cả.

Nên suy nghĩ như vậy: Tất cả đều là con ta, ta cũng làm con của tất cả, do đó không có nhà cửa, nơi thân cận để qua lại, sinh ở chỗ nào cũng là oán thù. Nguyện sự tạo tác và hạnh nguyện của con không có tri thức thiện cũng không có tri thức ác.

Vì sao?

Nếu có tri thức thiện thì tăng thêm tưởng ái dục. Nếu có tri thức ác thì tất cả ái dục đều không có. Con luôn muốn điều phục tâm mình khiến không còn vướng mắc, thường thực hành tất cả pháp, thể nhập vào tất cả hạnh, nếu tạo tác tà hạnh thì rơi vào việc tà, nếu làm theo chánh hạnh thì đạt được việc chân chánh. Do vậy, nguyện của con mới không có tà hạnh, đối với tất cả việc làm, sự vận hành của tâm và ước nguyện của con đều nguyện thể nhập nhất thiết trí.

Như vậy, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia không chấp giữ các vật sở hữu, không có đối tượng để thọ nhận, cũng chẳng có đối tượng để tham đắm, không ái nhiễm cũng chẳng khởi dục cho đến khiến không còn đối tượng để sinh khởi.

Bồ Tát tại gia nếu gặp người đến cầu xin thì nên làm gì để bố thí cho họ?

Đó là, tâm nên suy nghĩ: Ta đem vật này để bố thí thì sẽ đạt được các hạnh về giới luật, trừ hết sự lo âu về dâm dục, sinh tử, thể nhập vào pháp chân chánh. Ta đem vật này để bố thí, khi chết được an lành. Ta đem những vật dụng này để bố thí thì khi sắp lâm chung, tâm được hoan hỷ, không hối hận.

Hoặc lại tâm niệm: Nếu không thể bố thí thì thấy người đến xin, nên khởi lên bốn ý niệm.

Những gì là bốn?

Một là nếu ý không mạnh mẽ thì công đức của ta rất ít.

Hai là tội của ta là đối với đại thừa, tâm không tự tại để kiến lập sự bố thí.

Ba là, nếu phát tâm thực hành thì đều vì ta cả, nên nhẫn nhục để bố thí cho người khác.

Bốn là nguyện cầu khiến việc làm của con đầy đủ thệ nguyện và tất cả mọi người cũng giáo hóa cho người đến xin.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nếu cách xa giáo pháp của Thế Tôn, không có Phật ra đời, không có người thuyết pháp cũng chẳng được gặp Hiền Thánh Tăng thì nên niệm khắp tất cả Chư Phật ở mười phương. Chư Phật này lúc thực hành đạo Bồ Tát đều tu hành tinh tấn, sau đó mới được thành Phật, đầy đủ hết thảy Phật Pháp.

Nhớ nghĩ đến tất cả Chư Phật rồi, nên siêng năng như vậy: Ngày đêm ba thời, lắng sạch thân, miệng và ý của mình thực hành từ bi bình đẳng, nhớ nghĩ đến các cội gốc căn lành, xa lìa các vật sở hữu, nên có sự hổ thẹn.

Dùng các cội gốc công đức để tự trang sức, tâm luôn thanh tịnh khiến mọi người đều hoan hỷ, tâm ý tin ưa Phật Đạo, không hề loạn động, mọi việc làm đều đúng chánh pháp, luôn cung kính, dứt hẳn các tâm tự cao, kiêu mạn, nên đọc tụng ba loại Kinh Pháp.

Trừ bỏ tất cả các hạnh ác, dùng tám mươi pháp để sám hối, nhất tâm thực hành các phước đức, đầy đủ tướng tốt, nên vận chuyển các pháp luân của Phật, kính thỉnh Chư Phật chuyển pháp luân, dùng vô lượng hạnh để trang nghiêm cõi nước của mình, tuổi thọ không thể tính kể.

Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên tu tập tám giới quan trai. Trì giới quan trai này được công đức thanh tịnh như hạnh Sa Môn, tu tập nguồn gốc căn lành của Bồ Tát, giữ các giới này thì đầy đủ đạo đức của hàng Sa Môn, được Phạm chí làm tùy tùng, cung kính phụng sự, không hề thấy việc ác hay xét sự tốt, xấu của người khác.

Nếu thấy Tỳ Kheo phạm giới thì nên cung kính Ca Sa, vì Ca Sa này chính là Thế Tôn Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Ca Sa chính là giới, tam muội, trí tuệ, tuệ giải thoát kiến chấp. Nếu đảnh lễ Ca Sa ấy rồi, sẽ được xa lìa phiền não tham dục, đó là pháp thần thông của chư Hiền Thánh.

Nghĩ như vậy roi, lại tăng thêm sự cung kính đối với vị Tỳ Kheo ấy, nên khởi tâm bi rộng lớn đối với vị ấy, chính vị ấy đã làm điều ác, phạm giới, làm theo giới bất thiện. Pháp của Như Lai luôn tịch tĩnh, nhu hòa, người có trí tuệ thể nhập vào pháp môn của Như Lai làm vị Sa Môn. Những ai không tịch tĩnh cũng chẳng nhu hòa thì chẳng phải Bậc Hiền Thánh thường làm theo khổ đau.

Như Lai đã dạy: Không nên khinh dể người không trì giới cũng chẳng tu học.

Vì sao?

Vì không phải là lỗi lầm của người ấy. Lỗi lầm này do phiền não, tham dục, do ái dục nên thấy trạng thái, nguồn gốc đều bất thiện. Giáo pháp của Phật có sự hộ trì, nếu thông đạt được phiền não tham dục là rỗng khong thì có khả năng đạt được đạo ý bậc nhất, đạt được nhẫn bình đẳng.

Vì sao?

Vì trí tuệ có khả năng phá trừ ái dục.

Thế Tôn dạy: Người nào không hề xem thường thì đạt được tướng bình đẳng không có giới hạn.

Vì sao?

Vì muốn trở thành người có tướng bình đẳng cũng chính là Như Lai có tướng bình đẳng, sự thấy biết của Như Lai chẳng có ngã và ngã sở. Như vậy, đối với người khác không nên khởi tâm ác và tìm tòi điều phải, quấy của họ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần