Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Một - Tập Hội

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM MỘT

TẬP HỘI  

Tôi nghe như vậy, một thuở nọ Đức Phật ở Tinh xá Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo Tăng, năm trăm vị Tỳ Kheo Ni, một ngàn Ưu Bà Tắc, và năm trăm người ăn mày.

Lúc bấy giờ trong pháp hội có một vị Trưởng Giả tên Thiện Sinh, bạch với Đức Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Phái ngoại đạo Lục Sư thường dạy rằng: Nếu mỗi buổi sáng kính lạy sáu phương, thì sẽ được sống lâu, giàu có.

Vì sao?

Cõi phương Đông thuộc về Trời Đế Thích. Nếu người nào cúng dường, sẽ được Trời Đế thích bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương Nam thuộc về Vua Diêm La. Nếu người nào cúng dường, sẽ được Vua Diêm La bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương Tây thuộc về Trời Bà Lâu Na.

Nếu người nào cúng dường, sẽ được Trời Bà Lâu Na bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương Bắc thuộc về Trời Câu Tỳ La. Nếu người nào cúng dường, sẽ được Trời Câu Tỳ La bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương dưới thuộc về Trời Lửa.

Nếu người nào cúng dường, sẽ được Trời Lửa bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương trên thuộc về Trời Gió. Nếu người nào cúng dường, sẽ được Trời Gió bảo hộ và giúp đỡ.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Trong Phật Pháp cũng có sáu phương như vậy chăng?

Đức Phật bảo Thiện Sinh: Trong Phật Pháp cũng có sáu phương, tức là sáu pháp Ba la mật. Phương Đông tức là bố thí Ba la mật.

Vì sao?

Phương Đông đại biểu sự mới bắt đầu của một ngày, đem đến ánh sáng chói lọi của trí tuệ. Phương Đông lại thuộc về tâm chúng sinh. Nếu người nào cúng dường bố thí Ba la mật, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương Nam tức là trì giới Ba la mật.

Vì sao?

Trì Giới Ba la mật đại biểu phía mặt. Nếu người nào cúng dường, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương Tây tức là nhẫn nhục Ba la mật.

Vì sao?

Phương Tây ở về phía sau, tượng trưng cho tất cả pháp ác đều bị bỏ lại ở phía sau. Nếu người nào cúng dường, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương Bắc tức là tinh tấn Ba la mật.

Vì sao?

Phương Bắc tượng trưng cho sự chiến thắng các pháp ác. Nếu người nào cúng dường, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương dưới tức là thiền định Ba la mật.

Vì sao?

Vì xuyên qua thiền định, chúng sinh có thể chân chánh quán sát ba đường dữ. Nếu người nào cúng dường, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương trên tức là bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì trên tức là vô thượng, vô sinh. Nếu người nào cúng dường, sẽ được sống lâu và giàu có.

Thiện nam tử! Sáu phương đều thuộc về tâm của chúng sinh, không phải như bọn ngoại đạo Lục Sư đã nói.

Ai có thể cúng dường sáu phương như vậy?

Thiện nam tử! Chỉ có Bồ Tát mới có thể cúng dường.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nghĩa gì mà gọi là Bồ Tát?

Đức Phật bảo Thiện Sinh: Người đã giác ngộ được gọi là Bồ Tát, người có tính giác ngộ được gọi là Bồ Tát.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu người đã giác ngộ được gọi là Bồ Tát, như vậy lúc chưa cúng dường sáu phương, thì thế nào được gọi là Bồ Tát?

Nếu vì có tính giác ngộ mà được gọi là Bồ Tát, thì ai có tính ấy?

Nếu như, người có tính này mới có thể cúng dường sáu phương, còn không có tính này không thể cúng dường, Đức Như Lai không thể nói là sáu phương thuộc về tâm chúng sinh.

Thiện nam tử! Không phải được giác ngộ mà gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Người được giác ngộ thì gọi là Phật, còn trước khi giác ngộ thì gọi là Bồ Tát.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh không có tính giác ngộ, cũng như chúng sinh không có tính Trời, Người, sư tử, cọp, sói, chó, v.v... do trong đời này hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp lành mà chúng sinh được thân Trời Người.

Hoặc hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp ác mà sinh vào loài súc sanh, như sư tử chẳng hạn. Bồ Tát cũng như vậy, do sự hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp lành, lại phát tâm bồ đề, nên gọi là Bồ Tát. Giả sử có người nói rằng tất cả chúng sinh đều có tính Bồ Tát, nghĩa này không đúng.

Vì sao?

Nếu đã có tính Bồ Tát thì không cần tu tập những nhân duyên nghiệp lành bằng cách cúng dường sáu phương.

Nam tử! Nếu chúng sinh đã có sẵn tính Bồ Tát, thì chắc không có người mới phát tâm cũng như có người thoái tâm. Do vô lượng nhân duyên nghiệp lành mà phát tâm bồ đề, nên mới gọi là có tính Bồ Tát.

Thiện nam tử! Có những chúng sinh tu theo ngoại đạo, vì không thích lý thuyết điên đảo của bọn họ mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh ở nơi vắng lặng, nhờ nhân duyên thiện căn trong tâm mà phát tâm bồ đề.

Hoặc có chúng sinh quán sát lỗi lầm của sinh tử mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh thấy nghe điều ác mà phát tâm bồ đề.

Hoặc có chúng sinh biết rõ sự tham dục, sân hận, ngu si, bỏn sẻn, ganh ghét của mình, vì muốn đối trị mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh thấy bọn tiên ngoại đạo có năm phép thần thông mà phát tâm bồ đề.

Hoặc có chúng sinh muốn biết thế giới là hữu biên hoặc vô biên mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh thấy nghe cảnh giới không thể nghĩ bàn của Như Lai mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh khởi tâm thương xót cứu độ mọi loài mà phát tâm bồ đề. Hoặc có chúng sinh vì yêu mến mọi loài mà phát tâm bồ đề.

Thiện nam tử! Tâm giác ngộ có ba bậc: Thượng, trung và hạ.

Nếu chúng sinh quyết định có tính giác ngộ, làm sao lại nói có ba bậc?

Chúng sinh bậc hạ có thể phát tâm bậc trung, chúng sinh bậc trung có thể phát tâm bậc thượng, chúng sinh bậc thượng có thể phát tâm bậc trung, và chúng sinh bậc trung có thể phát tâm bậc hạ.

Chúng sinh siêng tu vô lượng pháp lành, có thể tăng lên bậc thượng, nếu không siêng tu thì sẽ sụt xuống bậc hạ. Nếu khéo tu tiến thì gọi là không thoái lui, nếu không khéo tu tiến thì gọi là thoái lui.

Nếu trong tất cả thời gian thường vì tất cả chúng sinh tu tập hạnh lành thì gọi là người không thoái chuyển, ngược lại, thì gọi là người thoái chuyển. Những Bồ Tát thoái chuyển gọi là người có tâm thoái lui, khiếp sợ.

Nếu có người nào, trong tất cả thời gian vì tất cả chúng sinh mà tu pháp lành, được quả vị bất thoái, ta sẽ thọ ký người ấy nhất định không bao lâu sẽ được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thiện nam tử! Ba bậc giác ngộ không có tính nhất định, nếu có tính nhất định, thì người phát tâm Thanh Văn, Duyên Giác không thể phát tâm Vô Thượng bồ đề.

Thiện nam tử! Giống như chúng tăng không có tính nhất định, tính của ba bậc giác ngộ cũng như thế.

Nếu có người nói: Giác ngộ có tính nhất định, người đó là ngoại đạo.

Vì sao?

Vì bọn ngoại đạo không tin nhân quả, như Trời Tự Tại của họ, phủ nhận cả nhân lẫn quả.

Thiện nam tử! Nếu có người nói tính Bồ Tát giống như tính của vàng, nhất định hiện hữu trong kim khoáng, do sự tinh lọc mà hiển hiện được công dụng của vàng. Đây là thuyết của ngoại đạo Phạm chí.

Vì sao?

Bọn Phạm chí thường cho rằng trong hạt Ni Câu Đà đã có cây Ni Câu Đà, và trong tròng mắt có lửa và đá. Do đó bọn Phạm chí thừa nhận không có nhân cũng không có quả. Nhân tức là quả, và quả tức là nhân. Hạt Ni Câu Đà đã có sẵn cây Ni Câu Đà. Đây là thuyết nhân quả của bọn Phạm chí. Nhưng điều này không đúng.

Vì sao?

Nhân thì nhỏ mà quả thì to.

Vả lại, nếu nói trong con mắt nhất định có lửa, mắt sẽ bị đốt cháy, làm sao có thể thấy được?

Thiện nam tử! Bọn Phạm chí cho rằng: Có tức là vĩnh viễn có, không tức vĩnh viễn là không, không chẳng thể sinh khởi, còn có thì vĩnh viễn không diệt. Nếu trong khoáng có tính của vàng, vàng không thể gọi là tính, mà tính cũng không thể gọi là vàng.

Thiện nam tử! Do nhiều nhân duyên nên có sự hòa hợp, vì hòa hợp nên trước vốn là không mà sau mới có.

Nếu vậy, bọn Phạm chí cho rằng: Không tức vĩnh viễn là không, nghĩa này là thế nào?

Lại như vàng hòa hợp với thủy ngân, vàng bị biến đổi.

Nếu vậy, như bọn Phạm Chí cho rằng: Có thì vĩnh viễn không diệt, nghĩa này là thế nào?

Nếu nói chúng sinh có sẵn tính Bồ Tát, đây là thuyết của ngoại đạo, không phải thuyết của Đạo Phật.

Thiện nam tử! Ví như do nhân duyên hòa hợp mà có tác dụng của vàng, tính Bồ Tát cũng giống như vậy. Chúng sinh có tâm tư duy, gọi là tâm mong cầu, dùng tâm mong cầu đó, cùng với nhân duyên thiện nghiệp mà phát tâm bồ đề, như vậy gọi là tính Bồ Tát.

Thiện nam tử! Ví như chúng sinh trước kia không có tâm giác ngộ, sau này mới có, tính Bồ Tát cũng vậy, trước không sau có. Thế nên, không thể nói quyết định có tính Bồ Tát.

Thiện nam tử! Bất cứ người nào cầu trí tuệ rộng lớn đều gọi là Bồ Tát. Bởi vì họ muốn biết sự chân thực của tất cả các pháp, vì muốn được sự trang nghiêm rộng lớn, vì muốn tâm được kiên cố, độ vô lượng chúng sinh, và vì không tiếc thân mệnh, nên được gọi là Bồ Tát tu hạnh Đại Thừa.

Thiện nam tử!

Bồ Tát có hai hạng:

Một là thoái chuyển.

Hai là không thoái chuyển.

Người đã tu tập nghiệp ba mươi hai tướng, gọi là không thoái chuyển. Nếu chưa thể tu tập, gọi là thoái chuyển.

Lại có hai hạng:

Một là tại gia.

Hai là xuất gia.

Bồ Tát xuất gia, phụng trì tám giới trọng, hoàn toàn thanh tịnh, gọi là Bồ Tát không thoái chuyển. Bồ Tát tại gia, phụng trì sáu giới trọng, hoàn toàn thanh tịnh, cũng gọi là Bồ Tát không thoái chuyển.

Thiện nam tử! Phước đức của bọn ngoại đạo đoạn được tâm tham dục, thù thắng hơn phước đức của chúng sinh trong Cõi Dục Giới. Tu Đà Hoàn thù thắng hơn bọn ngoại đạo dị kiến. Tư Đà Hàm thù thắng hơn Tu Đà Hoàn. A Na Hàm thù thắng hơn Tư Đà Hàm. A La Hán thù thắng hơn A Na Hàm.

Bích Chi Phật thù thắng hơn A La Hán. Người tại gia phát tâm bồ đề, lại thù thắng hơn Bích Chi Phật. Người xuất gia phát tâm bồ đề không khó, người tại gia phát tâm bồ đề, quả thật không thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

Lúc người tại gia phát tâm bồ đề, thì từ Cõi Trời Tứ Thiên Vương, cho đến Cõi Trời Sắc Cứu Cánh, tất cả đều kinh ngạc vui mừng, nói như thế này: Hôm nay chúng ta đã có được vị thầy của Trời Người!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần