Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ƯƠNG QUẬT MA LA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN BẢY
Lạ thay! Chánh Giác, đệ nhất Xả
Bậc Thầy Điều Ngự đến vì con
Làm con vượt qua ngục Vô Trạch
Thoát hẳn vô lượng khổ rực cháy
Làm chỗ nương cho kẻ bơ vơ
Thân thiết với kẻ không người thân
Gây nhiều nghiệp ác sẽ khổ lớn
Vì con, Ngài đến làm chỗ nương.
Thế Tôn bảo Ương Quật Ma La: Ngươi hãy đứng dậy đến gặp mẹ, chí thành sám hối cầu xin xuất gia.
Ương Quật Ma La từ chân Thế Tôn đứng dậy, đến gặp mẹ, nhiễu quanh nhiều vòng, quỳ rạp xuống đất, chí thành sám hối, cảm xúc khóc lớn, hướng về mẹ nói kệ:
Mẹ hiền ơi! Con gây lỗi nặng
Tạo nhiều nghiệp ác tội chất chồng
Nghe lời thầy ác gây tàn hại
Giết gần ngàn người còn thiếu một
Hôm nay, con xin hướng về mẹ
Đồng thời quy y Phật Thế Tôn
Con cung kính lễ sát chân mẹ
Ngưỡng mong thương xót cho xuất gia.
Người mẹ nói kệ:
Ta đã cho phép con
Xuất gia vì đời sau
Ta cũng cầu Như Lai
Xuất gia thọ cụ túc.
Lạ thay! Khó nghĩ bàn
Như Lai, Đấng Vô Tỷ
Phật độ con của con
Thương khắp cả thế gian
Như Lai diệu sắc thân
Công đức chẳng ai bằng
Con tán dương chút ít
Tối thắng Thiên Trung Thiên.
Thế Tôn nói kệ đáp:
Lành thay! Thiện Nữ Nhân
Sẽ được an vui mãi
Hãy cho phép con bà
Được xuất gia với ta
Tuổi bà đã quá già
Đã qua thời xuất gia
Chỉ nên sống tận tín
An ổn bằng chánh pháp
Ngươi hãy đợi một chút
Vua Ba Tư Nặc đến.
Khi ấy trời Đế Thích đưa Chư Thiên, thể nữ, quyến thuộc, với hào quang rực rỡ chiếu xuống nước Xá Vệ, thấy Ương Quật Ma La chống lại Phật, nhưng đã bị hàng phục cả sức và ý, nên quy y sám hối.
Họ cùng nhau hoan hỷ nói kệ:
Lạ thay! Đấng Mười Lực
Điều ngự không ai bằng
Hàng phục Ương Quật Ma
Kẻ thân dính đầy máu
Đàn na, Nhân đà la
A Tu La, La Sát
Quỷ Dạ Xoa hung bạo
Và những kẻ ác khác
Na già, Khẩn Na La
Đại lực Ca Lầu La
Họ nghe Ương Quật Ma
Đều sợ hãi nhắm mắt
Huống chi Vua loài người
Thấy sao không kinh hãi!
Khi hắn vừa sanh ra
Rồng, thần đều kinh hãi
Tất cả các La Sát
Vứt giáp, rơi kiếm đao
Huống chi Vua loài người
Thấy mà không run sợ
Nghiệp hung ác như vậy
Đều bị Phật hàng phục
Phật lực thật khôn lường
Trí tuệ Ngài cũng thế.
Lạ thay! Ương Quật Ma
Khéo trú giới vô nhiễm
Phạm hạnh thật thanh tịnh
Như ngọn núi bằng vàng
Lạ thay! Ta hôm nay
Vui được lợi pháp thiện
Nay ta nên cúng dường
Y cho Ương Quật Ma
Ngưỡng mong vì ta nhận
Xin Thế Tôn thương xót
Con cúng dường Quật ma
Pháp y của Sa Môn
Là Vua đại khất sĩ
Xin Thế Tôn quán sát.
Khi ấy Đế Thích bạch với Ương Quật Ma La: Ngưỡng mong Đại Sĩ nhận thiên y này làm pháp phục.
Ương Quật Ma La nói với Đế Thích: Ngươi là hạng ruồi, muỗi, trùng nhỏ nào, ta làm sao nhận của bố thí bất tín?
Ngươi là hạng nào, hạng lừa của tham dục, chưa vượt qua được dòng sông dài khổ não sanh tử, tự tính lõa hình, làm sao cho y.
Ngươi vốn là tự tính lõa hình, làm sao cho người y vô giá được! Ví như vị Quốc Vương có ngàn lực sĩ, chưa đụng độ kẻ địch đã ngã ra đất, thì làm sao chiến đấu cùng Đại Vương nước địch có ngàn lực sĩ. Như vậy, nếu ta nhận y vô giá thì làm sao hàng phục cả ức ma phiền não và ma tự tính.
Ta phải đoạn trừ vô lượng phiền não mà Phật đã chê trách. Ta cần phải học mười hai pháp hành Đầu Đà của Sa Môn. Ngươi chẳng phải Thiên vương, không khác kẻ mù bẩm sanh. Này trời Đế Thích, ngươi không biết phân biệt, thế nào gọi là nghiệp hung bạo ác.
Ngươi là ruồi muỗi, làm sao biết ta là người hung ác?
Than ôi! Đế Thích, ngươi biết Ương Quật Ma La là kẻ hung ác lại hiểu biết chánh nghĩa của Phật Pháp. Tại sao Sa Môn mới xuất gia lại dùng y vô giá! Ngươi hoàn toàn không biết tịnh pháp của người xuất gia.
Than ôi! Đế Thích, đối với chánh pháp của Như Lai, ngươi là người ngoài. Thượng tọa Ca Diếp, trưởng tử của Như Lai, có ngọc ma ni… tám vạn kho quý và vô số nơi chứa vật báu khác cùng nhiều loại y vô giá khác, nhưng đều vứt bỏ như đồ rác rưởi, xuất gia học đạo hành pháp Sa Môn, thọ trì mười hai pháp Đầu Đà.
Như vậy chẳng phải dùng y vô giá là phóng dật hay sao?
Thượng tọa Ca Diếp từ bỏ các món ăn ngon, không ăn mùi thịt ngon, tu tập thọ trì pháp không ăn thịt, khất thực từng nhà không hề có sự chán ghét, trước sau như một, khổ vui không thay đổi. Nơi khất thực, có những hạng người không cho hay mắng chửi, Tôn Giả đều đáp lại bằng an lạc, sau đó từ giã, tâm không khuynh động.
Khi gặp người nói có, Tôn Giả không sanh tâm ham thích, đáp lời an lạc, nhận rồi từ giã, tâm không khuynh động. Ai đem tài sản lớn cúng dường Tăng Bảo, Chúng Tăng trong tương lai, thì hưởng thụ tất cả kho báu không có cùng tận.
Vì lý do nào đó không cúng dường Tăng được thì tự phân phối cho ngạ quỷ, người nghèo, người cô độc, người xin ăn. Này Đế Thích, pháp Sa Môn là không được tích trữ nhiều, cho đến muối dầu cũng không được nhận cất chứa. Nuôi nô tỳ, chứa ruộng đất nhà cửa, mua bán các vật bất tịnh, đều không phải là pháp Sa Môn, mà là pháp tại gia. Người cho, người nhận các vật bất tịnh đều cũng phi pháp.
Ngươi chất chứa quá nhiều ngu si, cần phải điều phục những loại ấy như nhổ cỏ làm hại lúa mạ tốt. Hành động giết người làm vòng ngón tay của ta, đều là hủy hoại pháp chúng sanh, không có một người nào là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cả.
Khi ấy Đế Thích nói với Ương Quật Ma La: Tướng bất hại cũng chính là pháp vì Như Lai xem tất cả chúng sanh bình đẳng như La Hầu La.
Vậy tại sao đồng ý cho điều phục kẻ ác?
Ương Quật Ma La nói: Tướng khác nhau giữa hại và bất hại, ngươi biết như thế nào?
Như những ảo thuật của huyễn sư, người khác không thể biết. Cảnh giới như huyễn của Bồ Tát cũng vậy. Ngươi là người ngoài Phật Pháp làm sao biết được hại và bất hại đều có hai loại. Có bất hại của Thanh Văn, có bất hại của Bồ Tát.
Ngươi nhỏ như ruồi muỗi, làm sao biết được hai loại bất hại?
Tướng khác nhau giữa cảnh giới của ngươi và cảnh giới Bồ Tát, cũng như con muỗi dùng cánh che hư không.
Ví như Sa Môn bị phi nhân bắt giữ, bấy giờ đại chúng cần phải giữ gìn không?
Đế Thích đáp: Cần phải giữ gìn.
Hỏi: Nếu vì giữ gìn mà chết ai phải bị tội?
Đáp: Không có mắc tội, trừ khi có tâm hại.
Ương Quật Ma La nói: Như vậy vì điều phục các hiện tượng ác, nếu làm chúng bị chết thì người giữ gìn không có tội, còn được công đức thù thắng vô lượng.
Như vậy, khó biết tướng khác nhau giữa hại và bất hại. Đây gọi là bất hại của Bồ Tát.
Hỏi: Ví như Thầy thuốc trị bệnh cho người dùng móc móc lưỡi, nếu bệnh nhân chết, Thầy thuốc bị tội không?
Đáp: Không! Thầy thuốc có nhiều lợi ích, trừ khi có tâm hại.
Hỏi: Như vậy điều phục các loại hiện tượng ác, nếu làm cho họ chết có tội hay không?
Đáp: Không tội, còn được vô lượng công đức thù thắng, trừ khi có tâm hại.
Hỏi: Ví như đệ tử theo học với thầy, vì học mà chết, thầy có tội không?
Đáp: Không tội, trừ có tâm hại.
Hỏi: Như vậy các loại chúng sanh ác bị chết vì thấy những chúng sanh có uy đức, có sáng suốt.
Vậy họ mắc tội không?
Đáp: Không tội, trừ khi có tâm hại.
Thế nên, này Đế Thích, ngươi không biết tướng khác nhau giữa nghiệp thiện và nghiệp ác. Không biết tướng khác nhau giữa Sa Môn và phi Sa Môn, cần phải điều phục các loại hiện tượng ác phá hoại chánh pháp.
Như Thượng tọa Ca Diếp… tám mươi Đại Thanh Văn và Tôn Giả Ức nhĩ, tất cả đều xả bỏ các kho báu lớn, xuất gia học đạo trong chánh pháp, ít dục biết đủ, có Tỳ Kheo nào cần dùng y vô giá! Các vị ấy đều cạo tóc trừ kiêu mạn, một thân ôm bát du hành, sống bằng khất thực, đắp y hoại sắc.
Tỳ Kheo như vậy làm sao phóng dật, thường bị lạnh nóng, đói khát quấy nhiễu, chân giẫm trên bụi đất cũng như loài nai rừng, không phạm đến giới nhỏ như trâu mao yêu mến đuôi, giữ gìn không bỏ như chim ấp trứng, như voi gãy ngà không còn hình đẹp, làm sao họ còn dùng đến y vô giá.
ngươi là kẻ ở ngoài chánh pháp, cẩn thận chớ nói. Như kẻ ngoại đạo Chiên Đà La không bao giờ được vào trong chúng nhị sanh, ngươi cũng như vậy, là kẻ Chiên Đà La ngoài chánh pháp. Ngươi nhỏ bé như ruồi, muỗi hãy im lặng đừng nói gì!
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Ương Quật Ma La: Thế nào là một học giới?
Ương Quật Ma La nói kệ thưa:
Sanh mạng các chúng sanh
Tồn tại nhờ ăn uống
Thế nên xe Thanh Văn
Chẳng phải là xe lớn
Gọi là chiếc xe lớn
Kiên cố chẳng do ăn.
Thế nào gọi là một?
Là tất cả chúng sanh
Đều nhờ Như Lai tạng
Cuối cùng thường an trú.
Thế nào gọi là hai?
Đó là danh và sắc
Thế nên xe Thanh Văn
Chẳng phải là xe lớn
Danh và sắc khác loại
Xe Thanh Văn, Duyên Giác
Giải thoát chỉ có tên
Không nói có diệu sắc
Tất cả các Như Lai
Giải thoát có diệu sắc
Cũng như xem xét rõ
Trái xoài trong bàn tay.
Thế nào gọi là ba?
Đó là ba loại thọ
Thế nên xe Thanh Văn
Chẳng phải là xe lớn
Như Lai đệ nhất thường
Nghe vô thường sanh thọ
Ai nghe pháp, tăng diệt
Cả hai làm thọ sanh
Đây gọi là xe lớn
Thuyết về nghĩa ba thọ.
Thế nào gọi là bốn?
Đó là bốn Thánh Đế
Là xe của Thanh Văn
Chẳng phải là xe lớn
Tất cả các Như Lai
Đệ nhất rốt ráo thường
Đó là xe lớn thật
Khổ chẳng phải chân đế
Tất cả các Như Lai
Đệ nhất rốt ráo hằng
Thế nên xe lớn thật,
Tập chẳng phải chân đế
Tất cả các Như Lai
Đệ nhất không thay đổi
Thế nên xe lớn thật,
Diệt chẳng phải chân đế
Tất cả các Như Lai
Đệ nhất rốt ráo tịnh
Thế nên xe lớn thật,
Đạo chẳng phải chân đế
Là xe lớn bốn đế
Sự khổ chẳng phải đế
Nếu sự khổ là đế
Bốn cõi phải có đế
Là địa ngục, súc sanh
Ngạ quỷ, A Tu La.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lục đáo Bỉ Ngạn
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Ca Diếp Sư Tử Hống
Phật Thuyết đại Cát Tường Thiên Nữ Mười Hai Khế Một Trăm Lẻ Tám Danh Vô Cấu đại Thừa Kinh - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Mười - Phẩm Chiến đấu
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Hai - Kinh Pháp Cú - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Tạp Lục
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh đại Nhân
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Năm - Thọ Ký Ngoại đạo Bà La Môn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thập Lực - phần Hai