Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI

PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Hiền Giả A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay nói kệ tán thán Phật:

Đem chánh pháp mầu độ vô cùng

Tối thắng chí chân Ngài dùng lực

Hiểu rõ chúng sinh hóa thượng trí

Cúi xin tuyên nói vì sao cười.

Đã đạt mười Lực đời quá khứ

Thương xót hữu tình nghiệp tương lai

Hiểu cả hiện tại việc mười phương

Nay vì cớ gì lại mỉm cười?

Rõ được hành nghiệp của chúng sinh

Này như Sư Tử thấy các tâm

Trí tuệ sáng suốt không ai bằng

Nói pháp điều ngự cho mọi người.

Chư Thiên vô số đến tập hội

Thảy đều chắp tay lễ Chí Thánh

Nguyện diễn tiếng diệu quang đệ nhất

Vô số chúng hội quán pháp khí.

Trí tuệ độ vô cùng

Thế tục không sánh bằng

Biết tất cả chúng sinh

Hướng đến nghiệp thiện ác.

Thế Tôn nay mỉm cười

Nguyên vì phân biệt nghĩa

Giải quyết mọi nghi ngờ

Tuyên nói pháp tối tôn.

Nay đại chúng các hội

Vạn ức trăm ngàn năm

Vì pháp nên vân tập

Các Tỳ Kheo im lặng.

Cung kính tu cúng dường

Trăm ngàn tiếng kỹ nhạc

Phụng hành lắng lòng nghe

Xin giải quyết chúng nghi.

Đức Phật bảo: Này A Nan! Ông có thấy Bồ Tát Khí Ác ở trong hư không không?

A Nan thưa: Con đã thấy, thưa Thế Tôn!

Đức Phật bảo: Này A Nan! Bồ Tát Khí Ác này, về sau sáu trăm hai mươi vạn kiếp sẽ thành Phật Hiệu Tịch Hóa Âm Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Thế Giới ấy tên là An ổn, kiếp tên là Ly âm. Nước ấy giống như Thế Giới Diệu lạc của A súc Như Lai, công huân trang nghiêm thanh tịnh không có gì khác.

Đức Phật khen rồi mới đến cung Vua A Xà Thế. Vua, Phu Nhân, Thái Tử, bách quan đem hương hoa, kỹ nhạc hoan hỷ nghênh đón Phật, đảnh lễ sát chân rồi theo sau Phật. Sau khi vào cung, Đức Phật ngồi vào Tòa, Bồ Tát, Thánh Chúng cũng ngồi theo thứ tự như chỗ thường ngồi.

Vua thấy Đức Phật và đại chúng ngồi im lặng không có một tiếng động, rồi cùng với hoàng hậu, Thái Tử tự tay sớt các thức ăn ngon cúng dường, các vị được no đủ. Ăn xong, Vua đem nước thơm đến cho các vị rửa tay, xong rồi dâng y báu đẹp cúng dường Đức Thế Tôn. Cúng xong, Vua lấy một ghế nhỏ ngồi trước Đức Phật, chuyên tâm chắp tay lắng nghe Phật dạy.

Vì muốn hóa độ hoàng thân quốc thích trong cung và những người đến hội nên lúc đó Vua A Xà Thế quỳ gối bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sân hận, chán ghét, tật đố từ đâu sinh?

Cái ngu vô minh từ đâu mà đến?

Lấy tuệ gì để diệt trừ nó?

Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Từ ngã mà sinh sân hận, chán ghét, tật đố, cậy vào tự đại mà sinh ngu si, không phân biệt chánh đế là vô minh, thấy chánh từ đế là tuệ, tuệ trừ các ác như ánh sáng xua tan bóng tối, thấy chánh từ đế cũng lại như vậy.

Vua lại bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn phân biệt rõ thêm về thấy chánh từ đế.

Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Pháp vốn là không, không từ ý mà sinh hình, hiểu được ý là không xứ thì không có khứ lai, rõ được tất cả không tức là thấy chánh, thấy chánh mà không chuyển tức là từ đế. Hiểu được một cách đầy đủ như vậy gọi là hiểu.

Vua nghe Đức Phật nói pháp ứng hợp với tâm, nên rất vui vẻ phấn khởi tâm thiện phát sinh, liền khen rằng: Hay thay! Thưa Thế Tôn! Thật chưa từng có. Pháp này chỉ có Như Lai mới khéo nói chỉ dạy như vậy. Giả sử thân con có chết đi, tâm không nghi loạn, nhất định phụng hành pháp này.

Đức Phật từ tòa đứng dậy cùng các đại chúng trở về núi Linh Thứu, bảo các chúng trực trải các tòa mời chúng hội đến ngồi.

Vâng lời Phật dạy, Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, quỳ sát đất chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trong thành Bồ Tát Khí Ác đã hỏi về trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật vi diệu, Đức Thế Tôn đã trả lời sơ lược nghĩa cốt yếu. Bồ Tát Khí Ác lúc đó được Phật thọ ký, những người nghe hiểu đều được chứng quả, còn những người ý khong thông đạt đều mơ màng.

Cúi xin Thế Tôn thương xót diễn rõ lại một lần nữa, làm cho hạnh của Bồ Tát càng thêm kiên cố trụ trong chánh đạo không bị lay động, thành tựu Nhất thiết trí, hàng phục các ma và quyến thuộc của ma, nhiếp hóa ngoại đạo, diệt các trần lao, khuyến hóa tà nghiệp quay về chánh đạo, xả quả tiểu thừa, chuyển bánh xe pháp không lui sụt hoàn tất chí nguyện, lợi ích chúng sinh, nhờ năng lực nghiêm tịnh, đạt đến trí sáng vô hạn. Người chưa độ được độ, chưa thành được thành.

Nay đây thiện nam, thiện nữ trong chúng hội đều lắng lòng muốn nghe, cúi xin Thế Tôn nói lại lần nữa, để cho chánh pháp được thấm nhuần đời sau, ngưỡng mong thương xót mà vì chúng hội nói.

Khi ấy, Đức Thế Tôn suy nghĩ: Pháp này thù thắng vi diệu, chính là sự nghiệp của Bồ Tát Đại Sĩ, nay tuyên nói là vì khắp tất cả chứ không vì hội nhỏ này.

Vậy ta nên hiện điềm lạ cảm đến mười phương Thế Giới. Như ý nghĩ, từ chân lông của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng chiếu khắp mười phương hằng hà sa Thế Giới, mười phương Chư Phật đều sai Bồ Tát thần trí vô lượng minh đạt vi diệu, đều từ trong trăm ức chúng Bồ Tát, hiện thần biến đến Thế Giới Kham nhẫn, diện kiến Phật Năng Nhân, hầu hạ bái yết, đảnh lễ sát chân Phật rồi.

Tất cả đều trình bày rằng: Chúng con thấy được ánh sáng của Đức Thế Tôn, nương vào bốn pháp lắng nghe nói pháp. Đức Phật ở cõi của chúng con thấy vậy than rằng: Ông làm sao mà đến Thế Giới Kham nhẫn được. Thế Giới Kham nhẫn ngũ nghịch cang cường, tệ ác, tham lam tật đố, dâm dật, chửi mắng, trù ẻo, tâm nhiều sân hận độc ác, tổn hại lẫn nhau, thô lỗ hung bạo rất khó giáo hóa. Ông chớ đến Thế Giới Kham nhẫn mà tự nhiễm dơ uế.

Lúc đó, chúng con đều thưa lại một lần nữa rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con có thể kham chịu để đến Thế Giới Kham Nhẫn. Giả sử có gặp phải các sự não hại, lửa đốt dao cắt chúng con nhất định không báo thù lại. Nhờ đó mà Thế Tôn và các Bồ Tát mới có thể chịu khổ kham nhẫn để dạy dỗ quần sinh, chúng con nguyện muốn đảnh lễ hầu hạ học hỏi thâm kinh.

Do vậy mà Đức Thế Tôn ở cõi chúng con mới cho phép, nhưng lại còn căn dặn: Này các thiện nam! Ý phải tùy thuận giữ tâm chắc chắn, cẩn thận chớ có biếng nhác nghi ngờ. Như cõi của ta đây trải qua trăm ngàn kiếp tu hành cũng không bằng Thế Giới kham nhẫn chỉ tinh tấn một ngày.

Vì thế, thưa Thế Tôn! Dù trải qua hằng hà sa Thế Giới vẫn không cho là xa. Muốn nghe Thế Tôn nói kinh trang nghiêm thanh tịnh và cũng muốn đàm luận yếu nghĩa với các Bồ Tát.

Lúc đó, Bồ Tát Di Lặc từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay, đến trước Phật nói kệ khen rằng:

Vô lượng oai đức vang mười phương

Sáng chiếu trên dưới hằng sa cõi

Tất cả chúng sinh không xưng hết

Nhân Trung Thánh tuệ chẳng nghĩ bàn

Mười phương Thế Giới hằng sa cõi

Bồ Tát, đại chúng vì pháp đến

Hâm mộ đạo pháp trụ cung kính

Xin Nhân Trung Tôn tuyên pháp huấn.

Danh xưng Thế Tôn vang mười phương

Cấm giới tam muội trí tuệ sáng

Oai nghi không động như Sư Tử

Như mặt Trời sáng chiếu hư không.

Chư Thiên, Long Vương và Quỷ Thần

Chúng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni

Thanh tín sĩ nữ đứng chắp tay

Rủ lòng thương xót xin nói pháp.

Do biết quá khứ và tương lai

Phân biệt hiểu rõ cả hiện tại

Vì chúng sinh đáng được hóa độ

Đem luật khai hóa giải nghi ngờ.

Thế nào Bồ Tát tạo lập hạnh

Quốc Độ nghiêm tịnh ánh sáng chiếu

Do đâu đầy đủ các đại nguyện

Xin Nhân Trung Thượng nói ý này.

Duyên gì chúng sinh không tham tật

Sao gọi cấm giới không trái phạm

Vì sao chúng tu hành tinh cần

Nhân vì quần sinh hành thương xót.

Từ đâu phụng hành vô số kiếp

Dụng tinh tấn thế lực càng tăng

Trau dồi trí tuệ thoát vô vi

Cứu giúp chúng sinh thoát khổ hoạn,

Ý ấy tịch định luôn nhất tâm

Hành tịnh thoát môn trụ thiền tư

Tu không đắm trước như hoa sen

Làm sao lập hạnh tiêu trừ dục.

Từ đâu phụng hành nghiệp thâm diệu

Nhân đâu tu hành độ thế pháp

Duyên gì phục ma và binh chúng

Do hàng phục được nên thành Phật.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Di Lặc trải pháp tòa cao, Như Lai nay sẽ vì chúng Bồ Tát khắp mười phương mà diễn nói công huân trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, hạnh nguyện pháp điển thuở xưa.

Di Lặc vâng lời, nhưng lại suy nghĩ: Cớ gì Như Lai sai ta trải tòa, mà không sai A Nan, Mục Liên?

Văn Thù Sư Lợi biết được tâm niệm của Di Lặc liền đáp: Di Lặc nên biết! Đức Như Lai sai Bồ Tát trải tòa là có ý rằng, nói pháp này chỉ có thuần Bồ Tát chứ không phải vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Lúc đó, Di Lặc vâng lời Phật dạy, liền nhập vào tam muội chánh thọ, vì Phật mà thiết tòa cao đến bốn trăm vạn dặm, dùng vô số các loại báu làm thành, rồi dùng lụa là gấm vóc của Chư Thiên trải lên tòa, từ tòa phát ra ánh sáng chiếu tam thiên đại thiên Thế Giới. Đức Phật liền thăng tòa, tam thiên đại thiên Thế Giới sáu cách chấn động.

Lúc đó Đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có bốn pháp đầy đủ sở nguyện.

Đó là:

1. Chí tánh nhân hòa.

2. Thương xót chúng sinh.

3. Siêng năng không biếng nhác.

4. Nhất tâm luôn thân cận thiện hữu.

Đây là bốn pháp đầy đủ sở nguyện.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có một pháp không mất sở nguyện. Đó là đối với Bồ Tát nên học theo A Súc Như Lai. Thuở xưa, khi Như Lai còn hành Bồ Tát đạo, chí nguyện xuất gia, hâm mộ Sa Môn, đời đời sinh ra không trái với bản thệ, cho đến đạt hiệu Như Lai không từ đâu sinh. Đó là cái dụng lợi ích số một của Bồ Tát.

Nếu xuất gia thì được mười thứ công đức:

1. Không có trạng thái tham dục phóng dật.

2. Thường ưa chỗ nhàn tịnh không thích ồn ào.

3. Thường phụng hành theo Phật, bỏ mọi tiểu tiết.

4. Vứt bỏ mọi pháp ngu si vô ích.

5. Không luyến tiếc vợ con, nhà cửa, ân ái.

6. Buông bỏ các hoạn ác thí phi pháp.

7. Nhiếp thủ thiện xứ an lạc Thiên thượng.

8. Chưa bao giờ trái với đức căn bản thuở xưa.

9. Được Chư Thiên kính mến và luôn hộ vệ.

10. Các Long Thần Vương thường ủng hộ.

Đó là mười đức. Nếu Bồ Tát không bỏ Đại Thừa độ thoát chúng sinh thì nên mong cầu xuất gia. Đây la một pháp không mất sở nguyện, tùy theo ý muốn đến Cõi Phật nào thì liền được như ý, được Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Đó là thiện lợi số một của Bồ Tát.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có hai pháp không mất sở nguyện:

1. Không thích tiểu thừa, không học theo hạnh tiểu thừa, không theo việc của họ, nguyện khai thị họ, không nói pháp tiểu thừa để giáo hóa người khác.

2. Thường đem đạo vô thượng chánh chân khuyến tấn chúng sinh để trở thành Phật Pháp.

Đó là hai pháp, tâm siêng năng chánh chân răn nhắc không mệt mỏi.

Có vậy mới mau được mười phước công đức:

1. Nhiếp thủ Cõi Phật, không học tiểu thừa.

2. Chỉ thuần nhất các Bồ Tát Thánh Chúng đến hội hợp.

3. Chư Phật Thế Tôn thường hộ niệm.

4. Chư Phật mười phương thấy rồi khen ngợi, xưng dương công đức mà vì nói pháp.

5. Phát tâm vi diệu, thường tu chánh chân.

6. Không nguyện sinh vào cõi Thiên Đế Thích, Phạm Vương, tâm luôn tinh tan chí cầu chánh đạo.

7. Nếu sinh vào nhân gian thì làm Chuyển Luân Vương làm chủ bốn Thiên hạ, đem chánh đạo để hướng dẫn dạy dỗ.

8. Nơi sinh ra không trái với đạo nghiệp thường thấy Chư Phật vô thượng chánh chân.

9. Được Trời người kính yêu.

10. Thọ công đức vô lượng không thể kể hết.

Đó là mười công đức.

Vì sao?

Vì nói có khả năng hóa độ chúng sinh trong một Cõi Phật đều chứng quả Vô trước, nhưng không bằng Bồ Tát chỉ trong một khảy móng tay khuyến hóa một người phát vô thượng chánh chân. Huống nữa là mười công đức diệu thâm, tùy theo ý muốn ở cõi nào thì liền được như ý nguyện thành đức trang nghiêm thanh tịnh. Đây là hai đức không trái bản nguyện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần