Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Song Yếu - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM SONG YẾU  

TẬP MỘT  

Đom đóm chiếu đêm tối

Là khi trời chưa mọc

Nhưng khi mặt trời lên

Thì đom đóm tắt mất.

Quán xét ý nghĩa này nên Đức Như Lai nêu ra thí dụ để người đời sau hiểu rõ việc ấy. Giống như con đom đóm ở chỗ tối thì ánh sáng của chúng soi thật xa, nó cho rằng không con gì soi sáng bằng mình. Nhưng sau khi mặt trời mọc lên ở phương Đông với trăm ngàn tia sáng thì lúc đó không còn đom đóm sáng nữa.

Ánh sang chúng rút lui im lặng.

Cho nên nói:

Đom đóm chiếu đêm tối,

Là khi trời chưa mọc,

Nhưng khi mặt trời lên

Thì đom đóm tắt mất.

Xét ánh sáng trong đời

Như Lai chưa ra đời

Phật phát sáng rực rỡ

Thì sáng kia không còn.

Hạnh tu của ngoại đạo Phạm Chí khác nhau. Có người biết được đôi điều là nhờ suy xét, nhờ nhập định. Hoặc có người nghe dạy bảo mà tỉnh ngộ. Ba hạng ấy, tự khoe khoang cho rằng mình là tôn quý.

Vì sao?

Vì bởi Như Lai chưa ra đời. Nhưng khi Như Lai giáng thần vào cõi đời, phát ánh sáng rực rỡ giáo hóa cùng khắp thì khi đó, ngoại đạo Phạm Chí tự nhiên tiêu mất.

Đạo của họ không còn lưu hành, cũng không còn oai thần.

Cho nên nói:

Đom đóm chiếu sáng đêm tối,

Là khi mặt trời chưa mọc,

Nhưng khi mặt trời lên

Thì đom đóm tắt mất.

Không chắc cho là chắc

Bền chắc, nghĩ không bền

Họ không đạt bền chắc

Do sinh khởi tà kiến.

Không chắc cho là chắc: Các loài chúng sinh luyến mến sinh tử, hoặc tự sinh ý nghĩ muốn sống mãi ở thế gian, đắm mê năm thứ dục lạc, để tự vui chơi, cho là bền chắc.

Cho nên nói: Không chắc cho là chắc.

Bền chắc, nghĩ không bền: Hạng tà kiến cố chấp lâu đời, họ truyền trao nhau và phát triển luận thuyết ấy. Họ lén nghe nhà Phật nói Niết Bàn là không sinh diệt, không còn ý nghĩ sinh diệt, không có hát ca nhảy múa, hay bà con họ hàng gì hết, cũng không có vườn cây ao tắm, tới lui qua lại.

Không có những thứ ấy thì có gì bền chắc đâu?

Đức Phật bảo: Không phải vậy.

Hạng người này tâm điên đảo tà vạy chưa dứt bỏ. Không có gì bền chắc hơn Niết Bàn.

Hạng ấy lại chê khinh cho Niết Bàn là không bền chắc.

Cho nên nói: Bền chắc nghĩ không bền.

Họ không đạt bền chắc, do sinh khởi tà kiến: Niết Bàn dứt hết phiền não, không có các thứ tại họa, vắng lặng, vô vi, ngưng thần, bất động, cũng không biến đổi, người ngu không hiểu cho là không chân thật.

Cho nên nói:

Họ không đạt bền chắc,

Do sinh khởi tà kiến.

Bền chắc, biết bền chắc

Không bền, biết không bền

Người ấy tìm bền chắc

Lấy sửa mình làm gốc.

Nếu ai hiểu Niết Bàn dứt hết phiền não không sinh, không diệt, cũng không lừa gạt, gian dối người đời, là ngôi nhà nghỉ ngơi vĩnh viễn của Chư Phật, Thế Tôn. Nếu có người bước vào ngôi nhà đó hết sức quý mến ngôi nhà ấy thì nó cũng không vui lên. Ai chê bai tàn tệ thì nó cũng không buồn.

Nó lánh xa những tà kiến khác lạ, không đi chung đường với tà chấp. Nó thăm thẳm bao la như thái hư dứt hẳn không còn sinh khởi. Nó là nơi người trí yêu mến, không phải là pháp mà kẻ ngu tu tập được. Muốn tới ngôi nhà ấy, chỉ phải đi bằng đường tắt bát chánh. Phải vượt qua mười hai sườn núi lớn để vượt qua bên kia bờ sinh tử đầy hiểm nguy, để tinh thần lặng yên vô vi.

Liếc mắt nhìn sự khổ đau thăm thẳm, khổ thay, ngu hoặc cứ lan tràn.

Cho nên nói:

Bền chắc biết bền chắc,

Không bền biết không bền.

Người ấy tìm bền chắc,

Lấy sửa mình làm gốc.

Kẻ ngu cho bền chắc

Lại bị chín kết buộc

Như chim sa vào lưới

Do ái nhiễm sâu chắc.

Kẻ ngu cho bền chắc: Người ta ở tâm ngu mê khó sửa đổi. Có kẻ nói thân này là bền chắc. Có kẻ bảo kết sử vốn bền chắc, đối với những thứ ấy sinh ý tưởng không phân biệt được đâu là chân, đâu là giả.

Có người dù đã xuất gia học đạo, nhưng vẫn làm những việc tà vạy.

Cho nên nói: Kẻ ngu cho bền chắc.

Lại bị chín kết buộc: Người tu đạo phải lìa bỏ gia đình, nhưng lại gặp phải ác tri thức chỉ dạy đường tà nên vừa bỏ trói buộc cũ thì lại bị trói bằng chín kết sử. Khác nào con Ngài đâm đầu vào lửa mà không biết hậu hoạn, ấy là bởi ái nhiễm quá sâu chắc.

Cho nên nói: 

Lại bị chín kết buộc,

Như chim sa vào lưới,

Do ái nhiễm sâu chắc.

Nhiều kẻ còn ngờ vực

Đời này và đời sau

Thiền định dứt được hết

Không não, tu phạm hạnh.

Nhiều kẻ còn ngờ vực: Người tu hành quán tưởng thây ma tuôn chảy chất bất tịnh, dứt bỏ tâm nghi ngờ, ganh ghét. Nghe pháp thì được lòng tin, không còn phải suy nghĩ.

Cho nên nói: Nhiều kẻ còn ngờ vực.

Đời này và đời sau: Đời này là thân hiện tại, đời sau là thân sau. Nay là hiện giờ, sau là đời sau.

Đối với đời này đời sau không sinh tâm hồ nghi do dự, tương ưng với định ý.

Cho nên nói: Đời này và đời sau.

Thiền định dứt được hết: Người nhập định, tâm ý vững chắc, dứt bỏ hết phiền não, không sinh khởi ý tưởng đắm trước.

Cho nên nói: Thiền định dứt được hết.

Không não, tu phạm hạnh: Không bị kết sử làm phiền não, giữ ý trong sạch, tâm thường nhất như. Cội gốc công đức đã tu vượt hơn mọi người.

Cho nên nói:

Không não, tu phạm hạnh.

Không nhiễm trần, lìa trần

Giữ gìn y phục ấy

Không chế ngự không đến

Đó không phải pháp phục.

Người tu đạo thường có tâm ô nhiễm bởi chưa dứt bỏ tâm dâm, nộ, si. Dù mặc Ca Sa nhưng không dứt bỏ ba độc. Thế nên không đến được đạo.

Cho nên nói: Không nhiễm trần, lìa trần.

Giữ gìn y phục ấy: Chỉ có Bậc Thánh Hiền ngăn chặn mọi điều ác mới xứng đáng mặc y phục chân pháp.

Không phải bộ y phục ấy thì không mặc.

Cho nên nói:

Giữ gìn y phục ấy,

Không chế ngự không đến,

Đó không phải pháp phục.

Nếu dứt trừ bợn nhơ

Tu giới, định, tuệ thảy

Suy nghĩ nghiệp chính ấy

Thì nên mặc Ca Sa.

Nếu dứt trừ bợn nhơ, tu giới, định, tuệ thảy: Người tu học dứt trừ bợn nhơ là chính, ba độc kết sử, hết hẳn không còn sót. Dù chứng La Hán mà không nhập định ý, nên vô ký xảy ra mới biết mình sai lầm. Phải tu giới, trừ cấu uế, không để mất tâm đạo.

Cho nên nói: Nếu dứt trừ bợn nhơ, tu giới, định, tuệ thảy.

Suy nghĩ nghiệp chính ấy, thì nên mặc Ca Sa: Người nhập định chắc chắn có lợi ích. Những gì tâm suy nghĩ đều đạt kết quả.

Các Trời, Người, Thiên ma, Đế Thích, Phạm vương, bốn vị Vua Trời ai cũng tôn kính phụng thờ.

Cho nên nói:

Suy nghĩ nghiệp chính ấy,

Thì nên mặc Ca Sa.

Không dùng lời mềm mỏng

Gọi là có chỗ đến

Người có bộ mặt đẹp

Nhưng trong lòng gian dối.

Không dùng lời mềm mỏng, gọi là có chỗ đến: Ở thế gian có nhiều người nói năng với người khác trong tâm đầy gian trá nhưng bên ngoài làm ra vẻ ngu khờ.

Cho nên nói: Không dùng lời mềm mỏng, gọi là có chỗ đến.

Người có bộ mặt đẹp, nhưng trong lòng có gian dối: Thuở xưa, Vua Ba Tư Nặc, khi đi dạo cảnh, thấy có hai vị Phạm Chí học đạo gian khổ. Họ thờ mặt trời, mặt trăng, cúng tế nước lửa.

Thấy vậy, Vua liền đến chỗ Phật, bạch: Bạch Thế Tôn, con vừa dạo chơi, thấy hai vị Phạm Chí học đạo kham khổ thật khó ai sánh kịp.

Đức Phật bảo Vua: Muốn biết người tu công đức, giữ giới vẹn toàn ra sao thì phải sống chung, xem xét kỹ oai nghi cử chỉ của họ, tìm xem những lời nói như thế nào, rồi sau đó mới biết là họ có giữ giới hay không giữ giới.

Nghe lời ấy, Vua thấy hổ thẹn liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trán lạy sát chân Phật rồi ra về.

Khi trở về cung điện, Vua bảo vị quan đang đứng hầu: Ngươi hãy mau đến gọi hai vị Phạm Chí, hiện ở sau vườn ta đến đây, để ta quan sát họ, để suy xét coi họ tu khổ hạnh cầu đạo có thật hay là làm chuyện dối trá, không hợp lý.

Vâng lời, vị quan liền đi mời hai vị kia đang ở sau vườn. Ở trên lầu cao vua theo dõi hành động của họ. Vua nhận ra, họ chỉ hành đạo một cách dối trá. Vua cùng hổ thẹn ăn năn. Từ đó, long tin thêm vững, vua càng ưa thích đạo Phật.

Vua liền ra lệnh cho cả nước biết: Nếu ai cung cấp thờ phụng bọn ngoại đạo dị học thì đều bị tru lục, không được tự do.

Vua đến chỗ Phật, lễ lạy sát chân Phật, ăn năn lỗi lầm cũ, từ nay trở đi, cung kính cúng đường Tam Bảo bốn thứ cần dùng, cho đến trọn đời, không trái lời thệ ấy.

Cho nên nói:

Người có bộ mặt đẹp,

Nhưng trong lòng gian dối.

Nếu dứt bỏ cấu uế

Nhổ hẳn cội gốc nó

Người trí dứt cấu uế

Gọi là có sắc đẹp.

Nếu dứt bỏ cấu uế, nhổ hẳn cội gốc nó: Người đời thường có tâm gian dối.

Có kẻ đi tu mặc pháp phục nhưng bên trong làm những việc không chân chánh. Ai dứt bỏ được những điều ấy mới tương ưng với đạo.

Cho nên nói: Nếu dứt bỏ cấu uế, nhổ hẳn cội gốc nó.

Người trí dứt cấu uế, gọi là có sắc đẹp: Người trí tu pháp phải tương ưng với đạo. Không làm những việc không đúng pháp thì người tu quý trọng.

Sắc mặt người trí sáng sủa, mọi người kính trọng.

Cho nên nói:

Người trí dứt cấu uế,

Gọi là có sắc đẹp.

Không bởi sắc chải chuốt

Nhìn qua biết lòng người

Đời, nhiều kẻ trái đạo

Chơi bời khắp đó đây.

Như vòng bằng vàng giả

Trong đó, toàn chất đồng

Sống không biết kiêng dè

Trong bẩn, ngoài bất tịnh.

Không bởi sắc chải chuốt, nhìn qua biết lòng người: Ở đời có nhiều người ham chải chuốt nhan sắc. Khi nói chuyện với người thì lời hay ý đẹp, nhưng bên trong thì giả dối, tâm nghĩ và miệng nói khác nhau.

Tuy cùng là người, nhưng tánh hạnh mỗi người khác nhau, bên ngoài như Bậc Hiền, nhưng bên trong nhiều hiểm độc, nên khi mới gặp thì khó phân biệt được người hiền, kẻ ngu. Như ban đêm thấy lửa, từ xa thấy ánh sáng nhưng khi đến cầm nắm thì bị cháy tay.

Đây cũng như vậy, là bên ngoài có dáng đẹp nhưng bên trong lửa giận dữ đang cháy.

Cho nên nói: Không bởi sắc chải chuốt, nhìn qua biết lòng người.

Đời, nhiều kẻ trái đạo, chơi bời khắp đó đây: Kẻ ngu đời sau càng nhiều xảo trá, đi đến hủy báng Bậc Thánh Hiền. Gian dối muôn thứ, lừa dối người đời. Nói năng với người nhưng sắc mặt không ngay thẳng.

Nói ra là thành thơ, biện luận vô ngại, dám làm chuyện trái ngược giữa chốn đông người, ai nhìn cũng phủi mắt.

Cho nên nói: Đời, nhiều kẻ trái đạo, chơi bời khắp đó đây.

Như vòng bằng vàng giả, trong đó, toàn chất đồng: Kẻ xảo trá có nhiều mưu kế. Chúng dùng khói xông đồng, còn đẹp hơn vàng ròng, lừa dối người đời tham lam tài vật. Do vậy, Như Lai nêu ra thí dụ này. Như kẻ làm vàng giả kia gom về nhiều lợi, kẻ gian trá cũng giống như vậy.

Họ dùng lời ngon ngọt khuyến dụ đàn việt, để được bốn thứ cúng dường, không thiếu thốn về y phục, ăn uống, giường nằm, thuốc trị bệnh. Dù được sự cúng dường ấy, nhưng sau đó phải đền bồi, bị uống nước đồng sôi, chịu khổ não lâu dài, tội vẫn chưa hết.

Cho nên nói: Như vòng bằng vàng giả, trong đó, toàn chất đồng.

Sống không biết kiêng dè, trong bẩn, ngoài bất tịnh: Như bọn gian trá kia, chúng cùng vây cánh đi khắp đó đây, ai thấy cũng kính trọng. Nhưng bọn cướp bạo ngược, chúng phá hoại nhiều làng xóm, nên rồi ai nấy biết chúng không phải người chân chánh.

Cho nên nói:

Sống không biết kiêng dè,

Trong bẩn, ngoài bất tịnh.

Tham ăn không điều độ

Ba chuyển mình mới đi

Như heo nuôi trong chuồng

Thường phải chịu bào thai.

Tham ăn không điều độ phì nộn, ba chuyển mình mới đi: Như người ngu kia, đứng đầu trong chúng, nhận lãnh sự cúng dường của người, họ nuôi thân xác đến nỗi phì nộn quá mức, không thể xoay chuyển được. Còn đàn việt thí chủ thì thường xuyên kính lễ.

Người ngu giả vờ ngồi thiền tư duy, bởi vậy, được nhiều người cúng dường. Thế nên Đức Phật lấy chuyện này làm thí dụ, như heo được nuôi nằm ăn mãi, không cựa động, nó không biết ít lâu sau sẽ bị mổ thịt. Bỏ thân này, thọ thân khác nối tiếp không dứt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần