Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Tựa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH VÔ CẤU XƯNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM TỰA
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở rừng Yêm La Vệ thuộc thành Quảng Nghiêm, cùng với tám ngàn vị Đại Tỳ Kheo, ba vạn hai ngàn vị Đại Bồ Tát.
Các vị ấy đều được tất cả đại chúng biết đến, có đại thần thông. Sự nghiệp tu tập đã thành tựu. Được oai đức của Chư Phật gia hộ giữ gìn.
Giữ vững thành lũy chánh pháp, nắm giữ tất cả chánh pháp. Dùng tiếng hống sư tử để diễn giảng, với âm thanh hòa nhã chấn động khắp mười phương.
Làm bạn lành của chúng sanh mà không mời đến. Nối dõi Tam Bảo không cho đoạn tuyệt, chiến thắng các ma oán, chế ngự các nhà ngoại đạo. Dứt hẳn tất cả nghiệp chướng và triền cái. Với niệm định tổng trì đều viên mãn.
Kiến lập trí môn giải thoát không chướng ngại. Đạt được tất cả pháp một cách thù thắng không gián đoạn. Thành tựu niệm huệ đẳng trì Đà La Ni. Đạt bố thí điều phục đệ nhất. Giới thể tịch tịnh. An nhẫn chánh cần.
Tịnh lự Bát Nhã phương tiện thiện xảo. Diệu nguyện, lực trí Ba La Mật Đa. Chứng đắc bất khởi pháp mà không có chỗ đắc. Có thể chuyển pháp luân không thối chuyển. Đắc vô tướng. Được ấn chứng bằng Diệu pháp.
Biết rõ các căn thắng liệt của hữu tình, là người mà cả đại chúng không ai chiến thắng được. Có thể điều ngự được vô sở úy. Đã chứa nhóm tư lương phước trí vô tận. Có thân tướng tốt đẹp đệ nhất. Vứt bỏ tất cả đồ trang sức tốt đẹp ở thế gian. Tiếng tốt đồn vang xa đến Trời Đế Thích. Đức tin kiên cố giống như Kim Cang. Có niềm tin không hoại với Phật Pháp.
Ban bố Chánh Pháp quí báu trong sạch như mưa Cam Lồ. Lời nói của các vị ấy vi diệu đệ nhất trong các lời nói. Đối với nghĩa pháp sâu xa thì đi sâu vào duyên khởi, đã đoạn trừ hai biên. Kiến tập tương tục. Diễn giảng không sợ sệt giống như Sư Tử Hống.
Các vị ấy diễn giảng pháp như sự chấn động của sấm vang. Không thể so lường vượt ngoài cảnh giới so lường. Cất giữ pháp bảo huệ làm Đại Đạo Sư. Chánh trực xét kỹ nhu hòa kín đáo. Đạt hoàn hảo các pháp khó thấy khó nghe, thể nhập vào tất cả thật nghĩa sâu xa.
Biết được ý thích của chúng sanh có chỗ quay về hay không có chỗ quay về. Đạt được Vô Đẳng Đẳng Phật trí quán đảnh. Gần đạt với lực, vô úy và pháp bất cộng của Phật. Đã diệt trừ tất cả cõi ác đầy sợ hãi, vượt qua hết thảy hố sâu nguy hiểm.
Quăng bỏ hoàn toàn dao gậy Kim Cang duyên khởi. Thường nghĩ thị hiện sanh về các cõi để làm Đại Y Vương. Biết rõ phương thuật. Tùy theo căn bệnh mà cho thuốc. Bệnh tật chóng lành khiến chúng sanh được an vui. Thành tựu vô lượng công đức. Trang nghiêm thanh tịnh vô lượng Cõi Phật.
Ai thấy nghe đều được nhờ ơn lợi ích. Việc làm của các vị không bị tổn thất. Công đức của các vị ấy dù khen ngợi trải qua vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha kiếp cũng không hết.
Tên các vị ấy là: Bồ Tát Đẳng Quan, Bồ Tát Vô Đẳng Quan, Bồ Tát Đẳng Bất Đẳng Quan, Bồ Tát Định Thần Biến Vương, Bồ Tát Pháp Tự Tại, Bồ Tát Pháp Tràng, Bồ Tát Quang Tràng, Bồ Tát Quang Nghiêm, Bồ Tát Đại Nghiêm, Bồ Tát Bảo Phong, Bồ Tát Biện Phong, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Thường Cử Thủ, Bồ Tát Thường Hạ Thủ, Bồ Tát Thường Diên Cảnh, Bồ Tát Thường Hỷ Căn.
Bồ Tát Thường Hỷ Vương, Bồ Tát Vô Khuất Biện, Bồ Tát hư không Tạng, Bồ Tát Chấp Bảo Cự, Bồ Tát Bảo Cát Tường, Bồ Tát Bảo Thí, Bồ Tát Đế Võng, Bồ Tát Quang Võng, Bồ Tát Vô Chướng Tịnh Lự, Bồ Tát Huệ Phong, Bồ Tát Thiên Vương, Bồ Tát Hoại Ma, Bồ Tát Điện Thiên, Bồ Tát Hiện Thần Biến Vương, Bồ Tát Phong Tướng Đẳng Nghiêm, Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ Tát Lôi Vân Âm.
Bồ Tát Sơn Tướng Kích Vương, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Đại Hương Tượng, Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Xả Thiện Ách, Bồ Tát Diệu Huệ, Bồ Tát Diệu Sanh, Bồ Tát Liên Hoa Thắng Tạng, Bồ Tát Tam Ma Địa Vương, Bồ Tát Liên Hoa Nghiêm, Bồ Tát Quán Tự Tại, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Phạm Võng, Bồ Tát Bảo Trượng, Bồ Tát Vô Thắng, Bồ Tát Thắng Ma, Bồ Tát Nghiêm Thổ, Bồ Tát Kim Kế, Bồ Tát Châu Kế, Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Diệu Cát Tường, Bồ Tát Châu Bảo Cái…
Ba vạn hai ngàn Đại Bồ Tát làm Thượng Thủ như vậy. Lại có một vạn Phạm Thiên, Trì Kế Phạm Vương làm Thượng Thủ vốn từ bốn Đại Châu Vô Ưu, vì muốn chiêm ngưỡng lễ lạy cúng dường Đức Thế Tôn và nghe pháp nên đến dự Đại hội này.
Lại có một vạn hai ngàn Thiên Đế từ phương khác của bốn đại châu cũng vì muốn chiêm ngưỡng lễ lạy cúng dường Đức Thế Tôn và nghe pháp mà đến dự Đại hội này.
Ngoài ra, còn có Chư Thiên với oai lực lớn, Rồng, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tố Lạc, Yết Lộ Trà, Khẩn Nại Lạc, Ma Hô Lạc Già, Thích, Phạm, Hộ Đời… đến hội hợp. Bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cũng đều đến hội hợp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Giảng pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng đến cung kính vây quanh. Ngài giống như núi Chúa Đại Bảo Diệu Cao tọa lạc trong biển cả.
Với dáng oai nghiêm vòi vọi, Ngài ngồi trên Tòa Bảo Tạng Đại Sư Tử hiển bày rực rỡ oai quang làm che khắp cả đại chúng. Khi ấy, tại thành Quảng Nghiêm, có vị Bồ Tát dòng Ly Chiêm Tỳ tên Bảo Tánh cùng năm trăm đồng tử dòng Ly Chiêm Tỳ, mỗi người cầm một lọng báu được trang hoàng bằng bảy báu đến rừng Yêm La, nơi Thế Tôn ở.
Họ đem lọng báu của mình dâng cúng dường Đức Thế Tôn. Sau khi cúng dường xong, họ đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi đi nhiễu bảy vòng và lui đứng qua một bên. Nhờ oai thần của Đức Phật, các lọng báu tự nhiên hợp thành một cái che khắp cả ba ngàn đại thiên Thế Giới. Tướng Thế Giới này rộng lớn như vậy nhưng đều hiện trong lọng báu ấy.
Tất cả núi chúa Đại Bảo Diệu Cao, tất cả núi Tuyết, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà, núi Hương, núi báu, núi vàng ròng, núi Hắc, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, biển cả, sông ngòi, khe suối, ao đầm và trăm câu chi hòn đảo của đại châu, Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao, Cung Điện Trời, Cung Điện Rồng, Cung Điện của các Tôn Thần, cùng các thành ấp, xóm làng, đô thị đều hiện trong lọng báu ấy.
Chánh Pháp mà Chư Phật Như Lai trong mười phương nói ra đều đồng vang lên trong lọng báu ấy, ai nấy đều nghe rất rõ. Thấy thần lực của Đức Phật, đại chúng vui mừng hớn hở chưa từng có và chắp tay lễ lạy Phật, chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn mắt không tạm rời, đứng im lặng.
Bấy giờ, ở trước Phật, Bảo Tánh quì sát đất, chắp tay cung kính khen ngợi Phật bằng kệ:
Mắt sạch to dài rất đẹp đẽ
Sáng như cánh hoa sen xanh biếc
Đã chứng ý lạc tịnh đệ nhất
Thắng Xa ma tha đến bờ kia
Đã chứa vô biên nghiệp thanh tịnh
Đạt được quảng đại thắng danh văn
Nên con cúi lạy Đại Sa Môn
Mở bày dẫn dắt đường tịch tịnh
Đã thấy Đại Thánh dùng thần biến
Hiện khắp vô lượng cõi mười phương
Trong đó Chư Phật diễn giảng pháp
Tất cả ai nấy đều được nghe
Pháp Vương, pháp lực vượt quần sanh
Thường đem pháp tài ra bố thí
Phân biệt rõ ràng tướng các pháp
Quán đệ nhất nghĩa, dẹp oán ma
Với các pháp đã được tự tại
Nên cúi đầu lạy Đấng Pháp Vương
Nói pháp không có cũng không không
Tất cả đều do nhân duyên sanh
Không ngã, không tạo, không người thọ
Nghiệp thiện ác không bao giờ mất
Nơi cây Phật mới thắng lực ma
Đắc Cam Lồ bồ đề tịch tịnh
Đây chẳng phải tâm ý thọ hành
Tà ngoại đạo không thể so lường
Ba chuyển pháp luân ở đại thiên
Luân ấy năng tịch, bổn tánh tịch
Pháp hy hữu trí Thiên Nhân chứng
Bấy giờ, Tam Bảo hiện thế gian
Dùng diệu pháp này cứu quần sanh
Không lo không sợ luôn an lạc
Đại Y Vương thoát sanh già bệnh
Lạy đấng biển công đức vô biên
Tám pháp bất động như núi chúa
Dù thiện, bất thiện đều thương xót
Tâm hành bình đẳng như hư không
Ai lại không kính đấng Năng Nhân
Đem lọng báu này dâng Thế Tôn
Ba ngàn Thế Giới hiện trong đó
Cung Điện Trời, Rồng, Thần vv…
Lạy đấng thân công đức trí kiến
Thần biến mười lực hiện thế gian.
Tất cả đều như bóng nắng sáng
Chúng thấy khen ngợi chưa từng có
Lạy đấng mười lực đại trí kiến
Chúng hội chiêm ngưỡng Đại Mâu Ni
Ai nấy sanh lòng tin thanh tịnh
Và thấy Thế Tôn ở trước mặt
Đây là tướng Bất Cộng Thế Tôn
Phật dùng một âm thanh giảng pháp
Từng loại chúng sanh đều được hiểu
Và cho rằng tiếng Ngài giống mình
Đây là tướng bất cộng Thế Tôn
Phật dùng một âm thanh giảng pháp
Tất cả chúng sanh đều được hiểu
Và được thọ hành đạt lợi ích
Đây là tướng bất cộng Thế Tôn
Phật dùng một âm thanh giảng pháp
Có người sợ hãi, người vui mừng
Có người nhàm chán, người hết nghi
Đây là tướng bất cộng Thế Tôn
Lạy đấng mười lực vững dõng mãnh
Lạy đấng đã đắc vô sở úy
Lạy đấng đạt định pháp bất cộng
Lạy đấng Đại Đạo Sư tất cả
Lạy đấng đoạn trừ các kiết sử
Lạy đấng đã trụ bờ bên kia
Lạy đấng cứu khổ khắp quần sanh
Lạy đấng không ở cõi sanh tử
Với hữu tình đạt tâm bình đẳng
Với các thú, tâm đều giải thoát
Mâu Ni tu hoàn toàn không ấy
Giống như hoa sen không thấm nước
Lìa tất cả tướng, không chỗ lìa
Mãn tất cả nguyện, không chỗ nguyện
Oai thần lực lớn không thể bàn
Lạy đấng như không, không chỗ trụ.
Sau khi dùng kệ khen ngợi Đức Thế Tôn, Bảo Tánh thưa: Năm trăm Đồng Tử này đã phát tâm vô thượng bồ đề. Họ hỏi con về việc trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật.
Cúi xin Như Lai thương xót nói cho họ tướng Cõi Phật thanh tịnh, làm thế nào để tu Cõi Phật thanh tịnh của Bồ Tát?
Nghe hỏi như vậy, Đức Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Này Bảo Tánh! Vì các Bồ Tát mà ông thưa hỏi Như Lai về tướng Cõi Phật thanh tịnh và hỏi tu Cõi Phật thanh tịnh của Bồ Tát. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ. Ta sẽ phân biệt giảng nói cho ông.
Khi ấy, Bảo Tánh và các Bồ Tát thưa: Cúi xin Ngài giảng nói, chúng con đều rất muốn được nghe.
Thế Tôn dạy các Bồ Tát: Cõi của các hữu tình là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Vì sao?
Này các Thiện Nam! Tất cả các Bồ Tát tùy theo các hữu tình mà làm tăng trưởng lợi ích, sau đó đưa họ vào cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, tùy theo các hữu tình mà làm phát sanh những công đức thanh tịnh rồi đưa họ vào cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Tùy theo các hữu tình cần Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh nào để được điều phục thì đưa họ vào cõi Phật ấy.
Tùy theo các hữu tình cần Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh nào để ngộ nhập trí của Phật thì đưa họ vào cõi Phật ấy.
Tùy theo các hữu tình cần Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh nào để phát sanh căn hạnh của bậc Thánh thì đưa họ vào cõi Phật ấy.
Vì sao?
Này các Thiện Nam! Bồ Tát đưa chúng sanh vào cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh với mục đích làm họ tăng trưởng lợi ích và để phát sanh những công đức thanh tịnh.
Này các Thiện Nam! Ví như có người muốn xây nhà cửa Cung Điện trong hư không, trang hoàng theo ý muốn không bị chướng ngại. Nếu làm ở trong hư không thì không bao giờ thành tựu. Cũng vậy, Bồ Tát biết các pháp đều như hư không, chỉ vì muốn làm tăng trưởng lợi ích cho các hữu tình và để sanh công đức thanh tịnh nên đưa họ vào cõi Phật như vậy.
Việc đưa họ vào cõi Phật thanh tịnh như vậy chẳng phải giống việc làm ở hư không.
Lại nữa, này Bảo Tánh! Các ông nên biết, cõi phát sanh tâm Vô Thượng Bồ Đề là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát. Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề thì tất cả hữu tình phát sanh hướng về Đại Thừa đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi thuần an lạc là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề tất cả hữu tình không dua nịnh không dối gạt đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi gia hành hoàn hảo là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình phát tâm giữ gìn tốt đẹp gia hành hoàn hảo đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi ý lạc tối thượng là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình thành tựu đầy đủ pháp lành đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi tu bố thí, là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình xả bỏ tài pháp đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi Tu Tịnh giới, là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình thành tựu viên mãn mười nghiệp đạo thiện đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi Tu an nhẫn là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình có ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân, kham nhẫn nhu hòa, tịch tịnh đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi Tu tinh tấn là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình dõng mãnh tinh tấn đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi Tu Tịnh lự là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình thành tựu đầy đủ chánh niệm, chánh tri, chánh định đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi tu Bát Nhã là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình đã nhập chánh định đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi bốn vô lượng là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình thường sống trong từ bi hỷ xả đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi bốn nhiếp sự là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, tất cả hữu tình đều được thâu nhiếp vào giải thoát đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi Phương Tiện thiện xảo là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, các hữu tình quán sát thiện xảo về các pháp đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi tu ba mươi bảy Bồ Đề phần là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, các hữu tình thông đạt tất cả niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi đầy đủ đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy. Cõi tu hồi hướng là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, thì cõi của Bồ Tát ấy đầy đủ các đức trang nghiêm. Cõi giảng nói hoàn hảo về diệt trừ tám nạn là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, cõi ấy vĩnh viễn không còn cõi ác nguy ách. Cõi tự mình giữ giới hạnh không gièm chê người là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, cõi ấy không có cái tên phạm giới cấm. Cõi mười nghiệp đạo thiện rất thanh tịnh là Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát.
Khi Bồ Tát chứng đắc Đại Bồ Đề, các hữu tình sống lâu, bền vững, giàu có, phạm hạnh, nói năng chân thật, nói lời hòa nhã, quyến thuộc không xa lìa nhau đến sanh vào cõi của Bồ Tát ấy.
Này các Thiện Nam! Như vậy nếu Bồ Tát tùy theo sự phát tâm Bồ Đề thì ý lạc được thuần tịnh. Nếu tùy theo ý lạc thuần tịnh thì được gia hành hoàn hảo.
Nếu tùy theo gia hành hoàn hảo thì ý lạc tăng trưởng, nếu theo ý lạc tăng trưởng thì được dừng lại nếu theo sự dừng lại thì được phát khởi.
Nếu theo sự phát khởi thì được hồi hướng.
Nếu theo sự hồi hướng thì được tịch tịnh.
Nếu theo sự tịch tịnh thì hữu tình thanh tịnh.
Nếu theo hữu tình thanh tịnh thì có Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Nếu theo Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh thì có giáo pháp thanh tịnh.
Nếu theo giáo pháp thanh tịnh thì có diệu phước thanh tịnh.
Nếu theo diệu phước thanh tịnh thì có diệu huệ thanh tịnh.
Nếu theo diệu huệ thanh tịnh thì có diệu trí thanh tịnh.
Nếu theo diệu trí thanh tịnh thì có diệu hạnh thanh tịnh.
Nếu theo diệu hạnh thanh tịnh thì có tự tâm thanh tịnh.
Nếu theo tự tâm thanh tịnh thì có các diệu công đức thanh tịnh.
Này các Thiện Nam! Thế nên muốn siêng năng tu Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ Tát thì trước tiên nên dùng phương tiện trang nghiêm thanh tịnh tâm chính mình.
Vì sao?
Vì nếu các Bồ Tát tâm trang nghiêm thanh tịnh thì đắc được Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Bấy giờ, nhờ oai thần của Đức Phật, Tôn Giả Xá Lợi Phất suy nghĩ: Do tâm Bồ Tát trang nghiêm thanh tịnh nên Cõi Phật cũng trang nghiêm thanh tịnh. Đức Thế Tôn của ta khi hành Bồ Tát hạnh vì tâm không trang nghiêm thanh tịnh nên Cõi Phật của Ngài tạp nhạp ô uế như vậy.
Biết tâm niệm của Tôn Giả, Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Ý ông thế nào?
Mặt Trời Mặt Trăng ở thế gian có bất tịnh không mà người mù không thấy?
Tôn Giả thưa: Bạch Thế Tôn! Không, đó là lỗi của người mù chứ chẳng phải do Mặt Trời Mặt Trăng.
Đức Phật dạy: Cũng vậy, vì lỗi của chúng sanh nên không thấy Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Thế Tôn, chứ chẳng phải do lỗi của Như Lai.
Này Xá Lợi Tử! Cõi trang nghiêm thanh tịnh của ta, ông không thấy được đâu.
Khi ấy, Trì Kế Phạm Vương nói với Xá Lợi Tử: Ngài đừng nghĩ rằng Cõi Phật ấy không trang nghiêm thanh tịnh.
Vì sao?
Vì Cõi Phật ấy rất trang nghiêm thanh tịnh.
Xá Lợi Tử hỏi: Này Đại Phạm Thiên Vương! Cõi Phật ấy trang nghiêm thanh tịnh thế nào?
Trì Kế Phạm thưa: Thưa Ngài Xá Lợi Tử! Giống như Cung Trời Tha Hóa Tự Tại, có vô lượng báu công đức trang nghiêm. Tôi thấy Cõi Trang Nghiêm Thanh Tịnh của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cũng có vô lượng công đức trang nghiêm như vậy.
Xá Lợi Tử nói: Này Đại Phạm Thiên Vương! Tôi thấy cõi ấy đất đai lồi lõm, gò đồi, hầm hố, gai góc, cát sỏi, đất đá, núi non đầy dẫy ô uế.
Trì Kế Phạm thưa: Thưa Đại Tôn Giả! Vì tâm có cao thấp không trang nghiêm thanh tịnh mà nói rằng trí huệ ý lạc của Đức Phật như vậy cho nên thấy Cõi Phật không trang nghiêm thanh tịnh.
Nếu các Bồ Tát đối với hữu tình có tâm bình đẳng công đức trang nghiêm, nói trí huệ ý lạc của Đức Phật cũng vậy thì thấy Cõi Phật ấy rất trang nghiêm thanh tịnh. Biết đại chúng nghi ngờ, Đức Thế Tôn liền nhấn ngón chân xuống đất.
Tức thời hiện vô lượng trăm ngàn diệu bảo trang nghiêm trong ba ngàn đại thiên Thế Giới giống như Cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của Phật Công Đức Bảo Trang Nghiêm. Cả đại chúng khen ngợi chưa từng có và đều tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Xá Lợi Tử: Ông có thấy Cõi Phật Chúng Đức Trang Nghiêm Thanh Tịnh kia không?
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Sự việc này xưa con chưa từng thấy, chưa từng nghe Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh hiện lên như vậy.
Thế Tôn dạy Xá Lợi Tử: Cõi Phật của ta cũng thanh tịnh như vậy. Vì muốn làm thành thục các hữu tình thắng liệt, mà thị hiện vô lượng cõi tạp nhạp ô uế.
Này Xá Lợi Tử! Tam thiên đại thiên đều ăn bằng bát báu, nhưng tùy theo nghiệp của họ mà nhận lấy thức ăn có khác nhau.
Cũng vậy, này Xá Lợi Tử! Vô lượng hữu tình sanh vào một Cõi Phật. Tùy theo tâm của họ tịnh hay uế mà thấy có khác nhau. Nếu tâm người tịnh thì thấy cõi ấy có vô lượng công đức diệu bảo trang nghiêm.
Ngay lúc Phật hiện Cõi Trang Nghiêm Thanh Tịnh ấy thì năm trăm Đồng Tử đi theo bảo tánh đắc vô sanh pháp nhẫn. Tám vạn bốn ngàn hữu tình phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền thâu nhiếp thần túc và Thế Giới ấy trở về như cũ. Ba vạn hai ngàn Chư Thiên và người cầu Thanh Văn thừa liền biết pháp hữu vi đều là vô thường, xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Tám ngàn Tỳ Kheo lìa hẳn các lậu, tâm hoàn toàn giải thoát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Bảo Võng - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tu Hành Bản Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Sáu Năm Tinh Cần Khổ Hạnh