Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Giận Dữ - Tập Hai
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI
PHẨM GIẬN DỮ
TẬP HAI
Ngu nói không sức, quán pháp cũng thế: Người ngu tâm trí tối tăm, không xét sự việc sẽ xảy đến. Người tranh chấp cứ mãi tranh chấp, chưa có sự hòa giải, còn thường hòa thì không có lời tranh cãi. Người trí xét thấy không nên tranh cãi, vì có tranh cãi thì chắc chắn có tổn hại. Dù được khen ngợi là kẻ chiến thắng, nhưng đâu bằng lúc đầu chưa tranh chấp.
Cho nên nói:
Ngu nói không sức,
Quán pháp cũng thế.
Nếu ngu thắng trí
Nói lời thô ác
Muốn thường chiến thắng
Phải nên im lặng.
Nếu ngu thắng trí, nói lời thô ác: Thường làm bạn với người xấu, phá hoại người lành tốt, nói ra thì toàn lời ác, cả ngày không làm được một điều lành, điều ác này nối tiếp điều ác kia, tội lỗi chất cao như núi. Đồng loại khen ngợi, ai cũng giành phần thắng, như thế thì gọi là xấu xa dơ bẩn, không đến nơi rốt ráo.
Cho nên nói: Kẻ ngu thắng bậc trí, nói lời thô lỗ, độc ác.
Muốn thường chiến thắng, phải nên im lặng: Bậc Hiền Thánh im lặng được người trí khen ngợi. Kẻ ác đến làm hại mình cũng không lấy đó làm buồn, nếu được danh vọng, yêu thương cũng không lấy đó làm vui. Ai mắng chửi, không mắng chửi lại, thực hành nhẫn nhục làm chính. Nếu bị ai đánh đập thì cũng im lặng chịu đập chứ không đánh trả lại.
Cho nên nói:
Muốn thường chiến thắng,
Phải nên im lặng.
Phải tu lời người trí
Không kết bạn với ngu
Chịu đựng lời thô bỉ
Nên nói nhẫn trên hết.
Phải tu lời người trí: Quán sát kẻ hơn mình, cẩn thận không làm trái lời người ấy dạy bảo. Không tranh chấp với người thấp hèn, huống gì tranh chấp với người hơn mình. Làm như vậy là không đúng.
Vì sao?
Vì người trí đáng được tôn trọng, là người cao thượng, không có lỗi lầm.
Cho nên nói: Phải tu lời người trí.
Không kết bạn với ngu: Bởi cùng loại hút nhau, bạn lành đi với bạn lành, bạn ác chơi với bạn ác. Người lành nghe nói kẻ ác thì tránh đi. Kẻ ác nghe điều lành thì hủy báng. Chư Phật, Hiền Thánh và các vị đắc đạo đều khen ngợi công đức của việc không tranh chấp.
Cho nên nói: Không kết bạn với ngu.
Chịu đựng lời thô bỉ: Kẻ xấu ác không biết quý trọng than mình nên bị người khác ghét bỏ. Tánh hạnh hạng người này luôn bạo ngược hung ác, nếu tranh chấp với họ thì bị mọi người chê cười. Như thế họ đã tự làm nhục mình, bạn bè không khen ngợi, bị mọi người chê trách.
Tại sao đem thân vàng ngọc đổi với gạch đá?
Ấy là người trí nhẫn nhịn làm thinh.
Cho nên nói: Chịu đựng lời thô bỉ.
Nên nói nhẫn trên hết: Bậc Hiền Thánh đầy đủ các thứ nghiệp. Các căn lành vô lậu đều đã đầy đủ.
Thấy ai làm chuyện dơ bẩn thì tự giữ gìn tâm mình và nghĩ: Nay ta đâu thể giống với kẻ ấy được?
Được gặp vô số Bậc Thánh là cũng nhờ nhẫn. Đêm ngày phòng bị đầy đủ như sống trong lửa cháy. Ý niệm tu thiện mỗi ngày muốn thêm nhiều, các lỗi xấu mỗi ngày một giảm, cho đến khi hết hẳn.
Cho nên nói:
Nhẫn nhục là trên hết.
Khi giận chớ buông lời
Trong chúng như chỗ vắng
Người giận như lửa cháy
Hoàn toàn không tỉnh biết.
Khi giận chớ buông lời: Ta có thân này là bởi chứa nhóm vô số hạnh nghiệp mới được. Đã được thân người với thiệt căn đầy đủ, thường phải khen ngợi Phật, Pháp, Tăng, Thánh Chúng, hầu hạ cha mẹ, tôn kính thầy học.
Đêm ngày tụng tập Khế Kinh sâu xa mầu nhiệm, vì sao?
Vì Đức Phật có thí dụ rằng: Lưỡi là thanh kiếm, cây kích vời lấy tai họa. Bởi lưỡi mỉa mai, châm chọc mà đến nỗi họ hàng bị tận diệt. Lưỡi có mười tên, lời nói đặc biệt, khác lạ. Được người tôn trọng, giao nhiệm vụ cũng bởi lời nói mà ra.
Cho nên nói: Khi giận dữ chớ nên buông lời.
Trong chúng như chỗ vắng: Người tu học phải thường cẩn thận giữ gìn lỗi của miệng. Dù ở trong đại chúng hay ở nơi vắng vẻ, khi nói phải mềm mỏng, không gây tổn thương ý người khác.
Lời nói phải rào đón trước sau hợp lý, không gây phiền phức nặng nề cho mọi người cho nên nói: Ở trong chúng như ở chỗ vắng vẻ.
Người giận như lửa cháy, hoàn toàn không tỉnh biết: Như kẻ xấu ác, thường thích nổi giận, họ bị giận dữ che đậy nên không tự thấy được mình, họ chỉ tự làm ô nhục, tổn hại cho mình, không có ích lợi cho đời. Tự bị ràng buộc trong cáu ghét, không tự tẩy rửa được. Một ngày làm ác là chứa nhóm tai ương cho nhiều kiếp, huống là trọn đời làm ác, mà mong chứng được đạo quả, thì không bao giờ được.
Cho nên nói:
Người nóng giận như lửa cháy,
Hoàn toàn không tỉnh biết.
Đế thật bảo, chớ nóng giận
Ai xin, nghĩ bố thí
Ba nghiệp có chỗ định
Tự nhiên sống trên Trời.
Đế lời chân thật bảo: Chớ nóng giận: Người tu hành chí thành thì được mọi người cung kính, được mấy ngàn muôn người nhớ nghĩ, công đức ấy đều do không tức giận mà có.
Ai xin, nghĩ bố thí: Lòng không bỏn sẻn, nên có ai đến xin đều thí cho không trái ý họ. Đó gọi là người rộng mở cõi lòng.
Người đến xin không vì tham cầu, gieo duyên đời sau, khi duyên lành chứa nhóm đầy đủ, thì tự nhiên chứng được đạo thánh.
Cho nên nói: Ai đến xin thì nghĩ bố thí.
Ba nghiệp có chỗ định, tự nhiên sống Cõi Trời: Ba nghiệp làm những việc không tội lỗi thì chắc chắn được sinh lên Cõi Trời hay cõi người.
Qua lại, xuống lên đều không sinh nơi thấp hèn. Giống như có người dạo chơi từ nơi này sang chốn nọ, từ khu vườn này sang khu vườn khác, năm thứ dục lạc vui chơi, không bao giờ lo buồn. Người này đã đóng cửa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mở đường tắt giữa Cõi Trời, cõi người, tiến tu công đức, mau đến vô vi.
Cho nên nói:
Ba nghiệp có chỗ định,
Tự nhiên sống trên Cõi Trời.
Dứt ý đâu còn giận
Tự xét sống trong sáng
Đẳng trí định giải thoát
Biết rồi không còn giận.
Dứt ý đâu còn giận: Người học dứt ý, hàng phục những ý nghĩ thô tục, xấu xa, tâm như tro lạnh, thân như cây khô. Thấy vui mừng trước mắt không hề để lòng. Tâm như ngọn núi sáng rỡ, không thể lay động.
Cho nên nói: Ý đã dứt thì đâu còn giận.
Tự xét sống trong sáng: Người tu học tự xét, tự nuôi mạng sống mình, thường lấy vô lậu để tự làm đẹp, tự giữ gìn, không tham đắm vinh hoa ở đời.
Cho nên nói: Tự xét mình, sống trong ánh sáng.
Đẳng trí định giải thoát, biết rồi không còn giận: Người tu hành thực hành bình đẳng giải thoát chứ không thực hành vô đẳng giải thoát, vì vô đẳng giải thoát là chỉ cho người đã dứt bỏ ái dục trong đời. Người bình đẳng giải thoát thì không bao giờ còn giận dữ. Tất cả bợn nhơ của kết sử giận dữ đã được dứt bỏ hẳn.
Cho nên nói:
Đẳng trí định giải thoát,
Biết rồi không còn giận.
Hễ người làm ác
Giận có báo giận
Giận không báo giận
Thắng, khiêu chiến thua.
Hễ người làm ác, giận có báo giận: Hễ người làm ác thì đôi bên đều chịu tai ương, giống như lửa đồng, đi về phía trước thì bị cháy. Trước có giận dữ rồi mới sinh ra giận dữ, trước có tâm ác rồi mới sinh ra tâm ác.
Cho nên nói: Hễ người làm ác, giận có báo giận.
Giận không báo giận, thắng khiêu chiến thua: Ngày xưa, vua Ba Tư Nặc nuôi dưỡng các binh nô. Lần nọ, vua sai họ đi đánh nước khác. Nhờ giỏi về cách chiến đấu nên họ đến đánh xứ nào cũng đều chiến thắng.
Sau khi họ ra đi, vợ con họ bèn thỉnh các đạo nhân đến cúng dường để cầu nguyện. Các thầy nói pháp nhiệm mầu cho họ nghe, họ đều chứng quả Tu Đà Hoàn.
Sau đó, những người đi đánh giặc trở về, vợ họ bảo: Sau khi chàng đi đánh giặc, chúng tôi thỉnh các đạo nhân đến cúng dường để cầu nguyện. Cầu nguyện cho các chàng an ổn sớm trở về. Các đạo nhân ấy có giảng pháp cho bọn thiếp nghe, bọn thiếp đều đã chứng quả Tu Đà Hoàn. Vậy các chàng cũng nên thỉnh các Thầy.
Các chàng trai liền nghe lời vợ thỉnh các đạo nhân đến cúng dường, nói pháp. Các chàng trai này cũng chứng quả Tu Đà Hoàn.
Thời gian sau, quân giặc lại xâm lấn biên giới. Vua ra lệnh cho các chàng trai này phải đi đánh giặc.
Các chàng trai nghe lệnh ấy, trong tâm suy nghĩ: Chúng ta đều đã chứng được đạo đế, từ bi thương xót tất cả, không làm hại các loài chúng sinh.
Thế thì làm sao chúng ta có thể đến đó để đánh giết bọn giặc kia?
Rồi họ lại suy nghĩ: Nếu không tuân lệnh vua thì phải tội chết mà còn lien lụy đến vợ con. Vậy ta thà ra trận mà chết hơn là chết ở đây them hại cho vợ con.
Rồi họ liền lên xe, xông thẳng ra chiến trận. Các vị Trời, Rồng cảm ứng, khiến quân giặc bị phá tan. Các vị này bình yên trở về. Vua hết sức vui mừng, từ đó bốn phương thanh bình.
Cho nên nói:
Giận không quả báo giận,
Thắng khiêu chiến thua.
Nhẫn thắng oán thù
Thiện thắng bất thiện
Người thắng bố thí,
Chân thành thắng dối.
Nhẫn thắng oán thù: Thuở xưa, Vua A Xà Thế nhóm tập họp bốn thứ binh qua đánh thành Xá Vệ. Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc cũng nhóm họp bốn thứ binh, xua quân ra ngoài thành chiến đấu, phá tan quân giặc, bắt sống Vua A Xà Thế.
Vua đến chỗ Thế Tôn, bạch rằng: Con của người chị con là A Xà Thế phản nghịch, vô đạo, sinh khởi ác ý đem quân đến đánh phá đất nước con. Vốn không thù oán lại sinh thù oán. Vốn không chiến tranh tự sinh ra chiến tranh. Nay con tha tội, thả A Xà Thế cho về nước.
Vì sao?
Bởi nể tình người chị nên tha cho hắn.
Cho nên nói: Nhẫn nhục thắng oán thù.
Thiện thắng bất thiện: Người không có công đức mà thích khoe khoang rằng: Tôi hiểu biết nhiều, anh hiểu biết ít, thật sự không có kỹ thuật mà nói là mình có. Thật sự không có phương lược gì mà nói dối rằng mình biết nhiều phương lược. Đến khi gặp việc thì quay mặt trốn lánh như trùng dế nhủi đầu xuống đất, còn khi thấy người tài giỏi thì họ đứng chết trân như đống thịt, không có thần thức.
Cho nên người hiểu biết khuyến khích người chứa nhóm sự tu học. Sự tu học là ngôi nhà quý báu của tinh thần, tâm ý tự tại, thấu suốt mọi điều, cũng nhờ sự tu học mà được đầy đủ. Đến như xây dựng đất nước, phép tắc cai trị đúng sai, cũng nhờ sự học vấn.
Cho nên nói: Thiện thắng bất thiện.
Người thắng bố thí: Thắng chính là chiến thắng tâm bỏn sẻn tham lam kia. Ai không có căn bản đạo đức thì ưa ganh hiền ghét đức. Thấy ai bố thí thì tiếc giùm của cải.
Thường nghĩ rằng: Ta cho kẻ ấy, không biết sau này ta có trông mong được gì ở họ không?
Chỉ người nào có niềm tin thì mới thực hành bố thí được, họ không lựa chọn, không mong cầu quả báo, kẻ đến xin đứng chật cửa vẫn không hạn chế, người khắp nơi tụ họp đến cũng không tiếc dù một chút nhỏ.
Cho nên nói: Người thắng nên bố thí.
Chân thành thắng dối: Người tu hành chân thật thì dòng họ bà con đều được khen ngợi, mọi nơi đều hay biết, còn kẻ nói dối thì ai cũng không thích thấy, ai cũng chán ghét.
Cho nên nói:
Chân thành thắng dối trá.
Không giận dữ, không hại
Luôn nghĩ hạnh chân thành
Kẻ ngu tự sinh giận
Thường có sự kết oán.
Không giận dữ, không hại, luôn nghĩ hạnh chân thành: Người tu hành biết thời, biết pháp, nơi nào nên tránh né thì biết mà né tránh, nơi nào nó thể tới thì biết mà tới. Lời nói chân thành, không dối gạt ai nên được mọi người kính trọng.
Cho nên nói: Không giận dữ, không gây hại, luôn nghĩ tu hạnh chân thành.
Kẻ ngu tự sinh giận, thường có sự kết oán: Thói quen của người ngu thì đứng đầu là giận dữ. Giận dữ ở trong lòng, chưa hề xả bỏ, như đục chữ trên đá, từng nét rõ ràng, không bị gió mạnh xóa nhòa.
Cho nên nói:
Kẻ ngu tự sinh giận dữ,
Thường có sự kết oán.
Tự ngăn cơn giận
Như dừng xe chạy
Là đánh xe giỏi
Bỏ tối ra sáng.
Tự ngăn cơn giận, như dừng xe chạy: Giận dữ phát sinh liền dập tắt, đó gọi là kẻ có sức mạnh trong loài người. Như xe ngựa đang chạy mau, người đánh xe có khả năng làm cho ngừng lại. Đó là người đánh xe giỏi.
Cho nên nói: Tự ngăn cơn giận, như dừng xe chạy.
Đó là người đánh xe giỏi, bỏ tối bước ra sáng: Người đánh xe giỏi ở đây, không phải chỉ cho người giỏi đánh xe cộ hay người nài voi giỏi mà chính là người tự giữ ý niệm, không để phân tán, lắng tâm không khởi, chí hướng đến vô vi, không đắm mê phiền lụy cuộc đời. Vì mọi người mà vị ấy nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, làm ruộng phước tốt, đáng kính, đáng quý, là bậc cao cả nhất xứng đáng cúng dường.
Cho nên nói:
Là người đánh xe giỏi,
Bỏ tối bước ra ánh sáng.
Sa Môn và đạo
Làm thế: Ái, niệm
Tạp, thủy, hoa, hương
Ngựa, giận là mười.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xá La Bộ
Phật Thuyết Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Hai - Phẩm Như Lai Tánh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Mười Ba - Nói Về Tám Pháp